Lưu niệm đạo đức
Nếu xưa trong Kinh Thánh có chuyện cụ già Eleazarô không thèm “giả bộ ăn của cúng” để được tha chết (2 Mac 6,18 -28) thì ở Việt Nam cùng có thánh Phêrô Lê Tùy không khai man mình là y sĩ, không giấu chức vụ mình là linh mục theo yêu cầu của quan địa phương, để được sống còn. Như cụ già Do Thái xưa, cái chết của cha để lại cho giáo hữu Việt Nam và toàn cầu một lưu niệm sâu xa về đạo đức.
Phêrô Lê Tùy sinh trưởng trong một gia đình nề nếp khá giả làng Bằng Sở, huyện Thanh Trì, phủ Thường Tín, Hà Đông, nay thuộc giáo phận Hà Nội. Năm 1773, năm cậu mở mắt chào đời cũng là năm hai thánh linh mục Vinh Sơn Liêm và Castanẽda Gia lãnh triều thiên tử đạo tại Hà Nội do án xử của chúa Trịnh Sâm. Cảm kích trước tấm gương hào hùng ấy, khi cậu lớn lên, song thân đã lo liệu gởi cậu theo học tại chủng viện Nam Định. Trong những năm học, cậu tỏ ra rất thông minh, khôn ngoan và đạo đức. Sau khi lãnh chức phó tế, thày Phêrô được cử đi giúp Đức cha De la Mothe Hậu lo việc truyền giáo ở Nghệ An. Ít lâu sau, thày thụ phong linh mục, làm phó xứ Đông Thành, Chân Lộc, rồi làm chánh xứ Nam Đường.
Cha Phêrô Tùy là một linh mục vui tính, hiền hòa và rất nhiệt thành trong sứ vụ chủ chăn. Dù ở đâu, dù chức vụ nào, cha cũng luôn sốt sắng chu toàn nhiệm vụ của mình. Đức cha Hậu đã có lần khen ngợi những đức tính và hoạt động của cha, ngài nói: “Không ai là không hài lòng với cha Tùy”. Trong 30 năm liền, nhà truyền giáo Lê tùy hoạt động công khai đắc lực phục vụ giáo hội Việt Nam. Nhưng như mọi linh mục khác, từ khi vua Minh Mạng ra chiếu chỉ cấm đạo trên toàn quốc ngày 06.01.1833, cha phải hoạt động âm thầm trong bóng tối.
Phúc trọng không dám mong
Ngày 25.6.1833, cha Tùy đến xức dầu cho một bệnh nhân gần chết ở họ Thanh Trai. Đây là một họ đạo nhỏ, chem giữa làng mạc của lương dân. Một nhóm người ngoại giáo đã bắt cha nộp cho quan huyện Thanh Phương. Giáo hữu điều đình bỏ tiền xin chuộc, nhưng quan đặt điều kiện cha phải khai mình là thày thuốc, chứ không phải là linh mục. Cha Tùy cho rằng khai man như thế không tốt, nên khẳng khái từ chối. Cha bị đóng gông áp giải về tỉnh đường Nghệ An. Suốt thời gian trong tù, lúc nào cha cũng giữ được nét vui tươi, hồn nhiên, cam đảm trước mọi khổ nhục. Thái độ đó làm nhiều người thán phục.
Một hôm quan án đòi cha ra công đường và nói: “Ông là đạo trưởng Gia Tô ?”. Cha đáp: “Phải, tôi là đạo trưởng”. quan nói ngay: “Ông nghe ta đi, ai thấy ông bị bắt cũng động lòng trắc ẩn. Không ai muốn ông phải án tử hình, ta đây cũng vậy. Bây giờ ông nghe ta, làm một tờ khai nói mình là lang y chữa bệnh, có thế ta mới cứu ông được”. Cha Tùy trả lời: “Tôi không sợ chết, vì chết cách nào tôi cũng không ngại. Ai cũng phải chết. Dù chết trên chăn êm nệm ấm, dầu bị cọp tha cá rỉa, dầu bị lột da hay xé xác làm trăm mảnh cũng đều là chết thôi; cho nên tôi không sợ chết”. Vì kính trọng cha đã 60 tuổi, quan không truyền đánh đòn, chỉ đưa cha về ngục.
Suốt ba tháng tù, cha được mọi người, từ quan tới lính, cùng các tù nhân khác qúy mến. Họ nói với nhau: “Một người hiền từ nhân đức như vậy, mà bị giam như một phạm nhân gian ác, thật là không phải. Chúng mình chịu án phạt đã đành, chứ ông ấy nào có tội tình gì ?” Các quan nhiều lần cho người dụ dỗ cha khai mình là y sĩ để khỏi chết, nhưng trước sau cha vẫn xác định mình là linh mục.
Thời đó, luật nhà nước cấm xử tử những người từ 60 tuổi trở lên. Đàng khác, đây lại là thời kỳ dầu cuộc bách hại, nên chính các quan khi làm sớ báo tin về kinh đô, chỉ nghĩ tội nhân sẽ phải nộp tiền phạt thôi. Ai ngờ, vua Minh Mạng bất chấp luật lệ truyền thống nhân đạo của dân tộc. Ngày 10.10.1833, các quan tỉnh Nghệ An nhận được sắc chỉ của vua “Tên Tùy đã xưng là đạo trưởng và truyền dạy tà đạo cho dân, phải trảm quyết”.
Một tín hữu nghe tin liền chạy đến nhà giam báo cho “tử tội” biết. Cha Tùy không chút lo sợ, chỉ hỏi lại cho chính xác, rồi vui vẻ nói: “Bấy lâu nay thật tôi không dám đợi trông ơn lớn lao như vậy”. Ngài dùng bữa tối như thường lệ, rồi lặng lẽ một mình, tránh mọi cuộc tiếp xúc để dọn mình lãnh triều thiên tử đạo.
Về nơi vĩnh phúc
Sáng hôm sau 11.10.1833, ngày giáo hội thời đó kính Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa, cha Tùy tiến ra pháp trường chợ Quân Ban như đi dự hội, vẻ mặt vui hớn hở, đến nỗi dân đi xem và quân lính đều nói: “Xưa nay chưa thấy ai bị đem đi xử mà lại can đảm như thế”. Một giáo hữu trải chiếu ra, chứng nhân Đức Kitô quỳ xuống cầu nguyện, bên cạnh là người lính cầm thẻ bài bằng gỗ ghi bản án: “Can phạm từ lâu học điều dị đoan, xưng mình là Đạo trưởng, lẩn trốn trong dân để quyến rũ. Bắt được đã tra xét kỹ càng. Lệnh xử chém tức khắc để răn kẻ khác”.
Một tín hữu, ông Bernado Thu đến xin quan đừng xử vội, để cha cầu nguyện giây lát. Quan đồng ý và đưa mấy quan tiền cho theo tục lệ vua ban cho tử tội mua sắm ăn bữa sau cùng. Cha Tùy không nhận, tiếp tục cầu nguyện ít phút nũa. Sau đó, ông Thu đến lạy cha bốn lạy và nói: “Giờ đây, cha sắp được về nơi vĩnh phúc đã bao lâu trông đợi. Phần con, con ở lại chốn khóc lóc này, xin cha nhớ đến con”. Vị linh mục cũng lạy bốn lạy bốn lần đáp lễ và khuyên: “Hỡi con, con hãy bền lòng vững chí, rồi con cũng được phần thưởng muôn đời”. Cảnh cha con từ biệt làm nhiều người xúc động đến rơi lệ.
Sau đó, cha nói với quân lính: “Tôi đã sẵn sàng”. Tiếng thanh la vừa dứt, một người lính vung gươm, đầu vị tử đạo rơi xuống, trong khi linh hồn vút cao về Trời. Các tín hữu xin thi thể cha, khâm niệm vào áo quan, rước về nhà xứ Tràng Nứa và an táng ở đấy. Sau này họ dời hài cốt cha về xứ Yên Duyên, rồi đưa về nguyên quán ngài là Bằng Sở. Nhiều người đến kính viếng mộ ngài đã được ơn lạ. Ông Bernado Thu cũng làm chứng nhiều bệnh nhân được khỏi nhờ cầu nguyện với cha Lê Tùy.
Ngày 27.05.1900, Đức Giáo Hoàng Lêo XIII suy tôn cha Phêrô Lê Tùy lên bậc Chân Phước. Ngày 19-06-1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên bậc Hiển thánh.
Lm. Đào Trung Hiệu, OP