Tác
Chúa Nhật III Mùa Vọng B
TÂM TÌNH TRONG HOANG ĐỊA
Is 61,1-2a.10-11; 1Tx 5,16-24; Ga 1,6-8.19-28
Cách đây ít năm, một người làm nghề hốt rác tại thành phố Dallas, thuộc bang Texas tên là George Cummings, đã được dân chúng tuyên dương. Mười bảy cư dân đã viết thư cho ông giám đốc sở vệ sinh công cộng để ca ngợi người phu đổ rác này -một người hiền lành với nụ cười đầm ấm, thân hữu và lịch thiệp:
“Chúng tôi sống trên con đường này công nhận bác là một Kitô hữu trung kiên, một công dân yêu nước và một người bạn chân tình. Bác đã giúp họ mua hàng, Bác nhặt được một chiếc đồng hồ, rồi cố tìm ra chủ nhân để trao trả lại, bác cũng tìm hết cách để trả lại cho cư dân những vật họ đánh rơi ngoài đường thay vì lầm lẫn mà vứt đi”.
Ông giám đốc sở vệ sinh Davis đã gởi cho bác Cummings một bức thư với những lời lẽ như sau:
… Mọi người đều mến chuộng bác, vì cách làm việc của bác thật đặc biệt”. Chúng tôi tin rằng người ta có thể hoàn thành những công việc phi thường trong bất cứ hoàn cảnh nào của cuộc sống, không kể gì đến địa vị hay trách nhiệm. Việc làm của bác đã cho thấy ý nghĩa thực sự của niềm tin ấy…
Bác Cummings đã hoàn thành xuất xắc nhiệm vụ người phu hốt rác: làm sạch đẹp đường phố, hơn cả một người làm công, bác trở nên người bạn thân thiện niềm nở lịch thiệp với dân cư khiến họ luôn cảm thấy bình an và vui tươi… vì có một người bạn làm sạch đẹp cho khu phố của họ. Hình ảnh của bác Commings cần mẫn làm việc và hoàn thành xuất xắc gợi cho chúng ta trong Mùa Vọng nhớ tới Gioan Tẩy Giả, con người được sai đi dọn đường cho Đấng Cứu Thế. Ông khiêm tốn chỉ nhận là tiếng kêu trong sa mạc kêu gọi mọi người dọn đường cho Đức Chúa
Chính vì sứ mạng tiền hô Gioan luôn tôn cao Đấng Cứu Thế, ông chỉ tự nhận thân phận là người được sai đến để dọn đường cho Đấng Cứu Thế. Bằng lời rao giảng chân thành, đi đôi với cuộc sống khổ hạnh và khiêm nhu, làm cho mọi người khâm phục và tin theo. Cho nên từng đoàn lũ đông đảo, thuộc mọi thành phần xã hội, từ khắp nơi tuôn đến, say mê nghe lời ông giảng: sám hối cải thiện và cúi đầu thú tội chịu Phép Rửa Sám Hối do tay ông tại sông Jordan.
Nếp sống đặc biệt với lời rao giảng và được dân chúng mến mộ, phái đoàn các tư tế, kinh sư thắc mắc, họ từ Giêrusalem đến, hỏi Gioan: “Ông là ai?”. Gioan biết trong tâm trí họ nghĩ gì, nên ông khẳng định ngay: “Tôi không phải là Đấng Cứu Thế “. Các tư tế hỏi: “nếu ông không phải là Đấng Cứu Thế, vậy ông là ai? Ông có phải là Êlia không?”. Nhiều người Do Thái tin rằng Êlia sẽ trở lại vào thời Đấng Cứu Thế đến, Nếu ông không phải là Elia thì ông có phải là một vị tiên tri không ? Gioan trả lới không phải.
Gioan chỉ nhận mình chỉ là một tiếng hô trong hoang địa: Tiêng hô mời gọi con người sửa đường cho Đấng Messia. Nếu so với Đấng sẽ phải đến ông không đáng cúi cởi quai dép (Ga 1,26-27). Cởi quai dép là công việc của một nô lệ: Khi chủ nhà đi thăm bạn, người nô lệ đi theo. Trước khi chủ bước vào nhà bạn, người nô lệ cúi xuống cởi quai dép cho chủ, và đứng cầm hai chiếc dép chờ chủ, tư thế của Gioan so với Đấng Cứu Thế còn thấp kém hơn tương quan chủ và đầy tớ. Thật thế, Gioan rao giảng dọn đường Đấng Cao Trọng, Đấng đang ở giữa họ, nhưng họ không nhận biết Người; Người cao trọng đến mức chính Gioan cũng không xứng đáng phục vụ Người theo cách thức của một nô lệ.
Tác giả Marchadour giải thích mối tương quan của Gioan và Đấng Cứu Thế: “Đối với Gioan Tẩy Giả, Đức Giêsu phải được tiếp nhận như một ân huệ nhiệm mầu của Thiên Chúa, đấng mà không ai biết nguồn gốc. Chính ông cũng không xứng đáng cởi quai dép cho Ngài”, một việc chỉ do hàng tôi tớ làm mà thôi. Điều đó nói lên sự cách biệt giữa Đức Giêsu và Gioan Tẩy Giả” (“Tin Mừng thánh Gioan”, Centurion, tr. 43).
X. Léon Dufour dẫn giải thêm: “Tự giới thiệu mình là “tiếng kêu”, Gioan đảm nhận phẩm cách cao trọng của Kinh Thánh. Nếu tự Gioan không có gì cả cho riêng mình, ông nhận lấy Lời Hứa trong chính bản thân ông. Nếu thánh sử không diễn tả những nét đặc biệt của Gioan Tẩy giả, là vì muốn mặc cho Gioan khuôn mặt của Cựu ước để qua nhân chứng này, chính Thánh Kinh của Israel nhận ra và chỉ rõ Đức Kitô là Đấng Mêsia. Từ lúc mở đầu cuốn sách cái nhìn này là chủ yếu trong suốt cuốn Tin Mừng của Gioan”. (Sđd., Tr. 161).
Gioan không làm chứng về mình và cho mình, bởi lẽ ông không phải là Ánh Sáng. Ông chỉ là ngọn đèn (x. Ga 5,35) ngọn đèn báo hiệu giúp mọi người tin vào nguồn Ánh Sáng thật là Đức Kitô.
Chỉ là tiếng kêu trong sa mạc, dù chỉ mang sứ vụ tiền hô dọn đường, làm chứng cho Đấng Cứu Thế, Chúa Kitô khen thưởng trước mặt mọi người về tư cách chính danh của Đấng tiền hô mà ông đã hoàn thành xuất xắc: “Trong các nam nhân do phụ nữ sinh ra không một ai cao trọng hơn Gioan Tiền Hô” (Lc 7, 28).
Hôm nay Chúa nhật thứ III Mùa Vọng được gọi là “Gaudete Sundae”. “Gaudete” tiếng La tinh có nghĩa là “vui mừng” tức là Chúa Nhật của Mừng Vui lên vì Giáo Hội sống trong hoan ca chào mừng Đấng Cứu Thế, Giáo Hội muợn lời thánh Phaolô viết cho giáo đoàn Thessalônikê công bố với chúng ta trong ngày Chúa nhật thứ III mùa Vọng: “Hãy vui lên, hỡi anh em, hãy vui lên! Hãy cảm tạ Thiên Chúa trong mọi sự, vì đó là thánh ý Người về tất cả anh em trong Đức Kitô. Anh em đứng dập tắt tác động của Thánh Thần” (1Th 5,16-17). Chúa Nhật của Mừng Vui lên trước đây trong nhà thờ, đốt lên cây nến hồng ở Vòng Lá Mùa Vọng – Advent Wreath. Mầu hồng biểu tượng cho sự vui tươi, yêu đời và hy vọng, vì Thiên Chúa đã gần đến rồi!. Ngày nay Giáo Hội dùng phụng vụ màu hồng: phụng vụ của niềm vui để nói lên niềm vui chào đón Chúa Cứu Thế, như Gioan Tẩy giả đã từng biểu lộ: “Niềm vui của tôi là được nghe tiếng Ngài. Niềm vui của tôi đã sung mãn. Ngài phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ dần đi” (Ga 3,29-30).
Nghe lời Gioan chúng ta sống sám hối dọn đường cho Đấng Cứu Thế, và sau khi đã sám hối thì đợi chờ Ngài đến như Gioan với niềm vui chờ đón.
Sống niềm vui với đời sống khiêm nhu thánh thiện của Gioan chứa đựng tất cả ý nghĩa trong lời mà ông đã tuyên bố trước mặt mọi người về Chúa Cứu Thế: ” Ngài phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ dần đi” (Ga 3,30).
Nhỏ bé trước Đấng Cứu Thế và nhỏ bé trong Chúa,
Vâng,
“Chỉ mong tôi chẳng còn gì, nhờ thế Người là tất cả của tôi.
Chỉ mong ý muốn trong tôi chẳng còn gì, nhờ thế tôi cảm thấy Người ở mọi nơi, đến với Người trong mọi sự, và dâng Người tình yêu trong mọi lúc.
Chỉ mong tôi chẳng còn gì, nhờ thế tôi không bao giờ muốn tránh gặp Người.
Chỉ mong mọi ràng buộc trong tôi chẳng còn gì, nhờ đó tôi gắn bó với ý muốn của Người và thực hiện ý Người trong suốt đời tôi” (R. Tagore).
Thật thế, niềm vui được gắn bó với Chúa và sống tâm tình của ngày Chúa nhật III Mùa Vọng: Lắng nghe tâm tình của hoang địa vang lên, cũng là lúc:
“Vui lên anh em!, Chúa đã gần đến” (Pl 4,5)
Lm. Vinh Sơn, Sài Gòn