TUẦN THÁNH
CHÚA NHẬT LỄ LÁ – NĂM C
Anh chị em thân mến,
Bài Thương khó hôm nay tương đối khá dài và tự nó đã nói lên rất nhiều ý nghĩa cho mỗi người chúng ta. Tuy nhiên tôi cũng xin được chia sẻ với anh chị em một vài cảm nghĩ của tôi. Đọc bài Thương khó hôm nay, tôi thấy có một vài điểm rất đáng cho chúng ta suy nghĩ
1. Điểm thứ nhất là lòng dạ của con ngưòi. Lòng dạ con người sao mà dễ thay đổi quá. Chỉ trong một thời gian không đầy một tuần lễ mà chúng ta được chứng kiến bao nhiêu cảnh thay lòng đổi dạ của con người dối với Chúa Giêsu, Chúa của chúng ta.
a/ Trước hết là đám đông quần chúng
Lúc Chúa vào Thành thánh Giêrusalem, chúng ta không thể tưởng tượng được thái độ của họ vui mừng đến như thế nào. Họ sẵng sàng cởi áo trải xuống lót đường cho Chúa đi qua. Họ bẻ cành cây đầy lá giơ cao để đón mừng Chúa. Miệng của họ hò la đến vang trời dậy đất khiến nhà cầm quyền lúc đó cũng cảm thấy rúng động. “Hoan hô con Vua Đavid…Hoan hô….Hoan hô…Vạn tuế….Vạn tuế …Vạn tuế con Vua Đavid ….Vạn tuế Đấng nhân danh Thiên Chuá đến cùng chúng tôi”
Nhưng rồi cũng lại hầu hết những con người này, chỉ mấy ngày hôm sau lại gân cổ lên mà la thật to rằng “Hãy đóng đinh nó vào Thập giá, hãy đóng đinh nó vào Thập giá”- Và cả sau khi Chúa chịu đóng đinh rồi họ cũng vẫn chưa chịu buông tha cho Chúa: “Hãy xuống khỏi Thập giá đi để chúng ta tin nào…Kẻ đã cứu được người khác mà không cứu nổi chính mình…..Xuống khỏi Thập giá đi…Xuống khỏi Thập giá đi..”
Ôi lòng dạ của con người sao mà chóng đổi thay đến như thế.
b/ Thứ đến là lòng dạ của một người môn đệ đã được Chúa dành cho nhiều tình thương. Người đó là ai thì tất cả chúng ta đều đã biết: Giuđa. Vâng Giuđa đã phản bội. Tin Mừng đã ghi thật rõ “Giuđa tên phản bội”. Lòng dạ của Giuđa thật ích kỷ và hẹp hòi. Anh ta đã được Chúa thương, thương hơn nhiều môn đệ khác. Anh đã được Chúa tín nhiệm, tín nhiệm hơn những anh em khác, Chúa trao cho anh quản lý tất cả những gì Chúa có. Chúng ta có thể nói như thế. Anh đâu dó thiếu gì vậy mà anh đã phản bội. Chúa rất buồn với anh, buồn tới mức độ Chúa phải thốt lên một lời, một lời mà trong suốt cả cuộc đời của Chúa, Chúa không hề nói với bất cứ một ai: “Thà nó đừng sinh ra thì hơn” Thật là xót xa cho Chúa, cho Người Thầy chí Thánh của anh, anh Giuđa ạ
c/ Một số các nhân vật khác mà Bài thương khó hôm nay cũng nhắc tới. Đó là nhóm những người được Chúa ưu ái tuyển chọn trong đó có một người mà Chúa yêu thương rất đặc biệt. Người ấy không là ai xa lạ với chúng ta. Đó là Ông Phêrô. Phêrô theo nội dung tiếng Do Thái là đá tảng. Trước đó không bao lâu đá tảng Phêrô đã thề sống thề chết: “Dù tất cả có bỏ Thấy, con cũng không bao giờ….không bao giờ”- và Tin Mừng còn ghi “Các tông đồ khác cũng nói như vậy”. Vậy mà sau đó không bao lâu chỉ có vài lời vu vơ của một vài đứa đầy tớ gái, tảng đá Phêrô đã vỡ tan tành. Ông Phêrô ơi! Ông không biết Chúa thật sao?. Thật là đau đớn cho Chúa….Con người mà Chúa đã tin tưởng đặt làm thủ lãnh một xã hội mới lại thề thốt trước mặt mọi người rằng không biết Chúa là ai. Thật là đau xót. Thật là tủi buồn.
2. Nhưng may mắn thay chúng ta còn có Chúa. Lòng Chúa không bao giờ đổi thay. Chúa luôn một lòng một dạ…một lòng một dạ với Thiên Chúa Cha, một lòng một dạ với lý tưởng yêu thương của Ngài. Vâng Chúa luôn một lòng một dạ. Lòng trung thành của Chúa không bao giờ thay đổi.
a/ Chúng ta có thể nói sự sống của Chúa là Thánh ý của Thiên Chúa Cha: “Của ăn của Thầy là làm theo ý Đấng đã sai Thầy” Cả cuộc đời trần thế của Chúa cũng chỉ là như vậy: “Lạy Cha này con xin đến để làm theo ý Cha”. Ý Cha như thế nào con cũng một lòng một vâng theo. Trước chén đắng đầy tràn, Ngài cảm thấy run sợ nhưng lúc nào Thánh ý Thiên Chúa Cha cũng phải được đặt lên trên hết: “Lạy Cha nếu có thể được thì xin cho con khỏi uống chén này, nhưng xin đừng theo ý con mà theo ý của Cha”
b/ Bên cạnh đó Chúa có một lý tưởng để đi theo: Lý tưởng yêu thương. “Thầy đã đem lửa xuống trần gian và Thầy mong uớc biết bao cho lửa đó được bùng cháy lên”. Chúa một lòng một dạ với lý tưởng đó. Không có cái gì trên trần gian này có thể làm cho Chúa xa rời lý tưởng đó.
Từ trên Thập giá Chúa nhìn xuống cả một đám đông vẫn còn say máu căm thù vậy mà Chúa vẫn có thể bình thản cầu nguyện “Lạy Cha xin tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm”.
Cả cuộc đời của Chúa là cuộc đời phục vụ. Tin Mừng cho chúng ta thấy Chúa phục vụ đến quên mình. Chúa sẵn sàng chấp nhận mọi hy sinh, kể cả cái chết trên Thập giá vì Lý tưởng yêu thương: “Không có tình yêu nào lớn hơn Tình yêu của người dám hiến mạng sống của mình cho người mình yêu”
Lạy Chúa, Chúa đã một lòng một dạ với Thiên Chúa Cha, một lòng một dạ với lý tưởng yêu thương. Xin Chúa giúp cho chúng con được luôn gắn bó vớ Chúa. Xin cho chúng con được biết yêu thương như Chúa. Để khi sống như Chúa
chúng con biết cho đi mà không tính toán
biết chiến đấu mà không sợ thương tích
biết làm việc mà không tìm an nghỉ
biết xả thân mà không tìm một phần thưởng nào khác
ngoài việc biết rằng chúng con đang thi hành Thánh ý Chúa. Amen
THỨ HAI TUẦN THÁNH
Ga 12,1-11
Đức Giê-su nói: “Hãy để cô ấy yên.
Cô đã giữ dầu thơm này là có ý dành cho
ngày mai táng Thầy”. (Ga 12,7)
1. Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại việc Chúa Giêsu được xức dầu tại Bêtania.
Giá tiền của bình dầu thơm mà Maria đã đổ ra để xức chân Chúa Giêsu là 300 đồng, bằng lương 300 ngày công, nghĩa là bằng gần suốt một năm trời làm việc của một người lao động bình thường. Đối với những người giầu có thì số tiền đó chẳng thấm thía gì. Nhưng ở đây, chúng ta biết gia đình Bêtania là một gia đình không khá giả gì. Vì Maria yêu mến Chúa Giêsu “bằng mọi giá”, cho nên cô chẳng tiếc bất cứ thứ gì đối với Chúa. Trước đây, Maria cũng đã làm hài lòng Chúa khi cô bỏ hết mọi việc để ngồi bên chân và lắng nghe lời Ngài (Lc 10,38-42). Lòng yêu mến của Maria không phải chỉ là những tình cảm suông, cũng không phải chỉ bằng những lời nói, mà còn bằng những hy sinh, hy sinh bất cứ thứ gì, kể cả tiền bạc và nhất là thời gian.
Vâng! Maria đã đem vật quí giá nhất mình có, và dùng hết cho Chúa Giêsu. Tình yêu hiến dâng tất cả. Điều duy nhất mà tình yêu hối tiếc là không có nhiều hơn để dâng hiến. O. Henry, một bậc thầy về chuyện ngắn, đã viết một câu chuyện rất cảm động với tựa đề là “Món Quà Giáng Sinh”. Một cặp vợ chồng nọ tên là Della và Jim. Họ rất nghèo nhưng hết sức yêu nhau. Mỗi người chỉ có một tài sản duy nhất. Đối với Della thì mái tóc là vinh quang của nàng. Còn Jim hãnh diện với chiếc đồng hồ vàng nhưng lại không có dây đeo do cha chàng để lại. Một ngày trước lễ Giáng sinh, Della muốn mua một món quà để tặng cho Jim nhưng nàng chỉ còn đúng một Mỹ kim tám mươi bảy xu. Della đã nghĩ ra cách để có thêm tiền. Cô đã bán mái tóc của mình với giá hai mươi Mỹ kim. Sau đó cô mua một chiếc dây bằng bạch kim để tặng Jim với ý muốn chiếc đồng hồ quí báu của chàng sẽ có dây đeo. Tối ấy, Jim về đến nhà, nhìn mái tóc bị cắt ngắn của Della, chàng đứng sững sờ. Không phải vì chàng không thích, hay không còn yêu nàng nữa, nàng vẫn đáng yêu hơn bao giờ hết. Dù sao thì đây cũng là dịp để nói lên tình yêu đối với nàng. Chậm rãi, chàng mở món quà ra và trao cho nàng. Đó là một chiếc trâm kẹp tóc bằng đồi mồi có viền những viên ngọc nhỏ lóng lánh được mua bằng tiền chàng đã bán chiếc đồng hồ đi. Còn nàng thì trao cho chàng chiếc dây đồng hồ nàng mua được bằng tiền bán đi mái tóc đẹp của mình. Người nọ đã tặng cho người kia tất cả những gì mình có. Tình yêu chân thật không thể nghĩ ra cách nào khác hơn để hiến dâng cho nhau.
2. Chúa nói: “Người nghèo thì anh em luôn có bên cạnh, còn Thầy thì anh em chẳng có mãi đâu.” (Ga 12,8)
Vâng, có những cơ hội chỉ đến có một lần. Không biết chụp lấy, khi nó qua đi thì nó chẳng bao giờ trở lại.
Người ta kể, ngày xưa có một lần nữ hoàng Mary của Anh Quốc đi sang thăm Scotland, một nước rất quí mến nữ hoàng.
Để đáp lại tấm thịnh tình của dân Scotland, nhiều lần Nữ Hoàng đến với họ mà không cho những người hộ tống đi theo để dễ gần gũi với dân chúng.
Lần kia, nữ hoàng đi về vùng quê chơi. Hôm ấy bỗng trời đổ mưa. Nữ hoàng ghé vào nhà của một người ở trong vùng để mượn một cây dù. Nữ hoàng nói với chủ nhà:
– Chị làm ơn cho tôi mượn cây dù, ngày mai tôi sẽ trả lại chị.
Vì không biết người đến mượn dù là ai, nên lúc đầu chị chủ nhà tỏ vẻ ái ngại không muốn cho mượn. Nhưng sau một hồi suy nghĩ, chị chủ nhà đã trở vào trong, lấy ra một chiếc dù cũ kỹ, đưa ra cho người lạ mặt mượn.
Ngày hôm sau, khi nghe tiếng gõ cửa, chị chạy ra mở cửa, thì thấy một người lính đứng ở trước cửa nhà, tay cầm chiếc dù cũ của chị. Người lính nói với chị:
– Thưa chị, nữ hoàng sai tôi đem cây dù này gởi trả lại chị. Nữ hoàng cũng gởi lời cám ơn chị rất nhiều.
Chị chủ nhà nghe vậy đứng lặng người một lát rồi òa lên khóc và nói:
– Thế là tôi đã đánh mất đi một cơ hội không bao giờ trở lại với tôi lần thứ hai nữa.
Có những cơ hội chỉ đến có một lần. Khi nó qua đi thì nó chẳng bao giờ trở lại. Maria đã biết rõ điều đó cho nên chị chụp ngay lấy cơ hội. Chị đem dầu thơm hảo hạng nhất xức cho Chúa. Có lẽ đối với chị, đó là thứ quí giá nhất chị có. Nó quí giá không những vì nó mắc tiền, mà nó còn quí giá hơn bởi nó chính là tình yêu mà chị dành cho Chúa.
Chỉ khi nào chúng ta thể hiện được sự kính yêu Chúa qua những hành động cụ thể bằng cách dâng hiến cho Chúa những thứ quí giá nhất, vào đúng cơ hội, đúng thời điểm Chúa muốn nhất, thì hành động của chúng ta mới làm Chúa hài lòng và nó mới đem lại công nghiệp cho chúng ta trước mặt Chúa. Amen.
THỨ BA TUẦN THÁNH
Ga 13,21-33.36-38
Sau khi ăn miếng bánh, Giuđa liền đi ra.
Lúc đó, trời đã tối. (Ga 13,30)
1. Đoạn Tin Mừng hôm nay là một phần của bữa tiệc ly.
Chúa Giêsu cố gắng đánh thức lương tâm của Giuđa: Giuđa nghe nhưng không xao xuyến.
Không phải Chúa Giêsu muốn Giuđa phạm tội, cũng không phải Ngài thờ ơ bỏ mặc hắn chìm sâu trong tội lỗi, Ngài đã nhiều lần nhiều cách đánh thức lương tâm hắn nhưng không có kết quả.
Trước tiên là lời tiên báo công khai: “Quả thật, quả thật, Ta bảo anh em: một người trong anh em sẽ nộp Thầy” (Ga 13,21). Giuđa giả điếc làm ngơ như không nghe thấy lời cảnh tỉnh này.
Tiếp đến, Chúa Giêsu chấm bánh trao cho Giuđa, đó là cử chỉ thân tình, nhưng Giuđa đã ăn miếng bánh ấy mà không một chút rung động, đến độ thánh Gioan đã phải diễn tả một hậu quả trái ngược: “Ăn miếng bánh rồi, Satan đã nhập vào y” (Ga 13,27).
Sau cùng, Chúa Giêsu dóng lên tiếng chuông cảnh tỉnh lần cuối qua câu nói: “Ngươi tính làm gì, thì làm mau đi” (Ga 13,27). Câu này ngụ ý rằng: “Âm mưu của ngươi, Ta đã biết, làm sao môn đệ lại có thể âm mưu phản Thầy”. Tuy nhiên, những lời nói ấy vẫn không cầm chân được Giuđa khỏi tiến vào bóng đêm tội lỗi. Thánh Gioan khi chú giải về sự kiện này, Ngài đã viết một câu thật đáng sợ: “Sau khi ăn miếng bánh, Giuđa liền đi ra. Lúc đó, trời sập tối.” (Ga 13,30)
Như vậy, chúng ta thấy Chúa đã làm hết sức. Ngài chỉ làm được đến thế thôi, vì Ngài phải tôn trọng tự do con người.
Cách Chúa đối xử với những người tội lỗi cũng như thế.
Nhìn lại cuộc đời của mỗi người chúng ta, tuy không rõ ràng như trường hợp của Giuđa thế nhưng cũng phải thừa nhận rằng, ít nhiều gì đã có lần chúng ta ngoảnh mặt làm ngơ trước những cảnh giác của Chúa. Mỗi người chúng ta đều biết rất rõ điều đó. Chúng ta hãy thành thật xin Chúa tha thứ.
2. Chúa Giêsu lấy làm vinh dự được thi hành ý muốn của Chúa Cha. Chúng ta thấy trong cuộc sống vì tình yêu mà người ta thường cảm thấy vinh dự khi được chiều ý người mình yêu. Thánh Phaolô nói: “Vinh dự của chúng ta là Thập Giá Đức Kitô”. Các tông đồ sau khi bị bắt nhốt vào trong tù và bị đánh đòn, đã “hân hoan bởi được coi là xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Đức Giêsu” (Cv 5,41).
Trong tác phẩm “Như Lòng Chúa khoan dung” của cha Anthony de Mello, người ta đọc được câu chuyện này: Có một cặp vợ chồng cưới nhau đã lâu, sống đạo rất tử tế nhưng mong mãi vẫn chưa có được mụn con. Thế rồi cuối cùng người vợ cũng mang thai, họ vui mừng xác tín đây là một ân huệ Chúa ban.
Nhưng đến ngày sinh, mọi người đều bàng hoàng nhận ra đứa bé có dị tật, bàn tay phải của nó bị teo nhỏ không như bàn tay trái. Người cha đã ôm lấy đứa con trai sơ sinh mà khóc nức nở. Sau đó, bạn bè đến thăm gia đình, ai cũng tỏ ra lúng túng, không biết sẽ phải chúc mừng hay chia buồn? Nhưng họ không ngờ, chính người mẹ của em bé lại khiến cho họ bỡ ngỡ thán phục khi bà tươi cười bảo họ:
“Suốt tuần qua, vợ chồng chúng tôi đã xóa khỏi đầu óc cái lý tưởng hoàn hảo mà chúng tôi vẫn từng ấp ủ. Dù gì đi nữa, đã gọi là lý tưởng thì sẽ không bao giờ có. Trong hiện tại, chúng tôi đang có trong tay một đứa con, công việc của chúng tôi bây giờ không phải là sống với lý tưởng của mình, nhưng là đón nhận Ý Chúa khi yêu thương và đùm bọc cháu bé như đó là một quà tặng vô giá của Người…”
Nếu ta chưa thấy việc làm theo ý Chúa và chịu khổ vì Chúa là một vinh dự, thì đó là dấu ta chưa yêu Chúa. Yêu mến Chúa thì phải sẵn sàng vui mừng vâng theo thánh ý của Người.
Gahannes Sebastian Bach là một nhạc sĩ Công giáo lừng danh người Đức, khi về già, ông lâm phải căn bệnh trầm trọng có thể gây ra chứng mù lòa.
Một hôm, có người bạn đến báo tin có một bác sĩ giỏi về nhãn khoa mới tới thành phố, và ông ta sẵn sàng chữa đôi mắt cho nhạc sĩ bằng một cuộc giải phẫu. Nhạc sĩ thành tâm trả lời người bạn quý: “Xin vâng theo Thánh Ý Thiên Chúa, tôi nhận lời”.
Công việc chữa trị được tiến hành, nhưng 4 ngày sau đó, khi mở băng gạc ra, trước sự hồi hộp đợi chờ của thân nhân chung quanh giường bệnh, nhạc sĩ đã bình thản trả lời: “Xin vâng theo Thánh Ý Thiên Chúa, tôi vẫn chẳng trông thấy gì cả!” Mọi người nghe vậy thì bật khóc vì thương cảm. Bản thân ông cũng không tránh khỏi xúc động. Bầu khí như chùng xuống trong sự buồn đau của mọi người.
Thế nhưng, thật bất ngờ, nhạc sĩ đã cố trấn tĩnh lại, cất tiếng cười vang tràn đầy lạc quan: “Ơ hay, tôi đã bảo là xin vâng theo Thánh Ý Thiên Chúa cơ mà. Nào, xin mọi người hãy hát lên cho tôi bản nhạc mà tôi thích nhất, đó là bài “Những Điều Chúa Làm, Ngài Đều Biết Rõ!”.
Lạy Chúa
Xin cho chúng con biết vâng theo những soi sáng của Chúa qua từng phút giây của cuộc sống. Amen.
THỨ TƯ TUẦN THÁNH
Mt 26,14-25
“Thầy bảo thật anh em,
một người trong anh em sẽ nộp Thầy.” (Mt 26,21)
1. Tin Mừng hôm nay cho ta thấy tấm lòng của Chúa Giêsu trước việc Giuđa phản bội.
Ngài đau buồn: “Kẻ giơ tay cùng chấm dĩa với Thầy, đó chính là kẻ nộp Thầy” (Mt 26,23).
Ngài tiếc xót: “Khốn cho kẻ nộp Con Người. Thà kẻ đó đừng sinh ra còn hơn” (Mt 26,24). Các nhà chú giải bảo đừng dựa vào câu này để nói Chúa Giêsu muốn nguyền rủa Giuđa. Thực ra, Ngài đang nói theo giọng điệu của những bài ai ca.
Ngài vẫn tôn trọng: vừa trả lời thẳng cho Giuđa biết hắn là kẻ phản bội, vừa kín đáo không nói lớn kẻo người khác biết lòng dạ hắn.
Chúng ta hãy dừng lại một chút để suy gẫm về trường hợp của Giuđa.
Phạm tội là cả một quá trình từ nhẹ tới nặng.
Thương Trụ dùng ngà voi làm đũa. Cơ Tử thấy vậy, sinh lòng lo lắng, sợ hãi. Bởi vì, khi dùng đũa bằng ngà voi thì tự nhiên sẽ không dùng chén bát bằng sành sứ nữa, nhưng đương nhiên sẽ dùng bằng ngọc quí cho tương xứng. Một khi đã dùng chén ngọc, đũa ngà, thì tự nhiên sẽ không dùng món ăn thanh đạm, trái lại dùng đuôi voi, thịt báo cho tương xứng. Khi lương thực toàn là cao lương mỹ vị, quần áo và nơi ở tất phải thay đổi, không còn là vải thô, nhà tranh vách đất, nhưng phải áo lụa là, nhà cao cửa rộng. Cứ suy cho đến cùng, thì thiên hạ phải cùng khổ. (Trích Hàn Phi Tử thuyết lâm, quyển thượng)
Và lịch sử đã chứng minh Thương Trụ đã sa đọa và thiên hạ đã phải cùng khổ vì con người ấy như thế nào.
Đã có lần tôi nói: từ một điếu thuốc đến tật nghiện ngập, con đường tưởng xa nhưng lại rất gần. Từ một ngụm rượu uống cho vui cho đến tật say sưa, con đường tưởng là xa nhưng lại rất gần.
Hãy cẩn trọng đề phòng!
2. Tự do là một món quà vô cùng quý giá Chúa ban, nhưng đồng thời cũng là một trách nhiệm nặng nề và là một con dao hai lưỡi nguy hiểm. Không biết sử dụng tự do Chúa ban một cách hợp tình hợp lý thì chúng ta sẽ không lường được những hậu quả của nó.
Leonardo da Vinci vẽ bức tranh “Bữa tiệc ly” mất bảy năm liền. Đó là bức tranh vẽ Chúa Giêsu và 12 vị tông đồ trong bữa tiệc cuối cùng, trước khi Ngài bị Giuđa phản bội.
Leonardo phải mất rất nhiều thời gian và công sức trong việc tìm những người mẫu. Ông đã phải tìm trong số cả hàng ngàn thanh niên, mới chọn ra được một chàng trai với gương mặt thánh thiện, và với một phẩm cách thanh khiết tuyệt đối để làm mẫu vẽ Chúa Giêsu. Leonardo da Vinci đã làm việc không biết mệt mỏi suốt sáu tháng liền trước chàng trai, và hình ảnh Chúa Giêsu đã dần dần hiện lộ ra trên bức tranh.
Sáu năm tiếp theo, ông lần lượt vẽ xong 11 vị tông đồ, chỉ còn có Giuđa, tông đồ đã phản bội Chúa vì 30 đồng bạc. Họa sĩ muốn tìm một người đàn ông tương xứng. Hắn phải có một khuôn mặt để lộ ra sự hám lợi, lừa lọc, và cực kỳ tàn ác. Khuôn mặt đó phải toát lên tính cách của kẻ sẵn sàng bán đi người bạn thân nhất, người thầy kính yêu nhất của chính mình…
Cuộc tìm kiếm dường như vô vọng. Bao nhiêu gương mặt xấu xa nhất, độc ác nhất đã đi qua trước mắt nhưng ông vẫn chưa thấy đủ những biểu hiện cho một Giuđa độc ác. Thế rồi một hôm, Leonardo da Vinci được thông báo là có một kẻ mà ngoại hình có thể đáp ứng yêu cầu của ông. Hắn đang ở trong một hầm ngục ở Rôma. Hắn bị kết án tử hình vì giết người và nhiều tội ác tày trời khác…
Leonardo da Vinci lập tức lên đường đến Rôma. Trước mặt ông là một gã đàn ông với nước da đen sạm, mái tóc dài bẩn thỉu xõa xuống gương mặt. Khuôn mặt hắn thật xấu xa, hiểm ác, hiển hiện rõ tính cách của một kẻ hoàn toàn bị tha hóa. Đúng, đây là Giuđa!
Với phép đặc biệt của đức vua, người tù được đưa tới Milan nơi bức tranh “Bữa tiệc Ly” đang được vẽ dở dang. Mỗi ngày tên tù ngồi trước mắt Leonardo Da Vinci, và người họa sĩ thiên tài cần mẫn với công việc chuyển tải vào bức tranh diện mạo của kẻ phản phúc.
Khi nét vẽ cuối cùng đã hoàn thành, kiệt sức vì phải đối mặt với cái ác một thời gian dài, Leonardo Da Vinci quay sang bảo lính gác:
– Các ngươi đem hắn đi đi …!
Lính canh túm lấy y, nhưng hắn đột nhiên vung ra và lao đến quỳ xuống bên chân Da Vinci, khóc nấc lên:
– Ôi, ngài da Vinci! Hãy nhìn con! Ngài không nhận ra con ư?
Leonardo da Vinci quan sát kẻ mà sáu tháng qua ông liên tục nhìn mặt. Cuối cùng, ông đáp:
– Không, ta chưa từng nhìn thấy ngươi cho đến khi ngươi được đưa đến từ hầm ngục Rôma…
Tên tử tù kêu lên:
– Ngài Vinci … Hãy nhìn kỹ con! Con chính là người mà bảy năm trước ngài đã chọn làm mẫu vẽ Chúa Giêsu.
Câu chuyện này có thật.
Tương lai không hề định trước được. Chính chúng ta là người quyết định số phận của chúng ta. Hãy cẩn trọng trong việc sử dụng tự do Chúa ban cho mình.
THỨ NĂM TUẦN THÁNH
Ga 13,1-15
“Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy,
mà còn rửa chân cho anh em,
thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau.”
(Ga 13,14)
Hôm nay là ngày Thứ năm Tuần Thánh, ngày Chúa Giêsu ngồi thật gần các môn đệ của Ngài để mừng lễ Vượt Qua cổ xưa của người Do Thái.
Chúng ta tham dự vào bữa tiệc hôm nay để tưởng niệm đến cái chết và sự Phục Sinh của Chúa.
A. Trong Thánh lễ hôm nay, Giáo Hội còn muốn chúng ta nhớ lại giới luật yêu thương mà Chúa Giêsu đã đặc biệt trối lại như một lệnh truyền: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như chính Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34).
Chúa Giêsu đã chẳng có gia sản gì để trối lại cho các môn đệ của Ngài, nhưng Ngài lại để lại cho các môn đệ và những người đi theo Ngài một lời trối đặc biệt này. Đây là giới răn, là lệnh truyền chính Chúa nói ra cũng như đã thực hành trong phòng tiệc ly.
Ngài cũng không quên cho các môn đệ của Ngài biết lý do tại sao Ngài lại để lại cho họ giới răn yêu thương đó. Đó chính là vì Ngài đã yêu thương mọi người trước.
Thiên Chúa yêu thương con người. Đó là một điều hết sức lạ lùng.
Tiếc rằng, ngày hôm nay, nhiều người chưa thấy được điều đó. Thiên Chúa yêu thương con người. Ngài muốn được gần gũi với con người: “Thầy sẽ ở với chúng con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20)
Phần chúng ta, chúng ta có tin rằng, Thiên Chúa là Đấng thật sự đang yêu thương mỗi một người trong chúng ta hay không? Ngài yêu thương con người một cách sâu sắc và thân mật còn hơn cả tình yêu của bất cứ người mẹ nào yêu thương con mình, hay như bất cứ người tình nào yêu người yêu của mình.
Chỉ khi nào chúng ta xác tín được như thế, thì chúng ta mới có thể đáp trả lại tình yêu Chúa đúng phép.
Khi Chúa Giêsu nói: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới: anh em hãy yêu thương nhau” (Ga 13,34). Đây không phải là một điều luật được áp đặt lên trên chúng ta từ bên ngoài, nhưng đây là phương thức giúp cho cuộc sống của chúng ta được tốt đẹp hơn, hài hòa hơn.
Thế giới này sẽ tốt đẹp biết bao nếu giới luật này được mọi người đưa ra thực hành. Cuộc sống sẽ hạnh phúc biết bao khi không còn chiến tranh, không còn bạo lực, không còn độc ác, không còn nô lệ. Lúc đó mọi người sẽ được giải thoát khỏi sự hận thù và tranh chấp.
B. Một điểm khác cần được đề cập tới trong ngày Thứ Năm Tuần Thánh hôm nay: Đó là việc Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ. Chỉ có một mình Thánh Gioan ghi lại cảnh này: Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ của Ngài.
Cha Doncoeur đã diễn tả thật khéo sự việc này như sau “Hai tay (của Đức Kitô) đã khéo léo lau khô hai bàn chân của Phêrô với chiếc khăn ở thắt lưng. Ngài đứng hơi nghiêng xuống như một người đầy tớ, vai trò Ngài muốn đóng lấy lúc bấy giờ. Điều quan trọng không phải là rửa chân, nhưng là phục vụ các môn đệ và phá đổ đi cái tâm thức huênh hoang tự phụ đang còn bao trùm lên tâm trí của họ. Chúng ta hiểu tại sao mắt của họ như nói lên một nỗi bối rối, bởi lẽ trong họ một tấm kịch đang diễn ra” (Le Christ dans l’art francais, I, Paris, Plon, 1939, trang 104). Chúng ta sẽ không thể hiểu được cuộc khổ nạn trong Tin Mừng của Gioan, nếu không hình dung ra được màn kịch này và nếu không nhớ tới sự đảo lộn, đổi ngôi đang diễn ra trong tâm hồn của Gioan cũng như Phêrô, do một câu nói của Đức Giêsu như một lời cảnh cáo: “Nếu Thầy không rửa chân con, thì con không có phần nào với Thầy” (Ga 13, 8).
Quả thực, Đức Giêsu đã tự hạ, đã bước xuống chỗ thấp nhất. Tất cả đều trái ngược với những ý nghĩ mà xưa nay các ông có về Đấng Messia, đến nỗi các ông ấy cảm thấy như bị thách đố.
Chúng ta còn nhớ cách đây không lâu, Gioan đã chẳng mưu tính với anh mình là Giacôbê để vận động cho hai người ngồi hai bên tả bên hữu Đức Giêsu trong ngày Ngài được quang vinh hay sao? Thế mà bây giờ Đấng là “Chúa và Thầy” của các ông ấy lại ăn mặc như một nô lệ và đang phục vụ dưới chân các ông! Và còn kinh khủng hơn khi Ngài còn coi việc đó như một quy luật và bảo họ phải theo: “Thầy đã nêu gương cho anh em, để như Thầy đã làm như thế nào thì anh em cũng làm y như vậy” (13,15). Việc làm của Chúa quả thực là khó hiểu. Mãi “sau này” Gioan mới hiểu được điều đó (13,7). và ông đã phải viết lên “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,8).
Vâng! Để giải cứu con người, Thiên Chúa đã hạ mình như thế. Từ đây tất cả mọi sự đều thay đổi ý nghĩa: tự hạ trở thành “nâng cao”. Bước xuống chỗ thấp nhất là leo lên chỗ cao nhất. Tự huỷ của một tên nô lệ chính là sự siêu tôn Con Người.
Đó là con đường Chúa đã đi. Những ai muốn đi theo Ngài không có quyền đi ra khỏi đường đó.
THỨ SÁU TUẦN THÁNH
Ga 18,1–19,42
“Người xem thấy việc này đã làm chứng,
và lời chứng của người ấy xác thực” (Ga 19,35)
Hôm nay, chúng ta tưởng nhớ đến cái chết của Chúa Giêsu, Chúa của chúng ta.
Chúa đã chết…Chết như nhiều người đã chết.
Ngày 5/9/1997, cả thế giới bàng hoàng và xúc động khi nghe tin Mẹ Têrêsa chết, chết tại thành phố Calcutta, sau một cơn đau tim đột ngột, hưởng thọ 87 tuổi.
Ngay sau cái chết của mẹ, báo chí đã đưa lên trang nhất những hàng tít lớn: “Mẹ của những người nghèo khổ đã ra đi” – “Vị nữ thánh của những người cùng khổ không còn nữa” – “Vị nữ thánh giữa đời thường đã vĩnh viễn ra đi”.
Không phải chỉ thế giới đau buồn và cảm động trước cái chết của mẹ, mà nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới cũng bày tỏ lòng thương tiếc sâu sắc. Tổng thống Pháp Jacques Chirac đã gửi đến Calcutta bức điện chia buồn như sau: “Buổi tối hôm nay đã có ít tình yêu hơn, ít lòng trắc ẩn hơn và cũng ít ánh sáng hơn trên thế giới”.
Tổng Thống Mỹ Bill Clinton đã nói: “Mẹ là người luôn gây ngạc nhiên, một trong những vĩ nhân của thời đại này”.
Thủ tướng Tony Blair của nước Anh đã gửi đến Calcutta lời phân ưu: “Trong một tuần đầy bi kịch, thế giới lại càng buồn hơn vì một trong những người phục vụ nhiều lòng trắc ẩn nhất đã ra đi”.
Nước Albani, quê hương thứ nhất của mẹ tuyên bố “Cả nước sẽ để tang mẹ ba ngày”.
Tại Ấn Độ, nơi người Công giáo chỉ là thiểu số, thủ tướng Inder Kamar đã tuyên bố tổ chức lễ an táng mẹ tại sân vận động quốc gia New Delhi theo nghi thức quốc táng.
Vâng, đó là một cái chết, cái chết thật đẹp, đẹp còn hơn một giấc mơ. Ngày an táng mẹ, Đức Thánh Cha đã cử đặc sứ của Ngài tới. Rất nhiều nhà lãnh đạo đạo đời trên thế giới đã có mặt. Từ trước cho đến nay, chưa có nhà lãnh đạo nào trên thế giới này, được yêu thương đến như thế.
Mẹ Têresa đã chết.
Và gần 2000 năm trước Chúa Giêsu cũng đã chết.
Ngài đã chết, một cái chết mà Ngài đã báo trước: “Con Người sẽ bị nộp cho các Thượng tế và Kinh sĩ. Họ sẽ lên án xử tử Người và sẽ nộp Người cho dân ngoại. Họ sẽ nhạo báng Người, khạc nhổ vào Người, sẽ đánh đòn và giết chết Người” (Mc 10,33-34).
Một cái chết đau thương đến cực độ, cô đơn đến cực độ, nhục nhã đến cực độ. Chúa Giêsu đã chết không phải như một “vị thánh lìa đời” hay như “Mẹ của những người nghèo khổ đã ra đi” – “Vị nữ thánh của những người cùng khổ không còn nữa” – “Vị nữ thánh giữa đời thường đã vĩnh viễn lìa bỏ chúng ta”.
Cái chết của Chúa chẳng được nhà lãnh đạo nào trên thế giới bày tỏ lòng thương tiếc. Chẳng được một người nào trên thế giới gửi điện đến phân ưu, chẳng được quốc gia nào tuyên bố sẽ tổ chức tang lễ theo nghi thức quốc táng.
Một cái chết không có vòng hoa, chẳng có vòng cườm, và cũng chẳng có ai để tang.
Một cái chết không kèn, không trống, không người đốt cho một nén nhang, cũng chẳng ai thắp cho một ngọn đèn.
Vậy mà ngày hôm nay, hay nói đúng hơn, suốt hơn hai mươi thế kỷ nay, biết bao nhiêu con người đã, đang và vẫn còn phải ngậm ngùi, rơi lệ, không cầm được sự xúc động mỗi khi tưởng nhớ đến cái chết này.
Tại sao? Tại sao thế?
Câu trả lời: Vì đó là một cái chết đẹp, đẹp tuyệt vời. Không đẹp ở hình thức bên ngoài nhưng đẹp ở nội dung, ở ý nghĩa. Bởi vì đây là một cái chết của Con Một Thiên Chúa – đã tự nguyện hy sinh để chuộc tội cho cả loài người.
Với mẹ Têrêsa, cái chết của mẹ đã đẹp vì được cả thế giới tiếc thương. Cái chết của một con người đã dám dấn thân và trung thành với lý tưởng phục vụ trong yêu thương cho đến giây phút cuối cùng của cuộc đời – như lời mẹ đã từng hóm hỉnh tuyên bố sau một lần chết hụt như sau: “Tôi đã đến cổng Thiên Đàng nhưng thánh Phêrô bảo tôi: Trở lại đi con. Ở đây đâu có người nghèo khổ nào để con chăm sóc đâu, – thế là tôi trở lại – Đối với tôi, điều hạnh phúc nhất là có thể giúp cho người ta chết một cái chết xứng đáng với phẩm giá một con người”.
Còn cái chết của Chúa? Đây không phải chỉ là cái chết của một con người, nhưng là cái chết của Người Con Một, Người Con Duy Nhất của Thiên Chúa, một cái chết: Không chỉ đơn giản như một sự lìa đời nhưng là một cái chết để nói lên sự trung thành tuyệt đối với ý muốn của Thiên Chúa, là thái độ yêu thương của một người con sẵn sàng làm mọi sự Cha muốn – cũng như sẵn sàng trả giá cho sự vâng phục đó bằng một lòng trung thành không có gì lay chuyển nổi – cho dù có phải hy sinh, tủi nhục, đau khổ, bị bỏ rơi và nhất là phải chết trên Thập Giá.
Vâng! Chúa đã chết.
Chúng con cám ơn Chúa đã chết vì yêu thương chúng con.
Xin cho chúng con biết sống xứng đáng với tình thương của Chúa và mãi trung thành với hồng ân cao quí Chúa đã dành cho chúng con. Amen.
VỌNG PHỤC SINH
Ga 20,1-9
“Thật vậy, trước đó, hai ông chưa hiểu rằng:
theo Kinh Thánh, Đức Giêsu phải chỗi dậy từ cõi chết.” (Ga 20,9)
Trong suốt năm Phụng vụ, có lẽ không có giây phút nào cảm động và tràn ngập niềm vui thánh thiện cho bằng giây phút này. Đây không phải là lúc chúng ta làm sống lại những kỷ niệm của quá khứ mà là chúng ta sống Mầu Nhiệm hiệp thông với Chúa Giêsu, Chúa của chúng ta cách trọn vẹn nhất.
Trong nghi thức Phụng vụ Vọng Phục Sinh đêm nay, Giáo Hội hướng chúng ta về Lửa và Ánh sáng. Lửa và ánh sáng là hai yếu tố rất quan trọng và rất cần thiết trong cuộc sống của chúng ta.
Cách đây hơn 8.000 năm, con người chưa khám phá ra lửa. Không có lửa, cuộc sống con người thật tăm tối và bấp bênh.
Đầu thập niên 80, bên Mỹ người ta trình chiếu rộng rãi một bộ phim dị thường mang tựa đề là “Săn tìm lửa” (Quest for fire). Trong bộ phim này, nhà sản xuất đã cho người xem được chứng kiến một cảnh hết sức vui mừng khi người ta khám phá ra lửa lần đầu tiên trên trái đất này. Chính lửa đã giúp cho những con người trên hành tinh này khỏi bị tiêu diệt hoàn toàn.
Nếu không có lửa không biết cuộc sống của chúng ta sẽ ra sao.
Bên cạnh ngọn lửa, trong đêm cực thánh này Giáo Hội còn đề cao Ánh sáng.
Không có Ánh sáng, thế giới sẽ sống trong tăm tối. Ánh sáng giữ một vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ và phát triển của tất cả các tạo vật có sự sống trên trái đất này.
Bài Sách Thánh thứ 1 trong sách Sáng thế Ký chúng ta vừa nghe thuật lại việc Thiên Chúa tạo dựng nên vũ trụ. Không phải vô tình mà tác giả Sách Thánh đã đặt ánh sáng là yếu tố đầu tiên được Thiên Chúa tạo dựng nên trong chương trình sáng tạo của Người. Ánh sáng được tạo dựng nên trước tất cả mọi tạo vật khác kể cả con người. Tác giả Sách Thánh có lý do để trình bày thứ tự ưu tiên như thế.
Không có lửa và ánh sáng, giá lạnh và bóng tối sẽ ập xuống và tiêu diệt tất cả các mầm sống trên hành tinh trái đất này. Chúng ta không thể tưởng tượng được một cuộc sống mà không có lửa và ánh sáng.
Vậy thì khi Giáo Hội đem Lửa vá Ánh sáng vào đêm Vọng Phục Sinh mừng Chúa sống lại, Giáo Hội muốn cho chúng ta nhận ra sự thật này: Sự sống, nhất là sự sống đời đời của chúng ta lệ thuộc vào Thiên Chúa. Nếu con người không thể sống mà không có lửa và ánh sáng thì cuộc sống siêu nhiên của chúng ta cũng không thể có và không thể tồn tại nếu không biết lệ thuộc vào Thiên Chúa.
Nhiều người ngày hôm nay đã quên hay cố tình quên đi sự thật đó.
Vũ trụ này đã không phải tự nhiên mà có. Khoa học đã cho chúng ta thấy điều đó. Vũ trụ này đã có một sự khởi đầu.
Con người cũng không phải tự nhiên mà có. Thiên Chúa đã tạo dựng nên con người chúng ta, tạo dựng nên từ tro bụi.
Chính Thiên Chúa cho con người sự sống và chính Người gìn giữ sự sống của con người. Từ bụi đất Chúa đã làm nên chúng ta và vì yêu thương, Thiên Chúa cho chúng ta được chia sẻ sự sống của Người.
Tội lỗi đã làm cho sự sống của Chúa nơi chúng ta bị mất đi. Dù chúng ta có phản bội, tình yêu của Người vẫn tồn tại.
Một lần nữa, Thiên Chúa lại cho chúng ta thấy Tình yêu của Người. Người đã sai Con của Người xuống cõi trần ai làm người và chịu chết để chuộc tội cho chúng ta.
Bằng sự Phục Sinh của Đức Giêsu Kitô, Người muốn cho chúng ta được quyền chia sẻ lại sự sống của Người nếu chúng ta biết chết đi cho con người tội lỗi của mình, để phục sinh lại trong con người mới với Đức Kitô.
Chính sự Phục Sinh của Đức Kitô bảo đảm sự sống đời đời cho chúng ta.
Hãy sống lại với Chúa Giêsu trong con người mới: Con người thánh thiện, nhân từ, đầy lòng yêu thương, để xứng đáng với ơn Chúa cứu chuộc và Tình thương của Người.
Một thương gia theo Ấn giáo sống tại Ấn Độ, một lần kia đã hỏi một nhà truyền giáo Kitô Giáo:
– Ông có thoa cái gì trên mặt ông không mà lúc nào tôi thấy mặt ông cũng rạng rỡ thế?
Ngạc nhiên quá, vị giáo sĩ trả lời:
– Tôi có thoa gì đâu!
Ông nhà buôn nhấn mạnh:
– Có, chắc chắn mà! Tôi thấy hầu hết những người tin Chúa Giêsu đều có vẻ mặt tươi sáng tương tự như Ngài. Tôi đã thấy những người đó tại thành phố Agra và Surat và ngay cả thành phố Bombay này nữa.
Thình lình vị giáo sĩ hiểu ra và hối hả trả lời: “Bây giờ tôi hiểu ông nói gì rồi và tôi xin cho ông biết bí quyết của chúng tôi. Đây không phải là những gì chúng tôi thoa từ bên ngoài, nhưng là những gì phát xuất từ bên trong. Đó là sự phản chiếu ánh vinh quang Thiên Chúa trong lòng của chúng tôi.”
Hãy tin tưởng vào Chúa và hãy thanh thản bước đi an bình giữa một thế giới đầy dẫy những cạm bẫy và bất trắc này, vì Chúa Phục Sinh đang đồng hành cùng chúng ta trong cuộc sống này. Amen.
Lm. Giuse Đinh Tất Quý