Thắng tà thần nhờ quyền năng Chúa
Chúa nhật IV TN năm B (Đnl 18,15-20; 1 Cr 7,32-35; Mc 1,21-28)
Ngay trong từ thời khởi nguyên, ma quỷ đã hiện hữu dưới hình ảnh con rắn để cám dỗ ông bà nguyên tổ bất tuân lệnh Chúa (x. St 2, 16-17). “Ma quỷ phạm tội ngay từ lúc khởi đầu” (1Ga 3,8); “nó là kẻ nói dối và là cha sự gian dối” (Ga 8,44).
Ma quỷ, hay còn gọi là satan, hay các thần dữ là những thiên thần sa ngã, tự chúng đã làm cho mình trở nên ác và nên xấu vì khước từ dứt khoát phục vụ Chúa và kế hoạch của Người. Satan hay quỷ luôn tìm cách dụ dỗ con người chống lại Thiên Chúa (x. St 3,5; 1 Ga 3,8; Ga 8,44), do ghen tương, nó cũng đã ra sức làm cho Chúa Giêsu đi lệch hướng khỏi sứ vụ của Người (x. Mt 4,1-11)
Trong các hậu quả của các việc làm của quỷ, nghiêm trọng nhất là sự quyến rũ dối trá dẫn con người đến chỗ bất tuân Thiên Chúa.
Với những lẽ đó, khi cử hành bí tích Thanh Tẩy, nghi thức đầu tiên mà ta đón nhận đó chính là nghi thức trừ tà.
Có lẽ không để ý, lời nguyện trừ tà như thế này :
Lạy Thiên Chúa toàn năng, Chúa đã sai Con Một Chúa đến giải thoát con người khỏi nô lệ tội lỗi và cho sống trong tự do của con cái Chúa, chúng con khiêm tốn nài xin Chúa cho tôi tớ Chúa đây, khi đã nghiệm thấy những quyến rũ của trần gian và mưu mô ma quỉ cám dỗ, biết nhận mình là kẻ tội lỗi trước mặt Chúa. Nhờ cuộc khổ nạn và phục sinh của Con Chúa, xin Chúa cứu người này khỏi quyền lực tối tăm, và xin luôn luôn giữ gìn tôi tớ Chúa trên đường đời. Nhờ Ðức Kitô, Chúa chúng con.
Lời nguyện ấy chính là lời nguyện trừ tà mà linh mục chủ sự nguyện xin Thiên Chúa khi bắt đầu nghi thức Thanh Tẩy.
Vì sao thế ? Vì con người sinh ra trong trần gian đã mang trong mình cái thân phận yếu đuối và tội tổ tông truyền để rồi xin ơn Chúa cứu con người ra khỏi quyền lực tối tăm.
Tiếp đến các phần trong nghi thức Thanh Tẩy, ta thấy có phần hết sức quan trọng là từ bỏ tà thần.
Linh mục chủ tế hỏi ta Ðể sống trong tự do của con cái Thiên Chúa ông (bà, anh, chị, em, con) có từ bỏ tội lỗi không? Ðể khỏi làm nô lệ tội lỗi, ông (bà, anh, chị, em, con) có từ bỏ những quyến rũ bất chính không? Ông (bà, anh, chị, em, con) có từ bỏ ma quỉ là kẻ gây ra và cầm đầu tội lỗi không?
Đáp lại 3 lần hỏi đó là 3 lần thưa : Thưa từ bỏ.
Sau khi ta từ bỏ tội lỗi rồi ta bước vào phần tuyên xưng đức tin để lãnh bí tích Thanh Tẩy.
Chính Chúa Giêsu trong thân phận làm người Ngài cũng đã phải chịu ma quỷ cám dỗ 40 đêm ngày trong sa mạc. Và cũng chính Chúa Giêsu, ba lần Ngài gọi Satan là “thủ lãnh thế gian này” (Ga 12,27; 14,30,16,11), nghĩa là Ngài cũng đồng ý với Satan trong việc nhìn nhận rằng nó có ưu thế trên mọi nước ở trần gian.
Hơn một lần, thánh sử Luca thuật lại chuyện Chúa Giêsu chịu thử thách, chịu cám dỗ của ma quỷ như thế này “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì hãy truyền cho đá này biến thành bánh đi!”. Và ta nghe Chúa Giêsu đáp: “Có lời chép rằng: Người ta không chỉ sống bằng cơm bánh, mà còn bằng Lời Chúa nữa!”.
Cũng chưa yên, ma quỷ lại đem Người lên nơi cao cho Người xem thấy tất cả các nước thiên hạ và nói với Người rằng: “Tôi sẽ cho ông mọi quyền lực và vinh quang của các nước này, vì tất cả đều là của tôi, và tôi muốn cho ai tuỳ ý. Vậy nếu ông sấp mình thờ lạy tôi, thì mọi sự ấy thuộc về ông!”. Chúa Giêsu đáp lại: “Có lời chép rằng: ngươi phải thờ lạy Chúa là Thiên Chúa ngươi và chỉ phụng thờ một mình Người thôi!”.
Cũng chưa xong, ma quỷ lại đưa Người lên nóc đền thờ Giêrusalem và bảo Người rằng: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì hãy gieo mình xuống, vì có lời chép rằng: ‘Chúa sẽ cho Sứ Thần gìn giữ ông, để chân ông khỏi vấp phải đá’”. Sau khi cám dỗ đủ cách, ma quỷ rút lui để chờ dịp khác.
Đúng như vậy bởi vì ma quỷ luôn luôn rình rập, chờ cơ hội để tấn công Chúa Giêsu. Không chỉ tấn công Chúa Giêsu nhưng còn tấn công tất cả mọi người khi có thể.
Trang Tin Mừng hôm nay Thánh Maccô kể lại cho ta nghe câu chuyện khá hấp dẫn về Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đến thành Capharnaum vào ngày nghỉ lễ và Chúa Giêsu đã vào giảng dạy trong hội đường. Người ta kinh ngạc về giáo lý của Người, vì Người giảng dạy người ta như Ðấng có uy quyền, chứ không như các luật sĩ.
Ðang lúc đó, trong hội đường có một người bị thần ô uế ám, nên thét lên rằng: “Hỡi ông Giêsu Nadarét, có chuyện gì giữa chúng tôi và ông? Ông đến để tiêu diệt chúng tôi sao? Tôi biết ông là ai, là Ðấng Thánh của Thiên Chúa”.
Nghe như vậy, Chúa Giêsu quát bảo nó rằng: “Hãy im đi và ra khỏi người này!”
Mọi người có mặt ngày hôm ấy hết sức ngạc nhiên và hỏi nhau rằng: “Cái gì vậy? Ðấy là một giáo lý mới ư? Người dùng uy quyền mà truyền lệnh cho cả thần ô uế và chúng vâng lệnh Người”.
Họ suy nghĩ như thế cũng dễ hiểu bởi lẽ họ không tin vào sự xuất hiện của Chúa Giêsu và hơn nữa họ không tin vào quyền năng Chúa Giêsu.
Chúa Giêsu toàn thắng ma quỷ, nhờ sự vâng phục tuyệt đối trong tình con thảo của Người với Thiên Chúa Cha (x. Mc 3, 27, Mt 12, 28, Lc 8, 26-39).
Chúa Giêsu đến thế gian và để lật đổ sự thống trị của Satan. Thánh Gioan đã phải nói trong thư thứ nhất của ngài : “Con Thiên Chúa đã xuất hiện để phá huỷ những việc làm của ma quỷ” (1Ga 3,8).
Không phải thời ông bà nguyên tổ, thời Chúa Giêsu mới có ma quỷ nhưng ngay trong thời của chúng ta, ma quỷ xuất hiện nhiều hơn bao giờ hết.
Chúng xuất hiện trong những vẻ đẹp thật hoa mỹ, những lời mời rất bóng bẩy và những quyến rũ xem ra ta khó có thể từ chối được.
Rất giản đơn để nhận ra điều đó từ chuyện phim Tôn Ngộ Không.
Tác giả muốn cho ta thấy trong bản thân của con người có 4 hình ảnh của một con khỉ nghịch phá, một quỷ satan, một trư bát giới con heo ham mê ăn uống sắc dục và một Đường Tăng.
Thầy Trò lên Tây Trúc để thỉnh kinh. Trên đoạn đường dài đăng đẳng đi thỉnh kinh đó Đường Tăng không ít lần gặp rắc rối. Khi con quỷ nổi lên thì đủ những cám dỗ, khi con beo bát giới nổi lên thì ham mê ăn uống, khi con khỉ nổi lên thì nổi lên một con người ngông cuồng.
Tâm hồn, cõi lòng ta cũng thế như Thánh Phaolô nói : “Điều tôi biết là tốt tôi lại không làm mà điều tôi biết là không tốt tôi lại cứ làm”. Con quỷ làm điều không tốt ngày đêm ẩn trong mình ta để xui khiến ta làm những điều không tốt. Con quỷ ấy luôn luôn tìm cách lấn ác tâm thiện mà Chúa tạo dựng, Chúa trao ban cho cuộc đời ta.
Ta vẫn biết vật chất, danh vọng, tiền bạc … là phù vân nay còn mai mất đấy nhưng ta cứ mãi đi tìm và cứ mãi ôm khư khư thật chặt trong đời ta. Nhưng, ta quên rằng khi ta nằm xuống xuôi đôi bàn tay thì tất cả đều phải bỏ lại cho người khác hưởng dùng và ta ra đi mãi mãi.
Danh vọng, xác thịt, cái nóng nảy, cái hơn thua, cái tôi của ta nó chẳng là gì cả nhưng cơn cám dỗ đi tìm nó và ta khư khư ôm chầm lấy nó.
Kinh nghiệm, bí quyết để Chúa Giêsu vượt thắng các cơn cám dỗ đó chính là sự kết hiệp mật thiết với Chúa Cha. Nhờ kết hiệp với Cha, nhờ quyền năng của Cha mà Chúa Giêsu không chỉ thắng được ma quỷ mà còn trừ được ma quỷ nữa.
Trong Kinh Lạy Cha, Chúa Giêsu dạy chúng ta thật hay : Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ.
Lời cầu xin đó như lời niệm khẩn thiết xin Chúa gìn giữ ta khỏi các cơn cám dỗ, để sống mật thiết với Chúa hơn. Ta hãy bám vào Chúa, hãy nài xin quyền năng Chúa tuôn đổ trên ta để gìn giữ ta khỏi sa chước cám dỗ và khỏi sự dữ. Amen.
Huệ Minh