Thánh Cả Giuse – Lễ Ngày 19.3.2015 (Suy niệm – Bài giảng)

1. Thánh Giuse gương mẫu cho người trưởng gia

 

 

Ngày 19 tháng 3, Hội Thánh hoàn vũ hân hoan mừng kính Thánh Giuse, bạn trăm năm của Ðức Trinh Nữ Maria, cha nuôi Chúa Giêsu, vị quan thầy khả kính của mình cách trọng thể. Truyền thống bình dân Kitô giáo dành trọn tháng Ba cho thánh Giuse người của Thiên Chúa và đem lòng sùng kính ngài cách đặc biệt.

 

Trong chương trình của Thiên Chúa tình thương, thánh Giuse đã được mời gọi trở nên người cha trên trần gian của Ngôi Lời Nhập Thể, (nơi ngài) được phản chiếu một cách đặc biệt tình phụ tử của Thiên Chúa. Nên khi chúng ta tôn kính thánh nhân là chúng ta ca khen chúc tụng Thiên Chúa : “Trong ngày lễ kính thánh Giuse chúng con cùng tung hô, chúc tụng và ca ngợi Cha” (Kinh Tiền Tụng Thánh Giuse). Đây là điều đẹp lòng Thiên Chúa, lời nguyện khác có đoạn “ Vào lúc bình minh của thời đại mới, Chúa đã trao cho thánh Giuse bảo vệ các Mầu Nhiệm Cứu Độ, xin cho Hội Thánh Chúa luôn luôn nhớ lời cầu bầu của thánh nhân …”. Chính Đức Giáo Hoàng Pio IX đã công bố sắc lệnh Quemadmodum Deus (08.12.1870), nhận thánh Giuse làm quan thầy cả Hội Thánh, hàng năm dành riêng hai lễ kính ngài vào ngày 19 tháng 3 và mùng 01 tháng 5.

 

1. Bạn đời của Đức Nữ Trinh

 

Tin Mừng ghi lại : “ Giuse bạn của bà là người công chính, không muốn tố cáo bà, nên định tâm lìa bỏ bà cách kính đáo”  (Mt 1, 19). Ðây là câu chuyện duy nhất trong Tân Ước diễn tả trực tiếp về con người của thánh Giuse, một vị hôn phu không những là người đã giữ đức công bình mà còn trung thành chu toàn mọi bổn phận của một người chồng, người chủ gia đình.

 

Lần giở lại những trang Tin Mừng có liên quan đến Thánh Giuse, chúng ta có thể khám phá ngay tính cao thượng trượng phu của ngài. Khi hay tin Mẹ Maria mang thai, Thánh Giuse không bối rối cũng không ẩn trốn. Nhưng ngài chỉ mới toan tính bỏ Bà Maria cách kín đáo. Tuy nhiên, ngài không thực hiện ý định đó. Bởi sau khi được sứ thần Thiên Chúa đến mặc khải cho ngài qua giấc mộng: “Mẹ Maria mang thai là bởi quyền năng của Chúa Thánh Thần”(Mt 1,20), ngài đã không còn “bán tín bán nghi” nữa. Trái lại, tín thác hoàn toàn vào lời của sứ thần, sẵn sàng đón Đức Maria về nhà làm bạn mình và phục vụ với lòng kính trọng, mến yêu.

 

Những biến cố xảy ra trong cuộc đời Thánh Giuse như: Mầu Nhiệm Nhập thể, cuộc trốn chạy sang Ai Cập trước ý định tìm giết Chúa Giêsu của vua Hêrôđê, việc lạc mất Chúa Giêsu, cũng như những tháng năm sống đời ẩn dật tại Nazaret, Giuse, bậc trượng phu đã đứng mũi chịu sào trong mọi tình huốn : cùng bạn mình “đem Hài nhi lên Giêrusalem tiến dâng cho Chúa” (Lc 2, 22) ; “đem Hài nhi và mẹ Ngài ban đêm mà trốn qua Ai Cập” (Mt 2,14 ) ; “đem Hài Nhi và Mẹ Ngài mà về đất Israel” (Mt 2, 20 ) ; cùng với bạn đời sống âm thầm nơi thôn làng Nazaret, hàng năm cùng với Đức Maria đưa Chúa Giêsu lên Đền thờ chầu lễ (x. Lc 2, 41- 43). Ngài thật là vị hôn phu của Ðức Maria.

 

Như thế, từ khi kết hôn với Mẹ Maria cho đến biến cố Chúa Giêsu 12 tuổi tại Ðền thờ Giêrusalem, ngài ân cần yêu thương đồng hành trong mọi lúc. Ngài ở cạnh Maria Hiền thê của ngài trong những lúc thanh thản cũng như trong những lúc khó khăn của cuộc sống, trong hành trình đi Bêlem để kiểm tra dân số, và trong những giờ hồi hộp và vui mừng của cuộc sinh hạ; trong lúc bi thảm tị nạn sang Ai Cập và trong cuộc vất vả tìm con tại Ðền Thờ; và rồi trong cuộc sống hằng ngày tại nhà Nazaret, trong phòng làm việc nơi thánh nhân đã dạy nghề cho Chúa Giêsu.

 

Thánh Giuse đã sống ơn gọi làm chồng của Đức Maria trong thinh lặng, kiên trì và trung tín hoàn toàn, cả khi ngài không hiểu. Ngài biết lắng nghe Thiên Chúa, để cho thánh ý Chúa hướng dẫn, và chính vì thế thánh nhân trở thành người chồng mẫu mực của Đức Maria và người cha tận tụy đối với Chúa Giêsu, như Chân phước Gioan Phaolô II đã nhấn mạnh: “Thánh Giuse, vì yêu thương chăm sóc Mẹ Maria và vui mừng tận tụy giáo dục Ðức Giêsu Kitô, như thế Ngài cũng giữ gìn và bảo vệ nhiệm thể của Ngài là Giáo Hội, mà Ðức Thánh Trinh Nữ là hình ảnh và gương mẫu”  (Trích Tông Huấn Redemptoris Custos, 1).

 

2. Cha nuôi Hài Đồng Giêsu

 

Thánh Giuse là vị hôn phu của Ðức Maria, Đấng đã cưu mang Chúa Giêsu, mà vẫn còn đồng trinh, do bởi quyền năng của Chúa Thánh Thần. Nhưng con trẻ Giêsu cũng là con của thánh Giuse, vị hôn phu hợp pháp của Mẹ Maria. Vì thế, trong Tin Mừng, cả hai đều được gọi là song thân của Chúa Giêsu (Lc 2, 27.41).

 

Cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và Mẹ Người mà thánh Luca mô tả : Đức Maria nói Này cha con và mẹ phải đau khổ tìm con! ” Nhưng Ngài đáp lại: “ Thì tại sao tìm con? Lại còn không biết là con phải ở lại nơi nhà Cha con sao? ” (Lc 2 , 48 – 49 ). Những lời của Chúa Giêsu giúp chúng ta hiểu được thiên chức “ làm cha ” của thánh Giuse. Khi gợi lên cho cha mẹ trần gian về việc của Đấng mà Ngài gọi là “Cha con”, Chúa Giêsu tiết lộ sự thật về vai trò của Đức Maria và Thánh Giuse. Thánh Giuse thực sự là “chồng” của Đức Maria và là “cha” của Chúa Giêsu, như Đức Maria nói: “Cha con và mẹ phải đau khổ tìm con”. Nhưng thánh Giuse là chồng và là cha theo ý Thiên Chúa, vì chính Thiên Chúa mời gọi Giuse cống hiến đời mình phục vụ người Con duy nhất của Chúa Cha và Đức Trinh Nữ Maria. Thánh nhân đã đảm nhận thánh ý Chúa với lòng trung thành và ngưỡng mộ.

 

3. Gưỡng mẫu cho người trưởng gia

 

Ngày hôm nay có biết bao người đang vui mừng làm ông nội, ông ngoại, làm bố, và đang hồi hộp chờ đợi đứa con đầu lòng, tức là sắp được làm bố, với bao trách nhiệm gia đình phải gánh vác. Họ không biết làm ông, làm bố thế nào cho phải cho nên. Xem ra họ phải chấp nhận mọi hy sinh vì điều thiện hảo cho gia đình của họ. Họ mong ước được người vợ và con cái chia sẻ tình thương để bù lại cho những mệt nhọc phải chịu. Thì thánh Giuse là mẫu gương sống động cho chính họ học đòi bắt chước, trong vai trò làm chồng cách quảng đại, làm cha gương mẫu và làm chủ gia đình cách tận tụy sáng suốt.

 

Kính xin Thánh Giuse từ trời cao phù hộ cho tất cả các người cha và bảo vệ những người làm cha trong gia đình. Ước chi mỗi người trong họ có thể phản chiếu tình thương dự phòng và trung tín của Thiên Chúa trong khi thi hành những trách nhiệm là chồng, làm cha và làm chủ gia đình.

 

Nguyện xin Thánh Giuse và Mẹ Maria rất thánh, Nữ Vương các gia đình và là Mẹ của Giáo Hội, (nguyện xin hai Ðấng) cầu cùng Chúa cho chúng con được hồng ân chúng con xin. Amen.

 

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

 

+++++++++++++++++++++

 

2. Suy niệm về Thánh GIUSE (19.3)

 

Thánh Giuse là vị thánh rất đặc biệt.

 

Trong tất cả các vị thánh, ngoại trừ Đức Trinh Nữ Maria là Nữ Vương Các Thánh, không có thánh nào sánh kịp với Thánh Giuse: một vị thánh mà khi sống, thì được sống bên cạnh Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, và được sống bên cạnh Đức Maria, Mẹ Đức Chúa Trời trong gia đình thánh thất, là thiên đàng trên trần gian nầy;  còn khi chết, thì được chết trong tay Hai Đấng cao trọng nầy.

 

Trước hết, Thánh Giuse hết sức cao sang trong việc Ngài được làm Cha Nuôi của Chúa Giêsu.

 

Các Thánh Tổ Phụ, các Thánh Tiên Tri, các Thánh Nam Nữ xưa và nay, đều sấp mình thờ lạy Chúa Giêsu, còn Thánh Giuse thì nuôi dưỡng Chúa Giêsu, nâng đỡ Chúa Giêsu, lo lắng cho Chúa Giêsu, bồng Chúa Giêsu trên tay, hôn kính Chúa Giêsu, nói chuyện với Chúa Giêsu, cho Chúa Giêsu ăn, cho Chúa Giêsu mặc, bảo vệ Chúa Giêsu khỏi muôn vàn nguy hiểm.

 

Ý Thiên Chúa quan phòng để cho Thánh Giuse làm Cha của Đấng Cứu Thế ở trước mặt người đời. Để thực hiện ý định nầy của Thiên Chúa Cha, Chúa Giêsu luôn vâng lời Thánh Giuse từng li từng tí, tôn kính Ngài như một người con hết sức hiếu thảo.

 

Vì Chúa Giêsu chỉ có một mình Đức Mẹ là Mẹ thật, nên Thánh Giuse được Thiên Chúa Cha giao cho toàn quyền lo lắng mọi sự cho Con Một mình trên trần gian nầy. Bởi thế, trừ ra chức làm Mẹ Đức Chúa Trời vô cùng cao sang của Đức Maria,  thì trên trời dưới đất nầy, không có chức nào cao trọng cho bằng chức làm Cha nuôi của Thánh Giuse đối với Chúa Giêsu.

 

Thánh Giuse còn hết sức cao sang trong chức vụ Ngài làm bạn rất thanh sạch của Đức Maria.

 

Đối với Đức Maria, chức làm Mẹ Thiên Chúa là chức cao trọng vô cùng, thế mà Thánh Giuse lại được liên kết mật thiết với Đức Maria bằng giây liên lạc hôn nhân theo phép đạo.

 

Khi ban Thánh Giuse làm bạn rất thanh sạch của Đức Nữ Đồng Trinh Maria, Thiên Chúa ban cho thánh Giuse ba điiều cao quý: một là, làm người bạn đường lo lắng, giúp đỡ Đức Maria; hai là, làm người chứng nhận sự trinh khiết tuyệt vời của Đức Maria; ba là, ban cho Thánh Giuse ơn trọng đại tham gia vào phẩm chức cao cả làm Mẹ Đức Chúa Trời của Đức Maria.

 

Bởi thế, Thánh Giuse được Giáo Hội tôn kính hết sức đặc biệt:  Giáo Hội dành một tháng trong năm để kính Thánh Giuse; đặt hai lễ trọng trong năm kính Thánh Giuse; dành ngày thứ tư trong tuần để kính Thánh Giuse; soạn nhiều kinh đặc biệt để cầu nguyện và ca ngợi thánh Giuse như Kinh Cầu Thánh Giuse, Kinh Thân Lạy Ông Thánh Giuse; chọn Thánh Giuse làm bổn mạng của mình. Khi chọn Thánh Giuse làm Quan Thầy Bổn Mạng, Giáo Hội quả quyết rằng: “Ngoài Đức Maria ra, thì trên trời dưới đất nầy, không tìm được một vị thánh nào có thần thế để bênh vực Giáo Hội cho bằng Thánh Giuse.” (ĐGH Piô IX, 08.12.1870).

 

Vậy, trong đời sống làm con Chúa, làm con Mẹ, chúng ta hãy noi gương bắt chước Thánh Giuse trong những nhân đức nổi bật của Ngài.

 

Gương nhân đức trong sạch (hình ảnh Thánh Giuse: nhành huệ nơi tay;  Kinh Cầu Thánh Giuse: Đấng thanh sạch giữ gìn Đức Nữ Đồng Trinh; cực thanh cực tịnh; che chở kẻ giữ mình đồng trinh).

 

Gương đức tin mạnh mẽ (tin lời Chúa do thiên thần truyền).

 

Gương vâng lời nhanh chóng (thi hành ngay lệnh Chúa truyền / Kinh Cầu: chịu lụy mọi đàng).

 

Gương thành thật (Kinh Cầu: rất ngay chính thật thà).

 

Guơng thinh lặng (không bao giờ nói ra một lời ta thán / nêu cao gương cho các linh hồn sống đời nội tâm).

 

Gương khôn ngoan (được Thiên Chúa dùng để huớng dẫn Con của Ngài và Mẹ của Con Ngài / Kinh Cầu : Đấng ân cần gìn giữ Chúa Kitô; Đấng cai quản Thánh Gia Thất xưa; cực khôn cực ngoan; làm cho sáng danh gia đạo; Đấng an ủi kẻ mắc gian nan).

 

Gương hy sinh (lo miếng cơm manh áo cho Đức Maria và Chúa Giêsu, tuy không giàu sang lòe loẹt gì, nhưng luôn luôn đầy đủ; bao bọc nuôi dưỡng Thánh Gia Thất bằng mồ hôi nước mắt của mình; thức khuya dậy sớm lo cho kịp công kịp việc; nêu cao gương cho người cha, người gia trưởng trong gia đình).

 

Gương siêng năng làm việc (học nghề và làm nghề thợ mộc để sinh sống).

 

Gương mẫu của các người thợ (Kinh Cầu: kiểu thức các tài công noi theo).

 

Gương nhịn nhục (Kinh Cầu: làm gương nhân đức nhịn nhục).

 

Gương khó nghèo (Kinh Cầu: yêu chuộng sự khó khăn).

 

Thánh Giuse thật là một vị thánh siêu phàm, không thiên thần nào, không vị thánh nào có thể sánh kịp. Chúng ta hãy nghe những lời đầy cậy trông sau đây của thánh nữ Têrêxa Avila:

 

– “Tôi không thể quên được rằng cho đến ngày hôm nay, tôi xin Thánh Giuse điều gì thì được điều đó, và tôi không thể không lấy làm bỡ ngỡ khi thấy rằng, nhờ Thánh Giuse cầu bàu mà Chúa đã ban cho tôi nhiều ơn và đã cứu tôi khỏi những nguy hiểm phần hồn phần xác. Các thánh khác thì được Chúa ban ơn giúp chúng ta trong một vài trường hợp cần thiết, còn kinh nghiệm cho tôi biết rằng Thánh Giuse giúp chúng  ta trong tất cả mọi trường hợp, như thể Chúa muốn cho chúng ta hiểu rằng: khi ở dưới thế nầy, Ngài đã vâng lời Thánh Giuse vì Ngài là Cha nuôi mình, thì nay trên trời, Ngài cùng không từ chối Thánh Giuse điều gì.”

 

Linh mục Emmanuen Nguyễn Vinh Gioang

 

3. Thánh Giuse, Bạn Trăm Năm Đức Maria

 

Đọc lại câu nói của thánh Têrêsa Avila về thánh cả Giuse sau đây chúng ta không khỏi khâm phục và ngạc nhiên:” Tôi thấy không lần nào xin sự gì cùng thánh Giuse mà không được như ý. Dường như Thiên Chúa ban ơn cho các Thánh giúp ta việc này việc nọ nhưng kinh nghiệm cho tôi biết Thánh Giuse giúp chúng ta trong mọi trường hợp. Tôi lấy danh Chúa mà xin những ai không tin lời tôi hãy thử mà xem”. Hội Thánh qua bao thế kỷ đã dành cho thánh Giuse một chỗ đứng cao vời trong Phụng Vụ thánh. Theo truyền thống Kitô giáo, lòng đạo đức bình dân của các Kitô hữu trên thế giới lúc nào thánh Giuse cũng được mọi người tôn kính như một Đấng đầy uy quyền. Giáo Hội đã trao tặng cho thánh Giuse rất nhiều tước hiệu cao quí, danh xưng nào cũng đẹp, tên nào cũng tuyệt vời chẳng hạn như : Thánh Giuse, Cha nuôi của Chúa Giêsu, thánh Giuse thợ, Bạn trăm năm của Đức Trinh Nữ Maria vv…Hội thánh hàng năm vẫn dành cả tháng 3 để tôn vinh thánh Giuse mà cao điểm là lễ ngày 19/3, Giáo Hội truyền mừng lễ này cách rất trọng thể.
1. THÁNH GIUSE, ANAWIM, NGƯỜI NGHÈO CỦA THIÊN CHÚA: 
Thiên Chúa đã chọn thánh Giuse giữa muôn người nghèo vì trước mặt Người, thánh Giuse chỉ là người khiêm nhu, nhỏ bé, một người nghèo của Thiên Chúa Giavê, một Anawim như Đức Trinh Nữ Maria. Thánh Giuse cũng chờ đợi Đấng Cứu Thế như muôn dân hằng trông đợi, Đấng mà Thiên Chúa đã hứa với tổ tiên Đavít của mình. Thánh Giuse luôn đặt sinh mạng của mình trong bàn tay yêu thương của Thiên Chúa, phó thác và tin tưởng hoàn toàn nơi Ngài. Vì đặt tin tưởng, cậy trông nơi Thiên Chúa duy nhất là Đấng có uy quyền và làm được tất cả mọi sự. Do đó, khi được sứ thần Gabrien cho biết ý định cứu rỗi của Thiên Chúa ngang qua cái thai mà Maria, bạn của Người vừa mới đính hôn đang cưu mang trong cung lòng trinh khiết, thánh Giuse đã bỏ mọi ý định riêng tư của mình để sống kế hoạch chung, kế hoạch yêu thương và mầu nhiệm của Thiên Chúa. Như Mẹ Maria, thánh Giuse có thể nói với sứ thần:” Xin hãy thành sự cho tôi như lời sứ thần loan báo”. Thánh Giuse đã thực hiện hoàn hảo như lời sứ thần truyền:” Đem Maria về nhà để nuôi dưỡng và giúp đỡ “. Thánh Giuse chỉ là một người thường dân như mọi người dân khác trong xã hội Do thái lúc đó dù rằng Ngài thuộc hoàng tộc vua Đavít. Do đó, thánh Giuse chẳng được đặc ân, đặc lợi như hàng tư tế, Lêvi, biệt phái, Pharisiêu vv…
2. VAI TRÒ CỦA THÁNH GIUSE: 
Trước mặt Mẹ Maria và Chúa Giêsu quả thực thánh Giuse hầu như đứng trong bóng tối. Nhưng đó là vai trò của Ngài, Ngài âm thầm, kiên nhẫn, khiêm nhượng nuôi dưỡng Chúa Giêsu và Mẹ Maria bằng cái nghề thợ mộc khiêm tốn của mình. Tuy nhiên không phải vì thế mà vai trò của Ngài bị lu mờ, bị che khuất dẫu Tin Mừng hầu như không ghi lại một câu nói của Ngài. Có lẽ đó là bí mật và mầu nhiệm của Tin Mừng. Nhưng, đã có ai gần gũi Chúa Giêsu và Mẹ Maria bằng thánh cả Giuse ? Có ai nuôi dưỡng Chúa Giêsu và Mẹ Maria bằng thánh cả Giuse ? Hội Thánh luôn tôn vinh thánh Giuse và chiêm ngưỡng con người khiêm nhu nhưng lại rất thánh thiện và cao vời của Ngài. Thánh Giuse luôn nắm vai trò quan trọng nhất trong kế hoạch cứu rỗi của Thiên Chúa ngang qua gia đình Nagiarét, một gia đình đã cưu mang và nuôi dưỡng Con Thiên Chúa:”Đức Giêsu làm người”.Chúng ta không sợ nói quá lời, nếu không có thánh Giuse chắc lịch sử cứu độ đã xoay khác.
3. THÁNH GIUSE TRUYỀN LỆNH HƠN LÀ VAN XIN : 
Vì giữ vai trò quan trọng trong lịch sử cứu độ, thánh Giuse được Thiên Chúa yêu thương, sủng mộ, Ngài rất đắc sủng trước mặt Thiên Chúa. Chính vì thế, Thiên Chúa đã ban cho Ngài muôn vàn đặc ân cao quí mà có lẽ chỉ có Đức Mẹ và thánh Giuse mới có được, mới nhận được. Chúng ta chỉ cần điểm qua vài biến cố trong cuộc đời của thánh Giuse, chúng ta sẽ hiểu thế nào là ơn Thiên Chúa ban cho Ngài để Ngài bảo vệ và củng cố lòng tin cho gia đình Nagiarét, chẳng hạn:” Thánh Giuse đem Chúa Giêsu và Mẹ Ngài trốn qua Ai Cập để tránh Hêrôđê tìm giết Con Trẻ, đưa Chúa Giêsu và Mẹ Ngài trở về Nagiarét. Cả hai biến cố ấy luôn cần ơn can đảm, khôn ngoan và hiểu biết, thánh Giuse đã được Thiên Chúa ban cho những ơn ấy để Ngài hướng dẫn và săn sóc gia đình Thánh Gia tốt đẹp trước mọi biến cố của cuộc đời. Việc lạc mất Chúa Giêsu lúc Chúa lên 12 tuổi. Chắc chắn thánh Giuse đã được Chúa ban đức tin mãnh liệt để Ngài củng cố niềm cậy trông cho Mẹ Maria, Bạn trăm năm của Người.
Thánh Giuse quả thực được sủng ái nơi Thiên Chúa vì thế Ngài có quyền lớn lao trên Nước Trời. Thiên Chúa đã ban cho thánh Giuse toàn quyền can thiệp vào lịch sử nhân loại. Do đó, chạy đến với thánh Giuse chắc chắn con người sẽ chẳng bị thất vọng.
Chúng ta hãy cùng nhau đọc kinh khấn thánh Giuse :” Lạy thánh Giuse, xưa nay không ai kêu cầu Cha mà vô hiệu. Cha có thần thế trước mặt Đức Chúa Trời đến nỗi người ta có thể nói rằng:” Trên Trời thánh Giuse truyền lệnh hơn là van xin”.
Lạy Cha hiền, xin cầu bầu cùng Chúa Giêsu cho chúng con. Khi ở thế gian này. Cha đã từng là Cha nuôi và là vị bảo hộ trung thành của Chúa Con Chí Thánh, nay xin Cha bào chữa cho chúng con bên tòa Chúa. Chúng con trao phó nơi Cha vụ khó khăn này (…) Xin Cha giải gỡ giúp chúng con, để thêm một vinh quang mới vào bao nhiêu vinh quang sẵn có của Cha.
Lạy Thánh Giuse nhân từ, chúng con tin tưởng. Vâng, chúng con tin tưởng Cha có thể chấp nhận lời nguyện của chúng con và giải thoát chúng con khỏi những khổ cực ưu sầu mà chúng con đang gặp phải. Hơn nữa, chúng con vững lòng trông cậy. Cha không bỏ qua điều gì giúp cho những người sầu khổ kêu cầu Cha. Chúng con sấp mình dưới chân Cha, tha thiết nài xin Cha đoái thương đến những than van khóc lóc của chúng con. Xin Cha lấy tình thương như áo choàng che phủ chúng con và chúc lành cho chúng con. Amen.

 

Lm. Giuse Nguyễn Hưng Lợi, DCCT

 

++++++++++++++++++++

 

4. Thánh Giuse, con người thầm lặng và tình yêu

 

Móng nền thì không bao giờ thấy trên bề nổi của công trình, móng nền vững chắc thì cũng không bao giờ ngả nghiêng, lay động, xôn xao để làm rạn vỡ công trình. Những điều này gợi nhắc sự thầm lặng quan trọng của nền móng.

 

Thánh Giuse được nhắc tới chính yêu ba lần trong Phúc Âm.

 

Bản gia phả của Chúa Giêsu: Thánh Giuse được nhắc tới để đảm bảo cho Chúa Giêsu thuộc dòng dõi vua Đavit, là Đấng Cựu Ước đã loan báo là Hoàng Tử Bình An sẽ xuất hiện, triều đại của niềm mong ước dân Do Thái được thực hiện đã đến nơi Chúa Giêsu.

 

Sanh hạ Chúa Giêsu: Thánh Giuse với vai trò người cha nuôi của Chúa Giêsu, đồng thời là bạn của Đức Maria. Với trình thuật này, Phúc Âm giới thiệu Thánh Giuse, Đấng bảo trợ pháp lý cho Con Thiên Chúa nhập thể trong lòng Đức Maria và cũng là Đấng Bảo vệ sự trinh khiết của Đức Maria và hài nhi Giêsu trong giai đoạn đầu của thời gian thực hiện công trình cứu độ của Chúa Giêsu cho nhân loại.

 

Thánh Giuse trong giấc mộng được báo mang con trẻ Giêsu sang lánh nạn bên Ai Cập và sau đó trở về Nazareth. Trong trình thuật này, các Phúc Âm trình bày Thánh Giuse với vai trò của người gia trưởng đích thực, bảo vệ và chăm sóc gia đình trước những sự dữ sắp xảy đến.

 

Những lần khác, Phúc Âm nhắc tới Thánh Giuse như là bóng mờ bên cạnh Chúa Giêsu.
Với những đặc điểm đó, suy gẫm về Thánh Giuse có thể phác hoạ hai nét chính trong cuộc đời của Ngài trong ảnh hưởng đối với ngày hôm nay.

 

Con người thầm lặng:

 

Thánh Giuse không nói lời nào trong các Phúc Âm. Những điều không nói không phải là không có lo âu, xao xuyến.

 

Thánh Giuse bối rối khi biết Maria có thai. Sự kiện của ngày hôm nay, những bối rối, lo âu không thiếu trong các gia đình đang có những con trẻ lớn lên. Những chuyển biến trong lứa tuổi chớm yêu làm cho các phụ huynh nhiều bối rối, sẽ hướng dẫn con em mình thế nào. Điều mà chúng ta có thể thấy cách giải quyết của Thánh Giuse, lắng nghe Lời Chúa phán bảo qua từng trường hợp, sự kiện để chọn hành động xứng hợp với Ý Định yêu thương của Thiên Chúa.

 

Thánh Giuse âm thầm đón nhận Ý muốn của Thiên Chúa. Cuộc đời thanh bần của Thánh Giuse, gợi lên những khuôn mặt của những con người trẻ đang lãnh trách nhiệm với xã hội ngày hôm nay: Việc làm chân chính – Đồng lương trong sạch – Dự định tốt lành. Thật là khó để sống công chính với những lo âu thường ngày với cơm, áo, gạo, tiền. Những lo âu chính đáng của cuộc sống đôi khi lại trở thành mục đích cho đời sống. Những lo âu chính đáng, bản thân của cơm, áo, gạo, tiền không phải là xấu nhưng chúng trở nên xấu khi nó ở mức độ của mục đích. Chính vì vậy, chúng ta thấy trong lịch sử đời thường có những con người có chí thanh cao vào lúc triều đình mục nát, không đành ở lại đó cúi đầu xu nịnh để kiếm cơm cháo mà lùi vể ở ẩn trong âm thầm của người trí sỹ, dạy năm, ba đứa học trò nhà quê. Những gương sáng ấy được ví von : “Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”, những gương sáng ấy ngày hôm nay được áp dụng tích cực hơn, năng động hơn, vì xã hội ngày nay tương quan rộng hơn và đa chiều hơn xưa. Có nhiều người trẻ trong khi làm việc cho cuộc sống của mình còn âm thầm dấn thân cho người khác ở nhiều lãnh vực khác nhau. Ở đó, chúng ta có thể gặp những khuôn mặt người trẻ, dùng thời gian rỗi của mình chăm sóc cho người đau khổ chung quanh qua cách chân chính của họ như nhóm sinh viên Công Giáo chuyên thu lượm ve chai về bán đi lo việc bác ái hoặc đóng lại những tờ lịch dầy làm thành sách cho người khiếm thị. Chúng ta có thể gặp những nhóm sinh viên dùng ngày Chúa Nhật sau khi tham dự Thánh lễ tụ họp ở đâu đó để cầu nguyện để ca hát những bài Thánh Ca vừa để chia sẻ với nhau vừa trợ lực nhau qua những con đường trở ngại khó khăn. Chúng ta có thể gặp những người trẻ ở đâu đó trong những ngày nghỉ ở các trại cô nhi, các trại cai nghiện, nơi dưỡng đường hoặc nơi bệnh nhân Aids, chúng ta có thể gặp người trẻ trong ngày Chúa Nhật dạy Giáo lý cho trẻ em, đồng hành với thanh thiếu niên… Ở đâu chúng ta cũng có thể gặp những người trẻ đang dấn thân âm thầm để cải thiện xã hội hướng về tích cực. Họ là ai? Là những Giuse của thời đại ngày hôm nay. Thánh Giuse âm thầm không ồn ào, không huyên náo nhưng lại rất tích cực chuẩn bị tốt nhất cho những mầm sống tương lai, chính Ngài là Đấng Bảo Trợ tốt lành cho các nhóm thiện ích hoạt động trong xã hội.

 

Thánh Giuse âm thầm trong đời sống cầu nguyện. Những hoạt động thiện ích vốn là bề nổi của đời sống âm thầm cầu nguyện làm nền móng. Sự kết cấu chuyển thông thật là kỳ diệu ở điểm nối kết này. Chúng ta thật bất ngờ khi những người đang hoạt động tích cực nhất cho cac thiện ích xã hội lại là những con người thầm lặng nhất: Ở nơi các nhà cầu nguyện kín đáo, ở nơi giường bệnh, ở nơi những người già trong các giờ chầu Thánh Thể.

 

Âm thầm vốn là thời gian cần thiết để hạt giống trở thành cậy, để cây sinh hoa kết trái. Xin Thánh Giuse luôn bảo trợ những âm thầm cần thiết của chúng con để chúng con thi hành sứ vụ mà Chúa giao phó: “ra đi để sinh hoa kết trái”.

 

Thánh Giuse, con người của người tình yêu.

 

Thông thường chúng ta thấy, tượng ảnh Thánh Giuse mang dấu ấn của tuổi già. Có lẽ, người ta sợ trẻ, nhiều cạm bẫy hơn, dễ sa ngã hơn hay còn bồng bột nhiều hơn chăng? Dù lý do gi, chúng vẫn thấy không ngưỡng mộ cho lắm, chỉ đặt trên bệ thờ hơn là để noi gương Thánh Giuse sống cuộc đời mình đầy trách nhiệm, nhiệt thành trong hoạt động quả cảm, tự do và tràn lòng yêu mến.

 

Thế nên, cần có một hình tượng khác về Thánh Giuse đúng với tuổi của Ngài khi kết hôn cùng Đức Maria.

 

Thánh Giuse ở tuổi trẻ như những người trẻ tuổi khác, cũng mạnh khoẻ, vạm vỡ, thân hình chắc. Như người ta vẫn nói: “Một tinh thần lành mạnh trong một thân xác cường tráng”.

 

Với tượng ảnh này, chúng ta sẽ đọc thấy nhiều điều thú vị nhất mà có thể áp dụng ngay vào cuộc sống hôm nay:

 

Tình Yêu trong sáng: Nơi thánh Giuse, một đời sống thanh khiết hoàn toàn ngay trong đời sống vợ chồng là một điều khó có thể thực hiện được đối với nhiều người nhận thấy. Chúng ta cần đi khởi điểm lại mốc điểm của Phúc Âm: “Không có gì mà Thiên Chúa không thực hiện được”. Cuộc đời của Thánh Giuse và Đức Maria trong thời gian của ngài ở xã hội Do Thái lúc bấy giờ đã là một điều khác biệt. Thời ấy, việc có con nối dõi tông đường là minh chứng hiển nhiên mà người ta đánh giá: “được Thiên Chúa chúc phúc”. Sự kiện truyền tin cho Giacaria đã nói lên điều này khi bà Isave ca tụng Thiên Chúa: “Chúa đã cất khỏi tôi nỗi ô nhục tôi phải chịu trước mặt người đời” (Lc 1, 25). Đức Maria khấn giữ mình đồng trinh trước khi thành hôn với Giuse. Sự kiện này, đánh dấu một sự trái ngược với mục đích của hôn nhân là “sanh sản con cái”. Xã hội Do Thái bấy giờ không có khung luật cho người sống đời thánh hiến, muốn như thế thì cần có một sự hợp tác giữa một người nam và một người nữ kết ước giữ gìn cuộc đời của nhau trong một cuộc hôn nhân hợp pháp. Đầy trách nhiệm trong tình yêu, lãnh nhận lý tưởng và tôn trọng con đường của mỗi người. Tình yêu trưởng thành vượt qua những ước muốn tầm thường và bản năng của con người. Như thế Thánh Giuse và Đức Maria là con người quả cảm, nhìn thấy trước sự thật, trung thành với cam kết của mình. Sự kiện đảo chiều đối với ước mong dự định qua việc truyền tin cho Đức Maria, khiến đến nỗi Maria lo âu: “Việc ấy xảy đến thế nào được, vì tôi không biết đến người nam”. Và với Giuse: “dự định âm thầm bỏ đi”. Sự đảo chiều của Thiên Chúa can thiệp vào đời sống con người vẫn tôn trọng ý muốn dự định của con người: “này đây một trinh nữ sẽ thụ thai”. Thiên Chúa ban ân sủng, con người nỗ lực cộng tác. Thánh Giuse điển trai với một Maria xinh đẹp suốt đời gắn bó với nhau trong tình yêu dâng hiến của mình. Một mẫu gương cho chúng những người trẻ:

 

Trong trường hợp chưa xây dựng gia đình: Với người trẻ để có một hành động ngay thẳng cần có một ý hướng ngay lành. Ý hướng ngay lành là một sự gắn bó đời sống cầu nguyện với Thiên Chúa. Thiên Chúa chúc phúc cho những tình bạn chân thành, chúc phúc cho những trao đổi ý hướng riêng tư. Cần có một tình bạn thật tốt để chuẩn bị cho tình yêu trong sáng. Thiến Chúa luôn ban cho chúng ta một niềm vui không như thế gian ban tặng, niềm vui trong tình bạn thuần khiết đủ sức mạnh và nghị lực để dấn thân trên nẻo được thực hiện tương lai. Vẫn đầy chất tươi trẻ và tràn đầy sức sống để hoàn thành cuộc đời của những tình bạn ở mức độ tin cậy nhất.
Trong Tình Yêu Hôn Nhân: Đó là sự tôn trọng phẩm giá con người ở nơi người nam và người nữ. Không phải để thoả mãn tính dục nhưng là để thăng tiến phẩm giá của con người ngay nơi chính người mình kết ước. Chúng ta nhận ra một điều này cần thiết có mặt trong đời sống gia đình mà Giáo Hội gọi đó là “sự thanh kiết của đời sống hôn nhân”. Rất nhiều người nữ trong đời sống gia đình ước muốn sống thanh khiết nhưng lại không có những Giuse đích thực cộng tác giữ gìn. Khát mong này nói lên một ước vọng cao đẹp của tình nghĩa vợ chồng: Tôn trọng thân xác – ý hướng ngay lành – tâm hồn lành mạnh của nhau. Những giá trị này luôn là những giá trị tích cực nhất để giáo dục con cái trong gia đình. Khó thiết lập được bởi vì chung quanh đầy cám dỗ: trên các kênh truyền hình, trong những dĩa phim ảnh, trong những trang phục, nơi những quảng cáo…Đầy nghị lực và với một lòng yêu mến thiết tha chân thực mới có thể hoàn thành được sự trưởng thành trong đời sống hôn nhân để sinh hoa kết trái trong sự thánh thiện của Thiên Chúa. Chúng ta chiêm ngưỡng nơi Thánh Giuse để tìm ra được hướng đi thanh khiết của mình trong đời sống hôn nhân, đó là một sự cần thiết để tình yêu trở nên đúng ý nghĩa: “Yêu là chết đi, là đóng đinh cho người mình yêu”. cần có những gia đình như thế trong nhân loại này, cần có sự cộng tác của nhiều gia đình để xây dựng “nền văn hoá tình yêu này”. Xin Chúa luôn giữ gìn các gia đình và nhờ sự chuyển cầu của Thánh Giuse giúp cho các gia đình chúng con đạt được sự thanh khiết của đời sống hôn nhân và làm nên gia đình là nơi cung thánh của tình yêu.

 

Đối với đời sống thánh hiến: Tự do và trách nhiệm, đó là việc quyết định của đời sống thánh hiến, đồng thời được hoàn thành trong chiều dài của tình yêu đáp trả. Trong đời sống thánh hiến, Thánh Giuse là một mẫu gương tuyệt vời, vì đối với những con người được thánh hiến này là những người trẻ kết ước với Thiên Chúa từ độ tuổi thanh xụân. Họ cũng có ước muốn như những người trẻ khác, cũng muốn được âu yếm, chia sẻ, khát vọng. Nhưng thánh hiến để thực thi một ước muốn ngược dòng. Một thử thách rất lớn phía trước con đường dấn thân: Bởi vì, vẫn là những người trẻ, nhưng không phải là không có cách để hoàn thành, chúng ta có thể học được nơi Thánh Giuse những giá trị của tình bạn, tình yêu thực sự. Tình bạn, đời tu cần thiết cũng có những tình bạn chân thành thanh khiết để tiến tới đời dâng hiến một cách quân bình nhất. Thiếu quân bình trong đời sống cũng là một hụt hẫng dễ gẫy trong đời hiến thánh. Quân bình là một đời sống chung quanh những người bạn, nam hoặc nữ, hoạt động và cầu nguyện, lý tưởng và hiện thực. Với thái độ tự do của con người trưởng thành, không sáo rỗng, không hình thức.. mà đầy tràn lòng yêu mến với ước nguyện thăng tiến phẩm giá con người cách toàn diện. Một tình yêu lãnh nhận trách nhiệm của lời cam kết, tha thiết thực hiện những điều tầm thường cách cao quý, từ lời nói, suy tư, đến thực hành đều trưởng thành trong nhân các, trưởng thành trong ân sủng.

 

Gợi lên những suy tư này trong ngày lễ bổn mạng, xin Thánh Giuse giúp con và những người trẻ chúng con thực hiện được những điều cao quý cho cuộc đời và cho thời đại chúng con đang sống.

 

LM. Giuse Hoàng Kim Toan

 

++++++++++++++++++++++

 

5. Hãy đến cùng Thánh Giuse!

 

 

 

Các nhà khoa học, các triết gia, các vị lãnh tụ…và những người có công với nhân loại, đều được ghi tên vào cuốn sổ vàng với bao nhiêu thành tích vĩ đại, và nhất là, đều có một tiểu sử với quá trình hoạt động đáng kính nể. Thánh Giuse người Nagiaret, “cha nuôi” của Chúa Giêsu, một nhân vật, đáng lý ra phải nổi tiếng lắm, thì ngược lại, bề ngoài có một vẻ dưới mức bình thường- cả về quá trình lẫn thành tích. Cho là như vậy, vì cái nhìn của chúng ta, những Kitô hữu, bị lệch lạc một phần do từ “cha nuôi”- một vai phụ trong đời sống gia đình. Cha đẻ, hay Cha ruột vẫn luôn đóng một vai trò quan trọng và tính cực hơn trong việc hình thành nhân cách một người con. Điều nầy không ai có thể phủ nhận. Nhưng nếu nhìn việc hình thành nhân cách Đức Giêsu và vai trò của Thánh Giuse theo cách nhìn ấy, thì thật là một cái nhìn nhầm lẫn đáng tiếc, do một não trạng phàm tục hẹp hòi, thiếu sót những chiều kích thiêng thánh.

 

Đọc lại gia phả Đức Giêsu (Mt 1,1-17), để biết Giuse là con của Yacob, hậu duệ của dòng dõi Abraham, Davit…trong hàng ngũ Đại Tộc Dân Thiên Chúa “tuyển chọn”. Chính Giuse lại được “tuyển chọn” trong hàng ngũ “dân được tuyển chọn” ấy để làm, Thánh sử Matthêu xác nhận: “chồng của Maria, bởi bà, thì Đức Giêsu, gọi là Kitô, được sinh ra” (Mt 1, 16).

 

Đối với người Do Thái, khi đã đính hôn, đôi nam nữ được coi như vợ chồng trước pháp luật. Nhưng việc “làm Cha” trẻ Giêsu lại là một việc hoàn toàn khác, nếu không nói là một mầu nhiệm của Thiên Chúa, vì “việc-vợ-chồng” là việc mà Giuse, người công chính chưa hề nghĩ đến. Do cái suy nghĩ rất phàm tục, rất xác thịt của con người rằng: hễ là vợ chồng thì ắt phải có việc-vợ-chồng, hoặc đôi khi còn nghĩ như thời nay: ‘việc-vợ-chồng trước khi là vợ chồng’, nên xảy ra là “Giuse định tâm bỏ Maria cách kín đáo”, khi chưa hiểu tại sao mình có thể “làm Cha” theo cách không tự nhiên ấy (Mt 1,19). Trước đó, cả Maria cũng hoảng hốt: “việc ấy xảy đến thế nào được, vì tôi không hề ‘biết’ đến người nam?” (Lc 1,34). Câu nói của cô Maria và trăn trở của Giuse làm thành một chứng minh cho sự Tinh Tuyền không chỉ của hai người, mà đặc biệt, còn là sự Tinh Tuyền của Con Thiên Chúa Làm Người. Cô Maria được Thiên Chúa dùng Lời Ngài giải thích, và cô đã chấp nhận. Giuse cũng được Lời Thiên Chúa giải thích, và Ngài đã chấp nhận. Cả hai sự chấp nhận đều đồng thuận với ý định của Thiên Chúa làm nên một Mầu nhiệm Nhập thể cao cả, mà trong đó, vai trò của Thánh Giuse là trung gian mối tương quan cá nhân của Đức Giêsu và Thiên Chúa Cha của Ngài trên trời. Như thế, Thánh Giuse, một con người được tuyển chọn để “làm Cha” của Chúa-Giêsu-Con-Người, để Chúa Giêsu-Thiên-Chúa-Thật trong Chúa-Giêsu-con-người ấy thực hiện ý định cứu chuộc mà Thiên Chúa Cha đã hứa. Điều đó được minh chứng khi Thánh Giuse được ủy quyền “Đặt Tên” cho con trẻ là Giêsu –nghĩa là Giavê Cứu Thoát (Mt 1, 21). Việc đặt tên luôn là việc tối quan trọng của “người Cha”. Thế thì việc hình thành nhân cách cứu thế của Chúa Giêsu, lại không có việc dự phần vào Thánh Ý của thánh Giuse đó sao? Từ việc ấy, cho thấy được vai trò quan trọng không thể thiếu của Thánh Giuse trong công cuộc cứu chuộc.

 

Hơn thế nữa, cả một thời thơ ấu của Chúa Giêsu, Thánh Giuse đã âm thầm tuân thủ những chỉ thị của Cha trên trời, để chu toàn nghĩa vụ làm cha dưới đất đối với người con Con Người-Thiên Chúa: đưa vợ đi Bêlem để sinh con, đưa vợ con trốn sang Ai cập, đưa vợ con về lập cư tại Nagiaret, làm thợ mộc nuôi sống vợ con qua ngày…để cuối cùng nhận được lời mĩa mai, xúc phạm của thiên hạ :” Ông nầy không phải là con Ông Giuse, bác thợ mộc đó sao?” (Lc 4, 22b).

 

Suy nghĩ đến đây, tôi không muốn gọi Thánh Giuse là “Cha Nuôi” của Chúa Giêsu theo nghĩa phàm trần nữa, mà tôi muốn hiểu là Thánh Giuse đã được Thiên Chúa tuyển chọn làm “Cha đẻ” của Chúa Giêsu. Vai trò Cha đẻ ấy do chính Thiên Chúa Cha ban cho, vì Thánh Giuse đã đóng vai trò Người Cha thay cho Thiên Chúa Cha và Người Cha của một người Cha trần thế.

 

Hãy đến cùng Thánh Giuse thần thế trên trời

 

Thiên Chúa là Đấng Công Bình. Nếu Thánh Giuse đã làm thỏa mãn các yêu cầu của Thiên Chúa, thì thiết nghĩ, Thiên Chúa không ngần ngại gì mà không làm thỏa mãn những yêu cầu của Thánh Giuse, nhất là những yêu cầu cho Vinh danh Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, Con của Ngài. Tôi không biện chứng cho câu nói, câu kinh “ Lạy Cha Thánh Giuse, xưa nay không ai kêu cầu Cha mà vô hiệu. Cha có thần thế trước mặt Đức Chúa Trời, đến nỗi người ta có thể nói rằng:”Trên trời, Thánh Giuse truyền lệnh hơn là van xin”….nhưng điều xác tín nầy, đã thành hiện thực đối với nhiều người Công giáo Việt nam.

 

Tôi còn nhớ, năm 1990, nhà thờ Giáo Xứ Hiệp Đức tôi mái tôn, vách ván, cột cây rừng đã đổ nát, được phép xây dựng lại, trong khi giáo dân thật nghèo, đến nỗi không có cái ăn cái mặc… Cha sở thời bấy giờ, Linh mục Phanxicô Lê Quang Diễn, mới đi cải tạo về, không biết xoay xở cách nào để làm nhà thờ. Cha con chúng tôi làm một chuyến kính khấn Thánh Giuse tại Đền Thánh Giuse, gần Ngã Tư Bảy Hiền, Quận Tân Bình, Sài gòn. Sau ngày ấy, đêm nào giáo dân cũng đọc kinh “Khấn Ông Thánh Giuse”” tại nhà thờ, tại các gia đình…Và Thánh Giuse đã ban cho chúng tôi thực hiện công trình nhà thờ- không phải Ngài ban cho có nhiều tiền, nhưng mọi người mọi nhà đều góp công xây dựng để hoàn thành được Ngôi Thánh Đường thật kiên cố với giá thành rất khiêm tốn: 240 triệu đồng Việt Nam…

 

Giáo dân các Giáo phận, đặc biệt là Nha Trang, Qui Nhơn, Đà Nẵng vẫn thường tự tổ chức những đoàn hành hương kính khấn Thánh Giuse tại Đền Thánh Giuse Sai gòn, và họ đã ra về với niềm tin tưởng Thánh Giuse cầu bầu hiệu quả. Người nầy mách miệng với người kia về những ơn lạ nhờ Thánh Giuse cầu bầu, con số người tôn kính, tin tưởng, yêu mến và đến cùng Thánh Giuse mỗi ngày một đông hơn.

 

Những người Công Giáo Việt Nam đang định cư ở Mỹ, ở Canada… vẫn giữ vững lòng sùng kính Thánh Giuse như khi còn ở Việt Nam, không chỉ người già, mà cả người trẻ nữa, khi nghĩ đến gia đình, là phải nhớ đến Thánh Giuse. Cô Cecile, đang định cư ở Houston, Texas, Mỹ, vẫn thường gọi về nhà “ Mẹ ơi, nhớ viếng đền thánh Giuse giùm con, và đọc kinh khấn thánh Giuse hằng ngày nhé Mẹ. Con không biết cách nào hơn. Chỉ xin Thánh Giuse lo liệu cho Gia đình mình”.

 

Các gia đình công giáo, đặc biệt là các gia trưởng, đang sốt sắng hoặc đọc kinh tại các gia đình trong Tháng Thánh Giuse, hoặc kinh “Khấn Thánh Giuse” khi có việc ngặt nghèo riêng của gia đình, hoặc đọc kinh Thánh Giuse nầy:

 

“Chúng con thân lạy Thánh Giuse, chúng con lâm cơn gian nan chạy đến cùng Người, và hết lòng nài xin Người phù hộ chúng con, như chúng con đã kêu xin Bạn rất thánh Người bàu chữa. Chúng con thiết khẩn nguyện cầu, vì đức thương yêu đã kết buộc Người cùng Đức Nữ Đồng Trinh, là Mẹ Đức Chúa Trời, chẳng hề mắc tội tổ tông. Lại vì tình Cha yêu con, đã bảo dưỡng Đức Chúa Giêsu Hài Đồng, xin thương xem phù hộ chúng con, là phần cơ nghiệp Đức Chúa Giêsu Ki Tô đã lấy máu mình mà sắm, cùng xin lấy công ơn phép tắc mà phù trợ chúng con mọi bề túng ngặt.

 

Lạy Đấng gìn giữ Thánh Mẫu, Thánh Tử rất cẩn thận, hãy phù hộ con cái Đức Chúa Giêsu Kitô đã chọn. Lạy Cha rất yêu mên, hãy khử trừ mọi tật mê lầm hư hốt ra khỏi lòng chúng con. Lạy Đấng bảo hộ chúng con rất mạnh mẽ bởi trời, xin xuống tiếp giúp chúng con giao chiến cùng quỉ thần u ám dưới đất. Lại như xưa đã cứu Đức Chúa Giêsu Hài Đồng cho khỏi cơn rất nguy hiểm mà được sống thế nào, thì rày cũng xin cứu chữa Hội Thánh Chúa cho khỏi chước kẻ thù, cùng mọi sự khốn khó như vậy, và hằng phù hộ chúng con, thảy đặng theo đòi gương phước đức Người, cùng cậy nhờ công ơn Người giúp đỡ, sanh thuận tử an; hầu được hưởng phước trên nước Thiên đàng đời đời chẳng cùng. A men (Sách mục lục GP Qui Nhơn, trang 112)

 

Ai cũng có một gia đình, và gia đình nào cũng có những khó khăn riêng về đời sống Đức Tin, đời sống kinh tế…nhất là không có gia đình nào thoát khỏi cảnh bệnh tật, đau yếu, sinh tử… Hãy đến cùng Thánh Giuse – người Cha âm thầm mà vĩ đại, người Cha đã đi qua và hiểu thấu mọi tình cảnh cuộc đời, và là Người Cha Đầy Uy Tín Trước Mặt Thiên Chúa. Ngài sẽ xin Thiên Chúa đáp ứng những yêu cầu chính đáng của chúng ta-“phần cơ nghiệp mà Đức Giêsu Kitô, con của Ngài, đã lấy máu mình mà sắm”.

 

Lạy Chúa, xin cho nhiều người tìm đến cùng Thánh Giuse, để qua sự trợ giúp của Ngài, trần gian có thêm những công trình cho vinh danh Thiên Chúa.

 

Lạy Thánh Giuse, xin cầu cho chúng con. Xin cầu cho các Gia đình chúng con. A men.

 

Cao Huy Hoàng

 

++++++++++++++++++++++++++++

 

6. Hổ phụ sinh hổ tử

 

 

 

Cái tựa đề của bài suy niệm này thoạt nghe có vẻ đao to búa lớn. Nói về Thánh cả Giuse, một người thợ mộc bình thường với những lời lẽ như thế có hơi quá khích chăng ? Để thẩm định đúng sai, thái quá hay bất cập, không gì hơn ta hãy xem Thánh Kinh nói gì về Thánh Cả. Bài Tin Mừng trong Thánh Lễ kính Thánh Giuse tường thuật lời của Sứ thần : “Này ông Giuse, con cháu Đavít, đừng ngại đón bà Maria, vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai, và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ.”( Mt 1,20-21 )

 

Theo Thánh Kinh, tên là người và tên cũng nói lên sứ mạng của người ấy. Giêsu nghĩa là Thiên Chúa cứu độ. Cái tên này vừa nói lên căn tính vừa nói lên sứ mạng của con trẻ. Chính Giuse phải đặt tên cho con trẻ. Cũng theo Thánh Kinh, việc đặt tên nói lên trách vụ đào tạo, giáo dục. Và chính Thánh Cả Giuse đảm nhiệm trách vụ cao cả này. Theo lời Sứ thần thì Thánh Giuse phải đảm nhận trọng trách giáo dục, đào tạo nên Giêsu ( Thiên Chúa cứu độ ) cho nhân trần.

 

Con người là sinh vật có tính giáo dục. Chính sự giáo dục đã góp phần quan trọng để con người lớn lên và phát triển thành người xứng với phận người. Khi vào trần gian, để làm người thì Con Thiên Chúa hẳn không đi ra ngoài quy luật này. Theo truyền thống Đông phương trước đây, con cái trong nhà chịu ảnh hưởng của người cha tương đối nhiều. Cái hiện tượng này bắt nguồn từ cái vị thế quyền lực của người cha trên con cái và đặc biệt nơi chính cái đạo hiếu thảo. “ Quân xử thần tử, thần bất tử thần bất trung. Phụ xử tử vong tử bất vong tử bất hiếu”. Chính vì thế mà dấu ấn của người cha trên con cái thật là đáng kể. Và hệ quả kéo theo là : “ cha nào con nấy”, “con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”. Quan niệm đề cao vị thế của người đàn ông, người cha gia đình trong xã hội thời Chúa Giêsu dường như không khác mấy so với xã hội nước ta bấy giờ.

 

Ta cần chân nhận rằng một trong những phương pháp giáo dục, đào tạo hữu hiệu đó là làm gương sáng. Nào chúng ta hãy xem tấm gương của Thánh Cả Giuse đã phản chiếu trên nhân cách, lối ứng xử và cuộc đời của Chúa Giêsu như thế nào.

 

1. Giuse : người công chính : Hai tiếng “công chính” theo Thánh kinh không chỉ có nghĩa là ngay thẳng, chính trực… như là một trong các nhân đức nhân bản mà đặc biệt muốn nói đến sự tín thành trong tình yêu. Thánh Phaolô khi nói Thiên Chúa là Đấng Công chính nghĩa là Thiên Chúa luôn tín trung với lời đã hứa, với giao ước đã ký kết với dân Người. Dù Israel có thay đổi thì Thiên không hề đổi thay. Phía con người, chúng ta được nên công chính nhờ tin vào tình yêu của Thiên Chúa nơi Đức Giesu Kitô ( Rm 3,26; 10,4 ). Thánh Giuse đã yêu Maria thì dù trước sự thể không hiểu được là Maria mang thai không phải bởi mình thì Ngài vẫn mãi yêu Maria. Vì yêu Maria nên Giuse không muốn làm hại bạn mình. Ngài đã chọn con đường rút lui trong âm thầm, một giải pháp thua thiệt cho bản thân vì sẽ mang tiếng là “sở khanh”. Một quyết định can đảm nói lên tình yêu và tấm lòng quảng đại của Ngài. Giuse đúng thật là người công chính. Tấm gương sáng Giuse đã phản ánh rõ nét trên cuộc đời của Chúa Giêsu sau này. Dù bị nhiều luật sĩ, biệt phái âm mưu hãm hại, dù bị cả người thân hiểu lầm là mất trí thì Giêsu vẫn không ngừng giáng phúc thi ân cho những người bất hạnh. Dù biết các môn đồ sẽ bội phản, Người vẫn cúi xuống rửa chân cho các ông và nhận các ông làm bạn hữu. Dù bị quân lính hành hạ, bị các Tư Tế sỉ nhục, bị dân chúng “ ăn cháo đái bát” thì Giêsu vẫn yêu thương xin Chúa Cha tha cho họ vì họ lầm chẳng biết. Viên sĩ quan dưới chân thập giá đã thốt lên : “ Quả thật, ông này là người công chính” ( Lc 23,47 ).

 

2. Giuse : người thực hiện thánh ý Chúa : Thoạt nhận ra thánh ý Thiên Chúa dù chr là trong giấc mộng, Giuse đã mau mắn thi hành : đón nhận Maria về nhà làm bạn; dẫn con trẻ và Mẹ Người sang Ai Cập lánh nạn; đem hai mẹ con trở về Nagiarét. Một Giuse luôn đặt thánh ý Chúa trên hết đã dệt nên một Giêsu luôn lấy thánh ý Cha làm lương thực của mình. ( x Ga 4,34 ), một Giêsu luôn nỗ lực vâng theo Thánh ý Cha trên trời : “ Xin đừng theo ý con, một theo ý Cha”( Mt 26, 39 ).

 

3. Giuse : người cha nhân hậu : Những tháng ngày học nghề thợ mộc với Giuse có lẽ đã gợi mở cho Giêsu nhiều điều để rồi sau này Người mạnh dạn nói với người Do Thái : Cha ta làm thế nào, ta làm như vậy; Ta không làm điều gì mà không thấy Cha ta làm. Trong các dụ ngôn của Chúa Giêsu, chắc chắn dụ ngôn “người cha nhân hậu” là dụ ngôn đẹp nhất về tình Cha trên trời. Phải chăng kỷ niệm ở Đền Thờ Giêrusalem năm lên 12 tuổi đã ghi đậm vào tâm khảm của Giêsu ? Hình ảnh Thánh Giuse không nói một lời quở trách, chỉ biết mừng vui và dẫn con trẻ về đã giúp cho Giêsu hiểu về lòng nhân hậu bao la của Cha trên trời.

 

“Hổ phụ sinh hổ tử”. Thật là chính đáng và hợp lý để áp dụng ngạn ngữ này cho Thánh Cả Giuse. Chúng ta đã yêu mến và tôn kính Thánh Cả cách đặc biệt. Chúng ta đã thường chạy đến nương nhờ Ngài trong những hoàn cảnh khó khăn : rất tốt. Chúng ta thường nhờ Ngài phù trợ những khi xây dựng các công trình : rất tốt. Tuy nhiên có lẽ điều tốt nhất là xin Thánh Cả cầu bàu để ta trở thành người giáo dục, đào tạo nên những Giêsu cho đời. Đồng thời biết noi gương Thánh Cả sử dụng phương pháp đào tạo hàng đầu là làm gương sáng cho con cháu chúng ta.

 

LM Giuse Nguyễn Văn Nghĩa

 

++++++++++++++++++++++

 

7. Trong xưởng mộc của Thánh Giuse

 

Có lẽ không vị Thánh nào trong Giáo hội được biết đến, được cầu khẩn nhiều như Thánh cả Giuse. Vì ngài là cha nuôi dưỡng Chúa Giêsu ngày xưa trên trần gian, và trên trời bây giờ cũng gần bên cạnh Thiên Chúa nữa.

 

Và người tín hữu Công giáo thường kêu cầu: Giêsu, Maria, Giuse, xin cứu giúp con! Trong khi vui cũng như khi buồn sầu, đau khổ.

 

Thánh cả Giuse được Giáo hội Công giáo hoàn vũ nhận là vị Thánh quan thầy bầu cử cho Hội Thánh trên trần gian. Chưa kể nhiều Giáo hội địa phương, nhiều xứ đạo, nhiều hội đoàn, nhiều người nhận ngài là đấng quan thầy bảo trợ riêng nữa.

 

Ngài là vị thánh được biết đến nhiều. Nhưng lại là người có đời sống âm thầm. Ngay trong Phúc âm khi nói về gia đình Chúa Giêsu cũng chỉ nhắc đến tên Giuse vài lần, với những hoàn cảnh nhiệm vụ khó khăn cùng âm thầm chịu đựng phải thi hành thôi. 
Bốn Phúc âm ghi lại những lời Chúa Giêsu rao giảng nước Thiên Chúa, những lời của Đức Mẹ nói chuyện với Thiên Thần, với Chúa Giêsu. Nhưng không có một lời nào của Thánh Giuse với ai cả.

 

Một vị Thánh âm thầm. Nhưng lại là người có nhiều ảnh hưởng tới đời sống, vâng có lẽ cả trong lãnh vực văn hóa tinh thần của Chúa Giêsu, là con Thiên Chúa ở trần gian.
1. An cư lạc nghiệp

 

Kinh thánh nói đến Chúa Giêsu là con bác Thợ mộc ( Mt 13,55). Như thế Thánh Giuse làm nghề thợ mộc đóng, sửa giường tủ bàn ghế kiếm tiền nuôi sống gia đình. Chúa Giêsu 30 năm sinh sống ở nhà với cha mẹ trong làng Nadaréth, khi khôn lớn, có thể theo tập tục cách sinh sống ngày xưa, cũng học làm nghề thợ mộc với thánh Giuse. Trong khi học nghề, làm nghề chắc chắn hai người đâu có im lặng mãi. Họ cũng có lúc phải nói chuyện với nhau trong bầu khí cha con, trong bầu khí chỉ vẽ cách làm nghề nghiệp, trong bầu khí hỏi han giải đáp thắc mắc, hay trong bầu khí cùng nhau tìm ra cách thức làm việc sao cho có kết qủa tốt đẹp.

 

Chuyện nghề nghiệp, chuyện giao tế, chuyện vui buồn trong cuộc sống, trong xã hội, trong đạo giáo chắc chắn là những thông tin họ trao đổi với nhau thường xuyên. 
Xưởng mộc của gia đình Giuse không còn chỉ là nơi làm việc kiếm kế sinh nhai. Nhưng còn là một tổ ấm, một trường học về đời sống giữa hai cha con nữa.

 

2. Lúc học nghề mộc

 

Lúc còn trẻ mới bắt đầu làm việc với thánh Giuse trong xưởng mộc, chắc chắn Chúa Giêsu đã phải học cách cưa bào gỗ, đục mộng bàn tủ, học cách đánh sơn vẹcni. Học cách đo, cách trừ khấu bào đục đẽo để sao cho mặt bằng phẳng không còn đường lằn trũng lồi, gồ ghề, cùng góc cạnh bằng nhẵn ăn khớp khít với nhau.

 

Cách thức làm ăn và hình ảnh ngôn ngữ này đã ăn sâu thấm nhập vào tâm khảm của Chúa Giêsu. Nên khi đi rao giảng nước Thiên Chúa, Ngài đã dùng nhiều hình ảnh tương tự, như cái rác nhỏ lợn cợn trong mắt người khác dễ nhận ra hơn cái xà nơi con mắt của chính mình.

 

Những hình ảnh, ngôn ngữ dễ hiểu cùng uyển chuyển tương tự như vậy, Chúa Giêsu đã dùng nhiều nhan nhản trong các bài giảng dậy của Ngài.

 

Phải chăng những ngôn ngữ hình ảnh đó, Ngài đã học được nơi Thánh Giuse với nghề thợ mộc cưa đục bào bàn ghế?

 

3. Câu chuyện về đời sống xã hội

 

Đọc trong Phúc âm không thấy chi tiết nào nói về thái độ của Thánh Giuse với đời sống chính trị thời đó. Nói rõ hơn gia đình Thánh Giuse là nạn nhân của chính trị lúc đó nhiều hơn: phải về quê quán cũ khai lại tên tuổi nguồn gốc của mình, phải chạy trốn đi tị nạn sang xứ Aicập, sống tha hương bên đó và sau cùng trở về làng quê Nadaréth làm ăn sinh sống.

 

Có lẽ Thánh Giuse, tuy không có thiện cảm với ách thống trị của đế quốc Roma, như những người đồng hương Do Thái lúc bấy giờ. Nhưng qua kinh nghiệm đau thương sợ hãi, đen tối phải đi trốn sang Aicập, vì bị vua bản xứ Do Thái Herode tìm lùng bắt, Ông cũng phần nào cho quân Roma lúc đó có điểm an tòan bảo đảm hơn!

 

Và có lẽ thánh Giuse trong xưởng thợ cũng đã có lần trao đổi với Chúa Giêsu về điểm này rồi. Nên sau này khi đi rao giảng về nước Thiên Chúa, Ngài đã nói về thái độ với chính trị: “Hãy trả vua Cesar, những gì thuộc về Cesar..”

 

4. Cách sống đức tin

 

Hội Đường – Synagogue” trong làng và đền thờ Giêrusalem là trung tâm nơi thờ phượng kính thờ Thiên Chúa. Hằng tuần, lúc còn nhỏ, Chúa Giêsu đã theo Thánh Giuse đến Hội Đường Synagogue dâng lễ cầu nguyện, nghe đọc Kinh Thánh. Nên khi đi rao giảng nước Thiên Chúa, Ngài đã vào Hội Đường ngày Sabbath, lên bục giảng đọc Lời Chúa và còn cắt nghĩa Lời Chúa nữa. Điều này khiến mọi người kinh ngạc về Ngài.

 

Cũng khi còn tuổi thanh thiếu niên, gia đình Giuse hằng năm vào dịp lễ Vượt Qua đều tham dự cuộc hành hương lên đền Thánh Chúa. Vào những dịp này Chúa Giêsu đã làm quen với lễ hội hành hương, với không khí cầu nguyện trong đền thánh Đức Chúa Trời, đã nghe và cũng đã nói chuyện với các Thầy cả Tư Tế trong ngoài đền Thờ, đã nhìn thấy cảnh mua bán chung quanh và cả trong đền thờ nữa…

 

Và trong khi làm việc ở xưởng mộc, chắc chắn cha con cũng đã trao đổi với nhau cảm nghĩ tốt cũng như không tốt của mình về những gì xảy ra nơi đền thờ Giêsusalem rồi. Nên sau này khi đi rao giảng Nước Thiên Chúa, Chúa Giêsu đã không ngần ngại nói nặng lời với đám thầy cả, với đám người Luật sĩ, và giận dữ xua đuổi con buôn bán ra khỏi đền Thờ.

 

Ngài hành động như thế nhân danh cha mình là Thiên Chúa và cũng có thể nhân danh cả cha nuôi mình là Thánh Giuse nữa.

 

5. Tìm hiểu về lịch sử đất nước dân tộc

 

Trong việc nuôi dưỡng dậy dỗ giáo dục con cái, chắc chắn Thánh Giuse đã kể nhiều cho Chúa Giêsu nghe về lịch đất nước dân tộc Do Thái như thế nào, theo như sử sách Kinh Thánh cựu ước còn ghi chép để lại trong sách Sáng Thế ký, sách Xuất Hành, sách Dân Số, sách Đệ nhị luật,sách Thánh Vịnh, sách các Tiên Tri…

 

Có lẽ Thánh Giuse, cũng như bao người cha khác thời đó, nhấn mạnh nhiều đến lịch sử thời dân Do Thái sống cảnh nô lệ bên Aicập, rồi cuộc trở về quê hương đất hứa do Maisen cùng Giosua theo ý muốn của Thiên Chúa lãnh đạo để cứu dân Do Thái. Thánh cả đã dùng tên Giêsu của con mình cắt nghĩa để làm sáng tỏ hành động của Thiên Chúa: Thiên Chúa cứu độ!

 

Lịch sử ngày xưa còn ghi lại, ông Giuse con của Tổ phụ Giacóp đã cứu dân Do Thái khỏi bị chết đói thế nào đã ghi sâu đậm trong tâm trí Chúa Giêsu. Và bây giờ chính Ngài cũng đang được Thánh Giuse, cha nuôi Ngài săn sóc cho ăn mặc no đủ không bị đói khát thiếu thốn.

 

6. Đời sống làm việc cùng cầu nguyện

 

Hãng xưởng nào cũng cần có người đặt làm mua hàng. Hãng xưởng nào cũng có thời kỳ lên xuống. Xưởng mộc của Thánh Giuse, có lẽ cũng có thời kỳ ế ẩm ít hay không có người đặt mua làm hàng. Những lúc như thế nền kinh tế trong gia đình lâm vào tình trạng lung túng, phai lo nghĩ nhiều.

 

Và những lúc lâm vào hoàn cảnh như thế, niềm tin tôn giáo giúp nâng đỡ tinh thần con người rất nhiều. Những lúc gặp khó khăn lúng túng, lại là lúc thúc bách hay dậy con người biết cầu nguyện đặt niềm tin tưởng nơi Thiên Chúa nhiều hơn: Chúa là mục tử. Ngài lo chăn dắt đời con!

 

Lời cầu nguyện này không phải chỉ là lời cầu nguyện của hàng tư tế linh mục trong đền thờ. Nhưng cho toàn dân Thiên Chúa ở khắp mọi nơi. Khi còn thơ bé, cũng như bao trẻ em khác xưa nay, Chúa Giêsu cũng đã học đọc kinh cầu nguyện ngay từ lúc còn ngồi trong lòng mẹ Maria, rồi trên tay bồng ẵm của Thánh Giuse. Và trong xưởng mộc, có lẽ hai cha con cũng đã cùng nhau cầu nguyện thường xuyên, nhất là những lúc gặp hoàn cảnh khó khăn.

 

Vì thế, cách sống cầu nguyện đã ăn sâu vào đời sống của Chúa Giêsu. Trong vườn cây Dầu trước lúc bị bắt, Ngài đã cầu nguyện cùng Thiên Chúa. Và trên thánh giá lúc hấp hối Chúa Giêsu đã cầu khẩn cùng Thiên Chúa: Lạy Chúa, lạy Chúa, sao Chúa đành bỏ rơi con?

 

7. Câu chuyện nhận xét về hoàn cảnh đời sống

 

Đã có những cuộc khảo nghiệm điều tra về đời sống xã hội đất nước Do Thái thời thánh Giuse và Chúa Giêsu.

 

Cuộc điều tra khảo nghiệm đưa ra kết qủa: Một phần tư tới một nửa tài nguyên, hàng hóa nằm trong tay triều đình vua chúa. Rồi đến các quan chức, các thương gia giầu có và binh sĩ chia phần. Phần còn lại không đầy 10% thuộc về đại đa số dân chúng trong nước.

 

Như thế, những người dân lao động, những người buôn bán nhỏ lẻ tẻ thuộc vào hàng ngũ thành phần bên dưới của nấc thang xã hội, trong đó có gia đình Thánh Giuse. 
Đã xem thấy tận mắt, đã nghe biết về thực trạng đó qua những cuộc nói chuyện trao đổi với Thánh Giuse trong xưởng mộc, cùng sống trải qua trong chính gia đình mình. Nên sau này Chúa Giêsu trong bài giảng tám mối Phúc Thật trên núi đã hướng về người nghèo, người bé nhỏ không có quyền hành của cải, người sống “tay làm hàm nhai”, trong đó có gia đình thánh Giuse.

 

Những hình ảnh, những thực trạng đó nổi bật rõ nét: người kiến tạo hòa bình, người có lòng nhân từ thương xót, người đói khát sự công chính của Thiên Chúa, người không ức hiếp người khác là những người công chính được Thiên Chúa chúc phúc.

 

Kinh Thánh nói về Giuse, người cha nuôi của Chúa Giêsu: “Ông Giuse, là người công chính” (Mt 1,19).

 

Và Chúa Giêsu khi rao giảng nước Thiên Chúa đã luôn luôn nhắn nhủ, kéo con người sống sao trở nên người công chính.

 

Thánh Giuse, một người công chính sống âm thầm, nhưng lại gây nhiều ảnh hưởng đạo đức tốt lành trong đời sống đức tin hôm qua, hôm nay cùng ngày mai.

 

LM. Nguyễn Ngọc Long

 

+++++++++++++++++++++

 

8. Thánh Giuse – Đường Nên Thánh

 

Trong các loài hoa, có một loài không những thân luôn mọc về phía ánh sáng mà hoa còn luôn quay về phía mặt trời. Đó là Hoa hướng dương. Hoa hướng dương luôn hướng về phía mặt trời với cánh hoa mở rộng đón nhận ánh sáng và sức sống để toả hương khoe sắc.

 

Thánh Giuse như hoa hướng dương luôn hướng về Thánh Ý Thiên Chúa.Ngài hằng hướng mắt, hướng lòng về Thiên Chúa để nhận ra và làm tròn Thiên Ý.Thánh Giuse được sách Tin mừng gọi là “người công chính”. Theo Kinh thánh, “Người công chính sống bởi đức tin” (Hab 2,4; Rm 1,17; Gal 3,11). Sống đức tin là sống công chính, là hoàn toàn tin tưởng vào Thiên Chúa như tổ phụ Abraham. Người công chính, nói đơn giản là người tốt, ngay thẳng, trung tín, có trách nhiệm. Là tôi tớ trung thành của Thiên Chúa, luôn thực thi trọn vẹn thánh ý của Thiên Chúa. Là con người luôn biết kính trọng và yêu thương tha nhân.

 

Thánh Giuse tuyệt đối tin tưởng vào lời Thiên Chúa. Ngài đã luôn sống trong thái độ hoàn toàn phó thác cho tình yêu quan phòng của Thiên Chúa. Trong bất cứ hoàn cảnh nào,hễ biết là Ý Chúa, Thánh Giuse vui lòng lãnh nhận và mau mắn thi hành.

 

-Thấy Maria có thai,Giuse phải đau khổ lắm.Người Hôn thê đạo hạnh mà Ngài rất mực yêu thương lại mang thai trước khi về nhà chồng. Bối rối và khó xử nhưng Ngài vẫn tiếp tục tin tưởng Maria trong sạch vẹn tuyền. Không một lời phàn nàn, ca thán, trách móc, Giuse không hề hạch sách hay tra hỏi Maria một lời nào, Ngài âm thầm ôm lấy nổi đau riêng mình với một quyết định : “Đào vi thượng sách”. Giuse không còn chọn lựa nào khác “ vì là người công chính và không muốn tố giác bà nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo” ( Mt 1,19).Thế nhưng, Thiên Thần đã hiện ra với Giuse trong giấc mộng giải thích cho Ngài biết “Người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần” (Mt 1,20);rồi Thiên Thần khuyên Giuse “Chớ sợ rước Maria về nhà mình”(Mt1,20). Nhận ra Thánh Ý Thiên Chúa “ Giuse đã làm như lời Thiên Thần Chúa truyền và ông đã rước bà về”(Mt 1,24).

 

– Cuộc sống đang bình yên tại Bêlem thì chính lúc đó Chúa lại bảo ông chỗi dậy đi ngay giữa đêm khuya, không hành trang, không tiền bạc sang Aicập sống kiếp lưu đày.Trước mắt là gian truân vất vả,đường dài vạn dặm mà vợ yếu con thơ, nhưng Giuse luôn tín thác vâng phục “Chỗi dậy, ông đem Hài Nhi và Mẹ Người trốn sang Aicập ngay giữa đêm khuya” (Mt 2,14).

 

– Khi đã ổn định cuộc sống nơi xứ lạ quê người với một cơ ngơi bé nhỏ mà Giuse đã gầy dựng từ hai bàn tay trắng.Vậy mà một lần nữa Chúa lại bảo ông phải bỏ lại tất cả để ra đi.Thật mau mắn trước Thiên Ý “Giuse chỗi dậy đem Hài Nhi và Mẹ Người về đất Israel”(Mt2,21).

 

Trước Thánh Ý Thiên Chúa, Giuse vâng phục và chu toàn.Từ Nazareth qua Bêlem, từ Bêlem đi Aicập, từ Aicập về Israel, Chúa bảo ông đi là ông đi, bảo ông về là ông về, bảo ông làm thế nào là ông làm thế ấy,đúng thời gian,đúng địa điểm mà không thắc mắc,không hoài nghi, không cự nự.Tất cả mọi lần Giuse đều thưa như Đức Maria “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên Thần truyền”(Lc1,38).

 

Thánh Ý Thiên Chúa bao giờ cũng hoàn hảo, không những cho cá nhân mà còn cho toàn thể nhân loại. Thánh Giuse người công chính đã thực hiện lời mời gọi “nên hoàn hảo như Cha trên trời là Đấng hoàn hảo” (Mt 5, 48) bằng cách thi hành ý muốn của Thiên Chúa.

 

Công đồng Vatican II dạy: “Mọi Kitô hữu, dù ở địa vị nào, bậc sống nào, đều được Chúa kêu gọi đạt tới sự trọn lành thánh thiện như Chúa Cha trọn lành, tuỳ theo con đường của mỗi người” (GH 11,3).

 

Nên thánh theo con đường của Thánh Giuse là một con đường cho nhiều người.Không quan trọng mình là ai, địa vị nào trong xã hội, làm việc cao quý hay tầm thường. Trước nhan Thiên Chúa, mọi địa vị và công việc đều có giá trị. Điều quan trọng là hãy thực thi thánh ý Chúa, đáp lại tiếng Người mời gọi trong cuộc sống. Địa vị và công việc lao động chân tay của Thánh Giuse chỉ ở mức tầm thường; thế nhưng, ngài vẫn có khả năng biến đổi nó trở thành phi thường. Cái phi thường ở trong cái tầm thường của mỗi con người là một viên ngọc quý tiềm ẩn. Những người đồng thời nói về Thánh Giuse rất trìu mến là “bác thợ mộc”. Một tên gọi rất thường nhưng lại bao hàm lòng yêu mến con người thợ mộc ấy. Dĩ nhiên, phải có điều gì đó nơi người thợ mộc kia đã tạo được thiện cảm và lòng yêu mến của nhiều người. Ngày nay có bao nhiêu người chức nọ, quyền kia, có học vị, có địa vị, rất giàu có; nhưng khi nói về họ, nhiều người rủa thầm: tên này, tên nọ, thằng này, thằng kia, tay này, tay nọ… Để được tôn trọng, trước tiên người đó cần có lòng tự trọng. Công việc mỗi ngày bộc lộ tính tự trọng trong đó, người có lòng tự trọng sẽ làm công việc cẩn thận, có trách nhiệm, liêm khiết, công bằng, hợp tác, thân tình… Thánh Giuse là một con người “đầy tinh thần trách nhiệm”, một con người nhiều sáng kiến trong bất cứ công việc gì được trao phó. Thánh Giuse nên thánh trong nghề nghiệp của mình nên Ngài là Thánh bổn mạng của những người lao động.

 

Theo gương thánh Giuse, sống đạo là tin tưởng, cậy trông, yêu mến Thiên Chúa. Tin với tâm hồn thờ phượng, tạ ơn, với lòng phó thác nguyện cầu và sống theo Ý Chúa.

 

Hoa hướng dương là hình ảnh Thánh Giuse. Nhìn một đoá hoa hướng dương khoe sắc ta nghĩ đến Thánh Giuse. Nhìn cả vườn hoa hướng dương đang rực rỡ trong nắng ấm ta ước mong mỗi người Kitô hữu là một bông hoa nhỏ luôn hướng tâm hồn về Thiên Chúa, mở rộng lòng đón nhận sự sống,tình yêu, niềm vui để rồi toả hương khoe sắc cho cuộc đời.

 

Thánh Giuse mãi mãi là tấm gương cho tất cả chúng ta soi.Tấm gương của một con người luôn thao thức lắng nghe tiếng Chúa và khi đã nghe thì mau mắn đáp lại không thắc mắc cho dù phải trả giá.Tấm gương của một con người luôn hướng tâm hồn về Chúa, xin vâng trước Thiên Ý, luôn phó thác để Chúa thực hiện chương trình cứu rỗi của Người.Tấm gương về người quản gia trung tín chăm sóc hai kho tàng quý giá nhất trần gian là Hài Nhi Giêsu và Mẹ Maria.

 

Thánh Giuse là con người thầm lặng, ít nói, khiêm tốn, sống theo Ý Chúa trong cuộc sống hàng ngày. Gioan Tẩy Giả chân thành “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ bé lại”. Giuse đã sống điều đó mà không nói một lời. Chính cuộc sống ấy đã làm nên một con đường tu đức hướng đến trọn lành. Thánh Giuse là bậc thầy dạy con người sống an vui và nên thánh trong địa vị của mình. Thánh Giuse là mẫu gương cho mọi người nên thánh trong cuộc sống thường ngày.

 

Lm Giuse Nguyễn Hữu An