Thánh Phêrô Nguyễn Bá Tuần, Linh mục (1766-1838) và Thánh Anrê Nguyễn Kim Thông (Thuông), Trùm họ (1790-1855)

Thánh Phêrô NGUYỄN BÁ TUẦN, Linh mục (1766-1838)


Kết quả hình ảnh cho thánh phêrô nguyễn bá tuầnNụ hôn của Giuda

Được cha xứ Kim Sơn tin cậy gửi gấm hai linh mục, Bát Biên kín đáo giấu hia vị trong nhà. một tuần sau, ông nói với hai cha: “Con nghe tin quan biết hai cha ẩn ở đây và quan quân sắp đến vây làng. con phải đem hai cha đi nơi khác an toàn hơn”. Rồi Bát Biên mời linh mục thừa sai Fernandez Hiền xuống một chiếc thuyền nhỏ chở đi. Lát sau lại trở về đón cha Phêrô Tuần.

Xuống thuyền đi trốn, hai cha hoàn toàn tin lời Bát Biên, chẳng ngờ chút nào sự săn sóc ân cần đó lại chính là “cái hôn của Giuđa”. Âm mưu bắt hai cha của Bát Biên thành công thật êm thắm. Những nụ hôn bao giờ mà chẳng nhẹ nhàng êm ái ! Và đàng sau nụ hôn đó, tù ngục, tra tấn, cái chết đang chờ đợi hai cha.

Phêrô Nguyễn Bá Tuần chào đời năm 1766 tại làng Ngọc Đồng, tỉnh Hưng Yên. Tử thuở bé, cậu tuần đã có tiếng là hiền lành, đạo đức, chăm chỉ học hành. Lớn lên, cậu vào sống trong nhà Chúa, tại đây cậu siêng năn học giáo lý, đồng thời học thêm chữ Hán. Thấy dấu chỉ có ơn kêu gọi, các linh mục giới thiệu cậu vào chủng viện. Nhưng mới theo học tại trường Latin ít lâu, Vua Cảnh Thịnh ra chiếu chỉ cấm đạo, thầy Phêrô phải nghỉ học và ẩn trốn nơi này nơi khác cùng với cha chính Hoan (Gatillepa). Thầy tỏ ra là một đệ tử đắc lực của ngài. May mắn thay, một thời gian sau, trường được mở lại, thầy Tuần trở về tiếp tục học hành và được lãnh chức linh mục năm 1807. Cha Tuần đã thi hành tác vụ thánh tại nhiều nơi, thu hái nhiều kết quả, được các bề trên hài lòng suốt 30 năm.

Giá trả về niềm tin

Năm 1838, khi vua Minh Mạng ra chiếu chỉ cấm đạo gắt gao hơn thì cha Tuần đang làm chánh xứ Lác Môn, tỉnh Nam Định. Cha không chỉ lo chu toàn trách vụ giáo xứ của mình, nhưng cha còn lưu tâm đến tình hình Giáo hội Việt Nam, lo đến các anh em linh mục. Nghe tin làng quần Liêu sợ vạ lây, không muốn chấp nhận cha chính Fernandez Hiền bị bệnh kiết lỵ trầm trọng đang chữa tại đây nữa, cha Tuần phải vội vàng đến can thiệp và ở lại để dân chúng yên tâm giúp đỡ cha chính. Không ngờ nghĩa cử yêu thương này đã nối kết số phận đời cha với vị thừa sai Âu Châu.

Sau vài ngày, hai cha bỏ Quần Liêu trấn lên Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, thuộc giáo phận Tây Đang Ngoài. Nhưng tại đây quan quân cũng đang tầm nã gắt gao, các tín hữu bắt buộc phải giấu hai cha ngoài bãi sình lầy, suốt hai ngày nắng sương gió rét. Khi đó, cha xứ Kim Sơn cho tìm một người ngoại đạo tên là Bát Biên, người thọ ân ngài nhiều lần và gởi gấm tạm hai vị mục tử. Ở đây, trước khi được làm chứng cho niềm tin vào Thiên Chúa, hai cha đã phải trả giá cho niềm tin vào con người. Bát Biên trở mặt nộp hai linh mục cho quan Tổng Đốc Nam Định Trịnh Quang Khanh. Thế là hai cha bị đóng gông giam vào ngục.

Trong tù, vị linh mục già 72 tuổi, luôn can đảm trung thành với đức tin của mình, dù thân thể già nua ốm yếu phải chịu gông cùm xiềng xích với biết bao đòn vọt. Khi viên quan nói với cha: “Lão già quá rồi, không chịu nỗi các hình khổ đâu”. Cha Tuần trả lời: “Quả thực tôi ốm yếu già nua, nhưng Thiên Chúa sẽ cho tôi sức mạnh để đón nhận mọi cực hình và cả cái chết vì Ngài”. Lần khác, quan cho một tín hữu đã bỏ đạo ra đạp lên thánh giá và bảo cha làm theo như vậy, cha liền nói: “Sao tôi lại phải bắt chước kẻ bội giáo? Mẫu gương tôi soi là hai Đức cha của tôi, tôi muốn noi gương các đấng ấy”. (Cha Tuần muốn nói đến Đức cha Henares Minh và Delgado Y, tử đạo ngày 26.06 và 12.07).

Rũ tù trong vinh phúc.

Pháp luật thời đó không cho phép xử chém người già trên 60 tuổi. Thế nhưng ngày 18.07.1838, vua Minh Mạng vẫn phê án xử trảm cha Tuần. Bản án “vi hiến” đó đã không bao giờ thi hành được. Các hình khổ trong tù: tra tấn, đánh đập, đói khát, nóng nực và muỗi rệp, cuối cùng đã làm thay công việc của lý hình. Trước đó ba ngày cha Tuần đã hoàn tất cuộc đời làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa ngay trong nhà tù, tức ngày 15.07.1838.

Con đường tử đạo của cha không kết thúc đẫm máu, không có những bi kịch thảm thương. Một con đường khá bình thường, được dệt nên bằng những việc quen thuộc mà nhiều người khác có thể từng gặp trong đời: một người anh em mắc bệnh, một người phản bội vô tâm, đòn vọt, rệp muỗi… Nhưng “trên từng cây số” con đường đó, cha đã đi thật đúng đắn, thật trung thành, thật trọn vẹn. Cha đã tận tình lo cho người anh em gặp hoạn nạn. Cha đã hết sức tin vào con người, dù có thể gặp phải kẻ phản bội. Cha đã sống trọn vẹn niềm tin của mình trong những hoàn cảnh khó khăn, mới thoạt nhìn qua như có vẻ bình thường, nhưng vì dai dẳng nên cái bình thường đó không kém phần gay go.

Lòng trung thành trong những “việc nhỏ” như thế, đáng được coi là trung thành trong những “việc lớn”. Lòng trung thành đó đã đưa cha đến phúc tử đạo dù không đổ máu. Cha được về quê trời ngày 15.07.1838 trong khi đã sẵn sàng bước ra pháp trường lấy máu mình minh chứng niềm tin. Giáo hữu rước thi hài cha về an táng tại nhà thờ xứ Ngọc Đồng, sau đem vào Nam đặt tôn kính tại xứ Lạc An, Biên Hòa.

Đức Giáo Hoàng Leo XIII suy tôn chân phước linh mục Phêrô Nguyễn Bá Tuần ngày 27.05.1900. Ngày 19-06-1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên bậc Hiển thánh.

Lm. Đào Trung Hiệu, OP

Thánh Anrê NGUYỄN KIM THÔNG (Thuông), Trùm họ (1790-1855)


AnreNguyenKimThuong.jpgPhải đi cho trọn hành trình

Nhận được án lệnh lưu đày, thánh Anrê Thông bị áp giải từ Bình Định vào Mỹ Tho. Đường xa xôi diệu vợi, lại chập trùng hiểm trở. cổ mang gông, tay đeo xiềng nặng nề, nhưng thánh nhân vẫn kiên trì tiến bước leo đèo vượt suối và băng rừng. Vào đến Gia Định, quan Tổng Trấn cho phép ở lại đây, nhưng thánh nhân từ chối vì muốn đi cho đến đỉnh đồi Canvê của mình. Và khi đã tới Mỹ Tho, sức cùng, lực kiệt, ngài còn năn nỉ người ta dìu tới Gò Bắc ở cuối tỉnh, tới trại giam lưu đày vĩnh viễn được chỉ định. dù chỉ sống thêm ít phút. Thánh Anrê Thông đã hoàn tất hành trình chứng tá cho Thiên Chúa và đã tới đích Thiên Đàng vĩnh cửu.

Cuộc đời phục vụ.

Anrê Nguyễn Kim Thông sinh khoảng năm 1790 tại Gò Thị, một họ đạo kỳ cựu nhất của giáo phận Qui Nhơn, thôn Xuân Phương, xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định, cách tỉnh 20 cây số về hướng bắc. Ông còn có tên khác là Năm Thuông.

Là chủ một gia đình khá giả, đạo đức, ông Thông đã tận tâm giáo dục con cái sống đạo tốt lành. Hai người con của ông được Thiên Chúa ân thưởng đặc biệt là linh mục Nguyễn Kim Thư và nữ tu Anna Nhường, dòng Mến Thánh Giá. Dân làng tin nhiệm, có thời ông đã làm xã trưởng, nhiệt tình phục vụ dân chúng bất kể lương hay giáo. Về sau ông được để cử làm trùm họ và được Đức cha Cuénot Thể đặt làm trùm họ cả phụ trách toàn thể hạt Bình Định.

Ngoài mẫu gương liêm chính, bác ái và tận tâm, ông còn thừa hưởng truyền thống của họ Gò Thị về lòng sùng kính Đức Mẹ cách đặc biệt. Ông siêng năng lần chuỗi Mân Côi mỗi ngày, và kiến thiết một nhà nguyên dâng kính Trái tin Vẹn Sạch Đức Mẹ. Với uy tín sẵn có, ông phụ tá đắc lực cho hàng giáo sĩ trong việc tông đồ, khéo léo trong việc tìm nơi trú ẩn cho các ngài trong thời bách hại. Đức cha Thể và nhiều linh mục đã tạm trú lâu ngày tại nhà ông. hơn nữa ông còn là ân nhân cả về vật chất lẫn tinh thần cho viện mồ côi trong vùng.

 

Xin nhận chén đắng.

Một người cháu của ông trùm cả tên là Út vốn tính ngang tàng, phóng đãng nên hay bị ông quở mắng. Để trả đũa, y viết một lá thư nặc danh lên quan tỉnh, tố cáo ông về tội chứa chấp giáo sĩ. Thế là quan quân liền đến vây bắt ông cùng với bốn giáo sĩ khác, rồi giam vào ngục thất ở Bình Định.

Quan tỉnh vốn quen biết từ hồi ông là xã trưởng, và trước đây được ông đãi ngộ rất hậu, nên tỏ ra rộng rãi với ông. Nhờ đó, ông trùm cả không bị đánh đập, và thỉnh thoảng lại được phép về thăm nhà. Ông lơi dụng cơ hội này khuyên nhủ con cháu trung kiên với Chúa trong mọi hoàn cảnh. Ông nói: “Tôi đã già, cũng chẳng ham sống lâu nữa. tôi sẵn sàng chịu tù đày và chịu chết vì danh Đức Kitô, nhất định tôi không vận động xin tha”. Rồi ông lại tình nguyện vào ngục trình diện.

Nhiều lần quan tỉnh gọi ông Trùm cả ra công đường, nhỏ nhẹ khuyên ông bỏ đạo. Quan nói: “Ông dẫm chân lên thập giá đi ! Chỉ tôi và ông biết thôi, rồi về xưng tội là xong chứ có chi đâu”. Ông trả lời: “Không được, thập giá tôi tôn kính mà dẫm lên sao được”. Và ông khẳng định với quan: “Thà tôi bị lưu đày và chết vì Chúa chớ tôi không chối đạo”. Sau ba tháng tù, ông nhận được án phát lưu vào Mỹ Tho thuộc miền Lục tỉnh, Nam Kỳ. Các con ông dự định bỏ tiền vận động xin giảm án, nhưng ông cản: “Các con cứ để thánh ý Chúa được thể hiện”.

 

Uống cạn chén Chúa trao

Đường vào Nam xa xôi, cùng với bốn tín hữu, ông bị đày vào Vĩnh Long. Ông Trùm cả vì tuổi già sức yếu, lại phải mang gông xiềng, nên bước đi một cách khó khăn mệt nhọc. Mỗi ngày chỉ đi được bảy tám dặm dưới ánh nắng gay gắt, tối đến đoàn tù nhân được tạm giam trong các đồn canh hay nhà tù địa phương. Được vài ngày, quân lính thấy ông Trùm cả đuối sức qua, sợ không đủ sức đi tới nơi thì thương tình tháo gông xiền cho ông. Khi đi ngang qua tỉnh Bình Thuận, ông may mắn gặp linh mục Nguyễn Kim Thư, con trai ông và xin lãnh bí tích Giải tội.

Tại Chợ Quán, thấy tình trạng sức khỏe của ông ngày càng suy yếu, cha Được ban bí tích Xức Dầu cho ông. Sau đó, ông lại tiếp tục mang gông xiền đi xuống miền Tây. Bốn người bạn tù với ông xuống Vĩnh Long, có báo tin cho cha bề trên Borelle Hòa về tình hình nguy tử của ông. Cha Borelle liền cử một y sỹ đến My Tho chăm sóc nhưng không kịp nữa. Vị chứng nhân của Chúa khi đặt chân đến nơi lưu đày được chỉ định, mới kịp đọc kinh ăn năn tội, vài kinh kính mừng, rồi tắt thở đang khi cầu nguyện với Đức Trinh Nữ Maria. Hôm đó là ngày 18 tháng 7 năm 1855.

Thi hài của vị tử đạo được viên y sĩ của cha Borelle Hòa đưa về Cái Nhum (Vĩnh Long), và sau đó là các hiều tử Thư, ông Ngọc, ông Xa dời về anh táng ở nhà thờ Gò Thị. Hiện nay, tại Gò Thị còn lăng của ông, nhưng hài cốt đã được di chuyển vể chủng viện Làng Sông (Bình Định).

Đức Thánh Cha Piô X suy tôn ông Trùm cả Anrê Nguyễn Kim Thông lên bậc chân phước ngày 02.5.1909. Ngày 19-06-1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên bậc Hiển thánh.

Lm. Đào Trung Hiệu, OP