Ước lượng có khoảng 150 000 giáo dân tham dự thánh lễ ngoài trời ngày thứ tư 29-11-2017 ở công viên Kyaikkasan, Miến Điện
Đức Phanxicô cử hành thánh lễ ngoài trời ngày 29-11-2017 ở Rangoun, Miến Điện AFP
“Đến đây dâng lời hy vọng”, Đức Phanxicô đã cử hành thánh lễ ngoài trời ở công viên Kyaikkasan, Miến Điện, một đất nước chỉ có 1% người công giáo. Và đây là lần đầu tiên tín hữu công giáo được tiếp đón một giáo hoàng. Cho đến bây giờ, Đức Phanxicô đã tránh nói đến vụ cưỡng bức biệt xứ của các tín hữu hồi giáo rohingya.Trước một rừng giáo dân ăn mặc y phục truyền thống rực rỡ và rất trang nghiêm của hơn 150 000 người phất cờ Miến Điện và Tòa Thánh, Đức Phanxicô cho biết, ngài “đã chờ giây phút này từ rất lâu”.
Trước thánh lễ Đức Phanxicô tươi cười đi một vòng sân vận động bằng xe giáo hoàng mui trần, ngài chào giới trẻ mặc đồng phục ngoan ngoãn ngồi dưới đất. Bắt đầu bài giảng dưới hình thức khuyến khích tín hữu, ngài khiêm tốn nói: “Cha đến đây như người hành hương để nghe các con, để học từ các con và để nói với các con vài lời khuyến khích và hy vọng”.
Rất xúc động bởi chuyến đi đầu tiên của một giáo hoàng đến đất nước phật giáo, nhiều tín hữu đã ngủ qua đêm ở sân vận động mênh mông Kyaikkasan ở trung tâm Rangoun, thủ đô kinh tế của Miến Điện .
Nhiều người khác ngủ ở những nơi dã chiến như các nghĩa địa của nhà thờ. Có một số tín hữu từ Thái Lan và Việt Nam đến.
Đức Phanxicô kêu gọi tha thứ, dù đất nước Miến Điện đang mang nhiều “tổn thương của bạo lực, những tổn thương vô hình hay hữu hình”.
Từ hàng chục năm nay, vùng đất Đông Nam Á này lâm vào cảnh nội chiến ở nhiều vùng, và từ ba tháng nay đã có những vụ bạo lực hung bạo ở vùng phía tây làm cho hơn 620 000 người hồi giáo rohingya buộc phải biệt xứ.
Đức Phanxicô thích nói chuyện với các cộng đoàn nhỏ ở vùng “ngoại vi”, ngài tỏ ra ngưỡng phục Giáo hội “sống động” của Miến Điện.
Đức Phanxicô, giáo hoàng của người nghèo nêu lên: “Với tình trạng khó khăn và nghèo khổ cùng cực, rất nhiều người trong anh chị em đã giúp đỡ và tỏ lòng tương trợ người nghèo, kể cả những người ở các bộ lạc thiểu số khác”.
Nước Miến Điện có đến 90% là người phật giáo và chỉ có khoảng 700.000 người công giáo, chiếm chỉ hơn 1% tổng số dân. Đạo công giáo bắt rễ ở đây từ thế kỷ thứ 16 qua các thương gia buôn tơ lụa người Bồ Đào Nha, họ đến trong vùng Goa.
Ông Francis Cyria làm việc trong một tổ chức Phi Chính Phủ công giáo, ông nói với hãng tin AFP: “Tất cả các ngày chúa nhật, tôi đều nghe thánh lễ của Đức Giáo hoàng trên internet. Ngài mang lại cho tôi lời nói của hòa bình và của niềm vui. Chúng tôi là một cộng đồng rất thiểu số ở đất nước chúng tôi, chúng tôi rất vui khi được nhìn thấy ngài”.
Ông Meo, 81 tuổi thuộc sắc dân thiểu số Akha, ông nói: “Tôi chưa bao giờ mơ mình sẽ thấy Đức Giáo hoàng khi tôi còn sống”. Ông Gregory Than Zaw thuộc sắc dân thiểu số Karen, ông cùng đi xe búyt với 90 người khác từ làng mình đến đây, ông cho biết: “Tôi chưa bao giờ thấy nhiều người công giáo đến như vậy”.
“Làm cho hòa bình tiến tới”
“Bà Rose phát biểu: “Người Miến Điện rất nghèo và chính quyền chúng tôi bị áp lực do các cuộc nội chiến. Đức Giáo hoàng xin chúng tôi tha thứ”.
Với sự mở ra của đất nước vào năm 2011 sau hàng chục năm cô lập dưới chế độ quân đội độc tài, đất nước đã nới lỏng các hạn chế tôn giáo. Nhưng cùng một lúc lại có các căng thẳng giữa các tín ngưỡng với nhau.
Năm 2014, nước Miến Điện mừng vị thánh đầu tiên: Vatican phong thánh Isidore Ngei Ko Lat, người bị ám sát ở biên giới phía đông năm 1950.
Một năm sau, nước Miến Điện có hồng y đầu tiên. Và tháng 5 vừa qua, chính quyền dân sự trên thực tế do bà Aung San Suu Kyi điều khiển đã thiết lập quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh.
Từ ba tháng nay, nước Miến Điện ở dưới áp lực quốc tế, bị tổ chức Liên Hiệp Quốc cáo buộc họ chủ trương “thanh trừng chủng tộc” đối với các người hồi giáo rohingya ở miền tây Miến Điện .
Ngày thứ ba 28 tháng 11, trong bài diễn văn chính thức đầu tiên, Đức Phanxicô đã kêu gọi nước Miến Điện “tôn trọng mọi nhóm thiểu số”, nhưng ngài tránh nhắc đến chữ “Rohingya” cấm kỵ và tránh trực tiếp nói đến vụ cưỡng bức biệt xứ của sắc dân hồi giáo thiểu số này. Ngài theo lời căn dặn Giáo hội địa phương, luôn cẩn thận dè dặt, tránh khêu lên ngòi nổ của các phật tử cực đoan.
Cuối tháng 8-2017, hơn 620.000 người hồi giáo rhohingya tị nạn ở Bangladesh, họ đi trốn để trảnh cảnh hãm hiếp, giết người, tra tấn của binh lính Miến Điện và dân quân phật tử.
Chiều thứ tư, Đức Phanxicô gặp Hội đồng Tăng già Phật giáo ở chùa Kaba Aye, một trong những ngôi chùa lớn nhất và được tôn kính nhất nước.
Marta An Nguyễn dịch