Tại sao trên bàn làm việc của nhiều vị Thánh lại có chiếc đầu lâu?

Khi nhìn vào các họa phẩm Kitô giáo, chúng ta để ý thấy những hình đầu lâu đặt bên cạnh các thánh, hay thậm chí là hình một vị Thánh tay cầm đầu lâu, mắt nhìn vào những hốc mắt của nó.
Kết quả hình ảnh cho saint jerome writing caravaggio

Tại sao lại thế? Và thế có vẻ không lành mạnh lắm hay sao?

Nhưng chính xác là vì như thế đấy.

Các đầu lâu được họa vào trong hình ảnh của các thánh để nêu bật sự khôn ngoan và ý thức không ngừng của các ngài về cái chết của mình.

Sự chết luôn hiện diện trong suy tư của các ngài và chính điều này thôi thúc các ngài đấu tranh hướng đến sự hoàn hảo.

Câu tiếng Latinh memento mori (ghi nhớ cái chết) là một trong những câu mà giáo hội và nhiều vị thánh qua hàng thế kỷ đã dùng để nêu bật linh đạo này.

Đó là nhận ra rằng “ngươi là bụi đất và sẽ trở về bụi đất” như chúng ta thường nghe lúc bắt đầu mùa chay.

Câu này nhắc nhở chúng ta rằng cuộc sống của chúng ta trên trần gian rất ngắn ngủi và chúng ta không biết ngày nào, giờ nào Chúa sẽ đến gọi chúng ta về nhà.

Một vài vị thánh còn đi xa hơn nữa khi đặt đầu lâu trên bàn làm việc của mình như Thánh Gerald, Giêrônimô, Augustinô…

Đức Giáo hoàng Alexander VII thậm chí còn nhờ nghệ nhân Bernini khắc một quan tài nhỏ bằng đá cẩm thạch cho mình, ngay khi vừa được bầu làm giáo hoàng.

Chiếc quan tài nhỏ này được đặt trên bàn làm việc để nhắc nhở rằng, một ngày nào đó ngài sẽ tan biến đi, và toàn bộ triều giáo hoàng của ngài phải ký thác hoàn toàn trong tay Chúa.

Dù cho chúng ta có cố gắng trốn tránh thế nào, cái chết đều sẽ đến với tất cả chúng ta.

Chúng ta đâu tìm được suối nguồn tuổi trẻ cho chúng ta đảo ngược tuổi đời. Khoa học vẫn chưa tạo được một loại thuốc cho chúng ta cuộc sống bất tử trên trần gian này.

Ai rồi cũng chết.

Các vị thánh ghi nhớ sự thật đơn giản này và không muốn quên lãng nó.

Các ngài biết rằng Thiên Chúa sẽ phán xét khi các ngài lìa đời này, và các ngài không muốn đứng trước mặt Chúa với hai bàn tay trắng.

Suy ngẫm về cái chết của mình là lành mạnh và có ích cho đường thiêng liêng.

Nếu như chúng ta không có một nỗi sợ lành mạnh đối với cái chết thì chúng ta sẽ quên mất bổn phận Kitô hữu của chúng ta trên trần gian này.

Và đồng thời cũng lành mạnh khi có một khao khát nhất định đối với cái chết.

Nếu chúng ta sống mật thiết với Thiên Chúa, thì cái chết sẽ là cánh cửa mở ra với sự sống bất diệt.

Với chúng ta cái chết vừa là lời nguyền vừa là phúc lành.

Nó là hình phạt cho một thế giới sa ngã, nhưng cùng là một ân sủng thúc giục chúng ta nỗ lực hơn nữa để đến với sự hiệp nhất hoàn hảo cùng Thiên Chúa.

 

J.B. Thái Hòa chuyển dịch

Theo Aleteia