Hỏi: Trong quá khứ có thời Giáo Hội phong chức cho Nữ Phó Tế. Vậy tại sao bây giờ không cho nữ giới làm linh mục?
Trả lời :
Sự thật Giáo Hội chưa hề phong chức hay truyền chức (ordain) cho phụ nữ làm Phó Tế (deaconess). Sở dĩ có danh xưng “nữ phó tế” là vì một số phụ nữ đã được chọn để đóng vai Phó tế do nhu cầu rửa tội cho người tân tòng trong mấy thế kỷ đầu mà thôi.
Thật vậy trong mấy thế kỷ đầu của Giáo Hội, việc rửa tội cho người tân tòng (Catechumems) được thực hiện trong đêm Vọng Phục Sinh với nghi thức dìm mình xuống nước (immersion) thay vì đổ nước trên đầu hay trên trán như ngày nay.Trong đêm này, các người tân tòng được hướng dẫn đến giềng nước rửa tội ở phía cuối nhà thờ dưới ánh đèn lu mờ. Người tân tòng phải cởi bỏ hết quần áo đang mặc, rồi lội xuống giếng nước trong khi Đức Giám Mục chủ tế Lễ vọng Phục Sinh và Nghi thức Rửa tội từ trên Cung Thánh đọc công thức rửa tội cho họ và họ phải dìm mình xuống nước ba lần. Sau đó, từ giếng nước bước ra, họ sẽ được các phó tế đỡ lên khỏi giếng nước và trao cho bộ đồ trắng mặc vào, để nói lên sự sống mới được tái sinh qua nước rửa tội. Rồi họ được hướng dẫn đến trước mặt Giám Mục để được sức dầu thánh và trao nến, tượng trưng cho Ánh Sáng Chúa Kitô.
Nhưng nghi thức trên có điều bất tiện về phía nữ tân tòng. Họ cũng phải cởi bỏ hết y phục và lội xuống giếng nước, dĩ nhiên là trong khu vực dành riêng cho họ. Điều bất tiện là khi ra khỏi giếng nước rửa tội, nam phó tế không thể đỡ họ lên và trao bộ đồ trắng như cho các nam ứng viên được. Vì thế. một số phụ nữ đã được tuyển chọn để làm công việc của nam phó tế trong hoàn cảnh khó khăn trên của nghi thức rửa tội cho người tân tòng trong đêm Vọng Phục Sinh (Easter Vigil). Những người nữ được tuyển chọn để làm công việc trên không phải là nữ phó tế (deaconess) đúng nghĩa, vì họ không được truyền chức như các nam phó tế. Điều này đã được minh chứng qua giáo luật số 19 của Công Đồng Đại Kết họp lần thứ nhất (First Ecumenical Council) tại Nicea năm 325, theo đó các người nữ trên chỉ được gọi là các giáo dân (laypersons) chứ không được gọi là nữ phó tế (deaconess), vì họ không hề được chịu chức phó tế.
Tóm lại, Giáo Hội chưa hề phong chức phó tế cho phụ nữ để thi hành tác vụ của phó tế theo giáo luật.
Về câu hỏi chính được nêu lên là tại sao Giáo Hội không truyền chức linh mục cho phụ nữ, tôi xin được giải thích như sau:
Từ bao lâu nay, các giáo phái ngoài Công Giáo, đặc biệt là anh em Tin Lành, đều dùng Kinh Thánh (Sola Scriptura) làm nền tảng để chỉ trích Giáo Hội Công Giáo là không theo sát Kinh Thánh, nên đã sai lầm trong nhiều lãnh vực, điển hình là gọi Đức Giáo Hoàng là Đức Thánh Cha (Holy Father) cũng như gọi các linh mục là Cha (Father). Họ cũng cãi rằng trong Kinh Thánh không có từ ngữ nào là “Công giáo” (Catholic), cũng như không có bằng chứng nào cho phép tuyên bố Đức Mẹ trọn đời đồng trinh và lên trời cả hồn xác (assumption) như Giáo Hội Công Giáo tuyên bố bằng tín điêu (dogma) buộc mọi tín hữu phải tin. Đặc biệt một số giáo phái như Methodist, Lutheran, Evangelist, Episcopal, Anh Giáo (Anglican Communion) v.v. còn truyền chức cho cả nữ giới lám linh mục nữa !
Sự kiện này cho thấy là chính họ đã không theo sát Kinh Thánh như họ thường tự hào. Vì nếu họ đọc kỹ Kinh Thánh Tân Ước, thì họ không thể chối cãi được sự kiện hiển nhiên sau đây:
“Chúa Giêsu chỉ ăn Bữa sau hết với Nhóm 12 mà thôi.” (Mt 26:20; Mc 14:17).
Nghĩa là với 12 Tông Đồ là những người đàn ông mà Chúa đã chọn từ đầu để tham gia vào Sứ Vụ rao giảng Tin Mừng của Chúa. Không phải Chúa không nhìn thấy trước đòi hỏi của thời đại ngày này về việc cho nữ giới làm linh mục. Thực ra, chúng ta phải tin rằng Chúa không hề sai lầm, hay sơ sót khi chỉ qui tụ Nhóm 12 trong Bữa Ăn cuối cùng đó. Sự kiện Mẹ Maria và một vài phự nữ vẫn đi theo hầu Chúa đã vắng mặt trong bữa Ăn trên không phải là việc ngẫu nhiên ngoài ý muốn của Chúa. Chính Người đã cố ý không mời họ mà chỉ muốn qui tụ riêng Nhóm 12 trong Bữa ăn này để họ được tham dự trước tiên vào hai việc trọng đại Chúa làm trong bữa ăn cuối cùng này : đó là việc Chúa thiết lập bí tích Thánh Thể, để “Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28:20). Đồng thời, Người cũng lập Chức Linh Mục Thừa tác (Ministerial priesthood)) qua đó Chúa đã truyền chức linh mục đầu tiên cho 12 Tông Đồ hiện diện để từ đó về sau “anh em hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” (Lc 22: 19; 1Cor 11:25)
Như thế, rõ ràng Chúa Giêsu chỉ chọn người nam (đàn ông) để truyền chức linh mục, chứ không hề chọn phụ nữ nào kể cả Mẹ Maria, Mẹ Người, là Đấng “đầy ơn phúc hơn mọi người” (Kinh Kính Mừng).
Ai dám nói là Chúa Giêsu đã coi thường Mẹ của Người, hay sơ sót không mời Đức Mẹ hay một vài phụ nữ khác vào tham dự bữa ăn lịch sử nói trên ?
Một chi tiết không kém quan trọng khác nữa là việc Chúa Giêsu cũng chỉ rửa chân cho 12 Tồng Đồ hiện diện mà thôi (x. Ga 13:3-5). Vì thế cho đến nay, mỗi khi cử hành Phụng vụ ngày Thứ Năm Tuần Thánh ở Rôma, các Đức Thánh Cha chỉ rửa chân cho 12 người đàn ông được tuyển chọn mà thôi. Nghĩa là chưa có Giáo Hoàng nào chọn phụ nữ để rửa chân trong dịp này bao giờ.
Như vậy, ở đâu chọn thêm phụ nữ hoặc cho mọi người trong nhà thờ rửa chân cho nhau là đã tự ý “phăng” ra ngoài truyền thống của Giáo Hội dựa trên bằng chứng Kinh Thánh Tân Ước mà Tòa Thánh Rôma luôn thi hành trung thực từ xưa đến nay.
Giáo Hội Công Giáo và Chính Thống Giáo Đông Phương (Eastern Orhodox Churhes) đã căn cứ vào chính lời nói và việc làm của Chúa Giêsu trong Bữa Ăn sau hết để từ chối việc truyền chức linh mục cho nữ giới hầu được trung thành và trung thực với ý muốn của Đấng đã chia sẻ Chức Linh Mục đời đời của minh, đầu tiên cho các nam Tông Đồ và những người kế vị.
Cũng vì trung thành với ý muốn của Chúa Giêsu về việc chỉ truyền chức linh mục cho nam giới, nên khi chọn người thay thế Giuđa cho đủ con số 12, các Tông Đồ cũng đã rút thăm để chọn ông Mathia, chứ không chọn một phụ nữ nào cả (Cv 1:23-26).
Lại nữa, sau khi Chúa Giêsu về Trời, khi hiện ra với Saolê trên đường đi Đamát, Chúa đã đích thân chọn thêm Saolê, tức Phaolô, là Tông Đồ cho dân ngoại và cũng là một đại Tông Đồ đã có công lớn trong việc xây dựng Giáo Hội sơ khai cùng thời với Nhóm 12, mặc dù ngài không thuộc nhóm này từ đầu.
Chính ngài cũng đã đặt tay để truyền chức cho Timôthê, một môn đệ thân tín, như ta đọc thấy trong thư mục vụ sau đây :
“Vì lý do đó, Tôi nhắc anh phải khơi dậy đắc sủng của Thiên Chúa,
Đặc sủng mà anh đã nhận được khi tôi đặt tay trên anh” (2Tm 1: 6)
Và công tác với Phaolô trong hành trình truyền giáo lúc ban đầu cũng chỉ có những người thuộc nam giới như Timôthê, Luca, Mác cô, Xốt Tê Nô, Titô, Ê-páp-rô-đi-tô, Ty-khi-cô v.v.
Nhưng chắc chắn đây không phải là việc đề cao nam giới và coi thường nữ giới trong Giáo Hội
Nữ giới có vai trò riêng của họ trong chương trình sáng tạo và cứu chuộc của Thiên Chúa.
Cụ thể, những phụ nữ như Thánh Catarina, Têrêsa Giêsu Hài Đồng, hay Mẹ Têrêxa Calcutta đâu cần phải là linh mục mà vẫn làm được bao việc vĩ đại hơn cả biết bao linh mục, hay Giám mục.
Và cao trọng hơn hết là vai trò của Đức Mẹ, một người nữ duy nhất mà Chúa Giêsu đã chọn làm Mẹ của Giáo Hội, khi Người trao Gioan cho Mẹ từ trên thánh giá (Ga 19:25-27).
Mẹ không cần phải chia sẻ chức Linh Mục đời đời của Chúa Giêsu, nhưng Mẹ đã “đồng công cứu chuộc” với Chúa từ khi Mẹ “xin vâng” làm Mẹ Ngôi Hai, cho đến khi đứng dưới chân thập giá, chia sẻ những thống khổ của Chúa và chứng kiến cái chết của Người để hoàn tất công cuộc cứu chuộc nhân loại. Và từ khi nhận lãnh sứ mệnh là Mẹ Giáo Hội cho đến nay, Mẹ đã đồng hành và không ngừng nâng đỡ đắc lực cho Giáo Hội được thăng tiến vượt bực để chu toàn sứ vụ rao giảng và làm chứng cho Tin Mừng Cứu độ mà Chúa Kitô đã trao phó trước khi Chúa về Trời.
Tóm lại, Giáo Hội có lý do vững chắc để không trao chức linh mục cho nữ giới, và chắc chắn đây không phải là việc coi thường phụ nữ như những người đòi hỏi đã và đang chỉ trích Giáo Hội về vấn đề này.
Là tín hữu Chúa Kitô trong Giáo Hộ Công Giáo, chúng ta phải vâng phục và tuân thủ những gì Giáo Hội dạy bảo nhân danh Chúa, vì lời Người đã nói với các môn đệ xưa kia: “Ai nghe anh em là nghe Thầy; và ai khước từ anh em là khước từ Thầy; mà ai khước từ Thầy là khước từ Đấng đã sai Thầy” (Lc 10:16).
Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn