CHÚA NHẬT 27 THƯỜNG NIÊN – NĂM B
Mc 10,2-16
“Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly.”
(Mc 10,9)
Anh chị em thân mến,
Các bản văn phụng vụ hôm nay ít nhiều nói với chúng ta về đời sống hôn nhân. Tôi cũng muốn nhân dịp này ôn lại một chút để anh chị em những người đang ở trong đời sống hôn nhân có dịp để nhìn lại cuộc sống của mình, đồng thời những anh chị em chưa bước vào cuộc sống hôn nhân có dịp suy nghĩ trước về cuộc sống mà sau này anh chị em sẽ bước vào.
Đây là một cuộc sống thật quan trọng, đồng thời nó cũng là một cuộc sống khá phức tạp, nên khi nhìn vào đời sống này nhiều người đã có những quan niệm thật khác nhau, thậm chí có lúc còn đối nghịch nhau.
Montaigne một nhà văn lớn của Pháp đã nói về cuộc sống Hôn nhân như thế này: “Hôn nhân như một chiếc lồng sơn son thép vàng. Những con chim ở ngoài thì thao thức muốn vào. Còn những con chim ở trong thì tìm hết cách để thoát ra.”
Ca dao Việt Nam của chúng ta cũng có chung một cái nhìn như thế:
“Cá trong lờ đỏ hoe con mắt
Cá ngoài lờ ngúc ngoắc muốn vô”
A. Tain còn bi quan hơn: “Người ta hiểu nhau 3 tuần – Yêu nhau 3 tháng – Cãi vã nhau 3 năm – Chịu đựng và tha thứ cho nhau 30 năm.” Có nhiều người bảo 30 năm vẫn còn ít – Phải … suốt đời … mới đúng.
Triết gia Socrate có một cái nhìn nhẹ nhàng hơn nhưng cũng không kém sự bi quan: “Trong mọi trường hợp bạn hãy lập gia đình đi. Nếu may mắn gặp được một người vợ tốt, bạn sẽ hạnh phúc. Nếu chẳng may gặp phải người vợ không tốt, bạn sẽ có cơ hội trở thành một triết gia.” và ông nhấn mạnh: “Đó là điều hay nhất đối với mọi người.”
1. Anh chị em hãy cùng với tôi nhìn lại những trang sử đầu tiên trong lịch sử của loài người. Thuở ban đầu, Thiên Chúa mới chỉ dựng nên có một người nam. Và Thánh Kinh mô tả cuộc sống đơn độc của Ađam thế nào thì anh chị em đã biết. Cuộc sống đó thật là buồn chán. Chính Thiên Chúa khi nhìn vào, Người cũng phải nói: “Voe soli!” (Thật khốn nạn). Và sau đó Thiên Chúa đã dựng nên cho Ađam một người bạn đời. Đó là Evà, người phụ nữ đầu tiên. Khi nhìn thấy Evà, Ađam đã hết sức vui mừng, vui mừng vì đã thấy được người bạn đời của mình.
Như vậy, anh chị em đã có thể thấy qui luật đầu tiên của hôn nhân là qui luật nào.Hôn nhân là một cộng đoàn mà những thành phần trong đó luôn biết hướng về nhau.
Nếu nghiên cứu những cuộc hôn nhân thành công nhất trong lịch sử của con người thì chúng ta sẽ thấy rõ điều đó. Cụ thể nhất như trườing hợp của Pierre và Maria Cuiri, một cặp hôn nhân được xếp vào loại thành công nhất từ trước cho đến nay và người ta bảo có lẽ cho đến tận thế khó mà có thể tìm được cuộc hôn nhân nào thành công đến thế. Đây là một cặp vợ chồng suốt đời luôn biết hướng về nhau… Thậm chí khi chết họ cũng muốn được chôn trong một ngôi mộ.
Thánh Kinh đã diễn tả rất hay về việc này: “Người nam bỏ cha mẹ mà luyến ái với người vợ của mình để cả hai trở nên một xương một thịt” (St 2,24).
Người Hy Lạp đã dựng nên cả một câu chuyện thần thoại để cổ vũ cho sự qui hướng thiêng liêng và thánh thiện này. Theo thần thoại Hy Lạp thì ban đầu con người duy nhất được Thiên Chúa dựng nên là sinh vật mang hình dạng một khối tròn. Hình tròn là hình tượng trưng cho sức mạnh – bằng chứng là các loại ống chịu lực mạnh thì người ta thường thiết kế theo dạng hình tròn. Vì sợ con người có sức mạnh một ngày kia sẽ chống lại được mình cho nên thần Jupiter đã dùng gươm chẻ đôi con người ra. Và vì công việc này được thực hiện trong lúc thần không được bình tĩnh cho nên con người bị chẻ làm đôi thiếu sự cân bằng trong chính con người của mình… cho nên từ đó con người luôn hướng về cái nửa của mình để tìm lại cái thế cân bằng của mình. Chính vì thế mà người Tây phương mới gọi người bạn đời trăm năm của mình là “Ma moitie – My half” Cái nửa của tôi.
Những anh chị em đã tìm thấy cái nửa của mình rồi thì xin anh chị em hãy bảo vệ lấy nó. Bảo vệ thật kỹ, càng kỹ càng tốt. Còn chưa thì cố mà đi tìm, tìm đúng thì sẽ hạnh phúc, tìm sai thì coi chừng!
2. Cũng trong những trang đầu của sách Sáng Thế, anh chị em hãy nhớ lại một chút. Khi dựng nên người phụ nữ, Thiên Chúa đã không dựng nên theo cùng một cung cách khi Người dựng nên người nam. Thánh Kinh bảo Thiên Chúa đã làm cho Ađam thiếp ngủ đi rồi Người lấy một cái xương sườn của người nam, rồi từ đó Người dựng nên người đàn bà, để rồi vừa khi nhìn thấy người đàn bà, Ađam đã nhận ngay ra mình ở trong đó: “Đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi” (St 2,23).
Từ sự kiện này chúng ta có thể rút ra được một qui luật khác của hôn nhân. Hôn nhân là một cộng đoàn tình yêu. Đây không phải là một thứ tình yêu ở ngoài, mà là thứ tình yêu nội tại ngay trong chính mỗi người. Thánh Gioan tông đồ quả quyết: “Không ai ghét chính mình.” Yêu ai là yêu cái mình của mình nơi người khác.
Khi diễn tả về lý do tại sao Thiên Chúa lại yêu con người thì các nhà tư tưởng của Ai Cập đã viết lên một câu chuyện thần thoại thật đẹp như sau. Thiên Chúa muốn đến tận bờ sông Nilô, lấy tay nhào bùn để đắp nên hình người. Nhưng thật không may cho Người là khi Người thọc tay vào đất thì thọc đúng vào một cái hang của con cua. Tay của Người bị cua kẹp chảy máu. Các thiên thần sợ quá muốn băng bó cho Người nhưng Người không cho mà nói: “Cứ để vậy. Cứ để cho máu của Ta hòa tan với máu của con người để cho con người biết ta yêu nó như thế nào.” Thiên Chúa yêu con người là vì Thiên Chúa tìm thấy sự sống của chính mình trong con người.
Xin anh chị hãy suy nghĩ thật kỹ câu chuyện sau đây. Khi có người luật sĩ hỏi Chúa Giêsu về điều quan trọng nhất, thì Chúa trả lời: thứ nhất là yêu mến Thiên Chúa và sau đó Chúa nhấn mạnh: “Còn giới răn thứ hai cũng quan trọng như giới răn thứ nhất đó là hãy yêu mến người khác như chính mình ngươi” (Mt 22,39).
Người Việt Nam có cách xưng hô rất hay khi gọi người bạn đời là “Mình.” Tôi vẫn thấy ông bà cố của tôi gọi nhau “Mình ơi mình.”
Vậy thì khi yêu chúng ta không yêu một cái gì đó ở ngoài ta mà là ta yêu chính ta ở trong người khác. Điều này đúng trong mọi trường hợp, lại càng đúng trong cuộc sống hôn nhân.
3. Tiếp theo, sau khi Ađam và Evà đã được Thiên Chúa tác hợp nên vợ chồng thì Người đặt Ađam – Evà giữa cảnh địa đàng và Thánh Kinh bảo cứ chiều chiều Thiên Chúa xuống đi bách bộ và truyện trò với hai ông bà. Thật là tuyệt diệu.
Từ khung cảnh này chúng ta có thể rút ra một qui luật nữa cho cuộc sống hôn nhân. Hôn nhân là một cộng đoàn đạo đức. Sự đạo đức được đặt nền trên lòng kính sợ Thiên Chúa. Con người chỉ đau khổ khi lìa xa Thiên Chúa.
Như Đức Cha Tonne, Giám mục Kansas, thì năm 1975 bên Mỹ người ta có làm một cuộc điều tra xã hội. Mục đích cuộc điều tra này là xem xem những điều sau đây ảnh hưởng đến cuộc sống hôn nhân như thế nào. Người ta đưa ra 3 tiêu chuẩn: Trước hết là có đi lễ – Thứ hai là có cầu nguyện – Thứ ba là có đọc Thánh Kinh. Sau khi điều tra, thì người thấy một kết quả thật đáng ngạc nhiên như sau:
Đối với những cặp vợ chồng không đi lễ – không cầu nguyện – không đọc Thánh Kinh thì cứ 100 cặp có 25 cặp ly dị. Nói một cách vắn tắt hơn thì cứ 4 cặp có 1 cặp ly dị.
Đối với những cặp vợ chồng có đi lễ nhưng không cầu nguyện và không đọc Thánh Kinh thì cứ 75 cặp thì có một cặp ly dị.
Anh chị em thấy đã có một sự khác biệt rất rõ.
Bây giờ đến những cặp hôn nhân có đi lễ + có cầu nguyện + có đọc Thánh Kinh thì kết quả thật đáng mừng. Cứ 500 cặp thì mới có một cặp ly dị. Kết quả này phải làm cho chúng ta suy nghĩ kính thưa anh chị em.
Con người không phải là thần thánh. Một công trình sau khi hoàn thành mà không được tiếp tục bảo trì thì chỉ một thời gian nó sẽ xuống cấp và nếu cứ tiếp tục bỏ bê nó mãi như thế thì chẳng sớm thì chầy nó sẽ sụp đổ. Cuộc sống hôn nhân cũng như thế. Cần phải bảo trì nó, săn sóc cho nó thì nó mới tồn tại và mang lại những kết quả.
B. LỄ ĐỨC MẸ MÔI CÔI – 2015
“Các con hãy lần chuỗi Môi Côi hằng ngày!”
Đó là lời Đức Mẹ dạy ba trẻ: em Lucia, Phanxicô và Jacinta, mỗi khi Mẹ hiện ra với các em trong tất cả 6 lần tại Fatima – “Các con hãy lần chuỗi Môi Côi hằng ngày!”
Tại sao tất cả 6 lần hiện ra với 3 em tại Fatima lần nào Đức Mẹ cũng dạy các em hãy lần chuỗi Môi Côi hằng ngày?
Thưa vì lần chuỗi Môi Côi là việc căn bản nhất và có sức linh nghiệm nhất trong việc đập tan các bè rối và đưa người ta đến chỗ ăn năn hối cải.
Thánh Louis de Montfort với kinh nghiệm là một tông đồ vĩ đại của kinh Môi Côi đã nhắn nhủ những ai đang sống trong tình trạng bi thảm của tội lỗi như thế này:
“Bạn đang sống trong tình trạng tội lỗi đáng thương ư? Bạn hãy kêu cầu Mẹ Maria!Hãy cầu xin Mẹ bằng kinh Môi Côi”
Kinh Môi Côi có sức linh nghiệm, giúp người ta ăn năn hối cải, giúp những người tội lỗi đã bỏ Chúa nhiều năm được ơn thống hối trở về với ơn nghĩa Chúa.
Nhìn vào lịch sử những lần Đức Mẹ hiện ra gần đây nhất, tại Lộ Đức năm 1858, tại Fatima năm 1917, ta thấy Đức Mẹ luôn hiện ra với những trẻ em và những thanh thiếu niên biết siêng năng lần chuỗi Môi Côi và khuyên nhủ mọi người năng đọc kinh Môi Côi.
* Tại Lộ Đức: Bernadetta được ơn thấy Đức Mẹ hiện ra với mình 18 lần năm 1858. Khi đó Bernadetta được 14 tuổi. Cô bé đã sớm được cha mẹ dạy lần chuỗi Môi Côi và yêu mến Đức Mẹ. Chính một hôm đang khi lần chuỗi sốt sắng, Bernadetta dã được thấy Đức Mẹ hiện ra với mình. Em đã kể lại trong 18 lần hiện ra đó, nhiều lần Đức Mẹ đã lần chuỗi với em.
* Tại Fatima, việc lần chuỗi Môi Côi đã được Đức Mẹ được đưa lên hàng mệnh lệnh số một.
Trong tập hồi ký của mình, chị Lucia đã ghi lại chi tiết những lời Đức Mẹ nói với chị lần hiện ra đầu tiên, ngày 13 tháng 5 năm 1917, như sau:
– Bà muốn con làm gì?
– Mẹ muốn các con đến đây sáu tháng liền vào ngày 13, cũng giờ này. Sau này, Mẹ sẽ nói cho con hay Mẹ là ai và Mẹ muốn gì.
– Con có được về trời không? Được con sẽ về.
– Còn em Jacinta?
– Jacinta cũng được về.
– Còn em Phanxicô?
– Phanxicô cũng sẽ được về, nhưng em phải đọc nhiều kinh Môi Côi đã.
Một lúc sau Đức Mẹ bảo:
“Các con hãy lần chuỗi Môi Côi hằng ngày để cầu xin cho hòa bình thế giới và chấm dứt chiến tranh. “
Khi hiện ra lần thứ hai, Đức Mẹ nói:
““Mẹ muốn các con tới đây vào ngày 13 tháng tới. Các con hãy lần chuỗi Môi Côi hằng ngày. Sau này Mẹ sẽ nói cho các con biết Mẹ muốn gì” (9)
Khi hiện ra lần thứ ba, ngày 13 tháng 07, Đức Mẹ nói:
“Mẹ muốn các con đến đây vào ngày 13 tháng tới. Mẹ muốn các con tiếp tục lần chuỗi Môi Côi dể tôn kính Mẹ Môi Côi và xin hòa bình cho thế giới.”
Ngày 13 tháng 08, quận trưởng quận Ourem đã lái xe đến bắt cóc 3 em em về quận, nhốt vào tù cho đến ngày 15, nhằm ngày lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời, mới thả các em. Nhưng sau đó ngày 19 tháng 8, Đức Mẹ đã hiện ra và nói với các em:
Mẹ muốn các con tiếp tục tới đây vào ngày 13 và hãy tiếp tục lần chuỗi Môi Côi hằng ngày. Tháng sau cùng, Mẹ sẽ làm một phép lạ để mọi người tin.”
Về lần Đức Mẹ hiện ra ngày 13 tháng 9, chị Lucia viết trong hồi ký như sau: “Cuối cùng chúng con đã tới đồi Cova đa Ria, vừa đi vừa lần chuỗi với dân chúng. Liền sau đó một chớp sáng, và Đức Mẹ hiện ra trên cây sồi. Mẹ nói: “Các con hãy tiếp tục lần chuỗi Môi Côi để xin chấm dứt chiến tranh.
Về ngày 13 tháng 10, chị Lucia kể lại như sau: Chúng con rời nhà sớm, vì nghĩ thế nào cũng bị ngăn trở dọc đường. Dân chúng lũ lượt kéo tới. Mưa như trút nước… Dù đường lầy lội vì mưa bão, người ta quỳ xuống để cầu khẩn. Khi tới gốc cây sồi, do thúc đẩy nội tâm, con xin mọi người cụp dù xuống và đọc kinh lần chuỗi. Chúng con thấy chớp sáng và Đức Mẹ hiện đến:
– Bà muốn con làm gì?
– Mẹ muốn một nhà thờ được xây cất tại đây để tôn kính Mẹ. Ta là Đức Mẹ Môi Côi. Các con hãy tiếp tục lần chuỗi Môi Côi hằng ngày. Chiến tranh sẽ chấm dứt, và binh lính sẽ trở về gia đình. (13)
Đó là tại Fatima.
Để kết thúc tôi xin gửi đến anh chị em những lời sau đây của Thánh Louis De Monfort một tông đồ lâu năm của kinh Môi Côi. Ngài đã viết những lời vừa đáng sợ vừa đáng an ủi sau đây:
“Thánh Alanô (tức Alain de la Roche) có lòng sùng kính sâu xa dối với Mẹ Maria, cho nên đã được Đức mẹ cho biết nhiều điều. Chính Thánh nhân đã thề long trọng mà xác nhận những mặc khải này. Trong các mạc khải đó có ba điều sau đây được nhấn mạnh đặc biệt:
Thứ nhất: nếu người ta bỏ đọc kinh Môi Côi vì khô khan, hoặc vì chê ghét kinh này, thì đó là dấu chỉ hoặc gần như dấu chỉ sẽ bị án phạt đời đời.
Thứ hai: những ai yêu mến đọc kinh Môi Côi là lời Thiên Thần chào Đức Mẹ, thì đó là dấu hiệu đặc biệt của ơn cứu độ.
Thứ ba: những ai được Chúa ban cho dấu hiệu diễm phúc có lòng kính mến Đức Mẹ với hết tình con thảo, thì phải tiếp tục phụng sự Mẹ cho đến khi được Mẹ đem về trời ở bên cạnh Mẹ”
Liền sau khi viết những dòng trên đây, thánh nhân đã tiếp tục làm chứng như sau:
“Nếu tôi không tin vào những gì đã được mạc khải cho Thánh Alano, thì chỉ nguyên kinh nghiệm riêng của tôi cũng đủ cho tôi xác tín về những sự thật vừa đáng sợ vừa đầy an ủi trên. Tôi không biết cũng không hiểu tại sao một sự sùng kính quá đơn sơ như lần chuỗi Môi Côi, mà lại là dấu hiệu không thể lầm lẫn của ơn cứu độ muôn đời, và tại sao không đọc kinh Môi Côi sẽ là dấu hiệu sẽ bị Thiên Chúa luận phạt đời đời. Nhưng đó lại là điều không có gì thật hơn”.
THỨ HAI TUẦN 27 THƯỜNG NIÊN
Lc 10,25-37
“Đức Giêsu bảo ông ta:
‘Ông trả lời đúng lắm.
Cứ làm như vậy là sẽ được sống.’“
(Lc 10,28)
1. Chúng ta vừa nghe lại câu chuyện chúng ta đã thuộc lòng từ rất lâu. Ông luật sĩ hỏi Chúa: “Ai là người thân cận của tôi?” (Lc 10,29).
Với câu hỏi này chúng ta thấy ông luật sĩ muốn hai điều:
– Ông muốn tìm một câu định nghĩa về “người thân cận”. Tại sao thế? Thưa, vì người Do Thái thời đó chỉ hiểu “người thân cận” là những đồng bào Do Thái với mình.
– Ông muốn nghe một câu trả lời có tính lý thuyết.
Còn Chúa Giêsu thì sao? Với dụ ngôn người Samaria nhân hậu, Chúa Giêsu muốn mọi người hiểu ba điều:
– Người thân cận là bất cứ ai (không phân biệt chủng tộc, tín ngưỡng, quan điểm…). Hình như hai nhân vật chính trong dụ ngôn này: một người là Do Thái, một người là Samaria. Người Samaria thì dụ ngôn nói rõ, còn người bị thương thì dụ ngôn bỏ ngỏ, nhưng có nhiều lý do nói rằng, đó là người Do Thái, vì những người Do Thái thường đi trên con đường này nhiều hơn người Samaria.
– Như vậy, định nghĩa về “người thân cận” không quan trọng bằng thực thi bác áivới người thân cận (Lc 10,37).
– Cuối cùng, thay vì tìm hiểu ai là người thân cận, tốt hơn nên tỏ ra mình là người thân cận đối với những kẻ đang cần mình giúp đỡ (Lc 10,36).
2. Một phóng viên nọ muốn biết cách đối xử của con người thế nào, ông đã giả vờ làm người bị thương nằm bên vệ đường cùng với chiếc xe bị hư của ông. Rất nhiều người đã đi qua… Cuối cùng, mới có một người dừng xe lại xem xét và đến trạm gọi điện thoại báo cho cảnh sát. Người phóng viên đã cẩn thận ghi các số xe đã chạy qua, sau đó, ông đến tận nhà họ để phỏng vấn. Mỗi người đều nói lên lý do của mình, nhưng không ai nghĩ mình một ngày kia có thể rơi vào hoàn cảnh như thế. Đó là điều mà chúng ta ít khi để ý tới.
Sống ở đời, ai mà chẳng cần tới tình yêu. Nhưng ít người thực thi tình yêu đối với người khác. Hay nếu có, lại chỉ vỏn vẹn trong một khung cảnh gia đình hay trong một lũy tre xanh chật hẹp của mình. Chính vì thế mà trần gian mất đi rất nhiều nguồn vui thật”.
Chung quanh chúng ta còn có biết bao nạn nhân, dưới nhiều hình thức, đang chờ bàn tay nâng đỡ của chúng ta. Nhưng thử hỏi chúng ta đã làm được gì? Có thể chúng ta không có tiền bạc, nhưng một lời nói, một nụ cười, một cử chỉ, một việc làm tốt cũng có sức xoa dịu và cảm thông với những nỗi khổ đau với đồng loại.
Vậy, hãy cố gắng mà đối xử tốt với nhau và hãy cố gắng trở thành người thân cận của mọi người.
Một hôm, Thầy Antôn dẫn Thầy Amôna ra khỏi chòi tu và chỉ vào tảng đá giữa hoang địa mà nói:
– Thầy hãy mắng tảng đá và đập cho nó một cái đi.
Thầy Amôna làm theo. Lúc đó Thầy Antôn hỏi:
– Tảng đá có nói gì không?
Thầy Amôna đáp:
– Không.
Thầy Antôn nói:
– Thầy cũng vậy, thầy sẽ đạt tới mức độ này.
Ý thầy Antôn muốn nói là thầy Amôna phải tập sao cho mình không còn biết đến hai chữ giận dữ, không còn biết đến nóng nảy là gì nữa.
Và quả thực sau này đã xảy ra như thế. Thầy Amôna càng ngày càng tiến bộ, lòng nhân hậu của Thầy càng ngày càng tăng trưởng tới mức thầy không biết tới sự ác độc, dữ dằn là gì nữa. Về sau, khi thầy lên chức Giám Mục, có một lần các tu sĩ trong miền dẫn tới Toà Giám Mục một thiếu nữ mang bầu và xin Ngài ra hình phạt. Ngài đã ứng xử như thế nào? Đức Cha đã đưa tay vẽ hình Thánh Giá lên bụng cô gái, rồi ra lệnh ban cho cô sáu “tấm dra” bằng lanh mịn và nói:
– Sợ rằng, khi cô ta sinh con, cô ta hay đứa con có thể chết, mà không có gì tẩm liệm chăng?
Nhưng những kẻ tố cáo lại nói:
– Tại sao Đức Cha làm như thế? Xin ra cho nó một hình phạt.
Ngài ôn tồn bảo:
– Xin anh em coi, cô ta đã đau khổ muốn chết được; tôi còn phải làm gì hơn nữa?
Nói thế rồi Ngài cho cô ta về. Từ đấy, không tu sĩ nào còn dám tố cáo ai nữa.
Chúa Giêsu bảo chúng ta: “Hãy đi mà làm như thế”.(Lc 10,37) Điều đó không chỉ có nghĩa là chúng ta đi mà băng bó săn sóc cho những người bị thương tích, nhưng còn có nghĩa là hãy cố gắng mà trở nên người thân cận với mọi người. Nếu chúng ta làm được như thế thì những việc chúng ta đối xử tốt với nhau sẽ không còn khó khăn gì nữa, mà nó sẽ trở thành những việc tự nhiên trong cuộc đời.
Lạy Chúa,
Giữa một thế giới
đề cao quyền lực và lợi nhuận,
xin dạy con biết phục vụ âm thầm.
Giữa một thế giới say mê thống trị và chiếm đoạt,
xin dạy con biết yêu thương tự hiến.
Giữa một thế giới đầy phe phái chia rẽ,
xin dạy con biết cộng tác và đồng trách nhiệm.
Giữa một thế giới đầy hàng rào kỳ thị,
xin dạy con biết coi mọi người như anh em. Amen.
THỨ BA TUẦN 27 THƯỜNG NIÊN
Lc 10,38-42
“Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi.
Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi.”
(Lc 10,42)
1. Thánh Luca nói về việc Maria ở bên chân Chúa:
Thánh sử Luca rất thích hình ảnh này:
– Lc 7,36-45: một hôm có một phụ nữ tội lỗi nghe biết Chúa Giêsu đang dùng bữa tại nhà một người Pharisêu. Nàng tìm đến đó, quì dưới chân Chúa và khóc đến nỗi nước mắt làm ướt chân Ngài. Tư thế bên chân Chúa trong trường hợp này là quì và tâm tình là sám hối.
– Lc 17,11-19: Lần khác, Chúa Giêsu chữa lành 10 người phong cùi. Trong số đó có một người đã trở lại sấp mình dưới chân Chúa để tỏ lòng biết ơn.Tư thế ở bên chân Chúa trong trường hợp này là sấp mình, và tâm tình là tạ ơn.
– Lc 8,40-56: Con gái ông Giairô bị bệnh nặng. Ông chạy đến sấp mình dưới chân Chúa để van xin Ngài đến cứu con gái ông. Tư thế trong trường hợp này cũng làsấp mình, và tâm tình là xin ơn.
– Lc 8,26-39: Có một người bị quỷ ám ở Ghêrasa. Sau khi được Chúa cứu, anh ngồibên chân Chúa và sau đó xin đi theo Ngài. Tư thế lần này là ngồi, và tâm tình làmuốn đi theo Chúa.
– Đoạn Tin Mừng hôm nay kể chuyện Maria ngồi bên chân Chúa để lắng nghe lời Ngài. Tư thế ngồi, tâm tình lắng nghe.
Tóm lại, ở bên chân Chúa có thể là ngồi, quì hay sấp mình sâu thẳm. Và tâm tình có thể là tạ ơn, sám hối, van xin, bày tỏ thiện chí muốn đi theo hay lắng nghe học hỏi.
2. Hằng ngày, chúng ta làm nhiều việc, ở nhiều nơi và với nhiều tâm trạng khác nhau. Đoạn Tin Mừng hôm nay và những đoạn tương tự khác nhắc chúng ta có một nơi rất tốt, đó là ở bên chân Chúa. Ở bên chân Chúa trong tư thế nào cũng được và với tâm tình nào cũng được, miễn là ở bên chân Chúa.
Chúng ta hãy tìm dịp đến bên chân Chúa. Bên chân Chúa chúng ta có thể ngồi, có thể quì, có thể sấp mình sâu thẳm. Chúng ta có thể van xin, có thể tạ ơn, có thể sám hối, có thể bày tỏ thiện chí muốn theo Chúa, có thể trầm lắng đón nghe lời Ngài. Đó là điều Chúa rất ưa thích và cũng rất ích lợi cho chúng ta.
Người ta thuật lại, thánh Phanxicô Xaviê vì phải mải mê rao giảng Tin Mừng cho lương dân, nên mỗi khi đêm về, ngài thường quì gối trước Chúa Giêsu Thánh Thể, có lắm lúc quá mệt mỏi phải ngủ gục trên bục bàn thờ. Lúc ấy, ngài thường cầu nguyện: ” Lạy Chúa, nếu linh hồn con không tỉnh thức được với Chúa thì ít nữa xác con đây muốn ở gần Chúa”.
Còn thánh Vincent Ferrier thì có những cách ứng xử đặc biệt hơn. Những lúc gặp các tội nhân cứng lòng, khuyên bảo mãi cũng chẳng chịu trở lại, ngài gia tăng việc ăn chay, hãm mình, cầu nguyện để kéo ơn Chúa xuống cho họ nhiều hơn. Nếu như thế vẫn chưa có kết quả thì lúc đêm về, ngài lại ra trước bàn thờ để than thở cùng Chúa và nhiều khi ngài còn táo bạo mở cửa nhà chầu ra để nói chuyện cùng Chúa.
Gần đây, chúng ta có tấm gương của Đức Thánh cha Gioan XXIII. Người ta kể lại rằng: Mặc dù công việc Hội Thánh rất bề bộn, Ngài vẫn sống một cuộc sống nội tâm dồi dào. Đặc biệt ngài rất năng tĩnh tâm, tạm dẹp hết mọi công việc và dọn một phòng riêng ở Vatican để sống những giờ khắc âm thầm bên Chúa, nghe lời giảng dạy.
Trước khi khai mạc công đồng Vaticanô II, ngài đã đi tĩnh tâm một thời gian, rồi tới Lorette, một nơi tục truyền có nhà Đức Mẹ, để cầu nguyện cùng Mẹ ban ơn cho công đồng được thành công.
Để kết thúc, tôi xin được nhắc lại lời của Đức Thánh cha Gioan Phaolô II trong bài nói chuyện với các nữ tu của một Dòng kín tại Mêhicô năm 1979. Ngài đã nói với các chị ấy như thế này:
“Cuộc sống của chị em ngày nay quan trọng hơn bao giờ hết; sự hiến thân trọn vẹn của chị em đầy tính thời sự. Trong một thế giới đang đánh mất dần ý thức về Thần Linh, một thế giới đang đề cao quá mức những thực tại vật chất, hỡi các nữ tu thân mến, vậy mà các chị lại vào các tu viện kín để làm chứng cho những giá trị mà cuộc sống dấn thân của các chị kêu mời. Các chị là chứng nhân của Chúa cho thế giới ngày nay, với lời cầu nguyện, các chị đang thổi một luồng sinh khí mới vào trong Giáo Hội và con người ngày nay”.
Hãy cố tìm thật nhiều dịp để được ở gần Chúa. Chỉ có Người mới xứng đáng là Thầy dạy chúng ta.
Lạy Chúa,
con thường thấy mình không có giờ cầu nguyện,
không có giờ để trò chuyện với Ngài.
Thực ra, mỗi ngày con có biết bao giây phút
có thể gặp Chúa mà con đã bỏ mất:
Khi chờ một người bạn, chờ đèn xanh ở ngã tư,
Khi lên cầu thang, lúc bị kẹt xe, khi bị cúp điện bất ngờ.
Lúc con chờ gặp một người thân ở bến xe, ở phi trường,
Khi chờ để lên máy bay, hay xuống một con thuyền
xin cho con biết tìm ra sự hiện diện của Chúa bên con. Amen.
THỨ TƯ TUẦN 27 THƯỜNG NIÊN
Lc 11,1-4
“Khi cầu nguyện, anh em hãy nói:
‘Lạy Cha , xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển,
Triều Đại Cha mau đến.’”
(Lc 11,2-3)
Lại một lần nữa, chúng ta được nghe Chúa nói về sự cầu nguyện.
1.“Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện, cũng như ông Gioan đã dạy môn đệ của ông.” (Lc 11,1).
Rõ ràng là chúng ta thấy các môn đệ của Chúa đang khao khát việc cầu nguyện như một nhu cầu không thế thiếu trong cuộc sống của mình. Gioan Tẩy giả thường được coi như một tiên tri, một vị tử đạo vậy mà môn đệ Chúa lại trân trọng ông như một người cầu nguyện.Gioan là “hài nhi kỳ diệu được đầy Thánh Thần từ trong lòng mẹ, vậy mà ông vẫn luôn cầu nguyện. Ông được ban cho đặc ân rao truyền Chúa Cứu thế cho dân Israen, vậy mà ông vẫn phải cầu nguyện. Chúa Giêsu nói rằng Gioan là tiên tri lớn nhất, thế nhưng Gioan cũng vẫn phải sống bằng sự cầu nguyện. Nếu sự cầu nguyện là vấn đề sống còn đối với một con người được ban cho nhiều đặc ân như thế, thì chúng ta là những người không có được những lợi thế ấy, cần phải cầu nguyện nhiều hơn dường nào!
Một thanh niên Scotland làm mướn cho gia đình khá giả, nhưng hai tuần sau, anh xin nghỉ.Một người bạn hỏi:
– Có phải công việc quá nặng không?
– Không.
– Hay lương thấp?
– Không, lương cao.
– Có lẽ thức ăn không hợp với anh?
– Thức ăn rất ngon.
– Thế sao anh nghỉ việc?
– Tại vì “Nhà đó không có mái che “.
Ở Scotland, thành ngữ đó ám chỉ không có sự cầu nguyện trong gia đình.
2. Người bảo các ông: Khi cầu nguyện, anh em hãy nói: “Lạy Cha xin làm cho danh Cha vinh hiển. Triều đại Cha mau đến” (Lc 11,2).
Một nhà truyền giáo đến kiểm tra trình độ giáo lý một bà già 73 tuổi để bà được nhập đạo
– Đức Kitô là ai?
– Là người đã chết cho con.
– Người chết thế nào?
– Con không biết.
– Ai là môn đệ Đức Kitô?
– Con không nhớ. Con không biết chữ.
– Bà có biết một cuốn sách Thánh Kinh nào không?
– Thưa không. Với người mù chữ…
Đức Kitô sống ở nước nào ?
Bà không trả lời được.
Nhà truyền giáo dừng lại. Bà già tỏ vẻ đau khổ vô cùng.
Người hướng dẫn cho bà nói: “Bà này là người rất vững tin luôn có mặt trong các buổi phụng vụ, dù ở cách xa đó 3 dặm. Bà luôn sẵn lòng cho đi những gì có thể. Trước đây tính khí thất thường, nhưng từ ngày học đạo, bà trở nên hiền hoà và rộng lượng. Mọi người đều thấy thế.” Nhà truyền giáo nhìn người đàn bà 73 tuổi. Bà chẳng còn sống bao lâu nữa, một năm cũng khó. Và ngài quyết định tiếp tục:
– Thiên Chúa là ai ?
– Thiên Chúa là Cha trên trời.
– Thiên Chúa ở đâu?
– Con ở đâu, Ngài ở đó.
– Bà có hay thưa chuyện với Ngài?
– Rất thường. Làm việc ngoài đồng hay làm bữa trong nhà lúc vui cũng như lúc buồn, con đều thân thưa với Chúa. Lúc có nhiều chuyện, con nói lâu. Khi có ít, con nói vắn hơn. Có gì trong lòng, con đều trình bày với Ngài hết. Và lòng con thấy rộng mở.
Cầu nguyện là bắt đầu bằng xưng nhận Thiên Chúa là Cha. Đó là đặc tính mọi lời người Kitô hữu thưa với Chúa. Chính lời đầu tiên này dạy chúng ta rằng, trong khi cầu nguyện chúng ta không đến với một Đấng phải miễn cưỡng ban ơn cho chúng ta, song đến với một Cha hằng vui thích làm thỏa mãn mọi nhu cầu của con cái Ngài.
Sau đó Chúa Giêsu dạy chúng ta hãy nói với Thiên Chúa về cả cuộc đời của chúng ta:
Chúng ta nên chú ý đặc biệt đến thứ tự các lời cầu nguyện Chúa Giêsu đã dạy. Trước khi cầu xin bất cứ điều gì cho chính mình, chúng ta phải đặt Thiên Chúa, sự vinh hiển và tôn trọng của Ngài lên hàng đầu.
Chỉ sau khi dành cho Chúa chỗ của Ngài, bấy giờ các điều khác mới có chỗ xứng hợp. Những điều kiện này:
– Bao trùm các nhu cầu hiện tại.Chúa Giêsu dạy chúng ta cầu xin lương thực cho chúng ta mỗi ngày. Nên nhớ: bánh đủ ăn từng ngày là điều chúng ta cầu xin. Điều này nhắc lại câu truyện xưa về manna trong sa mạc. Dân Chúa chỉ được lượm manna đủ ăn trong một ngày mà thôi. Chúng ta đừng lo một tương lai không rõ, nhưng ngày nào lo cho ngày ấy.
– Nó còn bao gồm tội lỗi đã qua. Khi cầu nguyện, chúng ta không thể làm gì hơn là xin ơn tha thứ, vì dù con người tốt nhất trong chúng ta cũng chỉ là một tội nhân trước sự thánh thiện của Thiên Chúa.
– Cuối cùng nó bao trùm cả các thử thách trong tương lai.Từ ngữ “cám dỗ” trong Tân Ước có nghĩa là bất cứ hoàn cảnh thử thách nào. Nó không chỉ có nghĩa là sự quyến rũ phạm tội mà còn bao gồm mọi hoàn cảnh khiến con người bị thử thách về đức độ, thanh liêm, lòng tín trung. Chúng ta không thể trốn tránh những hoàn cảnh đó, nhưng chúng ta có thể thắng nó nhờ ơn Chúa ban qua những gì chúng ta cầu nguyện.
Lạy Chúa là Cha, con xin phó đời con cho Ngài. Amen.
THỨ NĂM TUẦN 27 THƯỜNG NIÊN
Lc 11,5-13
“Thế nên Thầy bảo anh em:
anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy,
cứ gõ cửa thì sẽ mở cho.” (Lc 10,9)
1. Tại sao Chúa muốn chúng ta cầu xin cách kiên trì? Vì “Chúa muốn chúng ta ý thức của Ngài cho, hay sẽ cho, phải được tiếp nhận xứng đáng với tấm lòng. Của cho phải tương xứng với tấm lòng. Hơn thế nữa, Chúa muốn tăng thêm đức tin của người cầu xin” (Trích “TMCGK ngày trong tuần”).
Một đứa bé nọ có thói quen đọc kinh trước khi đi ngủ. Ngày kia nó bị bệnh nặng phải vào nhà thương. Các bác sĩ cho biết em phải qua một cuộc phẫu thuật. Trước khi cho thuốc mê, các bác sĩ cho em biết em sẽ ngủ một giấc dài. Nghe đến ngủ, em bé đã xin quì gối cầu nguyện và kết thúc bằng lời:
– Xin Chúa cho con chóng lành bệnh.
Sau đó, em nằm xuống và xin bác sĩ tiến hành giải phẫu. Hôm sau thức dậy, câu hỏi đầu tiên của em là:
– Thưa bác sĩ, cháu có lành bệnh không?
Bác sĩ nhìn em bé cảm động nói:
– Cháu hãy để cho Chúa liệu… Điều bác tin chắc là lời cầu nguyện của cháu có hiệu nghiệm: cháu đã cứu được một người là chính bác. Từ lâu bác không còn đến nhà thờ, không nhớ đến Chúa. Nhưng hôm qua khi nhìn cháu cầu nguyện sốt sắng, Chúa đã đánh động bác. Sáng nay bác đã đến nhà thờ xưng tội, rước lễ…” (Trích “Mỗi ngày một tin vui”).
2. “Thầy bảo anh em: anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho” (Lc 11,9).
Vâng, phải xin, phải tìm, phải gõ cửa. Xin một cách kiên trì, tìm một cách kiên trì, gõ cửa cũng phải kiên trì.
Nhà văn Nga Maxime Gorki đã thuật lại một câu chuyện rất đẹp để dạy con người về việc này:
Thuở ấy, có một vị sĩ quan cao cấp nhưng rất độc ác tên là Gordien. Ông ta thường tróc nã và tàn sát những người ngay lành. Người mà Gordien ghét nhất là nhà tu hành Mirone, một ẩn sĩ đầy bác ái, làm việc thiện mà không bao giờ sợ hãi và luôn cầu nguyện.
Vị tướng Gordien gọi tên đầy tớ trung thành của ông là Yvan Le Guerrier, sai anh này đi sát hại nhà ẩn sĩ Mirone, chặt đầu vị ẩn sĩ đem về cho chó của vị tướng đánh chén.
Yvan đến gặp nhà ẩn sĩ, rút gươm ra khỏi bao da và chùi thanh gươm vào áo choàng của mình.
– Hỡi đạo sĩ Mirone, tôi đến đây để giết ông. Thế nhưng, trước khi lưỡi gươm của tôi chạm vào ông, tôi cho ông cầu nguyện với Thiên Chúa lần chót. Ông hãy cầu cho ông, cầu cho tôi, cầu cho cả nhân loại. Sau đó tôi sẽ chặt đầu ông!
Nhà tu hành Mirone liền quỳ xuống trước một gốc cây sồi và mỉm cười nói với Yvan:
– Yvan, anh sẽ phải đợi lâu lắm đó, vì lời cầu nguyện cho nhân loại sẽ rất dài. Hay hơn cả, là anh hãy giết tôi ngay bây giờ đi, để khỏi phải chờ lâu vô ích.
Nghe vậy, Yvan chau mày và đáp:
– Không được, tôi đã nói gì là không được rút lời lại. Tôi đợi cho đạo sĩ cầu nguyện xong cho dù có lâu một thế kỷ cũng được!
Nhà ẩn sĩ cầu nguyện cho đến chiều tà. Rồi từ chiều tà cho đến bình minh hôm sau. Người tiếp tục cầu xin, rồi từ bình minh đến hoàng hôn ông vẫn say sưa cầu khẩn. Rồi mùa hè qua đến mãi mùa xuân, lời cầu của ông không hề ngưng một phút. Rồi mùa này đến mùa nọ, năm này đến năm khác, Mirone vẫn cầu xin. Cây sồi mọc lên cao gần tới chân mây. Một khu rừng rậm mọc lên từ những hạt sồi rụng xuống. Nhưng lời cầu xin của nhà tu sĩ vẫn chưa ngừng. Cho đến ngày hôm nay, vị ẩn sĩ vẫn mấp máy những lời xin cứu độ, xin Thiên Chúa thương xót nhân loại, xin Đức Nữ Đồng Trinh cứu giúp loài người.
Thời gian trôi qua, Yvan vẫn đứng nguyên bên cạnh nhà ẩn sĩ. Thanh gươm của y đã rỉ sét hết và sắp tan thành cát bụi. Áo mũ của y rơi từng mảnh. Xuân qua đông lại, Yvan vẫn đứng đó. Các bầy chó sói và gấu đi ngang qua cũng chẳng thèm nhìn đến anh.
Nhưng lời cầu nguyện của vị ẩn sĩ lão thành cho những người tội lỗi là chúng ta đây vẫn tuôn chảy, vì con người vẫn còn phạm tội. Lời cầu khẩn đó tuôn ra như một dòng sông tưới mát mặt địa cầu, ưu ái và dịu dàng như lòng từ bi của Thiên Chúa.
Lạy Chúa, Chúa đã chịu chết và sống lại,
xin dạy chúng con biết chiến đấu
trong cuộc chiến mỗi ngày
để được sống dồi dào hơn.
Chúa đã khiêm tốn và kiên trì
nhận lấy những thất bại trong cuộc đời
cũng như mọi đau khổ của Thập Giá,
xin biến mọi đau khổ cũng như mọi thử thách
chúng con phải gánh chịu mỗi ngày,
thành cơ hội giúp chúng con thăng tiến
và trở nên giống Chúa hơn.
Xin dạy chúng con biết rằng
chúng con không thể nên hoàn thiện
nếu như không biết từ bỏ chính mình
và những ước muốn ích kỷ.
Ước chi từ nay,
không gì có thể làm cho chúng con
khổ đau và khóc lóc
chỉ vì quên đi niềm vui ngày Chúa Phục Sinh. Amen.
(Mẹ Têrêsa Calcutta)
THỨ SÁU TUẦN 27 THƯỜNG NIÊN
Lc 11,15-26
“Ai không đi với tôi là chống lại tôi,
và ai không cùng tôi thu góp là phân tán.” (Lc 11,23)
1. Chắc anh chị em còn nhớ trong bài Tin Mừng cách đây hai hôm, trong phần kết thúc Kinh Lạy Cha, Chúa Giêsu đã dạy phải cầu xin “Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ” (Lc 11,4). Khi dạy các môn đệ như thế, Chúa Giêsu đã muốn nói đến một thực tại luôn có mặt trong thế giới này để làm hại con người, đó là sự dữ hay ma quỉ. Ma quỉ luôn ở bên cạnh con người, nhưng chúng không hiện nguyên hình, mà lại mượn chính hình dạng con người để quyến rũ và xúi giục con người làm điều ác. Chúa Giêsu bảo chúng ta phải biết luôn cảnh giác.
Trong lịch sử của thánh Martino, giám mục thành Tour (Pháp) có chép:
Một hôm, ma quỉ muốn cám dỗ thánh nhân đi vào con đường trụy lạc. Hắn liền hiện hình một vị vua oai phong huy hoàng đến với thánh nhân:
– Martino hỡi con, cha cám ơn con về lòng tin của con đối với cha. Con cũng phải biết rằng, cha luôn thành tín đối với con. Từ nay, con sẽ mãi mãi cảm thấy ở bên cạnh cha, con có thể hoàn toàn tín nhiệm ở cha.
Thánh nhân chăm chú nhìn ông vua kia hồi lâu rồi ngài hỏi:
– Nhưng thưa ngài, ngài là ai vậy?
Tên quỉ đội lốt vua đáp:
– Ta là Giêsu Kitô đây.
Thánh nhân lại hỏi:
– Vậy thì vết thương bị đóng đinh ở chân tay ngài đâu?
Tên quỉ trả lời:
– Ta từ vinh quang trên trời xuống, nơi đó chẳng còn có thương tích nữa.
Thánh nhân đáp lại ngay:
– Tôi không muốn nhìn Đức Kitô không thương tích. Tôi không thể tín nhiệm Đức Kitô không qua dấu hiệu Thập Giá.
Thấy mưu đồ bại lộ, tên quỷ lủi mất.
2. Chúa Giêsu đã đến để chiến thắng ma quỉ và tội lỗi, đồng thời Ngài cũng đòi hỏi những kẻ theo Ngài phải có một thái độ dứt khoát: “Ai không theo tôi, là chống lại tôi, và ai không cùng tôi thu góp, là phân tán” (Lc 11,23). Hình ảnh người võ trang canh giữ nhà của mình là một lời mời gọi những kẻ theo Chúa biết hoàn toàn đặt tin tưởng, phó thác vào Ngài. Tìm một người hùng mạnh để canh giữ cho mình được an toàn thì có ai bằng Thiên Chúa; kiếm một nơi ẩn náu trước những tấn công của kẻ thù, thì có đâu vững chắc cho bằng núp bóng dưới cánh tay Ngài.
Vâng! Chúng ta phải tìm cho mình một nơi nương tựa mạnh mẽ, vững chắc. Thánh Phêrô bảo: ma quỉ như sư tử luôn gầm thét rảo quanh tìm mồi cắn xé, làm hại chúng ta. Một lần thất bại, nó không nản lòng, nó sẽ trở lại với một lực lượng hùng mạnh hơn. Bởi đó, chúng ta phải kiên trì trong lời cầu nguyện.
Đọc lại lịch sử cuộc đời mẹ Têrêsa thành Calcutta, tôi thấy có lần mẹ cũng bị cám dỗ muốn bỏ cuộc trên con đường theo Chúa. Một con người thánh thiện như thế mà nhiều khi cũng bị cám dỗ huống chi chúng ta. Đây là tâm sự về giây phút đầu tiên trong cuộc đời phục vụ người nghèo của Mẹ:
– Tôi cần có một nơi để làm nhà tạm trú cho những con người bị bỏ rơi và bất hạnh nhất trong xã hội. Để tìm ra một ngôi nhà cần thiết đó, tôi đã phải đi rảo qua hết đường này đến phố nọ. Đi mãi cho đến lúc không còn sức để đi nữa, tôi mới hiểu thêm cảnh khổ cực của những người nghèo phải đi lang thang để tìm thức ăn khi đói, tìm thuốc khi đau, tìm bất cứ điều gì có thể giúp mình sống qua ngày. Rồi bỗng nhiên tôi cũng bị cám dỗ nhớ lại và muốn quay về với cuộc sống tiện nghi ngày trước.
Tôi bị cám dỗ và muốn quay về với cuộc sống tiện nghi ngày trước.
Có lẽ rất nhiều lần trong cuộc sống chúng ta cũng bị cám dỗ như vậy. Cám dỗ bỏ qua những việc tốt lành mà chúng ta muốn làm. Cám dỗ lao vào những việc tội lỗi mà chúng ta biết rằng, làm như thế là mất lòng Chúa.
Gặp những lúc như thế, chúng ta phải ứng xử thế nào? Hãy noi gương Mẹ Têrêsa:tìm về và cầu nguyện với Chúa: “Lạy Chúa, con đã tự nguyện sống như thế này, chỉ vỉ tình yêu Chúa mà thôi, con muốn sống như thế này để chu toàn ý Chúa. Không, con không muốn quay lại với đời sống tiện nghi ngày trước. Cộng đoàn tu trì mới của con là những người nghèo, sự an ninh của họ cũng là sự an ninh của con. Sức khỏe của họ là sức khỏe của con. Nhà của con là bất cứ nơi nào con sống với người nghèo. Và không phải chỉ nghèo mà thôi, mà là nghèo nhất trong số những người nghèo. Đó là những người mình đầy ghẻ lở, bệnh tật, là những con người không còn can đảm để đi ăn xin trên các đường phố, vì họ không còn quần áo để che thân, là những người không còn có thể ăn uống được nữa chỉ đơn giản là họ không còn có sức đủ để ăn uống, những kẻ đang hấp hối gần chết. Chúa muốn giúp cho con sống cuộc sống phục vụ này, chắc chắn Chúa sẽ giúp con chu toàn điều Chúa muốn”.
Lạy Chúa, xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ. Amen.
THỨ BẢY TUẦN 27 THƯỜNG NIÊN
Lc 11,27-28
Nhưng Người đáp lại: “Đúng hơn phải nói rằng:
Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa.”
(Lc 11,28)
1. Vâng! Lời tặng khen hồn nhiên của một phụ nữ trước hình ảnh phi thường của Chúa Giêsu: “Phúc thay lòng dạ đã cưu mang Thầy và vú đã cho Thầy bú” (Lc 11,27) đã là lời khen tặng rất tuyệt vời đối với Mẹ Maria, Đấng đã được Thiên Chúa chọn làm Mẹ của Ngôi Hai Thiên Chúa Nhập Thể.
Chúa Giêsu đã vui nhận những lời tặng khen dành cho Mẹ của Ngài. Nhưng Ngài lại nói thêm: “Những ai nghe và giữ lời Thiên Chúa lại phúc hơn nữa” (Lc 11,28). Khi nói thế không phải Chúa muốn hạ giá người Mẹ đã cưu mang và cho Ngài bú mớm, mà có lẽ phải nói ngược lại, mới đúng vì hơn ai hết, Đức Mẹ đã nghe và giữ lời Thiên Chúa cách trọn vẹn nhất.
Đúng như thế, hơn ai hết, Mẹ là người đầu tiên lắng nghe Lời Chúa và đem ra thực hành Lời Chúa một cách hoàn hảo nhất qua Lời Fiat “Xin Vâng” (Lc l,38). Vâng! Sau lời Fiat “Xin Vâng”, thì toàn bộ cuộc đời Mẹ đã thuộc trọn về Chúa. Mẹ xin vâng trong biến cố Truyền tin; Mẹ xin vâng trên những nẻo đường Chúa đi truyền giáo và nhất là Mẹ đã xin vâng khi đứng kề bên Thập Giá Chúa Giêsu con Mẹ.
Như thế, trong đại gia đình của Đức Giêsu Kitô, tức là cộng đồng Nước Trời, Đức Maria là Mẹ Chúa Giêsu một cách vô cùng tuyệt hảo, vì Mẹ có liên hệ với Chúa đếnhai lần: Về huyết nhục, thì Mẹ đã sinh ra Chúa, và về tinh thần, thì Mẹ đã nghe và tuân giữ Lời Chúa.
2. Lắng nghe và thực hành Lời Chúa là một việc rất quan trọng.
Chúa Giêsu luôn đề cao những kẻ lắng nghe và giữ lời Ngài, thậm chí còn coi họ trọng hơn liên hệ ruột thịt nữa.
Trong kho tàng chuyện cổ dân gian Đức, người ta đọc được câu chuyện này. Truyện kể rằng, khi ông Ađam và bà Evà bị đuổi ra khỏi vườn địa đàng, họ phải dựng lấy nhà để ở trên mặt đất khô cằn và phải đổ mồ hôi sôi nước mắt làm lụng mới kiếm ra miếng ăn. Ađam làm rẫy và Evà dệt vải. Mỗi năm họ cho ra chào đời một đứa con.
Năm tháng trôi qua, lũ trẻ mười bốn đứa lớn dần. Một hôm, chợt nghe tiếng gõ cửa, Ađam mở then gài cho một cụ già quắc thước bước vào. Với con mắt tinh đời, Evà nhận ra ngay cụ già đó chính là Đức Chúa. Bà vội vàng mời Chúa ngồi. Bà lấy nước ra mời Ngài dùng. Ngài cám ơn và hỏi:
– Lũ trẻ có nhà không?
Ađam vội gọi các con ra và bảy đứa trẻ tiến đến trước mặt Chúa, lễ phép chào Ngài. Chúa đứng lên, mỉm cười và nói với chúng:
– Ta sẽ ban cho các con mỗi đứa một ơn.
Lũ trẻ quỳ xuống để Ngài đặt tay trên đầu. Ngài phán bảo với đứa đầu tiên:
– Con sẽ trở nên một vị hoàng đế đầy quyền thế.
Quay sang đứa kế bên, Ngài phán:
– Con sẽ là công chúa.
Đứa thứ ba nghe Ngài truyền:
– Con sẽ làm quận công.
Và bốn đứa còn lại cũng được ban cho làm học giả và nhà buôn giàu có.
Sau khi nghe những lời chúc phúc tuyệt diệu của Thiên Chúa ban cho con mình, ông Ađam và bà Evà vội vàng chạy đi tìm những đứa con khác đang làm việc ở bên ngoài. Cả lũ bảy đứa bé còn lại cũng hớt ha hớt hả chạy về trình diện Chúa. Ngài lại mỉm cười hiền từ và phán bảo:
– Ta cũng sẽ ban phúc lành cho chúng con.
Ađam và Evà tươi cười trông chờ và lắng nghe Lời Chúa.
Thiên Chúa phán bảo đứa thứ nhất:
– Con sẽ trở nên một người giúp việc mẫn cán.
Ngài nói với đứa thứ hai:
– Con sẽ là người nông dân.
Và đến đứa thứ ba, Ngài cho nó làm bác thợ giày. Những đứa còn lại trở thành thợ rèn, thợ thuộc da và thợ may.
Vừa nghe dứt lời chúc lành của Thiên Chúa ban cho những đứa về sau, Evà khóc oà lên:
– Lạy Chúa, Ngài thật là bất công. Ngài ban phát những lời chúc lành không công bằng chút nào. Chúng đều là những đứa con do vợ chồng con sinh ra, sao Ngài lại cho chúng đứa được làm vua làm quan, còn đứa thì lại làm kẻ hầu người hạ.
Thiên Chúa nghe xong, bèn giải thích rằng:
– Evà, con chẳng hiểu gì cả. Ta cần phải ban phát mọi ngành nghề cho thế giới này thông qua con cái của con. Giả sử tất cả bọn chúng đều là vua thì ai sẽ là người nông dân làm ra lương thực. Giả như tất cả đều làm quan thì ai sẽ làm ra y phục? Mỗi người phục vụ ở những vị trí và giữ vai trò khác nhau, và trong mắt Ta mọi ngành nghề đều quan trọng như nhau. Giống như những bộ phận trong cùng một thân thể, chúng kết hợp lại để hỗ trợ lẫn nhau.
Lúc đó, Evà mới hiểu ra và thành khẩn xin Chúa tha thứ:
– Lạy Chúa, xin tha tội cho con. Con đã vội vàng cãi lại Ngài. Con cầu xin cho ơn Ngài được thực thi trên con cái chúng con.
Chúng ta hãy bắt chước Samuen thuở xưa mà thưa: “Lạy Chúa, xin hãy phán vì tôi tớ Chúa đã sẵn sàng lắng nghe” (1 Sm 3,9). Amen.