Thánh PONTIANÔ và Thánh HIPPÔLITÔ

Ngày 13/8

 

 StPopePontian.jpg-Thánh PONTIANÔ và Thánh HIPPÔLITÔ   

Thánh PONTIANÔ , Giáo Hoàng Tử Đạo

Kế vị Thánh Urbanô I làm giáo hoàng khoảng năm 230 Ngài bị bắt đi lưu đày cùng với vị phản giáo hoàng là Hippôlitô, tới miền Sardinia trong thời kỳ bách hại của hoàng đế Maximinô. Ngài nổi danh và được kính nhớ vì đã tử đạo tại đó.

Thánh HIPPÔLITÔ, Linh Mục Tử Đạo (thế kỷ III) : Ít ra có ba vị thánh mang tên này.

Một huyền thoại kể rằng thánh Hippôlitô là viên cai ngục canh giữ thánh Lôrensô khi được thánh nhân cải hóa. Hippôlitô đã trở thành môn đệ và đã dự vào đám đông và đã dự vào đám táng thánh nhân. Tin này tới tai hoàng đế, ông ta truyền đánh đòn Ngài. Vú nuôi Ngài, thánh nữ Concordia cùng với 18 gia nhân bị đánh đòn cho tới chết, còn thánh nhân được tha để cho ngựa xé. Câu chuyện này còn đáng nghi ngờ, vì “Hippôlitô” có nghĩa là “ngựa tháo cương” và vì câu chuyện rất giống với huyền sử Hy lạp về Hippôlitô con của Therêô, cũng đã chịu một hình phạt như vậy. Điều thật dễ hiểu khi thánh nhân trở thành vị bảo trợ của các kỵ sĩ. 

Đúng hơn, thánh Hippôlitô được kính nhớ hôm nay là một linh mục và là một thần học gia sống vào đầu thế kỷ thứ ba. Ngài đã trước tác một số tác phẩm bằng tiếng Hy lạp, nay chỉ còn lại quá ít. Trong số các tác phẩm này, cuốn Philosophoumena đả kích những học thuyết đương thời. 

Kính Ngài, các đồ đệ đã dựng được một bức tượng mà thế kỷ XVI người ta tìm thấy. Trên ghế bức tượng của Ngài có bảng ghi các sách của Ngài. Ngài lập bảng tính về lễ phục sinh không được chính xác lắm. Trong số các sách chú giải kinh thánh của Ngài còn lại cuốn chú giải sách Daniel, trong đó Ngài trấn an người đương thời về biến cố Chúa lại đến bằng cách chứng minh rằng thế giới còn tồn tại 600 năm. Dầu không kết án, Đức Callistô nghi ngờ thần học của thánh Hippôlitô về lời Chúa. 

Khi đức Callistô được chọn làm giáo hoàng năm 217, Hippôlitô chống lại và tự đặt mình làm phản giáo hoàng, Ngài còn tố giác điều mà Ngài coi như sự dung thứ của đức Callistô cũng như không rút lại lời dèm pha. Ngài được coi như là người đã viết cuốn chỉ nam chính yếu về phụng vụ gọi là cuốn “truyền thống tông đồ”. Sớm bị Giáo hội Tây Phương quên lãng, Ngài lại sống còn lâu dài trong các Giáo hội đông phương, thế giá của Ngài đối với chúng ta là bản lễ qui Roma của Ngài, dầu không cố định từng lời. 

Năm 235, hoàng đế Maximinô khơi lại cuộc bách hại các Kitô hữu. Cả Đức Potianô lẫn vị phản giáo hoàng Hippôlitô đều bị đầy tới miền hầm mỏ Sardinia. Hippôlitô không đòi làm giáo hoàng nữa và khuyên những ai theo mình hãy vâng phục Đức giáo hòang hợp thức. Cả hai đấng đều từ trần như là nạn nhân của trại tập trung. Khi cuộc bách hại chấm dứt, xác các Ngài được mang về mai táng tại Roma (ngày 13 tháng 8). 

Dầu thái độ cư xử của thánh Hippôlitô chẳng thánh thiện gì, nhưng Ngài được kính nhớ vì đời sống riêng rất khắc khổ nhiệm nhặt và vì đã chết vì đạo. Mộ Ngài ở tại nguyện đường Tiburtine được kính như mồ thánh tử đạo, nhưng chuyện thật của Ngài lại sớm bị quên lãng. Người ta còn coi Ngài như một vị thánh giám mục của Portô “con người lừng danh về học thức”. Nhưng có lẽ thánh Hippôlitô chính là đấng mà chúng ta đã nói đến ở trên.