Vào năm 1953, những tu sĩ trong một nhà thờ ở Bari, Ý, đã mở mộ thánh Nicôla để khởi động quá trình tháo nước đọng lại trong hầm mộ sau gần 1 thiên niên kỷ. Khi cuộc trùng tu được hoàn tất, đến năm 1957, một giáo sư chuyên ngành giải phẫu học tên Luigi Martino đã trở thành nhà nghiên cứu hiện đại đầu tiên, và cũng nhà khoa học duy nhất đến giờ phút này, hoàn tất công cuộc phân tích xương của vị thánh. Những phát hiện về các kết cấu cơ thể đã cho thấy một khuôn mặt hoàn toàn khác với hình ảnh phổ biến của ông già Noel trong xã hội phương Tây ngày nay.
Nỗ lực tạo hình xưa – nay
Công bố sau đó trong năm trên ấn phẩm Bolletino di San Nicola, giáo sư Martino trình bày những gì đã phát hiện thông qua các ảnh chụp X-quang và kết quả đo đạc xương. Họ cho hay đối tượng nghiên cứu là một nam giới trên 70 tuổi vào thời điểm qua đời. Ông có chiều cao trung bình vào thời đó, chỉ khoảng 1,63m, với vóc người từ gầy đến bình thường. Khuôn mặt ngắn và rộng của thánh Nicôla có xương gò má rộng, trán cao và cằm nơi nhô ra. Cái mũi bề ngang vừa phải có dấu hiệu bị gẫy nhưng đã liền lại. Cũng như những người cao tuổi lúc đó, thánh Nicôla có nhiều răng sâu, cũng như viêm khớp kinh niên ở cột sống và xương chậu.
Dựa trên kết quả phân tích bộ xương một cách tỉ mỉ này, suốt nhiều năm đã có vô số nỗ lực tái dựng khuôn mặt trên thực tế của thánh Nicôla. Lần tái hiện mới nhất đã được triển khai vào tháng 12.2014 do chuyên gia pháp y Caroline Wilkinson của Đại học Liverpool John Moores thực hiện. Khác với những dự án trước đây, bà sử dụng thông tin về chiều sâu tế bào của đàn ông ở Thổ Nhĩ Kỳ, nơi thánh Nicôla chào đời, cùng với các kỹ thuật mô phỏng hình ảnh bằng máy tính (CGI) để đưa ra hình ảnh của đối tượng.
Thánh Nicôla sinh vào năm 270 tại Patara, ngày nay là Thổ Nhĩ Kỳ, và sau khi mồ côi cả cha lẫn mẹ vào thời niên thiếu, ngài được chú cũng tên Nicôla nuôi dạy nên người. Bản thân người chú này của thánh Nicôla là giám mục xứ Myra, và Nicôla-cháu sau cũng trở thành giám mục. Dưới thời hoàng đế La Mã Diocletian, thánh Nicôla bị giam cầm suốt 5 năm vì cương quyết giữ đạo, và có thể trong thời gian này đã dẫn đến tình trạng viêm khớp của vị thánh. Tuy nhiên, đây không phải là đầu tiên ngài gặp rắc rối với giới cầm quyền lúc bấy giờ.
Vào năm 325, thánh Nicôla là một trong các vị giám mục có tham gia mật thiết vào Công đồng Nicaea thứ nhất. Đây là Công đồng gồm các giám mục Công giáo được Hoàng đế La Mã Constantine I triệu tập tại Nicaea thuộc xứ Bithini (hiện là xứ Iznik – Thổ Nhĩ Kỳ), được xem là nỗ lực đầu tiên trong lịch sử nhằm đạt đến sự thống nhất trong giáo hội Kitô. Mục đích triệu tập Công đồng là nhằm loại trừ những người theo dị giáo Arian và thống nhất về phụng vụ của lễ Phục Sinh. Trong lúc tranh cãi, thánh Nicôla nổi lên xung đột với giám mục dị giáo Aruius và cả hai lao vào đấu tay đôi, nhiều khả năng là nguyên nhân dẫn đến chiếc mũi gẫy mà chuyên gia Martino đã phát hiện trong nhiều thế kỷ sau đó. Thánh Nicôla đã vào tù vì đánh nhau với một giám mục khác. Tuy nhiên, đến sáng hôm sau lính gác phát hiện ngài đã vượt ngục. Sau đó hoàng đế Constantine ra lệnh thả tự do cho vị thánh và khôi phục chức giám mục cho ngài.
Thánh tích hoa hồng
Sau khi qua đời vào năm 343, thi hài của thánh Nicôla được chôn cất tại Myra, và nơi đây trở thành địa điểm hành hương nổi tiếng trong cộng đồng Kitô hữu. Đến mùa xuân năm 1087, một nhóm các thủy thủ theo đạo ở Bari, Ý, bắt đầu lo ngại Myra sắp rơi vào tay của người Thổ Seljuk. Có lẽ do lo lắng cho sự an toàn của hài cốt vị thánh trước sự tấn công của Hồi giáo, hoặc cũng có thể nhận ra rằng họ có thể lợi dụng tình trạng hỗn loạn để lấy được thánh tích, nhóm thủy thủ đã tìm cách đưa hầu hết xương cốt của thánh Nicôla về Bari. Chỉ còn một số ít thánh tích còn lại ở Myra và được lưu giữ đến ngày nay.
Điểm thú vị là hài cốt dường như tiết ra một dạng chất lỏng có mùi hoa hồng gọi là dịch tần bì hoặc chất nhựa thơm. Mỗi năm vào ngày lễ thánh Nicôla, rơi vào 6.12 hằng năm, chất dịch lại được thu thập từ mộ phần ở Bari. Dù cuộc kiểm tra hầm mộ không cho thấy bất kỳ vết nứt nào, giới khoa học giả định rằng sự cô đặc chất lỏng này do vị trí của ngôi mộ nằm bên dưới một thành phố cạnh bờ biển tạo ra. Nếu vẫn tiếp tục dính nước, hài cốt không sớm thì muộn cũng bị phân hủy hoàn toàn. Hiện thánh tích đang trong tình trạng khá xấu sau thời gian bị phân hủy qua nhiều thế kỷ ở Thổ Nhĩ Kỳ và trải qua cuộc hành trình đầy cam go đến Ý, khi đến đây, tiếp tục bị ngập nước trong vài trăm năm trước khi được lấy ra, hong khô và tiếp tục rơi vào tình trạng như cũ trong thời gian hầm mộ được xây dựng lại vào cuối thập niên 1950.
Gần đây, Thổ Nhĩ Kỳ liên tục gây sức ép buộc Ý phải trả lại thánh tích để đưa về viện bảo tàng mới mở ở Myra. Trong các năm 2009 và 2012, Bộ Văn hóa Thổ Nhĩ Kỳ đã gởi đơn kiến nghị cho chính phủ Ý và Vatican yêu cầu cho hồi hương hài cốt vị thánh dựa trên luật cấm vận chuyển trái phép cổ vật và những đồ vật có giá trị lịch sử cao. Cho đến nay vẫn chưa rõ số phận cuối cùng của hài cốt thánh Nicôla. Đối với người Thổ Nhĩ Kỳ, một khi hầm mộ được thiết lập xong trong viện bảo tàng, họ hy vọng sẽ đón được thánh Nicôla về quê hương.
LING LANG
Nguồn tin: Báo Công Giáo & Dân Tộc