Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật III MC- B
(Ga 2, 13 – 25)
Trong Tin mừng của thánh Mát-thêu, Chúa Giê-su đã cất tiếng mời gọi chúng ta: “Anh em hãy học cùng Tôi, vì Tôi hiền lành và khiêm nhường trong lòng” (Mt 11, 29). Quả thật, Chúa Giê-su chính là mẫu mực của sự hiền lành và khiêm nhường để cho mọi người chúng ta noi gương và bắt chước.
Thật vậy, sự hiền lành và khiêm nhường của Chúa Giê-su không chỉ thể hiện bằng những lời nói suông, mà được thể hiện một cách sống động và cụ thể qua từng lời nói, cử chỉ và hành động trong cuộc sống thường ngày của Chúa Giê-su. Điều này đều được các tác giả sách Tin Mừng trình bày một cách rất cụ thể.
Theo Tin mừng của thánh Lu-ca chương 9, câu 54, thánh sử đã diễn tả sự hiền lành và rất mực khoan nhân của Chúa Giê-su đối với dân thành Samaria. Chúng ta đã biết, sự việc xảy ra là: khi Chúa Giê-su và các môn đệ đi ngang qua miền Samaria để tiến về Giêrusalem, lập tức bị người Samaria ngăn chặn, không cho thầy trò đi qua làng của họ. Trước thái độ đó, Giacôbê và Gioan đã nổi nóng, xin Chúa khiến lửa từ trời xuống thiêu đốt hết làng mạc của họ. Thế nhưng, thái độ của Chúa Giê-su hoàn toàn khác với Giacôbê và Gioan. Ngài đã ôn tồn, can ngăn hai ông và giải quyết mọi việc một cách hợp tình, hợp lý mà không ai chê trách được Chúa điều gì.
Sự hiền lành và khiêm nhường của Chúa Giê-su còn được thể hiện khi những người đồng hương của Chúa ra sức chê bai, chỉ trích Chúa là người thế này, thế khác, như: mất trí, khờ dại… (x. Mc 3, 21); là kẻ nói lộng ngôn, phạm thượng, dám xưng mình là Con Thiên Chúa… (x. Mt 9, 3) và nhất là trong cuộc thương khó, Chúa chịu bao nhiêu sự sỉ nhục, lăng mạ; hơn nữa, khi bị treo trên thánh giá, Chúa chịu người đời nhạo cười, chế diễu tư bề. Đứng trước tất cả những sự nhạo báng, sỉ nhục ấy, Chúa Giê-su thinh lặng, không một lời oán trách, phân bua, trái lại, Ngài cất tiếng xin Chúa Cha tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm (x. Lc 23, 34).
Tắt một lời, Chúa Giê-su là Đấng rất hiền lành, bao dung và giàu lòng thương xót.
Với tấm lòng nhân từ, hiền lành và rất mực khoan dung như vậy thì khó ai có thể làm cho Chúa nóng giận, và nếu Chúa phải nóng giận thì sự tình đã ra nghiêm trọng lắm rồi.
Quả thật, trong bài Tin mừng hôm nay, chúng ta thấy Chúa Giê-su đã phải nóng giận khi mà những người đồng hương của Chúa đã làm những chuyện không thể chấp nhận được khi họ biến Đền Thờ Gierusalem là nơi thánh thiêng trở nên ô uế, nhơ nhớp. Thánh Gioan đã ghi lại: “Người thấy trong Đền Thờ có những kẻ bán chiên, bò, bầu câu, và những người đang ngồi đổi tiền. Người liền lấy dây làm roi mà xua đuổi tất cả bọn họ cùng với chiên bò ra khỏi Đền Thờ; còn tiền của những người đổi bạc, Người đổ tung ra, và lật nhào bàn ghế của họ. Người nói với những kẻ bán bồ câu: ‘Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán’ ” (Ga 2, 14 -16).
Tìm hiểu trong các Tin mừng, chưa khi nào chúng ta thấy Chúa nóng giận, quát nạt dân chúng với những lời lẽ cứng rắn như trên, vì Ngài vốn rất hiền lành và khiêm nhường. Nhưng trong bài Tin mừng hôm nay, chúng ta thấy Chúa dùng những lời nói mạnh mẽ, hành động cứng rắn để cảnh cáo những hành động ngạo ngược, phạm thánh của dân chúng, vì họ đã xúc phạm đến Đền Thờ một cách quá nặng nề, không thể nín lặng làm ngơ. Ngài làm như thế để lấy lại giá trị, vị thế và mục đích thiêng thánh của Đền Thờ Giêrusalem đúng như lời Ngài đã nói: “Đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán” (Ga 2, 16).
* Ngoài việc Chúa Giê-su thanh tẩy Đền Thờ Gierusalem hôm nay, thánh Gioan còn hướng chúng ta tới một đền thờ thứ hai quan trọng hơn cả Đền Thờ Gierusalem, đó chính là đền thờ thân xác chúng ta. Nói về đền thờ thân xác chúng ta, Thánh Phaolo đã quả quyết: “Anh em lại chẳng biết rằng thân xác anh em là Đền Thờ của Thánh Thần sao?(1Cr 6, 19). Thân xác chúng ta chẳng những là đền thờ của Chúa Thánh Thần mà còn là đền thờ của Ba Ngôi Thiên Chúa như lời Thánh Gioan Tông đồ đã nói: “Ai yêu mến Thầy và tuân giữ lời Thầy, thì Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy và Chúng Ta sẽ đến ngự trong người ấy” (Ga 14, 23). Chính vì thân xác chúng ta là Đền Thờ của Ba Ngôi Thiên Chúa, cho nên Chúa Giê-su đã sẵn sàng chịu mọi đau khổ, chịu chết trên thánh giá để chuộc lại Đền Thờ thân xác chúng ta bằng chính giá máu của Người, và đã thánh hóa bằng chính lời hằng sống. Hơn nữa, Ngài còn hiến ban chính Thịt Máu Người nơi Bí tích Thánh Thể để nuôi dưỡng và làm cho Đền Thờ tâm hồn – thân xác của chúng ta trở nên đẹp đẽ, có giá trị trước mặt Thiên Chúa.
Như vậy, thân xác chúng ta là Đền Thờ rất cao quý, cao quý hơn cả Đền Thờ Gierusalem mà bài Tin mừng hôm nay nói tới. Bởi vậy, nếu như người Do thái ngày xưa đã làm ô uế Đền Thờ Giêrusalem bằng những hành động bất chính, làm cho Chúa phải đau lòng, tức giận thì ngày hôm nay đây, nếu chúng ta để cho Đền Thờ là thân xác chúng ta ra ô uế vì những hành động xấu xa, như: giết người, dâm ô, trộm cắp, xì ke ma túy… thì Chúa còn đau lòng, xót dạ hơn gấp trăm ngàn lần. Thánh Phaolo Tông đồ đã nói: “Ai phá hủy Đền Thờ Thiên Chúa, thì Thiên Chúa sẽ hủy diệt người ấy. Vì Đền Thờ Thiên Chúa là nơi thánh, và Đền Thờ ấy chính là anh em” (1 Cr 3, 13-17).
Vậy Lời Chúa hôm nay nhắc nhở và mời gọi mỗi người chúng ta hãy khiêm tốn nhìn lại con người thật của mình với tất cả những yếu đuối, lỗi lầm mà mình đã phạm, đã làm cho Đền Thờ là thân xác chúng ta ra ô uế. Chúng ta xin Chúa thanh tẩy những lỗi lầm đó để mỗi người chúng ta xứng đáng trở thành Đền Thờ cho Chúa ngự trị.
Để kết thúc bài suy niệm, chúng ta cần ý thức rằng: thân xác chúng ta chính là Đền Thờ của Thiên Chúa, được chính Con Một của Ngài là Chúa Giê-su cứu chuộc bằng chính giá máu châu báu, đã được Chúa Thánh Thần xức dầu và thánh hiến; được Ba Ngôi Thiên Chúa tuyển lựa làm tòa cao sang để ngự trị. Vì thế, chúng ta cần ý thức tập luyện các nhân đức, đồng thời cắt tỉa dần các tính mê, nết xấu trong tư tưởng, lời nói và việc làm để thân xác-tâm hồn chúng ta mỗi ngày trở nên tốt lành, thánh thiện, xứng đáng là Đền Thờ cho Ba Ngôi Thiên Chúa ngự trị. Amen.
Lm. Đaminh Trần Văn Tường