Chúng ta cùng với Giáo hội khai mạc Mùa Chay Thánh bằng nghi thức xức tro. Qua phụng vụ Lời Chúa hôm nay, xin được gợi ý suy niệm mấy điểm sau đây:
- Thống hối
Trước hết là lời mời gọi thống hối. Thống hối là hành vi đầu tiên của hối nhân: Đó là một sự đau đớn của tâm hồn và ghét bỏ tội mình đã phạm, với quyết tâm sẽ không phạm tội nữa trong tương lai.
Có hai cách thống hối: Thống hối cách lọn và thống hối cách chẳng lọn. Thống hối phát xuất từ lòng yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự thì được gọi là thống hối cách lọn. Sự thống hối này được tha thứ các tội nhẹ, và tha các tội nặng khi có kèm theo sự quyết tâm đi xưng tội khi có thể. Thống hối vì sợ sa Hoả ngục thì gọi là thống hối cách chẳng lọn. Cách thống hối này chỉ được khỏi tội khi kết thúc với ơn Chúa bằng việc đi xưng tội.
Để thống hối, điều kiện cần là phải biết mình, chỉ có biết mình có tội, biết mình mắc lỗi lầm thì mới có thể sám hối được. Mahatma Gandhi có kể về cuộc đời ông như sau: Hồi tôi 15 tuổi, tôi mắc một tật rất xấu, là tội ăn trộm. Khi đó tôi mắc nợ người bạn một số tiền khá lớn, thế rồi tôi đã về lấy của cha tôi một vòng đeo tay bằng vàng để bán lấy số tiền trả nợ. Nhưng sau đó, tôi luôn luôn bị lương tâm cắt rứt, không cho tôi được giây phút bình an. Tôi không thể sống trong tình trạng này nữa. Tôi nhất quyết phải đến thú tội với ba tôi càng sớm càng tốt. Nhưng khi đến trước người, vì xấu hổ và sợ hãi nên tôi không thể thốt ra lời. Sau đó tôi liền nghĩ ra một cách thú tội bằng giấy mực. Tôi đã cầm tờ giấy đó đến trước mặt cha tôi, toàn thân tôi run rẩy và trao tờ giấy đó cho cha tôi. Ông đã đọc tờ thú lỗi của tôi, sau đó ông nhắm mắt lại trong giây lát và đã xé tờ giấy thành nhiều mảnh, rồi nói với tôi: “Biết mình là điều rất tốt”, và đến ôm chầm lấy tôi trong vòng tay tràn đầy yêu thương, tha thứ của người. Từ giây phút đó tôi hiểu và thương mến cha tôi hơn.
Ngoài ra, còn có các hình thức thống hối khác nhau trong đời sống Kitô giáo. Thánh kinh và các Giáo phụ nhấn mạnh hơn hết về ba hình thức này: Ăn chay, cầu nguyện và bố thí, nói lên sự hối cải đối với bản thân mình, đối với Thiên Chúa và đối với tha nhân.
- Ăn chay
Theo luật cũ, người Do thái ăn chay mỗi năm một lần vào ngày đền tội(x. Lv 16,19-31). Nhưng vào thời Chúa Giêsu, người ta còn giữ những ngày chay chung vì những lý do khác. Đặc biệt, những người đạo đức như nhóm Pharisiêu còn giữ chay một tuần hai lần. Mục đích của việc ăn chay trong thời Cựu ước có thể là đền tội, sám hối, cải tà quy chính, xin Chúa thương tha thứ tội lỗi…Nhưng mục đích chính vẫn là chờ đón Đấng Mêsia.
Sang thời Tân Ước, mục đích của việc ăn chay vẫn là đền tội, sám hối, cải tà quy chính, xin Chúa thương tha thứ tội lỗi…Nhưng không còn phải chờ đợi Đấng Mêsia đến nữa, nếu còn chờ thì chỉ chờ Ngài đến lần thứ hai trong vinh quang mà thôi. Ngoài ra, ăn chay để kìm hãm một số nhu cầu như ăn uống, để có thể tiến tới trên con đường tu thân. Ăn chay để kinh nghiệm được sự đói khát của tha nhân, nhờ đó cảm thông và chia sẻ sự túng thiếu, nghèo khổ đang cần sự giúp đỡ của mình.
Hiện nay, Giáo hội chỉ buộc ăn chay kiêng thịt vào hai ngày trong năm, là Thứ tư Lễ tro và Thứ sáu Tuần thánh. Cách thức ăn chay theo luật: Chỉ ăn một bữa no trong ngày. Nếu lấy bữa trưa làm bữa ăn chính, thì bữa sáng và bữa tối chỉ ăn một chút mà thôi. Ngoài ra, không ăn các loại “thịt”; không ăn quà vặt; không uống các chất uống có chất kích thích như rượu bia, nước ngọt…
Cách ăn chay như thế nào cho đẹp lòng Thiên Chúa? Bài đọc I, cho chúng ta thấy rõ cách ăn chay: “Đây là sấm ngôn của Đức Chúa: ‘Nhưng ngay cả lúc này, các ngươi hãy hết lòng trở về với Ta, hãy ăn chay, khóc lóc, và thống thiết than van’. Đừng xé áo, nhưng hãy xé lòng. Hãy trở về cùng Đức Chúa là Thiên Chúa của anh em, bởi vì Người từ bi và nhân hậu, chậm giận và giàu tình thương, Người hối tiếc vì đã giáng hoạ” (Ge 2,12-13). Tiên tri Isaia cũng cho chúng ta biết cách ăn chay mà Thiên Cháu ưa thích, đó là : “Mở xiềng xích bạo tàn, tháo gông cùm trói buộc, trả tự do cho người bị áp bức, đập tan mọi gông cùm? Chẳng phải là chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ; thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục?”(Is 58,2-12). Bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu khuyên chúng ta cách ăn chay: “Còn khi ăn chay, anh em chớ làm bộ rầu rĩ như bọn đạo đức giả: chúng làm cho ra vẻ thiểu não, để thiên hạ thấy là chúng ăn chay.Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh em, khi ăn chay, nên rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm, để không ai thấy là anh em ăn chay, ngoại trừ Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh em, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả công cho anh em” (Mt 6,16-18).
- Cầu nguyện
Cầu nguyện là việc làm của tình yêu đáp lại tình yêu. Đối tượng của cầu nguyện là Thiên Chúa, vì thế không bao giờ có thể nói hết, nói đủ về cầu nguyện. Thánh Gioan Đamátxa định nghĩa:“Cầu nguyện là nâng tâm hồn lên cùng Chúa hay cầu xin Người ban cho những ơn cần thiết”. Còn Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu thì nói: “Đối với tôi, cầu nguyện là sự hứng khởi của tâm hồn, là cái nhìn đơn sơ hướng về trời, là lời kinh tri ân và yêu mến giữa cơn thử thách cũng như lúc hân hoan”.
Để nói về tầm quan trọng của cầu nguyện, người ta định nghĩa: “Cầu nguyện là hơi thở của linh hồn”.
Chính Chúa Giêsu đã làm gương cho chúng ta về sự cần thiết của cầu nguyện. Ngài cầu nguyện tối sáng. Ngài cầu nguyện trước những biến cố quan trọng: Trước khi chọn các Tông đồ; trước khi chịu tử nạn; trước khi làm phép lạ. Có khi Ngài cầu nguyện chung cùng các Tông đồ, có khi Ngài cầu nguyện riêng một mình. Ngài đã dạy các Tông đồ cầu nguyện bằng Kinh lạy Cha. Ngài mời gọi chúng ta: “Hãy siêng năng cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ”(Mt 24,41). Noi gương Chúa Giêsu, các Tông đồ cũng cầu nguyện: Cầu nguyện riêng; cầu nguyện từng nhóm; cầu nguyện cùng với Đức Mẹ khi chờ đợi Chúa Thánh Thần ngự xuống.
Từ hai mươi thế kỷ qua Giáo Hội cũng có rất nhiều mẫu gương cầu nguyện. Gần chúng ta có Mẹ Têrêxa Callcutta: Khi thấy được những công trình và những sự việc Mẹ làm, một phóng viên đã hỏi Mẹ: Thưa Mẹ Têrêxa, Mẹ yêu thương đám quần chúng mà người khác nhìn họ như những đống hoang phế của nhân loại. Đâu là bí quyết của Mẹ? Mẹ Têrêxa trả lời: “Bí quyết của tôi thật giản dị, tôi cầu nguyện”.
Vì vậy, chúng ta hãy siêng năng cầu nguyện nhất là trong Mùa Chay Thánh này: Cầu nguyện chung; cầu nguyện riêng; cầu nguyện trong gia đình; cầu nguyện ở nhà thờ; cầu nguyện ở mọi nơi mọi lúc; cầu nguyện khi vui khi buồn…Lúc nào chúng ta cũng có thể cầu nguyện, Thánh Gioan Kim Khẩu nói: “Bạn có thể cầu nguyện thường xuyên và sốt sắng khi đang ở ngoài chợ hay đi dạo một mình, khi đang mua bán ở cửa hàng hay đang làm bếp”.
- Bố thí
Trong cuộc sống, chúng ta nhận thấy có nhiều cách bố thí:
Có người bố thí vì sợ sự quấy rầy, vì ép buộc: Chúa Giêsu đã nói rõ điều này qua câu chuyện người xin bánh ban đêm. Chúa nói: « Thầy bảo các con, dù người đó không dậy vì tình bạn để lấy bánh cho người bạn, người đó cũng sẽ dậy, ít nữa là vì sự quấy rầy của người kia mà cho anh ta tất cả những gì anh ta cần »(x. 11,5-8).
Có người bố thí vì muốn nổi tiếng hoặc để khoe khoang, phô trương cho người ta biết: “Họ thổi loa báo trước, như bọn giả hình làm ở nơi hội đường phố xã, để cho người ta ca tụng họ”(x. Mt 6,2)
Có người bố thí chỉ vì bổn phận: Người giàu bố thí cho người nghèo. Sách Giáo lý HTCG số 2446 dạy: « Không cho những người nghèo dự phần vào của cải cải của ta, đó là ăn trộm của họ và cướp lấy mạng sống của họ. Của cải ta giữ đó không phải là của chúng ta, nhưng là của họ”. Thánh Gioan cũng nói rằng: “Nếu một người có của cải trần thế này thấy người anh em mình ở trong tình cảnh túng quẫn mà khép kín tâm hồn mình lại, thì làm sao tình yêu của Thiên Chúa ở trong kẻ ấy được?” (1 Ga 3,17).
Có người bố thí vì tình thương yêu thực sự. Bố thí cách chân thành, tôn trọng, vui tươi và kín đáo. Đúng như lời Chúa Giêsu nói trong bài Tin mừng hôm nay: “Các con có bố thí, thì làm sao đừng để tay trái biết việc tay phải làm, để việc con bố thí được giữ kín và Cha con, Ðấng thấu suốt mọi bí ẩn, sẽ trả công cho con”(Mt 6,3-4).
Còn chúng ta thì sao? Hãy nhớ rằng: “Của cho không bằng cách cho” hay “Của ít lòng nhiều”. Vì thế, hãy cho vì tình thương, vì lòng mến Chúa yêu người. Hãy quảng đại cho đi, vì “Những điều duy nhất ta còn giữ lại được là những gì ta đã cho đi” (Lm. Mark Link).
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết dùng Mùa Chay Thánh này để thống hối ăn năn tội, làm hoà với Chúa và anh chị em. Đồng thời, xin Chúa cho chúng con biết quyết tâm giữ chay, siêng năng cầu nguyện và quảng đại thực thi việc bác ái cho những người cần đến chúng con. Amen
Lm. Anthony Trung Thành