Thiên Chúa công bình hoặc luân tuất?

Thiên Chúa Cha giàu lòng thương xót, phải chăng đây mới là khuôn mặt đích thực của Thiên Chúa do Đức Kitô đã mặc khải cho chúng ta? Phải chăng những hình ảnh về Thiên Chúa là Thẩm phán công minh chính trực đã thuộc về Cựu ước chứ không còn thích hợp với Tân ước nữa?

 

Chúng ta đừng nên đối chọi giữa mặc khải Cựu ước với Tân ước kiểu như Đen với Trắng: Thiên Chúa của Cựu ước thì công minh nghiêm thẳng, còn Thiên Chúa của Tân ước thì khoan nhân thương xót. Trong các thế kỷ đầu tiên, Hội thánh đã phải đương đầu với lạc giáo của ông Markion, đòi loại trừ các sách Cựu ước ra khỏi Sách thánh Kitô giáo, nhưng các giáo phụ đã không chấp nhận chủ trương ấy. Hội thánh chấp nhận cả Cựu ước lẫn Tân ước và coi như một toàn bộ. Giữa hai giai đoạn có sự liên tục và sự tiến triển, bởi vì cả hai đều do cùng một nguồn gốc, do cùng một Thiên Chúa duy nhất. Đi vào vấn đề cụ thể mà chúng ta đang bàn, chúng ta thấy rằng trong Cựu ước đã có rất nhiều lời tuyên xưng lòng nhân từ của Thiên Chúa, qua điệp khúc gặp thấy trong các thánh vịnh, đặc biệt là thánh vịnh 136: “Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương”, hoặc như thánh vịnh 103: “Chúa là Đấng từ bi nhân hậu, Người chậm giận và giàu tình thương, chẳng trách cứ luôn luôn, không oán hờn mãi mãi. Người không cứ tội ta mà xét xử, Không trả báo ta xứng với lỗi lầm… Như người cha chạnh lòng thương con cái, Chúa cũng chạnh lòng thương xót kẻ kính tôn. Người quá biết ta được nhồi nắn bằng gì, hẳn Người nhớ: ta chỉ là cát bụi”.

 

Như vậy phải nói rằng trong Cựu ước đã có nói đến Thiên Chúa giàu lòng tình thương, và trong Tân ước cũng còn nói đến Thiên Chúa công bình, có đúng như vậy không?

 

Đúng như vậy. Đây là một điều xem ra mâu thuẫn đối với lý luận của chúng ta, bởi vì công bằng và lân tuất tương khắc nhau như nước với lửa. Thực vậy, ai mà thi hành công lý nghiêm minh thì khó mà tỏ ra lân tuất; còn ai mà rộng lòng lân tuất thì khó mà duy trì công bằng. Chúng ta đã có cảm nghiệm ấy ngay từ trong gia đình: người cha tượng trưng cho công bằng, còn người mẹ tượng trưng cho lân tuất. Nếu hai người biết hài hoà thì đỡ khổ cho con cái, nhưng mà không thể nào một người lại dung hoà cả hai đức tính được. Đó là cảm nghĩ thường tình. Nhưng nếu suy nghĩ kỹ hơn, chúng ta thấy vấn đề có nhiều góc cạnh sâu xa hơn. Trước hết, cần phải xác định lại khái niệm công bằng. Theo chị nghĩ, thế nào là công bằng?

 

Công bằng có nghĩa là có vay có trả. Mình mắc nợ ai thì phải trả lại sòng phẳng cho họ.

 

Đúng như vậy. Nếu tôi vay chị 100 ngàn đồng thì lẽ công bằng đòi tôi phải trả lại cho chị đủ 100 ngàn, không thêm không bớt. Nếu tôi đã thuê chị làm công nhật thì tôi phải trả tiền lương cho chị theo như hợp đồng, đó là công bằng. Tuy nhiên, đó mới chỉ là một khía cạnh của công bằng mà thôi, mà các nhà luân lý đặt tên là “công bằng trao đổi” (hay công bằng giao hoán). Bên cạnh thứ công bằng “có vay có trả” ấy, còn có một thứ công bằng khác nữa gọi là “công bằng phân phối”. Tiêu chuẩn ở đây không phải là ba cọc ba đồng, nhưng mà theo tỉ lệ phân phối. Ta lấy một thí dụ nho nhỏ ngay từ trong gia đình cho dễ hiểu. Để giữ công bằng, ta không thể đòi hỏi cha mẹ phải phát đồng đều tất cả mọi đứa con một bộ quần áo như nhau. Lý do tại vì con trai thì mặc kiểu khác, con gái thì mặc kiểu khác; đứa lớn thì cần bộ áo dài hơn là đứa nhỏ! Vì thế sự công bình đòi hỏi cha mẹ phải phân phát cho mỗi đứa con tùy theo nhu cầu của nó, tuy không nên thiên lệch thương đứa này bỏ đứa kia. Trên thực tế, chúng ta biết là không dễ gì mà cha mẹ có thể làm vừa ý hết mọi đứa con được! Dù có làm thế nào đi nữa thì cũng không tránh được sự ghen tị phân bì. Từ trong gia đình đi ra xã hội, vấn đề trở nên phức tạp gấp trăm ngàn lần, khi bàn tới vai trò của nhà cầm quyền phải phân phối cách quân bình những quyền lợi và nghĩa vụ cho các công dân, khi bổ thuế cũng như khi cung cấp dịch vụ.

 

Nhưng hơi đâu mà bàn chuyện chính trị làm gì. Chúng ta hãy trở lại vấn đề: Thiên Chúa công bằng hoặc lân tuất?

 

Không phải là tôi đi lạc đề, nhưng tôi chỉ muốn cho chị thấy rằng ý niệm về công bằng rất là phức tạp. Và chúng ta rất dễ gán cho Thiên Chúa những tâm tình bắt nguồn từ lối quan niệm hẹp hòi của chúng ta. Chúng ta hãy thử lấy thí dụ từ dụ ngôn quen gọi là đứa con hoang đàng thì sẽ rõ. Sau khi đứa em đã tiêu hoang hết tiền bạc rồi và trở về nhà, thì người cha phải xử thế nào cho hợp với công bằng?

 

Cho nó đi chăn heo theo như lời nó yêu cầu!

 

Tôi nghĩ rằng chỉ có đứa anh mới nghĩ như vậy là công bằng, chứ đứa em không nghĩ như vậy, và hàng xóm cũng không nghĩ như vậy. Nếu người cha cho đứa em đi chăn heo thì sẽ mang tiếng là tàn ác chứ không phải là công bằng nữa.

 

Còn khi người cha mở tiệc ăn mừng thằng con hoang, và ông ta không hề mở tiệc để thưởng đứa lớn, thì đâu có phải là công bằng?

 

Tôi cũng nghĩ như vậy. Tuy nhiên, chị có thể thấy rằng cùng một cử chỉ của người cha, nhưng mà một đứa con thì coi là công bằng còn đứa kia thì gọi là tàn ác; và cũng một hành vi của người cha mà một đứa con thì coi là lân tuất nhưng lại bị đứa kia trách là bất công. Đối với cách cư xử của Chúa cũng vậy: cùng một cách đối xử nhưng sẽ có người trách là bất công nhu nhược, nhưng lại được người khác ca ngợi là nhân từ. Trên thực tế, đa số các trường hợp mà chúng ta muốn trắc nghiệm sự công bằng của Chúa đều nằm trong phạm vi thưởng phạt. Và không có gì khó hơn việc đo lường sự thưởng phạt công bằng. Ngay trong ngôn ngữ hằng ngày chúng ta cũng khen một thẩm phán công minh chính trực, nhưng chúng ta không chịu nổi thẩm phán công thẳng nghiêm khắc. Nếu chúng ta trót dại phạm tội, thì chúng ta xin Chúa nhẹ tay khi phạt; nhưng khi đòi Chúa thưởng công thì chúng ta ước mong Chúa rộng rãi một chút. Đó là nói đến mối tương quan giữa bản thân chúng ta với Thiên Chúa; còn khi xét đến tha nhân, thì chúng ta mong cho Ngài thẳng tay trừng phạt những kẻ đã bóc lột ta, và đừng quá hoang phí thì phải ân thưởng cho họ.

 

Nhưng đó đâu có phải là cảm nghĩ cá nhân? Kinh thánh đã nhiều lần nói đến việc Chúa công minh khi xét xử, thưởng kẻ lành, phạt kẻ dữ đấy chứ?

 

Chúng ta đừng nên quên rằng các tác giả Sách Thánh cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ của văn hóa thời đại. Chính vì thế mà chúng ta có thể nói đến sự tiến triển từ Cựu ước sang Tân ước, tuy rằng chúng ta không nên đối chọi quá đáng, như đã nói ở đầu. Trong Cựu ước, nhiều lần người ta đã áp dụng một thứ thưởng phạt từ các toà án người đời cho Thiên Chúa, và người ta cho rằng Chúa cũng xử sự như con người. Chính vì thế mà không thiếu lần chúng ta gặp thấy trong Kinh thánh những lời cầu xin Chúa hãy báo oán cho các tín hữu, những kẻ vô tội bị áp bức.

 

Đâu có phải chỉ có con người xin Chúa báo oán các nỗi bất công. Chính Chúa cũng phạt tội lỗi mà con người đã xúc phạm đến Ngài.

 

Đúng như vậy. Nhưng chúng ta hãy cẩn thận, tránh giải thích Kinh thánh một chiều. Khi mở sách Sáng thế từ những chương đầu, chúng ta dễ bị gây ấn tượng bởi những hình phạt mà Chúa dành cho những ai lỗi luật của Ngài. Nguyên tổ phạm tội cho nên phải chết (St 3,16-23). Ông Cain giết ôngAbel, và máu của người em vô tội đã kêu thấu tận trời xin báo oán (St 4,11-12). Nhân loại phạm tội và Chúa đã tiêu diệt với lụt Hồng thủy (St 6,11-13). Thành phố Sôđôma bị lửa trên trời thiêu rụi vì tội của nó (St 19,29). Tuy nhiên khi đọc những đoạn ấy, chúng ta đã bỏ qua những câu văn cho thấy rằng Thiên Chúa đã tỏ tình thương xót vào chính lúc Ngài ra hình phạt.Khi phạt nguyên tổ, Ngài hứa ban ơn cứu độ (St 3,15). Khi phạt Cain, Ngài hứa sẽ che chở anh ta (St 4,15). Lụt hồng thủy kết thúc với một giao ước long trọng, theo đó Thiên Chúa cam đoan sẽ không bao giờ hủy diệt con người (8, 21; 9,9-11.17). Sự thiêu đốt thành phố Sôđôma nhằm nói lên lòng nhân lành của Ngài cứu thoát gia đình ông Lót (19,29).

 

Nếu ngay từ trong Cựu ước Thiên Chúa đã tỏ ra lòng lân tuất rồi thì đâu cần gì đức Kitô phải nói thêm nữa?

 

Đức Kitô đã nói thêm rất nhiều điều. Thứ nhất là Người mời gọi chúng ta hãy đọc Kinh thánh hai chiều chứ đừng đọc một chiều (nghĩa là Thiên Chúa vừa công bằng vừa lân tuất). Thứ hai là Người mời gọi chúng ta hãy sửa lại các thước đo của chúng ta, nghĩa là hãy sử dụng cùng một tiêu chuẩn khi yêu sách Thiên Chúa áp dụng công lý: đừng có đòi Ngài phải nhân từ khi xử tội của ta và nghiêm thẳng khi xử tội của tha nhân. Đức Kitô dạy chúng ta phải tỏ lòng lân tuất với tha nhân để được Thiên Chúa tỏ lòng lân tuất. Nhất là Đức Kitô dạy cho chúng ta biết rằng Thiên Chúa không ưa trừng phạt chúng ta. Ngài mong muốn chúng ta hối cải để tha thứ cho chúng ta, chứ Ngài không ưa thích nhìn thấy chúng ta phải chết trong tội lỗi. Ngài đã bày tỏ tình yêu lân tuất ấy khi trao ban Con Một của Ngài cho chúng ta.

 

Tuy nhiên trong Tân ước, hình phạt vẫn còn được duy trì. Giáo hội vẫn dạy rằng có hình phạt hỏa ngục đời đời.

 

Cần nhìn nhận rằng hình phạt vĩnh viễn ở hỏa ngục là một điều trái ngược với cảm quan công lý của chúng ta. Tại sao tội của con người chỉ có hạn mà lại phải nhận lãnh một hình phạt vô hạn? Các nhà thần học đã phải đau đầu để tìm cách trả lời. Theo tôi nghĩ, có thể tạm chấp nhận câu giải đáp như sau. Thiên Chúa yêu thương hết mọi người, và mời gọi hết mọi người vào chia sẻ tình yêu ấy. Tuy nhiên, Ngài không cưỡng bách ai phải chấp nhận tình yêu. Yêu mà bị ép buộc thì đâu có quý báu gì nữa! Ngài đã ban cho chúng ta khả năng tự do, và Ngài chấp nhận để cho chúng ta được tự do khước từ tình yêu của Ngài. Thiên Chúa chẳng trừng phạt ai hết, chỉ có chúng ta từ chối không thèm đếm xỉa tới Ngài. Vì thế nếu thiên đàng hệ tại sự thông hiệp với Thiên Chúa, thì ngược lại, hỏa ngục là hậu quả của sự tuyệt giao với Ngài. Dù sao đây chỉ là một suy tư cá nhân, nhưng chúng ta thâm tín rằng Thiên Chúa toàn năng và kiên trì trong tình thương sẽ tìm ra kế để thuyết phục con người biết tự do chấp nhận tình yêu của Ngài và trở về với Ngài.

 

(Giuse Phan Tấn Thành, OP)