Tản mạn năm con khỉ – Tết Bính Thân

Theo suy nghĩ dân gian, khỉ là con vật thông minh, lanh lợi, biến báo… nhưng cũng là một “đối tượng” hay phá phách, nghịch ngợm, kiêu căng và thiếu nghiêm túc. Nghĩ về năm con khỉ, tôi nhớ tới một loạt những từ chẳng ra khỉ gì, như khỉ độc, khỉ gió, khỉ khô, khỉ mốc, khỉ ho cò gáy…  và tự hỏi có phải chăng vì thế mà người ta ít khi nói đến “tuổi khỉ” mà chỉ nhắc đến “tuổi thân”!  Quả thật, ngược lại với chữ “khỉ”, khi nhẩm chữ “thân” ta lại gặp rất nhiều cụm từ rất “thân thương”, như  thân ái, thân cận, thân mật, thân mến, thân thiện, thân thương, thân tín, thân tình, thân yêu… Xét về danh từ lại có thêm thân phụ, thân mẫu, thân bằng quyến thuộc, thân nhân, thân quyến, thân thích, thân tộc…

Nhân dịp năm thánh thương xót, người viết xin mượn tạm mấy từ ghép để nấu cho bà con cô bác bữa cao khỉ “thương xót”…

Để nấu cao, người ta cần chiết xuất từ thực vật hay động vật tinh chất của nó qua quá trình nung nấu, luyện lọc.  Đấy là một tiến trình “gạn đục khơi trong” tới mức thấu đáo hầu rút tỉa ra cái gì là tinh túy và cô đúc lại thành cao. Việc luyện con người ta thành “cao thương xót” xem ra cần gạn lọc ba thứ “khỉ” và rèn đúc ba chữ “thân”:

Trước hết là gạn đục con người ta khỏi tật khỉ khô, khỉ gió, khi ho cò gáyKhỉ khô ở đây được hiểu như thái độ khô khan, dửng dưng và vô cảm. Sự vô cảm khiến người ta nhìn vạn vật, tha nhân và ngay cả Thượng Đế chẳng ra “cái khỉ khô” gì! Nó mang dáng dấp của một sự bất cần, cao ngạo và xem thường tất cả…  Đôi khi nó thể hiện qua thái độ “khỉ tính”, rất khó tiếp cận, tiếp xúc và tiếp nối… Vẫn tồn tại, ăn uống, thở ra hít vào, nhìn đông ngó tây, nghe nghe nói nói, hoạt động liên tay liên chân, nhưng lại “khô” như một cỗ máy vô hồn. Đây quả là một “tạp chất” cần được gạn lọc!

Khỉ gió lại là một chú khỉ đến từ một miền đất có gió hú của những tiếng chửi yêu mắng quý: “Đồ khỉ gió!”.  Những người nhận được tiếng mắng yêu như thế thường là đã có thành tích nhẹ là “nghịch ngợm” gì đó, nặng là “phá phách” hoặc gây tai họa do sự cao ngạo, bất cẩn, nông nổi…

Khác với khỉ khô và khỉ gió, “khỉ ho” không nhắm đến “một đặc tính” mà thường nhắc đến một nơi chốn hoang vắng, lạnh lẽo, nơi “chim kêu vượn hú”: “Má ơi đừng gả con xa / Chim kêu vượn hú biết nhà má đâu”. Dù vậy, nó thể hiện một lối sống cách biệt, lẩn trốn, hoang dã… Và như thế, nó bộc lộ một tích cách “ăn lông ở lỗ”, tùy tiện, phản ứng theo bản năng, thiếu độ chín của sự trưởng thành và thấu đáo.

Ngoài ra, cũng phải kể đến những “tạp chất” khác như “khỉ ngồi bàn độc” (không có tài đức mà ngồi chỗ cao!), “khỉ dòm nhà” (vô ơn bội nghĩa), làm trò khỉ (hành động không theo quy chuẩn đạo đức luân lý)…
 
Thứ đến là khơi dậy và phát triển nơi con người ta sự thân mật, thân ái, thân thiệnThân mật trong tương quan với Chúa, tức là có tình cảm sâu đậm, thân tình, chân thành và gắn bó với Ngài. Khám phá lòng thương xót của Thiên Chúa là Cha nhân lành, một người Cha luôn ân cần, độ lượng, thâm trầm sâu lắng những cũng nồng ấm dịu dàng, yêu thương ta với trái tim khoan hồng, với đôi tay rộng mở, làm cho ta như được gieo mình vào trong cung lòng bao la của Cha, an bình thư thái, ấm áp vui tươi.

Tình thương ấy làm giãn nở trái tim mùa đông co quắp và khép kín của ta do những cơn co thắt của ích kỷ, lòng tham và lòng dục, sự kiêu căng, lười biếng… và giúp ta mở rộng tấm lòng để đón nhận, cảm thông, chia sẻ và trở nên thân ái với anh chị em mình.

Tình thương ấy còn được mời gọi rộng mở ra với vạn vật qua sự thân thiện với môi sinh, môi trường… Quản lý ngôi nhà chung với tinh thần trách nhiệm và tôn trọng sự sống của con người và muôn loài thọ sinh.

Thực ra, trong Hán Việt, chữ “thân” như là đơn vị thứ chín trong thập nhị chi và chữ “thân” theo nghĩa “gần gũi, thương yêu” là hai chữ khác nhau. Nhưng chính cái âm vang “thân” lại gọi ta về một sứ điệp rất gần gũi ấm ấp của tình thân mà ta thường liên tưởng đến mỗi dịp Tết đến, Xuân về.

Ước mong xuân Bính Thân sẽ giúp ta dứt bỏ đi cái gì là “đười ươi” và giúp ta “tiến hóa” trên đường nhân cách và tâm linh, để trở nên “người” hơn qua việc sống tình thân với Tạo hóa, với tha nhân và vạn vật muôn loài.

 
Tác giả bài viết: Lm. Đaminh Trần Ngọc Đăng