CHÚA NHẬT 15 THƯỜNG NIÊN B
Mc 6,7-13
“Các ông đi rao giảng,
kêu gọi người ta
ăn năn sám hối.”
(Mc 6,12)
Tin Mừng chúng ta vừa nghe thuật lại việc Chúa sai các tông đồ đi truyền giáo. Đây là lần đầu tiên Chúa sai các ngài đi như thế, nên Chúa đã ban cho các ông những chỉ thị thật rõ rệt và tỉ mỉ.
1. Trước hết: Phải luôn ghi nhớ mình là sứ giả của Chúa nên phải luôn tin tưởng vào Ngài.
Chúa dặn: “Không mang gì khi đi đường, chỉ trừ cây gậy” (Mc 6,8)
Những người đi rao giảng phải hoàn toàn tin tưởng phó thác nơi Chúa.
Sau thế chiến thứ nhất, một Linh Mục trẻ Người Pháp được sai đi coi xứ. Cha xách vali lên đường. Đến nơi, cha thấy nhà thờ nhà xứ đều xiêu vẹo đổ nát. Nhưng cha không ngã lòng. Cha cùng giáo dân lo tu bổ lại. Chẳng bao lâu, Đền thờ vật chất đã hoàn thành. Cha tiếp tục xây dựng Đền thờ tâm hồn cho giáo dân.
Vì hy sinh chịu cực nhiều, cha bị kiệt sức. Nằm hấp hối trên giường bệnh, cha thỏ thẻ với con chiên:
– Tôi vui mừng vì đến giờ phút này tôi đã giữ đúng lời cha tôi khuyên bảo lúc tôi chịu chức linh mục. Người yêu cầu tôi thực hành ba việc: lúc chết con đừng nợ ai xu nào, khi qua đời con cũng chẳng còn xu nào, lúc nhắm mắt con đừng vướng tội nào.
Và cha đã trút hơi thở cuối cùng, về với Đấng cha đã trọn đời dâng hiến.
Linh Mục trên đây không những giữ đúng lời hứa với cha mình mà còn thực hành đúng chỉ thị của Chúa trong Tin Mừng hôm nay.
Chúa Giêsu cũng kêu gọi tôi đi rao giảng: “Kêu gọi người ta ăn năn sám hối.” (Mc 6,12). Đây là việc rất khó vì con người không thích nghe. Nhưng đây lại là sứ điệp quan trọng của Chúa.
Chúa Giêsu cũng ban cho chúng ta quyền trừ quỷ, chữa bệnh. Chúng ta trừ quỉ bằng cách lo đẩy lùi tội lỗi và tính hư tật xấu nơi chúng ta và tha nhân. Chúng ta chữa bệnh bằng cách lau sạch những giọt nước mắt sầu khổ cho chúng ta và anh chị em. (Theo “Như Thầy đã yêu”).
2. Thứ đến: Lối sống phải gọn nhẹ và siêu thoát.
Washburne mô tả tướng Grant đã tiến hành chiến dịch trong cuộc nội chiến của ông thế này:
“Tất cả phụ thuộc vào khả năng di chuyển nhanh. Điều quan trọng đối với tướng Grant là mang hành lý càng nhẹ càng tốt. Ông không mang theo cận vệ cũng chẳng có áo khoác ngoài, ngay cả một áo sơ mi sạch cũng không mang. Lúc đó tôi ở với ông và biết rằng toàn bộ hành trang của ông trong 6 ngày chỉ là một bàn chải đánh răng. Ông ăn uống như những binh sĩ thường ngày, ngủ trên đất và không có gì để đắp khi ở ngoài trời”.
Gương của Grant và Lời Chúa Giêsu hôm nay mời gọi tôi tự hỏi: Lối sống tôi có giản dị không? Tôi lệ thuộc vào của cải vật chất ra sao?
“Một nửa những phiền toái là do chúng ta không biết mình cần ít như thế nào” (Tướng Richard Byrd) (Trích “Viễn tựợng 2000”)
3. Đối tượng sau cùng phải phục vụ là những người nghèo khổ.
Thánh Phanxicô Assisi sinh trong một gia đình giàu sang nước Italia. Lúc thiếu thời cậu sống xa hoa hào phóng. Năm 1202, cậu gia nhập quân đội lên đường chiến đấu và bị bắt làm tù binh, chịu giam cầm trong ngục dơ bẩn. Sau khi được trả tự do, cuộc đời cậu hoàn toàn thay đổi.
Phanxicô ăn mặc nghèo khó, ẩn mình trong một giáo đường đổ nát ở ngoại ô Assisi. Hằng ngày, cậu sống khổ hạnh, cầu nguyện, suy niệm Kinh Thánh. Lời Chúa sau đây đã đánh động sâu xa tâm hồn cậu:
“Bất cứ việc gì chúng ta làm cho một kẻ nhỏ bé nhất là làm cho chính Chúa” (Mt 25,40).
Và cậu đã đem áp dụng những lời đó vào đời sống hằng ngày. Một hôm trong khi tham dự Thánh lễ, Phanxicô nghe đọc: “Chúa Giêsu gọi nhóm mười hai lại và bắt đầu sai đi… Người chỉ thị cho các ông không được mang gì khi đi đường, chỉ trừ cây gậy” (Mc 6,8).
Những lời đó thay đổi toàn bộ định hướng cuộc đời Phanxicô. Ngài từ giã cuộc sống ẩn tu, dùng khó nghèo làm hành trang, lên đường rao giảng Tin Mừng. Phanxicô đã thu hút được nhiều thanh niên. Đó là những tu sĩ đầu tiên của dòng Phanxicô do ngài sáng lập, chuyên lo chăm sóc người bệnh và giúp đỡ người nghèo.
Chúng ta cũng có thể rao giảng bằng cách thực hiện kinh nguyện của thánh Phanxicô sau đây:
“Lạy Chúa, xin hãy dùng con làm khí cụ bình an của Chúa, để con đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm. Để con đem tin kính vào nơi nghi nan, chiếu trông cậy vào nơi thất vọng. Để con dọi ánh sáng vào nơi tối tăm, đem niềm vui đến chốn ưu sầu. Lạy Chúa, xin hãy dạy con: tìm an ủi người hơn được người ủi an, tìm hiểu biết người hơn được người hiểu biết, tìm yêu mến người hơn được người mến yêu. Vì chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh, chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân. Vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ, chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời.” Amen.
THỨ HAI TUẦN 15 THƯỜNG NIÊN
Mt 10,34-–11,1
“Ai giữ lấy mạng sống mình, thì sẽ mất;
còn ai liều mất, thì sẽ tìm thấy được.”
(Mt 10,39)
1. Thú thật, Lời Chúa mấy ngày nay khiến tôi rất sợ: Để đón nhận Tin Mừng của Chúa, phải hy sinh và từ bỏ rất nhiều. Khi làm tông đồ của Chúa, phải đương đầu với biết bao khó khăn và gian khổ. Chính vì thế mà chúng ta thấy có rất nhiều người không đủ kiên trì và nhiều người ngại làm tông đồ cho Chúa.
Chúng ta có đào ngũ chăng? Chúng ta có nản lòng chăng? Thật tình thì chúng ta không muốn thế bao giờ. Cầu xin Chúa cho chúng ta được kiên trì và can đảm.
Một thiếu nữ đẹp, con nhà quyền quý muốn nhập vào một dòng tu rất khắc khổ. Để thử thách ơn kêu gọi của cô, mẹ bề trên vẽ lên một bức tranh rất đáng sợ về những đòi hỏi khắt khe của tu viện. Nghe xong, cô bé có vẻ hơi lung lay trong im lặng. Một lúc sau mẹ bề trên hỏi:
– Con không nói gì ư?
– Thưa mẹ, con chỉ có một câu hỏi: trong nhà dòng này có nhiều Thánh Giá không?
– Ồ, khắp nơi trong nhà dòng, chỗ nào cũng có Thánh Giá.
– Vậy thì thưa mẹ, con hy vọng sẽ không gặp khó khăn gì cả, bởi vì mọi nơi và trong mọi giây phút, con đều có Thánh Giá bên cạnh con. Con có thể chịu đựng được tất cả. (Góp nhặt).
2. Chúa nói thêm: “Ai không vác Thập Giá mình mà theo Thầy thì không xứng đáng với Thầy” (Mt 10,38).
Mẹ Têrêsa nói: “Tình yêu thương, để tồn tại được, phải được nuôi dưỡng bằng sự hy sinh, đặc biệt là hy sinh bản thân mình. Hy sinh có nghĩa là đem cho đi ước nguyện của chúng ta, lý trí của chúng ta, cuộc sống của chúng ta với lòng tin bất diệt. Hy sinh cũng có nghĩa là tình yêu. Càng hy sinh nhiều, chúng ta càng yêu thương Thiên Chúa và nhân loại nhiều.
Ông Ngô Phụng sống vào thời vua Khang Hy nhà Thanh, được dân Đài Loan tôn kính như một vị thánh. Ông được triều đình nhà Thanh bổ nhiệm làm thông sự kiêm chức hương trưởng và trấn trưởng cai trị một bộ lạc dân sơn cước. Bộ lạc này sống trong mê tín dị đoan, hàng năm đều giết một người để tế thần.
Một lần nọ, Ngô Phụng cưỡi ngựa vừa đi dạo để xem xét sự tình, bỗng ông nghe thấy từ phía xa xa, bên sườn núi trước mặt, có tiếng ồn ào, huyên náo. Ông phi ngựa tới thì thấy một cảnh hãi hùng bày ra trước mắt. Nơi gốc cây cổ thụ, một thiếu nữ bị trói chặt, miệng kêu gào thảm thiết. Người nữ tên là Sơn Tuệ Lân bị bộ lạc bắt để giết tế thần. Ngô Phụng lặng lẽ tiến đến bên gốc cây và đứng trước mặt thiếu nữ như muốn chết thay cho nàng. Thấy viên quan cai đến, anh tù trưởng rất sợ hãi. Ngô Phụng khuyên họ đừng giết người như thế. Họ thả cô Sơn Tuệ Lân và hứa sẽ không tế thần bằng cách giết người như vậy nữa. Từ đó cô Sơn Tuệ Lân dầu có người yêu, nhưng nguyện không lấy chồng để trả ơn, hầu hạ người cứu mình.
Một ngày kia, viên tù trưởng đến gặp Ngô Phụng, kể lể các thiên tai đang gây thiệt hại cho dân sơn cước của mình và xin Ngô Phụng cho phép giết một người để tế thần, hầu tránh cho dân chúng khỏi phải chịu sự trừng phạt của thần thánh. Ngô Phụng chấp thuận và nói với viên tù trưởng:
– Lúc sắp rạng đông đêm 10 tháng 8, về phía Đông Nam xóm Xã Khẩu, anh em sẽ thấy một người cưỡi ngựa trắng, mặc áo đỏ đi qua. Anh em có thể giết người ấy để tế thần.
Viên tù trưởng trở về và chuẩn bị kế hoạch. Khi người cưỡi ngựa trắng, mặc áo đỏ phi tới, dân sơn cước núp chờ sẵn đã bắn chết ngay người đó. Thi hành xong nhiệm vụ, bọn tráng niên chạy ùa tới bên xác chết, họ đều trố mắt kinh ngạc, vì người bận áo đỏ không ai xa lạ. Đó chính là Ngô Phụng, vị quan ân nhân của họ. Ngay lúc ấy, người con trai họ Ngô và cô em gái nuôi Sơn Tuệ Lân phi ngựa tới. Họ khóc ngất bên xác người cha.
Trước mặt dân sơn cước, con trai Ngô Phụng đọc tờ di chúc cho họ nghe, trong đó cho biết, ông Ngô Phụng dâng sớ lên triều đình xin miễn tội cho bọn đã bắn chết ông, và xin cải thiện đời sống của dân thiểu số, đồng thời cũng khuyên dân sơn cước từ đây trở đi nên bỏ hẳn tục lệ tế thần bằng mạng người. Nghe xong tờ di chúc, tù trưởng trong 48 thôn xóm lập tức nhóm họp và quyết định từ đây bãi bỏ tục lệ tế thần bằng mạng người. Họ dựng bia ở các bộ lạc để ghi nhớ người đã vì nghĩa hy sinh mạng sống.
Ngô Phụng chết đi để cho bao người được sống. Cách đây gần hai ngàn năm, Đấng Cứu Thế Giêsu đã đến trần gian, chịu chết để cứu cả nhân loại.
Câu chuyện trên làm cho tôi nhớ lại Lời của Chúa Giêsu: “Ta đến để cứu chứ không để hủy diệt”.
Vâng, Chúa đến để tìm cách cứu con người chứ không bao giờ muốn hủy diệt con người. Hủy diệt thì rất dễ nhưng Chúa không làm thế. Cứu chuộc thì khó nhưng Chúa lại chọn con đường này.
THỨ BA TUẦN 15 THƯỜNG NIÊN
Mt 11,20-24
“Vì thế, Ta nói cho các ngươi hay:
đến ngày phán xét, đất Sôđôma còn
được xử khoan hồng hơn các ngươi.”
(Mt 11,24)
1. Chúa Giêsu khiển trách các thành dọc bờ hồ Galilê là Corazin, Bethsaida và Capharnaum.
Các thành này là những thành đã chứng kiến “phần lớn các phép lạ” Chúa Giêsu làm. Thế nhưng, họ không hối cải. Tại sao? Vì họ kiêu căng nên lòng họ đã khép lại trước những việc Chúa làm nên Chúa đã bỏ họ mà nghĩ tới những kẻ “bé mọn”, nhờ khiêm tốn mà nhận được mặc khải của Thiên Chúa. Bởi thế, trong đoạn tiếp liền sau, Chúa Giêsu sẽ cảm tạ Thiên Chúa “Vì đã giấu không cho những bậc thông thái biết điều này, nhưng lại mặc khải cho những kẻ bé mọn”. (Mt 11,25).
Vâng, được nghe Lời Chúa và được chứng kiến các phép lạ Chúa làm nhiều hơn những vùng khác, lẽ ra họ phải tin Chúa nhiều hơn. Nhưng vì họ không tin nên hình phạt của họ sẽ nặng hơn. Ai nhận lãnh nhiều nén bạc hơn thì có trách nhiệm nhiều hơn.
Vâng, ai nhận lãnh nhiều nén bạc hơn thì có trách nhiệm nhiều hơn. Đó là luật công bằng. Có thì phải biết cho đi.
Thời vua Louis 13 đang trị vì nước Pháp, ngày kia hoàng hậu Anne d’Autriche mở tiệc đãi khách. Hôm đó bà đeo một sợi dây chuyền bằng ngọc. Thánh Vincent de Paul cũng có mặt trong bữa tiệc đó. Ngài đã nói với bà:
– Thưa hoàng hậu, nếu bà muốn bà có thể làm một phép lạ.
Hoàng hậu nhìn thánh nhân với vẻ đầy kinh ngạc. Thánh nhân nói tiếp:
– Vâng, bà có thể đổi viên ngọc này thành bánh mì giúp những người nghèo đói.
Vài giờ sau, phép lạ đã xảy ra: Hoàng hậu trao cho thánh Vincent de Paul sợi dây chuyền ấy để bán lấy tiền mua bánh mì cho người nghèo.
Ngày nay vẫn xảy ra những phép lạ tương tự, hiểu theo nghĩa những việc kì diệu được thực hiện do ơn Chúa tác động. Khi thấy những “phép lạ” bác ái, hy sinh do người khác làm, tôi có sám hối về lòng ích kỷ của mình không?
2. “Khốn cho ngươi hỡi Corazin! Khốn cho ngươi hỡi Bethsaiđa! Vì nếu các phép lạ đã làm nơi các ngươi mà được làm ở Tyrô và Siđôn thì họ đã mặc vải thô, rắc tro lên đầu và tỏ lòng sám hối” (Mt 11,21). Lời quở trách quả có nặng nề nhưng nó nói lên tính cách nghiêm trọng của vấn đề. Biết nhiều về Chúa mà không cố gắng trở nên giống Chúa, phải coi đó là một thiếu sót vô cùng lớn lao. Chúa chẳng mong chờ chúng ta cái gì lớn hơn là chính cuộc sống giống như Chúa của chúng ta.
Trong cuốn nhật ký của một người, người ta tìm thấy những dòng tự thuật như thế này: “Bước ra khỏi nhà sách một ít, tôi nhận ra số tiền dư mà chị bán hàng đưa lộn. Lương tâm tôi nhắc tôi phải sống công bằng. Nhưng tôi đã tự trấn an “nhằm nhò gì ba cái lẻ đó. Hơn nữa đó là lỗi của người khác chứ đâu phải là lỗi của tôi”. Và tôi tiếp tục bước đi.
Tới nửa đoạn đường, chân tôi cứng lại như có một sức mạnh nào đó níu kéo, khi tự đáy lòng tôi Lời Chúa vang lên: “Khốn cho ngươi”. Tôi tự nghĩ: chắc hẳn Chúa đang buồn vì hành động của tôi, vì tôi đã biết Chúa nhiều. Sau giây phút ngập ngừng, tôi quyết định trở lại hiệu sách và hoàn lại số tiền cho chị. Nhìn chị cười tươi sau tiếng cám ơn tôi cảm thấy nhẹ cả người.
Cũng trong tập hồi ký của mình, thủ tướng của nước Anh thời đệ nhị thế chiến là ông Winston Churchill đã kể lại một câu chuyện như sau:
Cha mẹ ông đưa ông về Scotland nghỉ hè. Ngày nọ, cậu bé Winston đang tắm trong một dòng sông gần nhà, thì chân cậu bị vọp bẻ. Cậu kêu la thất thanh. Nghe tiếng kêu, một cậu bé trai từ nông trại gần bên đã vội chạy đến và nhảy ngay xuống sông cứu Winston.
Cảm động vì nghĩa tử của cậu bé, ngày hôm sau, cha mẹ của Winston đã tìm đến nông trại để cám ơn cậu bé. Ông hỏi cậu bé lớn lên sẽ làm gì, cậu bé đáp:
– Cháu nghĩ rằng, cháu sẽ tiếp tục nghề nông của ba cháu.
Cha của Winston gợi ý:
– Cháu không có hoài bão nào khác hơn ư?
Cậu bé đáp:
– Cháu luôn mơ ước được làm một bác sĩ, nhưng nhà cháu nghèo như thế này thì lấy tiền đâu cho cháu đi học.
Nghe thế, ông bố của Churchill liền hứa hẹn:
– Cháu đừng lo, hoài bão của cháu sẽ được thực hiện, bác sẽ giúp cháu.
Winston Churchill sau này trở thành thủ tướng nước Anh. Năm 1934, trong chuyến công tác tại Bắc Phi, ông bị sưng cuống phổi trầm trọng. Bác sĩ riêng của ông, người đã khám phá ra thuốc Peniciline đã chữa trị cho ông. Đây là lần thứ hai bác sĩ này đã cứu mạng cho Winston Churchill, bởi vì cậu bé đã từng cứu Winston khỏi chết đuối năm xưa không ai khác hơn là cậu bé nhà nghèo có tên Alexandre Flenmming, mà nay là bác sĩ riêng của thủ tướng.
Lạy Chúa, xin cho con biết mở rộng tâm hồn để đón lấy những hồng ân Chúa ban.
Đồng thời xin cho con biết luôn can đảm để thực thi điều Chúa đòi hỏi, để cuộc đời chúng con là lời ca tụng Chúa. Amen.
THỨ TƯ TUẦN 15 THƯỜNG NIÊN
Mt 11,25-27
“Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha,
vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này,
nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn.”
(Mt 11,25)
1. Nếu đọc kỹ Tin Mừng, chúng ta thấy Chúa Giêsu là một con người lạc quan. Mặc dù vừa thất bại ở các thành ven Biển Hồ, Ngài vẫn lên tiếng tạ ơn và chúc tụng Chúa Cha. Sở dĩ Ngài lạc quan vì Ngài thấy được kế hoạch của Chúa Cha.
Chúng ta hãy tập sống lạc quan như Chúa, bởi vì khi sống lạc quan chúng ta mới có nhiều niềm vui và niềm vui sẽ đem lại hạnh phúc cho chúng ta. Xin được trích đoạn một câu chuyện nhỏ từ trên mạng:
Hôm đó trời ảm đạm. Cô ngủ quên và trễ giờ làm việc. Rồi mọi việc trong văn phòng làm cô như muốn điên lên. Khó khăn lắm mới làm xong mọi việc. Rồi cô đón xé buýt về như mọi hôm. Chỉ có điều hôm nay cô rất bực mình. Một ngày thật “tồi tệ“, cô nghĩ thế.
Lần này cũng như mọi lần, chuyến xe buýt lại đến đón khách trễ, tệ hơn lại còn hết chỗ ngồi. Xui xẻo gì đâu! Cô đành phải đứng. Chiếc xe làm cô lắc lư tứ phía. Đã bực mình, cô càng cảm thấy buồn bực hơn!
Chợt cô nghe một giọng nói phía trước. Giọng nói của một người đàn ông cũng “bị” đứng như cô.
– Trời đẹp lắm phải không quí vị!
Vì đông quá, cô không nhìn rõ được mặt ông ta. Cô chỉ nghe được giọng ông đang giới thiệu huyên thuyên về cảnh mùa xuân, rồi cảnh vật những con đường xe buýt đi qua! Nào là nhà thờ, công viên, nghĩa địa, đội cứu hỏa. Và lạ thay, hầu như tất cả mọi hành khách trên xe đều nhìn ra ngoài cửa sổ để ngắm cảnh vật ông giới thiệu. Ông nói hăng say và nhiệt tình đến mức cô phải mỉm cười. Đây là nụ cười đầu tiên trong ngày.
Rồi cũng về đến nhà. Khi chen giữa đám đông để xuống xe, cô cố liếc nhìn người“hướng dẫn viên du lịch”. Ồ! Ông nào có trẻ trung gì. Ông đã đứng tuổi, trên mặt có hàm râu quai nón, đeo kính đen và cầm trên tay cây gậy nhỏ màu trắng.
– Ồ! Ông bị mù!
Xin Chúa cho chúng ta có được tinh thần lạc quan để luôn biết ca tụng Chúa kể cả những khi thất bại trong cuộc đời.
2. Thiên Chúa giấu không cho những người khôn ngoan biết những mầu nhiệm của Người, mà lại mặc khải cho những người bé mọn: “Chúa hạ bệ những kẻ kiêu căng, Ngài nâng cao những người phận nhỏ” (Lc 1,52). Những người phận nhỏ là những người đơn sơ ngay thẳng thật thà. Đó là những tâm hồn được Chúa yêu quí.
Một hôm sói hỏi sóc:
– Vì đâu mà họ nhà sóc các anh luôn vui vẻ nhảy nhót còn bọn sói chúng ta luôn buồn sầu?
– Ông buồn vì ông ác. Tính độc ác đã bóp nghẹt tim ông. Còn chúng tôi vui vẻ vì chúng tôi hiền lành và không làm điều ác cho ai. (Theo Tolstoi).
Vâng, Chúa luôn yêu quí những tâm hồn đơn sơ bé nhỏ. Đã có lần Chúa nói: “Nếu anh em không trở nên như trẻ nhỏ, anh em sẽ không được vào Nước Trời”(Mt 18,3).
Ông Babis sống tại bang Indiana bên Hoa Kỳ, kể lại một kinh nghiệm nhận ra tình yêu thương của Thiên Chúa trong và qua đứa cháu nội của ông như sau:
“Vì một trường hợp sinh nở khó khăn, nên một trong hai đứa cháu nội của tôi vừa được sinh ra đã chết. Đứa còn sống sót nhưng bị tàn tật nặng cả về thể xác lẫn tinh thần, vô phương chữa trị. Dĩ nhiên là cha mẹ của cháu buồn lắm. Là ông bà nội, chúng tôi cũng buồn không kém.
Thằng bé có khuôn mặt kháu khỉnh làm sao! Nhưng lại tàn tật trông thật đáng thương! Tuy nhiên, ai trong gia đình cũng đều yêu thương cháu cách đặc biệt, ai cũng muốn quấn quít với cháu.
Mỗi khi bế cháu vào lòng, tim tôi se lại và một nỗi buồn nào đó lại đè nặng tâm hồn tôi. Cho đến một ngày nọ, tôi còn nhớ rõ lắm, nhớ thật rõ. Lúc đó đứa cháu nội tôi đã được hơn hai tuổi. Chiều hôm đó, tôi trông cháu giúp con tôi để chúng đi dâng lễ. Tôi đặt thằng bé nằm trên giường và mở cho nó nghe một đĩa nhạc mang nội dung Thánh Kinh, hầu hết là những bài ca giáo lý do các trẻ em hát. Thằng bé vừa nghe, vừa mỉm cười, nó múa máy động chân động tay, còn miệng thì ầm ừ những gì mà tôi không hiểu.
Tôi nhìn cháu phản ứng, bỗng dưng nỗi buồn trong lòng tôi tan biến giữa những tiếng hát của đám trẻ vang lên trong đĩa hát.
Bất chợt tôi cảm nghiệm sâu xa rằng, Thiên Chúa hiểu những tiếng ầm ừ của thằng cháu tôi và Ngài lắng nghe nó với tất cả lòng yêu thương. Ngài nói chuyện với nó qua giọng kể và tiếng hát của những em nhỏ phát ra từ đĩa hát.
Xác tín ấy đã hàn gắn vết thương lòng tôi, đồng thời cũng củng cố lòng tin của tôi vào tình thương yêu nhân từ Chúa dành cho mỗi người.
Cũng hôm ấy tôi hiểu Lời Chúa trong Tin Mừng. “Hãy để trẻ nhỏ đến cùng Ta đừng ngăn cản chúng, vì Nước Trời thuộc về những ai giống như chúng.” (Mt 19,14)
THỨ NĂM TUẦN 15 THƯỜNG NIÊN
Mt 11,28-30
“Anh em hãy mang lấy ách của tôi,
và hãy học với tôi,
vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường.”
(Mt 11,29)
1. “Hãy đến với Tôi hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng.” (Mt 11,28)
Chúa kêu gọi những ai khó nhọc và gánh nặng đến với Chúa.
Thường tình thì chẳng có ai mà lại kêu gọi những người vất vả khó nhọc và đầy những gánh nặng đến với mình. Những loại người này đến chẳng những không có lợi gì, mà còn có thể gây ra những phiền hà rắc rối cho mình là đàng khác.
Chỉ có Chúa mới kêu gọi như thế, bởi vì Ngài không đến để được phục vụ mà là đểphục vụ, và đã gọi là phục vụ, thì bao giờ cũng có yếu tố thua lỗ ở trong đó. Chúa Giêsu phục vụ không công. Ngài ban phát thật nhiều mà nhận lại chẳng có gì. Chính vì thế mà Ngài mới kêu gọi những đối tượng chẳng được mấy ai lưu tâm đến với Ngài. Tất cả chỉ vì tình thương mà thôi.
Mỗi khi chúng ta gặp khốn khổ chúng ta hãy chạy đến với Chúa. Chắc chúng ta sẽ không phải thất vọng.
2. “Hãy học với Tôi” (Mt 11,29)
Học ở đây không giống như học chữ mà là học làm người.
Công Minh Tuyên đến học thầy Tăng Tử. Ở nhà thầy đã ba năm mà không mấy khi đọc sách.
Thầy Tăng Tử hỏi: “Ngươi đến đây học đã ba năm nay, ta xem ý ngươi không mấy khi học tập sách vở như các anh em khác, là tại làm sao?
– Công Minh Tuyên nói: Thưa thầy, con vẫn học. Con thấy: thầy ở trong nhà, trước mặt song thân, lúc nào cũng hiếu thuận, hoà nhã, cho đến giống vật như chó, mèo, thầy cũng không quở mắng bao giờ; – Thầy ứng tiếp bạn bè cung kính ung dung, rất có lễ độ, kẻ dở người hay, ai nấy đều nể phục; – Thầy ở triều đình, đối với kẻ dưới, bề ngoài rất là nghiêm trang, mà trong bụng rất là nhân từ, không có ý hại ai bao giờ cả. Ba điều ấy con lấy làm vui lòng học mãi mà chưa được. Con đâu dám không học mà cứ ở cửa nhà thầy”.
Thầy Tăng Tử nghe đoạn, tạ lại Công Minh Tuyên và nói rằng: “Ta nay thật không bằng con”.
Đó là học làm người. Học làm người thì phải học suốt đời. Có lẽ suốt cuộc đời cũng chưa xong. Phải học hoài học mãi.
3. “Tôi hiền lành và khiêm tốn” (Mt 11,29)
Hẳn là 2 đức tính này quý giá một cách đặc biệt lắm cho nên Chúa mới bảo với các môn đệ như thế.
Lịch sử cho chúng ta thấy: sự kiêu ngạo đã gây nên bao thảm họa:
– Satan nguyên là một thiên thần nhưng vì kiêu ngạo mà đã thành quỉ sứ.
– Tổ tông loài người chúng ta cũng chỉ vì kiêu ngạo mà gây ra biết bao nhiêu đau khổ cho cả loài người.
– Ngược lại, những người biết sống hiền lành và khiêm nhường sẽ là những người đẹp lòng Chúa.
“Chúa hạ kẻ quyền thế xuống và nâng người hèn mọn lên.” (Lc 1,52).
Bởi vậy chúng ta hãy cố học cho bằng được hai đức tính này.
Vua Philipphê nước Macedonia là cha sinh ra vua Alexandre le Grand, hằng ngày có các thiếu niên quí phái hầu cận. Sáng sáng, họ có bổn phận phải vào tận long sàng đánh thức nhà vua mà tâu:
– Xin bệ hạ nhớ cho: “Vua cũng là người”.
Vua sai người nhắc mình mỗi ngày như thế là để chế ngự tính khí kiêu ngạo, là thói thường làm hư hoại cuộc sống con người.
Vua chẳng qua cũng chỉ là một người. Chúng ta cũng hãy nên tự nhắc cho mình hoặc viết chữ lớn dán ở phòng ngủ: Ta nên nhớ ta là một người, phận sự ta phải ăn ở cho xứng đáng.
Đối với bản thân hay tha nhân, ta phải luôn sống cho xứng nhân vị là bậc làm người.
Thánh Philipphê Nêri biết tính mình rất nóng và trước Mình Thánh Chúa, ngài xin Chúa giúp ngài chữa lành tính nóng nảy này. Chúa hứa giúp ngài.
Sau đó Nêri bước ra khỏi nhà thờ và chỉ công việc cho giáo dân. Hôm đó một anh thanh niên xưa nay rất thân với ngài bỗng dưng không chịu nghe lời lại còn dám cãi to tiếng với ngài nữa. Nêri nổi giận “sạt” anh ta một trận. Nhưng sau đó, ngài nghĩ lại, hối hận vì sự nóng nảy của mình, và xin Chúa tha. Cuối ngày hôm đó, lại có một giáo dân bình thường, rất hiền lành, dễ bảo, nay bỗng trở chứng, làm Nêri nổi cơn thịnh nộ một lần nữa.
Tối đó, trước Mình Thánh Chúa, Nêri cúi đầu thưa Chúa:
– Con xin lỗi Chúa vì con đã nóng nảy. Mà tại sao Chúa lại không giúp con sửa tính xấu này?
Chúa trả lời thánh nhân rằng:
– Con ạ, con xin Ta giúp sửa đổi tính nết và Ta đã giúp con bằng cách cho hai người bạn thân tốt của con tạo dịp cho con sửa mình, thế mà con đâu nhận ra đó là ơn của Ta!
Vâng, đừng quá quan trọng chính mình. Hãy coi mình chỉ là một con người…
Lạy Chúa,
Chúa đã khiêm tốn và kiên trì
nhận lấy những thất bại trong cuộc đời
cũng như mọi đau khổ của thập giá,
xin biến mọi đau khổ cũng như mọi thử thách
chúng con phải gánh chịu mỗi ngày,
thành cơ hội giúp chúng con thăng tiến
và trở nên giống Chúa hơn. Amen.
THỨ SÁU TUẦN 15 THƯỜNG NIÊN
Mt 12,1-8
“Nếu các ông hiểu được ý nghĩa của câu này:
Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế,
ắt các ông đã chẳng lên án kẻ vô tội.”
(Mt 12,7)
1. Luật pháp đã định rằng, những người đi đường nếu đói thì được bứt vài bông lúa hay bẻ vài cái bắp bên đường để ăn. Các môn đệ của Chúa đã dùng tay bứt vài bông lúa chứ không dùng liềm để cắt. “Khi vào đồng lúa của người đồng loại, anh có thể lấy tay bứt những bông lúa, nhưng không được tra liềm cắt lúa của người đồng loại” (Đnl 23,26). Ông Thompson trong cuốn “Xứ thánh và Kinh Thánh” kể rằng, khi ông du hành qua xứ Palestine thì thấy phong tục này vẫn còn.
Thế nhưng, dưới mắt những đạo sĩ và các luật sĩ Do Thái thì sự việc không đơn giản như thế. Lỗi của các tông đồ không phải là bứt và ăn bông lúa mì nhưng vì họ đã làm việc ấy trong ngày Sabat. Luật ngày hưu lễ rất phức tạp và rườm rà. Luật pháp cấm làm việc trong ngày Sabat nhưng những nhà dạy luật không hài lòng với sự cấm đoán đơn thuần đó, phải định rõ là việc làm gì. Vì thế, họ nêu ra 39 việc bị cấm làm trong ngày Sabat. Trong số những việc bị cấm đó có việc gặt hái, đập lúa và nấu nướng. Tuy nhiên, những nhà giải thích luật không chỉ đưa ra rồi để vấn đề ở đó. Mỗi mục trong danh sách ghi những việc làm bị cấm phải được định nghĩa rõ ràng. Ví dụ: cấm mang gánh nặng. Nhưng gánh nặng là gì? Một gánh nặng là bất cứ vật gì cân nặng bằng hai trái vải khô. Trong ngày Sabat, tất cả những gì có thể tượng trưng cho việc làm đều bị cấm. Sau này, một giáo sư nổi tiếng người Do Thái là ông Maimonides nói: “bứt bông lúa mì cũng là một cách gặt”.
Đáp lại sự chỉ trích của các luật sĩ và đạo sĩ Do Thái, Chúa Giêsu đưa ra ba luận điểm:
a. Ngài trích dẫn “hành động của Đavid” (1 Sm 21,1-6)
Khi Đavid và những người tùy tùng của ông bị đói chạy vào đền Tạm – đền Tạm hay lều Tạm không phải Đền thờ vì việc này xảy ra trước khi Đền thờ được xây dựng và ăn bánh tiến là bánh chỉ thầy tư tế mới được phép ăn. Đavid và đám tùy tùng của ông bị đói nên đã lấy bánh thánh này ăn và họ không bị bắt lỗi gì. Như vậy sự đòi hỏi của nhu cầu con người, sự đói khát của con người là khẩn thiết hơn bất kỳ tập quán và nghi lễ nào.
b. Ngài trích dẫn việc làm ở Đền thờ trong ngày Sabat
Nghi lễ trong đền thờ cũng luôn luôn liên hệ đến việc làm: nào nổi lửa, giết và chuẩn bị con vật tế lễ, nào mang chúng lên bàn thờ và nhiều việc khác nữa. Thế nhưng, đối với thầy tư tế thì những việc làm này hoàn toàn đúng, vì những việc này được coi là việc phụng vụ trong đền thờ cần phải được tiếp tục.
Nhưng cũng những công việc này mà được người khác làm thì lại vi phạm luật.
c. Ngài trích dẫn lời Thiên Chúa nói với tiên tri Hôsê: “Ta muốn tình yêu chứ không cần hy lễ” (Hs 6,6)
Điều Thiên Chúa muốn hơn của lễ là tình yêu thương. Trong câu chuyện này, Chúa Giêsu đã đưa ra nguyên tắc là sự đòi hỏi của nhu cầu con người phải được đặt trước mọi đòi hỏi khác. Sự đòi hỏi của việc thờ phượng, của nghi lễ, của phụng vụ rất là quan trọng và có chỗ đứng của nó, nhưng ưu tiên trên mọi đòi hỏi vẫn là những đòi hỏi của nhu cầu con người.
2. Khi vì nhu cầu chính đáng của con người, thì những giá trị khác do con người đặt ra phải lui lại đàng sau.
Thi sĩ George Herbert, người Anh, ngoài tài làm thơ còn có năng khiếu về âm nhạc. Thi sĩ thường cùng với bạn bè ngồi ngâm thơ và hòa nhạc.
Một buổi tối, lúc đang trên đường đi dự buổi hòa nhạc, thi sĩ gặp một chiếc xe ngựa bị sa lầy. Trên xe hàng hóa chất nặng. Bác xà ích thì già yếu và con ngựa thì quá đỗi gầy còm.
Không chút ngần ngại, thi sĩ đã bỏ cây đàn bên vệ đường rồi giúp người xà ích bốc dỡ hàng hóa và đẩy chiếc xe khỏi vũng lầy. Sau đó, ông lại tiếp tục xếp hàng lên xe. Rồi ái ngại cho con ngựa còm, ông tặng bác xà ích một số tiền để mua cỏ cho nó.
Công việc xong xuôi thì trời đã về khuya. Và bộ đồ dạ hội của ông cũng đã lem luốc những bùn. Tuy thế, ông vẫn đến nơi đã hẹn. Tới nơi thì buổi dạ hội đã xong rồi.
Một người bạn nói với ông:
– Nhà thơ của chúng tôi đã lỡ mất một buổi hòa nhạc tuyệt vời.
Thi sĩ George Herbert mỉm cười đáp:
– Phải, đúng thế. Nhưng để bù lại, tôi đã tấu được một khúc nhạc tuyệt hơn nhiều.
Đời người ví như một khúc nhạc. Nhưng có khúc nhạc nào đẹp cho bằng những khúc nhạc tình thương được vang lên tự cõi lòng con người.
Một cử chỉ đẹp, một hành vi quảng đại, một hy sinh quên mình vì tha nhân đều là nốt nhạc của tình thương yêu chân thành. Chúng vang lên để khích lệ, để phấn khởi lòng người, để làm cho cuộc đời thêm tươi sáng và an vui.
THỨ BẢY TUẦN 15 THƯỜNG NIÊN
Mt 12,14-21
“Cây lau bị giập, Người không đành bẻ gãy,
tim đèn leo lét, chẳng nỡ tắt đi,
cho đến khi Người đưa công lý đến toàn thắng”.
(Mt 12,20)
1. Những người Pharisêu đã bao phen chống đối Chúa Giêsu. Hôm nay, họ còn bàn mưu hãm hại Ngài. Chúa Giêsu thừa khả năng chống lại họ, nhưng Ngài rời nơi ấy tránh đi nơi khác. Khi nào còn có thể nhường được thì nhường, còn có thể nhịn được thì nhịn. Đối đầu và trả đũa không phải là phương cách hay nhất.
Lý do: Đối đầu dễ dẫn đến hận thù và hận thù thì dễ đưa đến bế tắc. Vua Philipphê nước Macedonia khi đang đem quân đi vây thành Mêtôn, thì có một tên cung thủ đại tài tên là Astê đến xin vào đội tinh binh của nhà vua. Người ấy khoe rằng, tài nghệ cung tên của mình rất hay, chim bay dầu lẹ đến mức nào, anh ta cũng bắn không sai bao giờ. Vua mỉa mai bảo:
– Được, để bao giờ đánh trận với chim se sẻ ta sẽ dùng đến tài của ngươi.
Astê nghe câu nói mỉa mai ấy thì căm tức vô cùng. Chẳng cần phải suy nghĩ lâu dài, anh liền chạy thẳng vào thành sắp bị vây để chờ dịp trả thù.
Một hôm, Astê đứng trên bờ thành, thấy vua Philipphê đang đi kinh lý các trại đóng ngoài thành, liền lấy một cây tên, viết vào mấy chữ: “gửi cho con mắt bên phải của vua Philipphê”, rồi bắn xuống. Tên trúng giữa mắt phải của vua.
Vua cho rút mũi tên ra rồi truyền cho ghi lên mũi tên ấy câu này: “Ta mà lấy được thành này, Astê sẽ bị xử giảo”, rồi bảo quân sĩ bắn tên ấy vào thành.
Sau quả đã xảy ra đúng như vậy.
Vâng! Vua Philipphê đã phải mua một giá rất đắt khi thấy mình nói được một lời có ý vị. Nhưng mà Astê còn trả giá đắt hơn cái thú trả thù của anh ta.
Hãy nhớ lời của Chúa Giêsu: “Hãy học với Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhường” (Mt 11,29), “Hãy tha thứ để được thứ tha”, “Điều gì anh em muốn người khác làm cho mình thì cũng hãy làm cho người ta như thế” (Mt 7,12).
2. Con người ta khi có được một chút tài năng hay một chút cơ nghiệp gì thì rất dễ lên mày lên mặt. Tật phô trương, háo danh dường như là một căn bệnh trầm kha của con người. Chúa Giêsu thì không như thế. Mặc dầu làm được những phép lạ hiển hách khiến dân chúng phải kinh ngạc nể phục, Ngài vẫn muốn sống khiêm nhu âm thầm, lặng lẽ.
“Ngài sẽ không cãi vã, không to tiếng. Chẳng ai nghe thấy Ngài lên tiếng giữa phố phường” (Mt 12,19). “Cây lau bị dập Ngài không đành bẻ gãy; tim đèn leo lét Ngài chẳng nỡ tắt đi…” (Mt 12,20).
* Chúa đi qua đường, người ta chặn ngõ lại, các tông đồ sôi gan lên xin phép Chúa khiến lửa Trời xuống báo oán, nhưng Chúa thản nhiên và hiền từ chỉnh huấn lại các Ngài: “Không hiểu các con theo tinh thần của ai vậy?”
* Đặc biệt nhất là trong giờ thương khó, gương hiền lành của Chúa chí ái chúng ta chói sáng hơn vàng thượng thập giữa lửa hồng. Tiên tri Giêriêmia đã khéo léo cụ thể thái độ hiền lành ấy bằng một hình ảnh tuyệt đẹp: “Tôi như con chiên hiền lành bị đem đi sát tế” (Gr 11,19).
Hiền lành của Chúa chính là sức mạnh, sức mạnh của giọt nước làm thủng đá, của khí trời làm gãy sắt…
Chỉ có những tâm hồn mạnh mẽ thật, biết xả kỷ, biết tự chủ, tự thắng mới hiền lành được.
Tại sao đa số người ta không sống hiền lành được.
Thưa: Người ta không hiền lành được vì người ta hay kiêu ngạo, tự cho mình là trung tâm vũ trụ và không dám hy sinh để mưu ích cho kẻ khác.
Người ta không hiền lành được là vì người ta thường chỉ nghĩ đến quyền lợi cá nhân và cố gắng bảo vệ, bênh giữ chúng bằng đủ mọi thứ thủ đoạn, kể cả những thủ đoạn hiểm ác người ta cũng không trừ.
Người ta không hiền lành được là vì người ta hay tự coi mình hơn kẻ khác, không muốn cho ai hơn mình và do đó luôn luôn sống trong tình trạng báo động để tự vệ.
Nói tóm lại, con người sống tự cao, ích kỷ, tự phụ là sống yếu nhược vì bị các tính xấu đó “xỏ mũi” sai khiến…
Hãy nhìn vào gương Chúa Giêsu, thầy nhân lành, Cha chí ái của chúng ta, để học với Ngài bài học về sự hiền lành để có thể chinh phục được cả thế giới này.
Thánh Phanxicô Salesiô đã có lần quả quyết: “Kẻ hiền lành sẽ làm chủ các tâm hồn và mọi ý chí sẽ ở trong lòng họ”.
Sau đây là lời cầu nguyện mà mỗi một tu sĩ Bác Ái Truyền Giáo đọc trước khi làm việc Tông Ðồ. Lời ấy cũng được dùng như lời Cầu Nguyện của Y Sĩ trong trung tâm Shishu Bhavan, trung tâm trẻ em ở Calcutta:
Lạy Chúa, vua Chữa Lành, con quỳ gối trước Ngài,
Vì mọi quà tặng tuyệt hảo đều xuất phát từ Chúa,
Xin ban cho con đôi tay khéo léo, một tâm trí minh mẫn, một tâm hồn tử tế và hiền lành.
Xin cho con chỉ nhắm đến một mục đích, đó là sức mạnh để xoa dịu phần nào sự đau khổ của anh chị em con, và thực sự nhận biết đó là điều tiên quyết của con. Amen.
Lm. Giuse Đinh Tất Quý