Lễ Chúa Phục sinh có liên hệ gì đến Bí tích Thánh Thể không? Phải chăng bí tích Thánh Thể chỉ tưởng niệm cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá mà thôi, chứ không có liên quan gì đến lễ Phục sinh hết?
Xưa nay các nhà thần học quen nêu bật mối liên hệ giữa bí tích Thánh Thể và cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu. Mối liên hệ này đã được thiết lập từ chính các bản văn Kinh thánh. Thánh lễ được cử hành để nhắc nhớ việc Chúa Giêsu đã bẻ bánh và chia sẻ chén rượu trong đêm Người sắp bị trao nộp: tấm bánh bẻ ra nói lên Thân mình của Người được trao ban cho chúng ta; chén rượu được chia sẻ nói đến máu của Người được đổ ra làm hy lễ giao ước mới. Thánh Phaolô cũng nhắc nhở các tín hữu về điều đó khi nói: “Mỗi lần anh em ăn bánh và uống chén này là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết cho tới ngày Chúa đến” (1Cr 11,26). Tuy nhiên, trong những thập niên gần đây, nhờ những cuộc nghiền ngẫm các đoạn Tân ước, các nhà chú giải Kinh thánh và các nhà thần học đã lưu ý bí tích Thánh Thể không chỉ cử hành cái chết của Chúa Giêsu mà thôi, nhưng còn cử hành cuộc Phục sinh của Chúa nữa. Điều khẳng định này vừa dựa trên nền tảng Kinh thánh vừa dựa trên các luận cứ thần học nữa.
Có đoạn văn Kinh thánh nào nói đến mối liên hệ giữa bí tích Thánh thể và cuộc Phục sinh?
Trong Tân ước không những chúng ta gặp thấy những đoạn văn nói đến mối liên hệ giữa bí tích Thánh Thể với cuộc Phục sinh, nhưng còn đọc thấy những trình thuật kể chuyện nữa. Thực vậy, mỗi lần nghĩ tới bí tích Thánh Thể, chúng ta thường liên tưởng đến bữa Tiệc ly, khi Chúa Giêsu bẻ bánh và trao chén rượu cho các môn đệ. Tuy nhiên chúng ta thường hay quên những trình thuật khác nói đến việc cử hành Thánh Thể với Chúa Giêsu phục sinh. Đoạn văn tiêu biểu hơn cả là trình thuật Chúa Giêsu phục sinh hiện ra với hai môn đệ trên đường đi Emmaus, (được đức thánh cha Gioan Phaolô II chọn làm bức icôn suy gẫm trong Năm Thánh Thể này). Theo thánh Luca kể lại, vào chính ngày sống lại Chúa Giêsu đã hiện ra với hai môn đệ, đã đồng hành với họ, giải thích Sách Thánh cho họ để hun nóng tâm hồn của họ, và sau cùng Ngài đã bẻ bánh với họ. Vào chính lúc ấy, họ đã nhận ra Ngài. Chúng ta nên lưu ý đến từ ngữ “bẻ bánh” được dùng ở đây. Đây là một thuật ngữ chuyên môn mà thánh Luca sử dụng trong Phúc âm và trong Sách Tông đồ công vụ để ám chỉ bí tích Thánh Thể. Trong trình thuật thiết lập bí tích ở chương 22 câu 29, thánh Luca mô tả các cử chỉ của Chúa Giêsu tại nhà tiệc ly như sau: “Người cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, bẻ ra và trao cho các môn đệ”. Một cách đặc biệt hơn nữa, trong sách Tông đồ công vụ, việc “bẻ bánh” được dùng để ám chỉ một nghi thức phụng vụ của cộng đoàn Kitô hữu ở chương 2 câu 42 và 46, chương 20 câu 7 và 11. Thánh Phaolô cũng dùng từ ngữ đó để ám chỉ bí tích Thánh Thể trong thư thứ nhất gửi Côrintô, chương 11, câu 23-24 và chương 10 câu 16.
Chúa Giêsu bẻ bánh với các môn đệ Emmaus để làm gì?
Trình thuật về việc Chúa Giêsu hiện ra với hai môn đệ Emmaus không phải là một mẩu tin thời sự, ghi nhận những biến cố đã xảy ra trong ngày Phục sinh, cho bằng một trình thuật phụng vụ. Trước đây, trong đêm trước khi chịu Tử nạn, tại nhà Tiệc Ly, Chúa Giêsu đã bẻ bánh cho các môn đệ và truyền cho lặp lại để tưởng nhớ đến Ngài, tưởng nhớ đến việc Ngài trao hiến mạng sống cho họ. Còn khi hiện ra với các môn đệ vào ngày Phục sinh, Ngài giải thích ý nghĩa của cuộc Tử nạn như là con đường đi vào vinh quang, và kế đó Ngài bẻ bánh cho họ: chính Ngài chủ sự cuộc cử hành Thánh Thể với các môn đệ. Hay nói khác đi, mỗi lần các môn đệ cử hành nghi thức bẻ bánh thì chính Chúa Phục sinh hiện diện ở giữa họ. Vì thế bí tích Thánh Thể không chỉ tưởng niệm cuộc Tử nạn, nhưng còn là cử hành sự hiện diện của Chúa Giêsu Phục sinh nữa.
Ngoài trình thuật về việc bẻ bánh với hai môn đệ Emmaus, các nhà chú giải còn ghi nhận một trình thuật khác nêu bật mối liên hệ giữa bí tích Thánh Thể với chiều kích Phục sinh, đó là chương 21 trong Phúc âm theo thánh Gioan, kể lại việc Chúa hiện ra với các môn đệ ở Biển Hồ Tiberia. Chương này kể lại việc các môn đệ nhận ra Chúa hiện ra sau một cuộc đánh cá kỳ lạ. Khi thuyền đã kéo thuyền lên bờ, các ông thấy có sẵn than hồng với cá đặt ở trên, và có cả bánh nữa. Câu 13 viết rằng: “Đức Giêsu cầm lấy bánh trao cho các ông; rồi cá, Người cũng làm như vậy”. Đoạn văn này cần được móc nối với phép lạ hoá bánh ở chương 6, cũng xảy ra ở Biển Hồ Tiberia, khi mà từ năm chiếc bánh và hai con cá, Ngài đã nuôi hơn 5 ngàn người, và tiếp đó Ngài đã giảng về bánh bởi trời đem lại sự sống cho thế gian. Bánh đó chính là Đức Kitô. Nhưng từ nay, Đức Kitô không chỉ là một con người lịch sử sinh sống ở Nadaret nữa, nhưng là Đức Kitô Phục sinh. Ngài không ngừng bẻ bánh để nuôi dưỡng chúng ta trong bí tích Thánh Thể. Chính Ngài mới là vị chủ sự các buổi cử hành Thánh Thể: chính Ngài bẻ bánh với các môn đệ Emmaus; chính Ngài dọn sẵn bánh và trao cho chúng ta.
Như vậy, khi cử hành Thánh Thể, chúng ta tưởng nhớ Chúa Kitô Tử nạn hay Phục sinh?
Chúng ta thường tách rời hai biến cố Tử nạn và Phục sinh, bởi vì xảy ra vào hai thời khắc cách xa nhau: cuộc Tử nạn xảy ra vào thứ 6 Tuần Thánh, còn việc Phục sinh thì xảy ra vào Chúa nhật tiếp đó. Tuy nhiên, Tân ước và phụng vụ thì coi cả hai như là một biến cố duy nhất. Thực vậy, thánh Gioan gọi việc Đức Giêsu chịu chết và treo lên thập giá như là “siêu thăng” (được cất cao lên), hoặc “tôn vinh”. Còn thánh Luca kể lại rằng khi hiện ra với hai môn đệ Emmaus và với tất cả các tông đồ họp nhau ở Giêrusalem thì Chúa Phục sinh giải thích cho họ biết rằng cuộc tử nạn chỉ là con đường để vào vinh quang. Vì thế phụng vụ gọi những ngày cuối cùng của Tuần Thánh là Tam nhật Vượt qua, một mầu nhiệm khởi sự từ thánh lễ tối thứ năm Tuần Thánh và kết thúc với kinh chiều lễ Phục sinh. Cuộc Tử nạn, Thập giá và Phục sinh họp thành một tổng thể. Ngoài ra chúng ta cũng nên lưu ý rằng, trong Tân ước có những đoạn văn nói rằng Thập giá chỉ là một chặng đường dẫn đến vinh quang Phục sinh, thì cũng có những đoạn văn nói rằng Chúa Phục sinh còn mang những dấu tích của Thập giá.
Những đoạn văn nào vậy?
Điều này khá rõ nơi các tác phẩm của thánh Gioan. Ở chương 20 của Phúc âm thứ bốn, chúng ta thấy rằng khi hiện ra với ông Tôma, Chúa Phục sinh đã tỏ cho ông thấy những dấu đinh ở tay, và lỗ đâm vào cạnh sườn. Ở sách Khải huyền, Đức Kitô được mô tả như Con Chiên sát tế: Chiên ấy đã bị giết và còn mang dấu vết. Tuy nhiên ngày nay, Con Chiên đã sống lại và hiển trị, được lãnh nhận phú quý, sức mạnh, uy quyền, danh dự với vinh quang. Hơn thế nữa, Thiên Chúa còn mở tiệc cưới cho Con Chiên vơí tất cả các tôi trung của Ngài. Trong Thánh lễ, trước khi rước lễ, vị chủ tế còn lặp lại lời mời trích từ Sách Khải huyền (19,9): “Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá tội trần gian, phúc cho ai được mời đến dự tiệc Chiên Thiên Chúa”.
Việc liên kết bí tích Thánh Thể với Chúa Phục sinh có ảnh hưởng gì đến cuộc sống đạo của chúng ta không?
Có chứ. Trước hết, chúng ta tin rằng Chúa Kitô hiện diện trong bí tích Thánh Thể. Nói rằng Chúa Kitô hiện diện có nghĩa là Chúa Kitô ngày hôm nay, chứ không phải là Chúa Kitô của hai ngàn năm trước đây. Ngày hôm nay, Chúa Kitô hiện diện như là Đấng Phục sinh; Ngài chết trên thập giá một lần, ngài đã sống lại và không còn bao giờ phải chết nữa. Chính nhờ sự Phục sinh mà thân xác của Ngài được vinh hiển, được linh động bởi Thần khí, do đó có thể hiện diện khắp nơi khắp chốn, không còn bị giới hạn bởi không gian và thời gian. Một hậu quả khác của việc liên kết Thánh Thể với mầu nhiệm Phục sinh là khi chúng ta hiệp thông với Thân mình Chúa Giêsu, thì chúng ta được kết hiệp với Chúa Giêsu trong vị thế của Đấng đã sống lại từ cõi chết và không còn chết nữa. Nói cách khác, chúng ta được kết hiệp với Thân thể của Chúa Phục sinh. Điều này không chỉ mang lại cho chúng ta niềm hy vọng mai sau sẽ được sống lại giống như Ngài, mà còn đưa chúng ta vào sự thông hiệp với Thân thể Mầu nhiệm của Chúa Phục sinh nữa. Thực vậy, khi nói đến “thân thể của Chúa Kitô”, thánh Phaolô và các giáo phụ không chỉ hiểu về thân thể vật lý của Đức Kitô, mà còn mở rộng đến Hội thánh nữa. Các Kitô hữu là chi thể của thân thể Đức Kitô. Ngài là đầu của thân thể mầu nhiệm, bao gồm các tín hữu lữ hành trên trần gian, cũng như những người đã hưởng vinh quang thiên quốc. Mỗi lần cử hành Thánh Thể, chúng ta kết hiệp với Thân thể mầu nhiệm đó: chúng ta liên kết với nhau vì được chia sẻ vào thân thể phục sinh của Đức Kitô; đồng thời chúng ta cũng liên kết với những anh chị em tuy khuất bóng nhưng vẫn gần gũi với chúng ta bởi vì họ được kết nạp vào Thân thể của Đức Kitô. Đó là đạo lý về sự thông hiệp các thánh trong kinh Tin kính, và được diễn ra cách đặc biệt khi cử hành Thánh lễ.
(daminh.net)