Thế giới báo động về tình trạng người trẻ tự tử

Trong tuần qua, dư luận thế giới đã lên tiếng báo động trước hiện tượng nhiều người trẻ, có khi còn ở trong lớp tuổi vị thành niên, đã tự kết thúc mạng sống cách bất ngờ.

TeenSuicide.jpg

Tại Italia trong những ngày vừa qua, một em gái 14 tuổi sinh sống tại Catania trên đảo Sicilia, đã tự treo cổ chết. Cách đây ít lâu, một thiếu niên người Việt tại Hoa Kỳ cũng tự tử chết vì trầm cảm. Tại Việt Nam, nhiều học sinh tuổi rất trẻ cũng chết vì tự tử. Nhật Bản đứng hàng đầu trong số những nước phát triển thịnh vượng có con số người tự tử cao nhất thế giới. Mỗi năm Nhật có hơn 30 ngàn người tự tử chết, tức trung bình mỗi ngày 83 người.

Thống kê thế giới về nạn tự tử do tổ chức Sức Khỏe thế giới thực hiện với những dữ kiện thu thập được từ 172 quốc gia cho thấy có khoảng 800 ngàn người chết vì từ tử mỗi năm trên khắp thế giới, trung bình mỗi ngày có 2000 người.

Tự tử đứng hàng thứ hai trong số những nguyên nhân gây tử vong cho các thanh thiếu niên ở lứa tuổi trẻ trung và tràn đầy sức sống nhất, nghĩa là từ 15 đến 25 tuổi, chỉ sau tai nạn lưu thông. 75% các trường hợp từ tử xảy ra ở các nước có thu nhập thấp hay trung bình. Nhật Bản là một trường hợp luật trừ. Tại Serbia, tỷ lệ tự tử  tại đây là cứ 100 ngàn người dân, có gần 17 người tự tử, (16,8). Serbia là quốc gia đứng hàng thứ 3 tại Âu châu về con số người tự tử.

Bác sĩ Stefano Vicari, chuyên khoa tâm sinh lý thiếu nhi của bệnh viện bách khoa Chúa Hài đồng Giêsu ở Roma, cho biết rất hiếm khi tự tử là câu trả lời bồng bột cho một sự kiện nhất thời. Trái lại tự tử là điểm đến của một hành trình lâu dài, là kết quả sau cùng của một bất an tâm lý quan trọng. Hành trình lâu dài khởi đầu từ lúc nào, khó ai có thể định nghĩa được, nhưng ít nhất cũng kéo dài hàng tháng trời chứ không phải chỉ vài ngày.

Một trong những nguyên nhân chính dẫn tới tự tử có thể là bệnh trầm cảm và bệnh này rất thường bắt đầu với tuổi dậy thì. Y khoa hiện nay lượng định rằng ít nhất 8% tổng số các thiếu niên bị trầm cảm hiện nay.

Ngoài ra, còn có các nhân tố quyết định khác nữa như hoàn cảnh môi trường, các biến đổi tâm thể lý trong một cơ thể đang tiến đến chỗ trưởng thành hay là khi người trẻ lạm dụng các chất kích thích tố hoặc ma túy.

Còn bác sĩ Rosanna Martin thuộc bệnh viện nhi đồng Meyer ở Firenze, trung Bắc Italia thì nhận định rằng “có một sự mệt mỏi trong một thiếu niên đang từ tuổi nhi đồng bước sang tuổi dậy thì, không đủ sức đáp ứng với những đòi hỏi thay đổi của nhu cầu xây dựng một bản sắc cá nhân. Trong hoàn cảnh này, tất cả những thách đố đến từ bên ngoài có thể gây thương tích sâu xa trong tâm hồn các em, dù đó chỉ là một điểm xấu trong học bạ, một lời đùa cợt không có ác ý hay là tình trạng gia đình phân rẽ.

Các bác sĩ chuyên khoa  khuyên các bậc cha mẹ để ý kỹ đến những thay đổi tâm lý của thiếu niên trong lớp tuổi này,chẳng hạn khi con em trong nhà trở nên khép kín hơn, dễ giận dữ hơn hay là tránh không muốn gặp mặt bạn bè vui chơi, để có thể kịp thời giúp các em đối phó với bệnh tình. (RG 09.01.2017)

(Mai Anh, RadioVaticana 14.01.2017)