Khi cuộc khủng hoảng gia tăng, và đặc biệt khi càng ngày càng có nhiều người tỵ nạn rời bỏ những trại tạm cư tại chỗ ở Jordan hay Miến Điện để hướng đến các quốc gia giàu có, người ta khó có thể thể làm ngơ sự kiện này. Tại sao họ phải rời bỏ các trại tỵ nạn chấp nhận lao mình vào những cuộc phiên lưu hết sức nguy hiểm?
Vấn đề chủ yếu không ở chỗ con số người tỵ nạn đang gia tăng chóng mặt tại những trại tạm cư xa xôi, mặc dầu thực sự việc đó đã diễn ra và những trại tam cư thực sự đang gặp khủng hoảng, nhưng vấn đề nằm ở chỗ tại sao càng ngày càng có quá nhiều những gia đình tuyệt vọng tràn vào những bờ biển và biên giới nhiều quốc gia Âu Châu.
Những trại tỵ nạn quá tải
Có một số lý do khiến những người tỵ nạn nhắm mắt liều mình đến Châu Âu (hay đến Úc Đại Lợi như trường hợp của những người ra đi từ Đông Nam Á; hoặc đến nước Mỹ như trường hợp những di dân từ những nước Trung Mỹ). Lý do thứ nhất là vì những cuộc khủng hoảng tại chính quê hương họ đã quá nguy hiểm, kéo dài quá lâu trước sự thờ ơ của thế giới đến mức hy vọng trở về được mái nhà xưa lụi tàn trong lòng người tỵ nạn. Lý do khác là vì dù có đến được những trại tạm cư, nhưng chính tại đó những nguy hiểm vẫn phủ lên đầu họ và một tương lai mong manh chờ đón họ và gia đình khi phải bị giam giữ nhiều năm tại những nơi tạm cư đó.
Mùa hè năm nay, Cộng Đồng Châu Âu, Hoa Kỳ và Kuwait đã lần lượt cam kết trợ cấp 1.2 tỷ, 507 triệu và và 500 triệu để giúp đỡ những người tỵ nạn. Điều đó thật là tốt, nhưng vẫn còn xa lắm mới đạt đến nhu cầu thực sự là 5 tỷ rưỡi mà Liên Hiệp Quốc nói rất cần cho những người tỵ nạn này, chưa kể đến 2.9 tỷ cho những người Syrian phải bỏ nhà cửa ngay bên trong nước Syria của họ. Kết quả là, những trại tiếp đón đều đã quá tải và không đủ sức cung cấp những nhu cầu cần thiết cho người tỵ nạn. Chính điều đó đã làm cho người tỵ nạn sống tại đó phải chịu đựng thời tiết lạnh lẽo, đói khát, và làm mồi cho những bệnh tật huỷ diệt họ.
Trong khi đó, một cuộc khủng hoảng khác đã mở ra những con đường trước kia từng bị đóng kín. Chẳng hạn như con đường qua nước Libya.
Và như thế, khi số người tỵ nạn gia tăng, thì người ta cũng thấy gia tăng những mạng lưới cướp bóc đến tận xương tuỷ khiến cho những chuyến phiêu lưu thường phải trả một số chi phí rất cao đến như vậy vẫn không tránh khỏi những hiểm nguy, chẳng có gì bảo đảm, cho dầu người tỵ nạn đã phải trả tiền để mong có được sự an toàn.
Những con thuyền mong manh
Thế là, hàng trăm ngàn người đã hướng về Châu Âu, đa số băng qua biển Địa Trung Hải trên những con thuyền mong manh kể cả những chiếc xuồng thể thao bằng cao su nhỏ bé. Những phương tiện ấy không thể dùng để đi biển. Vì thế thảm kịch là chuyện thường xảy ra. Cơ quan Cao Uỷ Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc ước lượng là có tới 2,500 người đã bỏ xác trong mùa hè vừa qua khi cố gằng dùng thuyền vượt biển.
Việc một khối lượng người khổng lồ bất ngờ đổ xô đến những nước giàu có như vậy đã làm cho cuộc khủng hoảng dường như quá nhanh và quá khốc liệt. Khi những trẻ em bị chết tại Syria, người dân tại những nước phát triển chẳng thèm để ý đến. Điều đó thật sự đáng buồn và vô luân nhưng đã được coi như chuyện bình thường. Nhưng khi trẻ em chết phía sau xe tải tại Áo Quốc hay trên Biển Địa Trung Hải khi tìm đường đến Hy Lạp, thì thế giới không thể làm ngơ.
Cuộc phiêu lưu trở nên nguy hiểm hơn vì những nước giàu có cố gắng làm nản lòng người tỵ nạn
Những quốc gia giàu có với những cố gắng đẩy người tỵ nạn ra khỏi bờ biển của họ đã rất tích cực lẩn tránh những chính sách có thể giúp làm cho những chuyến phiêu lưu của người tỵ nạn bớt nguy hiểm hơn. Chính việc này đã gây thêm những hiểm nguy cho người tỵ nạn. Mùa thu năm ngoái, nước Anh chẳng hạn, đã cắt bớt việc tài trợ cho những chiến dịch tìm kiếm và cứu trợ mang tên Mare Nostrum. Trong quá khứ, những chiến dịch này đã cứu được khoảng 150,000 người mỗi năm. Họ lý luận rằng chiến dịch cứu trợ như thế sẽ khuyến khích thêm ngườì vượt biển. Chính phủ Ý cũng chấm dứt chiến dịch cứu trợ này vào tháng 11 vừa qua. Kể từ đó, chương trình Frontex của Châu Âu đã đảm trách công việc này nhưng họ chỉ thực hiện những cuộc tuần tiễu cách biên giới khoảng 30 dặm và hoàn toàn không thực hiện nhiệm vụ tìm-và-cứu người tỵ nạn.
Kết quả có thể tiên đoán được là khoảng chừng 2,500 người đã bỏ mạng trên đường trốn chạy tính đến mùa hè vừa qua. Đây hoàn toàn không phải là một tại nạn. Đó là kết quả của những chính sách mà các nước Châu Âu đã đưa ra để đẩy lui người tỵ nạn.
Ngay bên trong lục địa Âu Châu, nhiều nước đang cố gắng giới hạn người tỵ nạn để họ không vượt qua được biên giới vào nước họ. Hungary đã thiết lập những hàng rào kẽm gai có gắn những lưỡi dao cạo dọc biên cương với Serbia trong một cố gắng ngăn chặn người tỵ nạn vào Châu Âu bằng đường bộ. Hungary cũng đưa ra những luật lệ mới kết án những ai phá hỏng hay băng qua những hàng rào kẽm gai đó. Và họ đã qui định sẽ phạt tù tới ba năm những ai vượi biên giới một cách bất hợp pháp. Chính phủ Hungary cũng cho tạm ngưng những chuyến xe lửa đến nước Đức trong một cố gằng rõ ràng là làm nản lòng những ai dùng Hugary như một quốc gia trung chuyển để tìm đường tỵ nạn chính trị tại nước Đức.
Hàng rào kẽm gai
Còn tại nước Áo, chính phủ đã tiến hành chính sách kiểm soát biên giới dọc theo vùng tiếp giáp với phần còn lại của Châu Âu hòng lùng bắt những người tỵ nạn và những di dân được lén lút đưa vào Áo Quốc. Mặc dù chính phủ tuyên bố rằng việc kiểm soát như vậy là một biện pháp nhân đạo nhắm mục tiêu ngăn ngừa những thảm kịch như vừa xảy ra khi 71 người bị chết ngạt trong một chiếc xe tải của bọn buôn người. Nhưng những nhà phê bình cho rằng làm như thế là nước Áo đã vi phạm chính sách mở cửa biên giới của Châu Âu.
Xua đuổi
Trong khi đó, chính phủ Úc Đại Lợi đã đưa ra những biện pháp toàn diện để ngăn những người mà họ gọi là thuyền nhân không đến được bờ biển nước Úc, bao gồm cả việc nhốt họ trong những trung tâm giam giữ rất tàn nhẫn trên những hòn đảo rất xa đất liền thuộc Thái Bình Dương và sau đó chở họ quay lại Cambốt.
Tại Bắc Mỹ, người Mỹ cũng đã gia tăng những biện pháp mạnh mẽ sau cuộc khủng hoảng trẻ em di cư năm ngoái. Hoa Kỳ đã dùng biện pháp tài trợ cho những nước Trung Mỹ để họ cố gắng ngăn ngừa việc vận chuyển trẻ em vào Mỹ. Giống y hệt như Châu Âu và những quốc gia giầu có khác, mục tiêu chính của họ là ngăn ngừa vấn đề người tỵ nạn ngay tại xứ sở của những con người đau khổ ấy – dù cho những vấn đề tiềm ẩn gây nên làn sóng người tỵ nạn ở các xứ này chưa bao giờ được giải quyết hoặc ngay cả chưa từng được đề cập tới.
Trần Bá Nguyệt