Người quản lý trung tín.
Ẩn trốn xa xứ nhà chưa được bao lâu, thày Phêrô Đoàn Văn Vân đã bồn chồn lo lắng, không yên lòng về các công việc của giáo xứ. Gần trót cuộc đời thày gắn liền với trách vụ quản lý xứ. Thày dành hết nhiệt huyết mình lo chu toàn nhiệm vụ, luôn cần mẫn miệt mài với công việc, coi đó là sứ vụ Chúa trao phó.
Thày Cai Vân quyết định trở về nhiệm sở của mình. Quyết định đó, lòng nhiệt thành với chức vụ đó, đã đưa thày vào con đường tử đạo. Thày bị bắt ở cổng làng Tiên Cát trên đường đến nhà xứ.
“Nhân đức như thày Cai vân”.
Phêrô Đoàn Văn Vân sinh năm 1781 tại làng Kẻ Bói, xứ Kẻ Sông, tỉnh Hà Nam, khi còn nhỏ cậu ở với cha Thi và được gởi đi học trường Latinh. Năm 25 tuổi, cậu trở thành thày giảng và đi giúp các xứ đạo. Sau cùng thày được cử về làng Bầu Nọ, tức làng Nỗ Lực sau này, và lo việc quản lý nhà xứ. Thày tận tụy với công việc, có lòng thương người nghèo khó, hiền lành hòa nhã với mọi người, nhưng lại nghiêm ngặt với chính mình. Thày ăn uống thanh đạm, trang phục đơn giản. Ngoài việc quản lý, thày còn chăm lo đời sống đạo của tín hữu, thăm bệnh nhân, giúp đỡ người hấp hối chuẩn bị về nhà cha trên trời, giàn xếp các mối bất hòa, chia rẽ… Cuộc sống nhân đức của thày là tấm gương trong giáo phận. Khi khen ngợi một thày giảng nào, các tín hữu hay nói: “Ông này nhân đức như thày Cai Vân’.
Bản án đạo trưởng
Khi đó hai chức sắc trong làng tên là Tương và Huống bị thua bạc hết cả tiền đóng thuế của dân, liền kéo nhau vào nhà xứ, xin vay thọc để đền trả. Nghĩ rằng những người này quá mê bài bạc, thày Cai Vân từ chối. Thế là họ manh tâm thù oán và tố cáo với quan là: “Làng Nỗ Lực có đạo trưởng, có cả đạo đường và đạo quán nữa” (1). Quan liền đem quân đến vây, nhưng hôm đó không bắt được ai. Mấy ngày sau, Tương và Huống đón đường bắt trói thày Cai Vân đem nộp cho quan, và vu cáo thày là đạo trưởng.
Trước công đường, quan phủ thấy vị bô lão đã ngoài thất tuần, chỉ tra vấn thày xem có thực là đạo trưởng không. Thày khiêm tốn trả lời: “Bẩm quan, tôi nói thật không giám khai man, tôi chỉ là thày giảng. Quan lớn cho tôi là đạo trưởng thì đó là ý quan lớn, chớ tôi không giám nhận”. Quan lại khuyên dụ thày quá khóa để được tha, nhưng thày trả lời: “Bẩm quan lớn, tôi giữ đạo đã bấy nhiêu tuổi đời, lẽ nào còn bỏ đạo”.
Thày bị giam ở Lâm Thao khoảng bốn tháng. Giáo hữu không giám đi lại thăm nom, vì sợ quan làm khó dễ thày. Chỉ có cha Nghiêm lén vào giải tội cho thày được hai lần, rồi nhờ giáo hữu Lê văn Giáp đưa Mình Thánh. Được rước Chúa, thày thấy được an ủi lắm. Sau khi bị chuyển về giam ở tỉnh Sơn Tây hơn hai tháng. Thời gian này, vì không có đồ tiếp tế nên thày sống cực khổ, đói khát, và vì không có tiền cho lính canh nên thày bị khinh dể, sỉ nhục và khó khăn trong mọi việc. Dầu thày Vân cải chính nhiều lần, các quan vẫn khép án thày là đạo trưởng.
Phần thưởng người tôi trung.
Khi án của thày Cai Vân “Gia Tô đạo trưởng” được vua châu phê, thày vui mừng chờ đợi ngày hồng phúc. Trên đường ra pháp trường, người ta thấy vị bô lão 77 tuổi, kiệt sức, hai người lính đỡ hai bên gông để thày đi khỏi té ngã, một người lính khác quàng dây thừng vào cổ tử tội lôi đi. Nhưng khuôn mặt thày luôn vui tươi bình thản.
Đến pháp trường, thày xin lý hình thong thả cho vài phút để cầu nguyện. Sau đó, thày cúi đầu chịu chém, lý hình vung gươm lên và đầu thày cai lìa khỏi cổ. Thày Cai Vân hoàn tất tốt đẹp cuộc đời trần thế. Đời thày là một cuộc đời gương mẫu “một người quản lý trung tín, biết phân phát lúa đúng giờ cho gia nhân”. Hơn nữa, điều qúy báu đối với thày Cai Vân chính là: “Phúc cho đầy tớ nào khi chủ về thấy làm như thế”. Thày Vân đã sống trọn hảo và hiến mạng sống người mình vì sứ vụ Chúa đã trao ban.
Hôm đó là ngày 25.05.1857. Giáo dân làng Bách Lộc đã an táng vị tử đạo ngay chính nơi xử án. Sau lại chuyển thi hài thày về mai táng ở nhà thờ Bách Lộc.
Đức Thánh Cha Piô X suy tôn thày Phêrô Đoàn Văn Vân lên bậc Chân Phước ngày 02.05.1909. Ngày 19-06-1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên bậc Hiển thánh.
Lm. Đào Trung Hiệu, OP