Thánh Kinh bằng hình: Lễ Chúa Giáng Sinh năm B

 

 

Ngày 24/12/2014

Phúc Âm Lc 2, 1-20

Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đa-vít, Người là Đấng Ki-tô Đức Chúa

 Thánh lễ Nửa đêm đã tường thuật biến cố Chúa Giê-su ra đời trong một khung cảnh nghèo nàn, khác hẳn với cảnh ấm cúng và giàu có của gia đình ông Gio-an Tẩy giả.  Nhưng chính khung cảnh đơn sơ ấy lại làm nổi bật lên sứ điệp vô cùng quan trọng cho toàn thể nhân loại:  “Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đa-vít, Người là Đấng Ki-tô Đức Chúa” (Lc 2:11).  Trước Tin Mừng vĩ đại ấy, nhóm người chăn chiên và Mẹ Ma-ri-a, những người đầu tiên đón nhận đã có những tâm tình nào?  Thánh lễ Rạng đông và đặc biệt là bài Tin Mừng sẽ cho ta những câu trả lời.

a)  “Nào chúng ta sang Bê-lem, để xem sự việc đã xảy ra, như Chúa đã tỏ cho ta biết”

          Đây là những lời phát tự đáy lòng nhóm người khao khát tìm gặp Đấng Cứu Độ.  Ta thử đặt mình trong tâm trạng của những người chăn chiên để hiểu được quyết định đi Bê-lem của họ.  Trước hết họ quyết định ra đi lập tức vào giữa đêm đông.  Thực ra quãng đường không xa lắm, độ vài cây số thôi.  Nhưng di chuyển ban đêm không phải là dễ dàng, nhất là trong vùng đồi núi và khí hậu lạnh buốt.  Hơn nữa, nếu họ ra đi thì đoàn vật họ trông coi sẽ ra sao đây?  Vậy động lực nào thúc đẩy họ ra đi?  Chính họ đã nói lên động lực ấy:  để xem sự việc đã xảy ra!  Sự việc đã xảy ra là biến cố “Đấng Cứu Độ là Đấng Ki-tô Đức Chúa đã sinh ra trong thành vua Đa-vít”.

          Chắc chắn, “xem” ở đây không chỉ mang ý nghĩa xem bằng mắt, nhưng là thấy và nhận ra ý nghĩa đích thực của biến cố đã xảy ra.  Với con mắt thường, ta xem việc ra đời của một đứa bé không có gì là đặc biệt, cũng như hằng triệu đứa bé sinh ra mỗi ngày thôi.  Trong khung cảnh gia đình, việc ra đời của một đứa trẻ có thể là một tin vui, một sự mong đợi từ lâu rồi.  Nhưng để xem và hiểu được biến cố Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho chúng ta, thì ta phải xem bằng con mắt đức tin, nghĩa là bằng tất cả tấm lòng yêu mến và tin tưởng vào tình yêu Thiên Chúa.  Tấm lòng ấy đã được các sứ thần ca lên để ngợi khen Thiên Chúa:  Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương.  Đúng vậy, tất cả lòng tin yêu của ta được gói ghém trong lời ca của các sứ thần.  Với con mắt đức tin, ta nhận ra bức tranh Giáng Sinh gồm hai khung cảnh:  trời và đất.  Trên trời là vinh quang của Thiên Chúa và dưới đất là bình an của một nhân loại được Chúa yêu thương.  Nhưng quan trọng nhất giữa hai khung cảnh ấy là Hài Nhi Giê-su.  Nơi Người chiếu tỏa ra vinh quang của Thiên Chúa và bình an của nhân loại.  Ta chỉ có thể nhận ra vinh quang của Thiên Chúa trong Chúa Giê-su (Ga 1:14) và ta cũng chỉ tìm thấy bình an đích thực trong Chúa Giê-su mà thôi (Ga 14:27).  Vậy Giáng Sinh, hay “sự việc đã xảy ra như Chúa đã tỏ cho ta biết”, đó là chân lý Thiên Chúa luôn yêu thương nhân loại nên giờ đây Người ban bình an cho họ.  Hoặc nói như thánh Gio-an:  Thiên Chúa đã yêu nhân loại đến nỗi cho Con Một xuống để giao hòa nhân loại với Người.

          Hành trình đức tin của những người chăn chiên bắt đầu bằng việc mau mắn làm theo lời báo tin của các sứ thần.  Họ vội vã ra đi do lòng tin yêu nung đốt.  Họ gặp và chiêm ngưỡng Thánh Gia tại Bê-lem.  Thánh Lu-ca không thể diễn tả cuộc gặp gỡ ấy, vì nó đầy ắp tâm tình tin kính và yêu mến.  Rồi khi họ nói cho những người khác biết về Hài Nhi, người ta chỉ có phản ứng “ngạc nhiên” mà thôi.  Thiếu con mắt đức tin, người ta sẽ coi việc sinh ra của Hài Nhi đơn giản như một điều ngạc nhiên.  Mà ngạc nhiên là phản ứng nhất thời do đầu óc chứ không phải do con tim và không phải là hành vi của đức tin.  Sau khi thi hành sứ mệnh loan báo Tin Mừng, những người chăn chiên ra về, “vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa”.  Nghĩa là đi tới đâu họ cũng ngợi khen Chúa, chứ không phải chỉ ca tụng Chúa trong Đền Thánh hay nhà thờ.  Đức tin đã làm cho họ trở thành những kẻ rao giảng Tin Mừng trong bất cứ hoàn cảnh nào.

b)  “Còn bà Ma-ri-a thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng”

          Chỉ một câu Kinh Thánh cũng đủ để vẽ lên hình ảnh tuyệt vời Mẹ Ma-ri-a chiêm niệm biến cố Giáng Sinh.  Câu Kinh Thánh mà Lu-ca viết ở đây về Đức Mẹ có thể áp dụng vào mọi lúc trong cuộc đời của Chúa Giê-su, vì tất cả những gì xảy ra trong đời của Chúa Giê-su từ giây phút Nhập thể cho tới lúc tắt thở trên thập giá đều là những kỷ niệm trân quý đối với Mẹ.  Mỗi kỷ niệm, mỗi biến cố trong đời Chúa Giê-su đều có một ý nghĩa đặc biệt.  Nhưng những ý nghĩa ấy chỉ được sáng tỏ sau khi Chúa sống lại từ kẻ chết.  Do đó Mẹ mới “suy đi nghĩ lại trong lòng” để luôn luôn sẵn sàng chấp nhận thánh ý của Thiên Chúa.

          Ta thường quá chú tâm đến việc hiểu ý nghĩa mà quên đi mục đích hiểu ý nghĩa để làm gì.  Còn đối với Đức Mẹ, Người “suy đi nghĩ lại trong lòng” không chỉ để hiểu ý nghĩa, mà là để trân trọng yêu quý những kỷ niệm về Chúa Giê-su, rồi nhờ những kỷ niệm ấy mà yêu mến chính Chúa Giê-su.

 

          Khi truyền tin cho Đức Mẹ, sứ thần Gáp-ri-en đã cho Mẹ biết về sứ mệnh của Chúa Giê-su.  Mỗi danh hiệu như Giê-su, Con Đấng Tối Cao, Con Thiên Chúa, đều là những đề tài suy gẫm và cầu nguyện của Mẹ về sứ mệnh cứu thế của Chúa Giê-su.  Càng cầu nguyện, Mẹ càng yêu mến Chúa Giê-su hơn và càng sẵn sàng cùng với Con mình dấn thân thi hành lời “xin vâng”.  Việc “suy đi nghĩ lại trong lòng” đã sinh hoa trái cho chính Mẹ và cho Chúa Giê-su.  Lời “xin vâng” của Đức Mẹ lúc Truyền tin chuẩn bị cho lời “xin vâng” của Chúa Giê-su trong Vườn Dầu.

Lm. Đaminh Trần Đình Nhi

Thánh Kinh bằng tiếng Việt

Thánh Kinh bằng tiếng Anh