Suy niệm Lời Chúa hằng ngày: Tuần III Mùa Vọng

 

CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG C
Lc 3,10-18

Kính thưa anh chị em,

Các bản văn Phụng vụ hôm nay nói nhiều đếnniềm vui. Nhưng tại sao lại vui như vậy? Thưa vì Chúa sắp đến. Cha Gutzwiller một nhà chú giải Kinh Thánh nổi tiếng có viết một câu rất đơn sơ nhưng ý nghĩa rất đẹp: Gặp được Chúa là gặp được niềm vui. Và trong bài Tin Mừng hôm nay Gioan Tẩy Giả sẽ chỉ cho chúng ta cách để chúng ta có thể có được niềm vui của Chúa.

A. Như anh chị em đã thấy, khi Gioan xuất hiện ở bên bờ sông Giorđanô để rao giảng thì có rất nhiều người tuốn đến với ông. Bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy trước mặt ông là cả một đám rất đông quần chúng. Đây là thành phần được Gioan Tẩy Giả dành cho những tình cảm đặc biệt. Ngoài ra, ta còn thấy có hai nhóm nhỏ hơi đặc biệt một chút. Đó là những người thu thuế và một số lính tráng, những thành phần không mấy được ưa chuộng, thậm chí còn bị liệt vào số những người tội lỗi cần phải tẩy chay. Nhưng tất cả đều cảm thấy có một khát vọng phải làm một cái gì đó sau khi được nghe những điều Gioan nói. Họ thành khẩn xin Gioan Tẩy Giả chỉ cho họ và Gioan đã không phụ lòng họ.

1. Đầu tiên là đám đông quần chúng Họ cảm thấy bị lay động một cách mạnh mẽ trước những lời Gioan giảng. Họ cảm thấy phải làm một cái gì đó như Gioan mong đợi.

2. Tiếp đến là những người lính.

3. Cuối cùng là những người thu thuế. Đây là giai cấp bị người Do Thái ghét cay ghét đắng và luôn tìm cách xa lánh.

B. Bây giờ chúng ta hãy nghe Gioan Tẩy Giả khuyên dạy.

1. Để được hiểu rõ hơn những lời Gioan Tẩy Giả nói, ta phải lưu ý một vài chi tiết này.

a- Trước hết ta thấy Gioan có đầu óc. Ông biết những gì cần phải nói và nói những việc có thể làm được.

Gioan cũng là người rất thực tế. Ông hiểu cuộc sống của từng lớp người. Ông hiểu những gì người ta có thể làm được. Ông không đòi hỏi những điều trên mây trên gió. Ông thấy được mỗi người cần phải làm gì trong chính hoàn cảnh cụ thể của mình. Đòi hỏi một điều mà người ta không thể thi hành được thì chẳng khác gì làm một việc vô ích.

b- Bây giờ chúng ta đi vào một vài chi tiết. Tin Mừng hôm nay ghi lại.

+ Với đám đông: Ông đòi hỏi họ phải biết chia sẻ. Họ phải thực hiện Bác ái. “Ai có hai áo,hãy cho người không có. Ai có của ăn cũng hãy làm như vậy”(Lc 3,11)

+ Với những người thu thuế ông bảo họ: “Các ngươi đừng đòi gì quá mức ấn định cho các ngươi”(Lc 3,13)

+ Với những người lính thì ông lại khuyên khác : “Đừng ức hiếp ai. Đừng cáo gian ai. Hãy bằng lòng với số lương của mình”(Lc 3,14)

c- Qua những lời nói trên chúng ta thấy Gioan xứng đáng là một bậc thầy. Rất khôn khéo và cũng rất tế nhị. Không gay gắt trong ngôn từ nhưng rất quả quyết và rỏ ràng trong hành động.

+ Với những người vốn đã có một đời sống tốt đẹp như đa số đám đông quần chúng là những người đã được luật Công Bình của Cựu Ước giáo dục và chỉ dẫn, thì ông khuyên họ hãy đưa cuộc sống họ lên cao hơn một bậc nữa. Đó là cuộc sống Bác ái. Đây là cuộc sống lý tưởng mà chính Chúa Giêsu sau này cũng đòi hỏi như thế.

+ Nhưng đối với những người mà hai tiếng Công Bình còn quá xa lạ với họ như những người lính và những người thu thuế lời khuyên của Gioan hơi khác. Ông không đòi hỏi những người thu thuế phải đoạn tuyệt với người Roma mà họ đang cộng tác. Ông cũng không đòi hỏi những người lính đang phục vụ trong đạo binh của Hêrođê phải đào ngũ. Họ cứ việc giữ nguyên nghề nghiệp của họ. Thế nhưng vì họ xin ông chỉ cho họ cách họ phải làm gì thì chúng ta thấy Gioan cũng chỉ đòi hỏi họ phải đưa cuộc sống của họ lên cao hơn một bậc. Ông đề nghị với họ hãy từ bỏ những cách cư xử thiếu Công bằng: “đừng đòi gì quá mức ấn định – đừng cáo gian ai – đừng ức hiếp ai”. Đòi hỏi quá mức – cáo gian – ức hiếp người khác – Cách cư xử đó chẳng khác gì cách cư xử của muôn loài cầm thú. Cư xủ như thế là cư xử theo luật rừng. Gioan khuyên họ hãy biết sống Công bằng đối với nhau: “Hãy bằng lòng với số lương đã được ấn định cho các người”

Đó là những lời khuyên rất cụ thể và thực tế cho những người đến xin ông chỉ dẫn. Còn đối với cá nhân của Ông thì sao?

C. Khi người ta hỏi ông về vai trò của mình, ông đã trả lời một cách rất sòng phẳng và thành thật, Ở điểm này thì chúng ta phải cảm phục sự thành thật của ông. Ông không lạm dụng lòng tin của quần chúng. Giữa lúc mọi người tin rằng ông chính là Đấng Kitô, Đấng phải đến thì ông lại bảo: Ông không phải là đấng đó. Đúng là một con người ngay thẳng. Có sao thì nói vậy. Có gì thì nhận nấy. Một lời cũng không thêm, nửa chữ cũng không bớt. Khó mà tìm được một con người như thế nhất là trong xã hội nghèo khó, dầy giai cấp của người Do thái lúc đó.

Ông cũng là một con người rất khiêm nhường. Ông tự ví mình như một người không xứng đáng dù là chỉ cúi xuống cởi dây dép cho Chúa.

Vâng! Ông thành thực, ông khiêm nhường. Ông không muốn gì cho ông. Điều mà ông muốn đó là làm cho người ta nhận ra Đức Kitô. Chính Ngài mới thật là Đấng có uy quyền. Ngài mới là Đấng rửa trong Thánh Thần. Gioan chỉ rửa bằng nước. Ngài mới là Đấng đến để thánh hóa những kể thống hôí ăn năn và trừng phạt những kẻ cứng lòng.

Như vậy Gioan cũng như Sophonia, các ngài chỉ là những ngôn sứ. Các ngài là những người chỉ đóng vai trò loan báo và dọn đường. Chúa Cứu thế mới là Đấng phải đến và đã đến như lời của các ông loan báo. Ngài đến để thực hiện lời hứa cứu độ cho cả loài người. Người là Tình yêu. Ai gặp được Ngài là gặp được niềm vui.

Cha John Diamond kể lại một câu truyện như sau:

Một hôm kia có một người chẳng ưa gì đạo hỏi một cô bé có đạo:

– Em có thể cho tôi biết Thiên Chúa của em ở đâu không ?

+ Xin ông vui lòng chĩ cho cháu biết chỗ nào không có Thiên Chúa!

– Thế Thiên Chúa của em có to lớn không?

+ Dạ có.

– Thế Thiên Chúa của em có nhỏ không?

+ Dạ có

– Làm sao mà lại vừa lớn vừa nhỏ như thế được?

– Vâng Ngài lớn đến nỗi cả bầu trời không chứa nổi. Nhưng lại nhỏ, nhỏ đến mức có thể ngự vào tâm hồn nhỏ bé của em.

Kính thưa anh chị em

Chúng ta sắp sửa lại mừng lễ Giáng Sinh của Chúa. Đây không phải chỉ là một việc làm ôn lại quá khứ mà là sống lại một biến cố trọng đại: Biến cố Thiên Chúa đã làm người vì chúng ta. Sự việc Ngài làm người quả đã làm cho mối tương quan giữa Ngài với con người hoàn toàn được đổi mới.

Một Thiên Chúa uy quyền cả bầu trời không chứa nổi nhưng lại có thể đến ngự ở trong mỗi tâm hồn nếu chính con người biết mở cõi lòng đón nhận. Nhưng làm sao để cho chung ta có thể có được Ngài? Lời của Gioan Tẩy Giả nói với dân chúng, nói với những người thu thuế và lính tráng cũng chính là những lời Chúa muốn mượn miệng lưỡi của Gioan mà nói với chúng ta. Không phải thay đổi nghề nghiệp, cũng không phải thay đổi hoàn cảnh mà là phải thay đổi cách sống…sống sao cho Công Bằng, cho Bác ái. Được như thế chúng ta sẽ xứng đáng với sự Giáng Sinh của Chúa, không cần phải bằng một con người xương thịt như thuở xưa, nhưng bằng Thánh Thần và ơn Thánh Hóa để chúng ta được sống một cuộc sống xứng đáng hơn, làm con người và làm con Thiên Chúa. Amen.


THỨ HAI TUẦN 3 MÙA VỌNG
Mt 21,23-27

“Vậy, phép rửa của ông Gioan do đâu mà có?” (Mt 21,25)

1. Chúa Giêsu bị chất vấn:

Ai chất vấn? “Các thượng tế và kỳ mục” (câu 23). Theo Mc 11,27 thì còn có cả các luật sĩ. Như thế, những người chất vấn Chúa Giêsu gồm đủ 3 thành phần của Thượng Hội Đồng Do Thái giáo, tức là những lãnh tụ cao cấp nhất của Đạo lúc đó.

Chất vấn về điều gì? Về quyền của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đã đuổi những người buôn bán (Mt 21, 12-13tt), sau đó đã chữa bệnh (Mt 21,14) và lại còn giảng dạy (Mt 21,23). Tất cả những việc đó Ngài lại làm ngay trong Đền thờ, tức là ở một nơi chính thức nhất, nơi mà người ta coi là lãnh địa riêng của những lãnh tụ tôn giáo Do Thái.

Ngài không phải là tư tế, không phải là kỳ mục và cũng chẳng phải là luật sĩ. Tại sao Ngài làm những việc đó, và làm ngay trong Đền thờ?

Động cơ của việc chất vấn: không phải chất vấn để tìm cho biết sự thật, mà chất vấn để bắt lỗi.

2. Phản ứng của Chúa Giêsu:

Chúa Giêsu không trả lời mà hỏi ngược lại những kẻ chất vấn Ngài. Câu hỏi của Chúa Giêsu khiến các thượng tế và kỳ mục phải bối rối. Sự bối rối đó cho chúng ta thấy lòng dạ cố chấp không muốn tìm hiểu sự thật của họ. Sự thật về phép rửa của Gioan chỉ có thể thuộc một trong hai trường hợp: hoặc do Thiên Chúa hoặc do loài người. Trả lời bằng cách nào đây? Bằng cách nào cũng bị kẹt. Trả lời là do Thiên Chúa thì Chúa sẽ hỏi lại tại sao họ không tin Gioan. Còn nếu họ bảo là do người ta thì họ lại sợ dân chúng vì lúc đó dân chúng ai cũng tin Gioan là tiên tri, có nghĩa là người của Thiên Chúa. Chính vì thế mà họ không dám trả lời.

Rất nhiều khi vì thành kiến hoặc do tà tâm ác ý chi phối mà chúng ta cũng rơi vào thái độ hẹp hòi rồi từ đó chúng ta cũng phải đối diện với những sự thật khó xử như thế.

Án Tử sắp sang xứ nước Sở. Vua Sở nghe tin thì bảo cận thần rằng: Án Tử là một tay ăn nói giỏi ở nước Tề, nay sắp sang đây, ta muốn làm nhục hắn một phen, các khanh có cách gì không?

Cận thần thưa:

– Đợi bao giờ Án Tử sang, chúng tôi xin trói một người, dẫn đến trước nhà vua.

– Để làm gì?

– Để giả làm người nước Tề.

– Cho là phạm tội gì?

– Tội ăn trộm.

Lúc Án Tử đến nơi. Vua Sở làm tiệc thết đãi tử tế. Rượu uống ngà ngà, bỗng thấy hai tên lính điệu một người bị trói vào.

Vua hỏi:

– Tên kia tội gì mà phải trói thế?

Lính thưa:

– Tên ấy là người nước Tề bị bắt vì tội ăn trộm.

Vua đưa mắt vừa nhìn Án Tử vừa nói rằng:

– Người nước Tề hay trộm cắp thế sao?

Án Tử đứng dậy, thưa rằng: “Chúng tôi trộm nghe cây quất mọc ở đất Hoài Nam, thì là quất ngọt, đem sang trồng ở đất Hoài Bắc, thì hoá quất chua. Cành, lá giống nhau mà quả lại chua, ngọt khác nhau là tại làm sao? Là tại thủy thổ khác nhau vậy. Nay dân sinh trưởng ở nước Tề thì không ăn trộm, sang ở nước Sở thì sinh ra trộm cắp. Có nhẽ cũng tại vì cái thuỷ thổ khác nhau nên đã hóa ra như thế chăng!

– Vua Sở cười nói: Ta muốn nói đùa mà thành phải chịu nhục. Thế mới hay kẻ cả không nên nói đùa bao giờ.

Vua Sở lập mưu làm nhục Án Tử nhưng không ngờ lại bị Án Tử quật lại thật nhục. Rõ ràng: kẻ cắp gặp bà già, vỏ quít dày có móng tay nhọn, quyết lòng ngậm máu phun người, bỗng đâu gió thổi máu rơi lại mình. Câu chuyện giữa Chúa Giêsu và những người chất vấn Chúa trong bài Tin Mừng hôm nay cũng như thế.

3. Vậy thì bài học hôm nay Chúa muốn dạy chúng ta là trong cuộc sống, chúng ta hãy cố gắng đối xử tốt với nhau, đừng lấy lời nói cay đắng, độc ác mà làm trò đùa châm chích ai bao giờ. Hơn nữa chúng ta cũng phải cố mà sống theo lẽ phải. Bởi chỉ có như thế, lương tâm chúng ta mới được vui và mới được Chúa chúc phúc.

Balaam là một thày bói ngoại giáo rất nổi tiếng. Ông được kẻ thù của dân Do Thái ba lần thuê mướn với lễ vật hậu hỹ, để ông đi trù ẻo những người Do Thái. Cả ba lần ông đi đều bị con lừa của ông phá đám không cho ông thực hiện công việc xấu xa đó. Ông đánh nó thì Chúa cho nó lên tiếng nói. Nó mắng lại ý đồ đen tối và sự tham lam của ông. Cuối cùng, ông đã nhận ra sự thật và khi đi đến doanh trại người Do Thái thay vì ông trù ẻo như kẻ thù mong muốn thì ông lại tuyên sấm ca tụng dân Do Thái. Hơn nữa, thay vì trù ẻo Balaam lại tiên báo một vì sao sáng sẽ mọc lên, một phủ việt của nhà vua sẽ xuất hiện: Đức Giêsu Kitô.

Chúng ta cũng hãy bắt chước Balaam để luôn biết nói lên những lời hay ý đẹp làm vui lòng mọi người để cuộc sống chung quanh chúng ta mỗi ngày được trở nên tốt đẹp và đầy tình người hơn. Amen.


THỨ BA TUẦN 3 MÙA VỌNG
Mt 21,28-32

“Tôi bảo thật các ông: những người thu thuế và những cô gái điếm
vào Nước Thiên Chúa trước các ông.”
(Mt 21,32)

1. Theo dụ ngôn của bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy hai người con đại diện cho hai lớp người trong xã hội Do Thái lúc bấy giờ:

– Một lớp người nhận ra mình tội lỗi và biết sửa lại lỗi lầm của mình,

– Lớp thứ hai thì tự mãn, nghĩ mình không có tội gì.

* Nghe Gioan rao giảng, những người tội lỗi và thu thuế đã nhận ra tội lỗi của mình và biết thống hối ăn năn; còn những người Pharisêu thì tỏ ra tự mãn, tự tin vào sự công chính của mình. Họ tưởng rằng, cứ giữ đúng luật bề ngoài là có quyền coi mình là người vô tội và họ cho mình quyền lên án, khinh chê kẻ khác. Chúa Giêsu đã lên án tội giả hình và tự mãn của họ.

Như vậy điều quan trọng không phải là phạm tội nhiều hay ít, mà là biết nhận ra tội lỗi của mình và sám hối ăn năn hay không. Lịch sử cứu độ là một tấm bi kịch giữa tội lỗi của con người và lòng thương yêu tha thứ không mệt mỏi của Thiên Chúa.

Thái độ tự mãn giống như những người Pharisêu ngày nay chưa phải là đã hết. Có nhiều người tưởng rằng, mình giữ được một mớ lề luật bề ngoài và làm được một số những việc lành phúc đức như đọc kinh xem lễ, hành hương, lần chuỗi vv.. là đã đủ, đã hoàn hảo tốt lành rồi, không còn cần thêm gì nữa. Nghĩ như thế thì có khác chi những người Pharisêu xưa. Cuộc sống như thế mới là cuộc sống ở trong nhà thờ chứ chưa phải là cuộc sống ở giữa đời. Cuộc sống như thế chắc chắn không phải là cuộc sống Chúa mong muốn: “Tôi bảo thật cho các ông biết, những người thu thuế và những cô gái điếm sẽ vào Nước Trời trước các ông vì họ đã tin”. (Mt 21,31)

2. Rồi khi suy gẫm bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta còn thấy Chúa muốn dạy chúng ta những bài học rất cụ thể cho cuộc sống mình:

* Trước hết là không được quá tự mãn về cuộc sống đạo và một số việc đạo đức bề ngoài của mình. Phải biết nhận ra những yếu đuối và tội lỗi sai trái của mình mà ăn năn thống hối, đó mới là điều quan trọng.

Thánh Đaminh một hôm nói cùng những người đang có mặt trong phòng bệnh của ngài:

– Tôi không hiểu được tại sao Thiên Chúa không khiến lửa trên trời xuống thiêu hủy cái làng này đi vì nó chứa chấp một người tội lỗi nhất trong thiên hạ! 

Họ nhìn nhau ngơ ngác:

– Phải chi chúng con biết được kẻ tội lỗi ấy là ai, để tìm cách lo cho họ được cải thiện.

– Người tội lỗi ấy chính là tôi!

– ????

– Phải, bởi vì nếu một người tội lỗi nhất trong thiên hạ được ơn Chúa dồi dào như tôi đã được, thì người đó đã nên thánh hơn tôi đây gấp ngàn vạn lần rồi.

* Thứ đến là tôi không có quyền khinh khi lên án ai cả, bởi vì họ có thể vào Nước Trời trước tôi. Và người phải ăn năn sám hối trước tiên chính là tôi chứ không phải ai khác.  

Cựu Tổng thống Nam Hàn, ông Roh Tae Woo đã khóc sướt mướt trên màn ảnh truyền hình quốc gia. Ông đã công khai thú nhận rằng, trong suốt nhiệm kỳ tổng thống của ông từ năm 1988-1993 ông đã tham lam công quỹ đến 645 triệu đô-la. Ông nói trong nghẹn ngào:

– Tôi cảm thấy vô cùng xấu hổ khi ra trước mặt quý vị. Tôi sẽ nhận tất cả mọi trách nhiệm của tôi, tôi sẵn sàng chịu mọi hình phạt.

Nhìn nhận và xưng thú tội lỗi của mình trước mặt mọi người xem ra không phải là chuyện bình thường đối với một nhà chính trị. Dù sao ông Roh Tae Woo cũng đáng được ca tụng như một người liêm sỉ, phải có đủ liêm sỉ mới dám công khai nhận tội như vậy.

* Và cuối cùng, là phải biết tha thứ. Chúa đã tha thứ cho tôi khi tôi biết sám hối, thì tôi cũng phải biết tha thứ khoan dung cho những người yếu đuối. Tôi phải khắt khe với chính mình và khoan dung với kẻ khác

Mẹ Têrêsa Calcutta kể: Ngày nọ có một ký giả hỏi tôi một câu khá kỳ lạ. Ông ta hỏi:

– Kể cả mẹ, mẹ cũng đi xưng tội ư?

Tôi đáp:

– Vâng, tôi đi xưng tội mỗi tuần.

Ông ta nói:

– Nếu tất cả quí vị đều phải đi xưng tội thì quả thực Chúa phải là một người quá đòi hỏi.

Tôi bèn nói:

– Con của ông đôi khi làm điều gì đó không đúng. Việc gì sẽ xảy đến khi con ông gặp ông và nói: “Bố ơi, con xin lỗi bố! Lúc đó ông sẽ làm gì? Ông sẽ đưa đôi cánh tay ra ôm choàng lấy nó và hôn nó. Tại sao? Vì đó là cách ông nói với nó rằng, ông yêu nó. Thiên Chúa cũng làm y như thế. Người yêu ông cách dịu dàng, âu yếm”.

Lạy Chúa, trong mọi sự, với mọi người, xin Chúa dạy con biết lắng nghe, biết nhạy cảm phán đoán theo ý tốt cho người khác và sẵn sàng tha thứ bỏ qua những lỗi lầm của họ với con, chỉ vì Chúa cũng luôn đối xử với con như thế, và còn hơn cả thế nữa. Amen.


THỨ TƯ TUẦN 3 MÙA VỌNG
Lc 7,18b-23

“Phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi.” (Lc 7,23)

1. Vâng! Chính Gioan Tẩy Giả mà còn nuôi trong đầu hình ảnh về một Đấng Messia đầy uy quyền sẵn sàng xét xử và trừng trị kẻ gian ác, huống chi chúng ta. Xét cho kỹ thì có lẽ chúng ta cũng thích hình ảnh về một Thiên Chúa uy quyền, một Giáo Hội hiển hách hơn là một Thiên Chúa cúi xuống mà phục vụ cũng như một Giáo Hội nhiều khi bị lép vế. Chính vì thế mà chúng ta thích khoe với người khác về cách tổ chức, về những hoạt động, những thành tích v.v. của đạo. Chúng ta tưởng rằng, làm như thế thì người ta sẽ mến yêu và kính trọng Thiên Chúa và Giáo Hội của chúng ta hơn.

Nhưng Đức Giêsu thì lại không muốn thế: Thiên Chúa mà Ngài trình bày cho mọi người là một Thiên Chúa nhân từ, yêu thương, tha thứ. Ngài muốn cho người ta thấy Ngài là Đấng cứu Nhân Độ Thế giàu lòng yêu thương. Mà quả thật, những hình ảnh loại này mới có sức cảm hóa và thuyết phục người ta.

Nói một cách cụ thể hơn, thay vì phô trương cho người ta thấy những nét huy hoàng của đạo, thay vì cãi nhau với người ta để tôn Giáo Hội lên, chúng ta hãy cho người ta thấy rằng, chúng ta và Giáo Hội chúng ta đang tha thiết muốn làm cho kẻ điếc được nghe, kẻ mù được thấy, kẻ què được đi, người bệnh được khoẻ, kẻ nghèo được ấm no, người khổ được an ủi v.v. Chúng ta có thể làm những việc đó qua dời sống của chúng ta.

Một nhà truyền giáo, lần đầu tiên đến Trung Hoa, giảng về Chúa Giêsu cho một nhóm dân bản địa. Khi ngài kết thúc, một người nói:

– Phải, chúng tôi đã biết ngài. Ngài đã sống ở đây.

Nghe thế, nhà truyền giáo liền nói:

– Không, Đức Giêsu sống ở nước khác, cách đây gần 2000 năm rồi.

Nhưng những người đó vẫn khăng khăng bảo:

– Chúng tôi đã thấy Chúa. Chúa đã sống trong làng này. Chúng tôi biết Ngài.

Rồi ông dẫn nhà truyền giáo đến nghĩa trang và chỉ cho nhà truyền giáo thấy ngôi mộ của một nhà truyền giáo khác, đã từng sống với họ, phục vụ họ và cuối cùng, an giấc nơi cộng đoàn của họ.

Mẹ Têrêsa đã có lần nói: “Hãy mở lòng, để Thiên Chúa làm thấm nhuần tấm lòng bạn bằng tình yêu thương. Chúa yêu thương bạn với tình yêu dịu hiền. Những gì Chúa ban tặng, không phải để bạn giữ lấy và khoá kỹ, nhưng để bạn cho đi.”

Chính mẹ là người đã cho thế giới thấy rõ hình ảnh về Đấng Messia luôn quan tâm đến việc cứu giúp những kẻ khốn khổ. Tiếc thay là mẹ Têrêsa không còn nữa! Thế giới thì vẫn luôn cần có những người như mẹ. Ước gì Chúa ban cho Giáo Hội những Têrêsa Calcutta khác. Và ước gì mỗi người chúng ta cũng là một Têrêsa Calcutta cho thế giới hôm nay.

2. “Hay là chúng tôi phải đợi một Đấng Messia khác?” (Lc 7,20) 

Ngày xưa, Gioan đã sai môn đệ ông hỏi Chúa như thế. Ngày hôm nay có lẽ cũng có nhiều người muốn hỏi Giáo Hội như vậy? Hay là chúng tôi còn phải đợi một Giáo Hội khác?

Vâng nếu Giáo Hội hôm nay không là một Giáo Hội cứu nhân độ thế, thì người ta sẽ đi tìm Đấng cứu nhân độ thế ở chỗ khác. Nếu cộng đoàn của tôi không phải là một nơi cứu nhân độ thế, thì người ta sẽ tìm đến những chỗ khác. Nếu tôi không phải là một người cứu nhân độ thế, thì dù tôi là Linh mục, tu sĩ hay Kitô hữu, tôi cũng chẳng có giá trị gì cho người mong đợi ở tôi và người ta sẽ đi tìm một người khác.

Trong quyển tự thuật Mahatma Gandhi, cha đẻ của chủ trương tranh đấu bất bạo động và là người đã giải phóng Ấn Độ khỏi ách thống trị của người Anh, người ta được biết: Trong những ngày còn là sinh viên, ông đã đi lại khá nhiều tại Nam Phi. Ông đã say mê đọc Kinh Thánh và vô cùng cảm kích về bài giảng trên núi của Chúa Giêsu. Chính Tám Mối Phúc Thật đã gợi hứng cho chủ trương tranh đấu bất bạo động của ông.

Mahatma Gandhi xác tín rằng, Kitô giáo là giải pháp cho mối ung nhọt phân chia giai cấp đang đục khoét xã hội Ấn từ bao thế kỷ qua. Ông đã nghĩ đến chuyện gia nhập vào Giáo Hội. Thế nhưng, ngày nọ, khi đến nhà thờ để dự lễ và để đón nhận vài lời chỉ dẫn, ông đã phải thất vọng. Ông vừa vào đến cửa nhà thờ thì những người da trắng đã chặn ông lại và nói với ông rằng, nếu ông muốn tham dự thánh lễ thì hãy tìm đến một nhà thờ dành riêng cho người da màu mà dự.

Mahatma Gandhi đã ra khỏi nhà thờ và từ đó trở đi ông đã không bao giờ trở lại bất cứ nhà thờ nào nữa.

Thế là Chúa mất đi một tín đồ nhiệt thành. Người ta nói rằng, nếu hôm đó ông được đối xử một cách nhân từ và rộng lượng thì ngày nay cả nước Ấn Độ có lẽ đã được biết Chúa.

Nhưng tiếc thay! Đã quá muộn.

Chúng ta xin cho chúng ta biết sống một cuộc sống như Chúa để thành chứng nhân cho Chúa trong thế giới hôm nay.

Lạy Chúa xin cho chúng con trở thành những cánh tay nối dài của Chúa. Amen.


NGÀY 17 THÁNG 12
Mt 1,1-17

“Giacóp sinh Giuse, chồng của bà Maria,
bà là mẹ Đức Giêsu cũng gọi là Đấng Kitô.”
(Mt 1,16)

1. Bắt đầu từ hôm nay 17-12 cho đến 24-12, Giáo Hội dành ra tuần bát nhật trong đó các bài đọc trong Thánh lễ được tuyển chọn cách đặc biệt để chuẩn bị gần cho Lễ Giáng Sinh và giới thiệu những nhân vật có liên hệ trực tiếp tới cuộc Giáng Sinh này. Bài Tin Mừng hôm nay trình bày Đấng sắp sinh ra là Con Thiên Chúa nhập thế đi vào lịch sử loài người để cứu loài người.

Chúa đã thực hiện việc cứu chuộc loài người bằng những việc loài người không thể ngờ được. Chúa đã không cứu loài người từ trời cao. Dĩ nhiên là Người có thể và dư uy quyền để làm được việc đó. Để cứu loài người Chúa đã nhập thể và nhập thế để từ đó Chúa đưa loài người sa ngã đứng lên. Chúng ta thấy cứu một người sắp chết đuối bằng cách từ trên bờ thảy cho người đó một chiếc phao sẽ không có ý nghĩa cho bằng chính mình nhảy xuống nước kéo người đó lên.

Một ông vua có vị thủ tướng rất tài giỏi học cao biết rộng. Một ngày kia vị thủ tướng trở thành tín đồ Kitô giáo và công khai hoá đức tin mình trước mặt dân chúng. Vị ấy thường làm chứng rằng, mình tin Đấng Cứu Thế đã đến thế gian để cứu những kẻ có tội. Nhà vua của vị thủ tướng này không hiểu được sự việc đó cho nên đã nói: “Trẫm là vua, nếu trẫm muốn thi hành điều gì thì chỉ cần truyền lệnh cho các thần dân là đủ. Lẽ nào Đức Kitô là Vua trên các vua mà lại tự hạ mình xuống thế gian này? Điều đó thật vô lý!”.

Nhà vua muốn cho vị thủ tướng ấy về vườn, vì tội đã dám tin theo Đức Kitô, nhưng nhà vua có lòng yêu mến ông lắm nên hứa rằng, nếu ông có thể giải nghĩa xuôi vấn đề này thì sẽ tha tội cho, không cách chức. Vị thủ tướng xin vua cho mình suy nghĩ trong 24 giờ rồi sẽ giải đáp. Vị này bèn sai tìm một người thợ mộc rất khéo léo làm một tượng gỗ giống y hình hoàng thái tử mới 2 tuổi và cũng mặc một thứ quần áo giống như của hoàng thái tử. Ngày hôm sau, vua cỡi thuyền rồng dạo chơi sông với thủ tướng. Thủ tướng đã dặn người thợ mộc hãy đứng trên bờ sông bên kia, hễ xa xa thấy một dấu hiệu của thủ tướng thì ném cái tượng gỗ ấy xuống nước. Vua ngồi trên thuyền thấy tượng gỗ ấy rơi tưởng là con mình ngã xuống sông, không kịp hỏi ai, liền nhảy ùm xuống nước, bơi ra cứu con.

Vị thủ tướng bèn hỏi lại vua sao không sai một đầy tớ nhảy xuống nước để vớt hoàng thái tử, mà chính vua lại nhảy xuống nước làm gì, đến nỗi gần phải chết đuối và ướt hết long bào. Vua trả lời:

– Đó là do lòng thương.

Vị thủ tướng liền tâu rằng:

– Cũng một lẽ ấy, Đức Chúa Trời là Đấng Thượng Đế dựng nên thần, nên đức vua và muôn vật, cũng không đành lòng sai ai xuống thế này để đem sứ mạng cứu rỗi cho loài người; nhưng vì lòng yêu thương của Ngài vô hạn, nên Ngài từ bỏ ngôi vinh hiển trên trời xuống trần gian mà cứu chúng ta. Đó cũng là do nơi lòng thương chúng ta vậy”.

2. Trong số các tổ tiên của Chúa Giêsu có những người tội lỗi, như “Ông Giuđa ăn ở với bà Tama” (câu 3), “vua Đavid lấy vợ ông Uria sinh ra vua Salômôn” (Mt 1,5b) v.v. Như thế kẻ lỡ phạm tội không hẳn là hoàn toàn biến mất mà kẻ tội lỗi vẫn có chỗ đứng trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa.

Có một thành viên trong Hội Đồng Giáo Xứ hiện đang rơi vào chuyện sa ngã tội lỗi, gây xôn xao trong họ đạo. Cha sở liền triệu tập các thành viên còn lại, rồi với tình yêu và thương xót, ngài trình bày lại đầu đuôi câu chuyện đáng buồn cho mọi người rồi ngài hỏi như thế này:

– Ví bằng chính các ông các bà bị cám dỗ như người anh em của chúng ta, quý vị sẽ làm gì?

Người thứ nhứt tin tưởng ở khả năng mình có thể đứng vững trong cơn cám dỗ, nói:

– Thưa cha, chắc chắn con chẳng bao giờ chịu nhương bộ trước tội lỗi đáng ghê tởm đó!

Mấy người khác cũng lần lượt lớn tiếng dõng dạc nói như vậy. Ai cũng muốn cho mọi người thấy mình là người đàng hoàng đạo đức, hoặc can đảm đối đầu với mọi chước cám dỗ xấu xa.

Sau hết, cha sở có vẻ vẫn chưa vừa ý, quay sang hỏi người cuối cùng trong Hội Đồng Giáo Xứ. Ông này vốn là người ít nói, chỉ lẳng lặng âm thầm chu toàn các việc nhỏ trong họ đạo. Ở cuộc họp, ông cũng luôn ngồi ở một góc phòng. Nghe cha sở hỏi ông đứng lên nhỏ nhẹ thưa:

– Thưa cha và mọi người, thú thật, tự đáy lòng con phải thú nhận rằng, nếu con bị cám dỗ và thử thách như người anh em đó, có lẽ con sẽ còn sa đọa hơn thế nữa.

Cả phòng yên lặng sững sờ. Cha sở gật gù bảo:

– Đây là người duy nhất có thể đi với tôi để nói chuyện với anh em lầm lạc đó, để cố gắng dìu dắt người ấy quay trở về với Chúa.


NGÀY 18 THÁNG 12
Thánh Giuse
Mt 1,18-24

“Khi tỉnh giấc, ông Giuse làm như sứ thần Chúa dạy
và đón vợ về nhà.”
(Mt 1,24)

Hôm nay chúng ta nói với nhau về một nhân vật mà chúng ta đã quá quen thuộc với Ngài. Đó là Thánh Giuse.

Ngay từ những giây phút đầu tiên của cuộc nhập thể, chúng ta đã thấy Thánh Giuse đã có mặt ở đó rồi.

Chúng ta thử hỏi lý do nào đã làm cho Giuse được Chúa ưu ái như thế?

1- Đọc trong bài Tin Mừng hôm nay chúng ta có thể tìm ra câu trả lời. Trước hết Thánh Giuse được Kinh Thánh gọi là “người công chính”. Danh hiệu “người công chính” theo Kinh Thánh phải được hiểu như thế nào?

a- Hình ảnh người công chính xuất hiện đầu tiên trong Kinh Thánh là hình ảnh về một con người biết chu toàn mọi giới luật của Thiên Chúa. Nói một cách khác: đó là những người sống phù hợp với Luật. Chúng ta biết là luật có một vai trò rất quan trọng trong đời sống tôn giáo. Người nào chu toàn Luật một cách trọn vẹn thì người đó sẽ được kể là người công chính. Hình như đây cũng là qui luật chung cho tất cả những ai muốn trở thành người đáng kính trọng trong xã hội loài người.

Tôi đọc trong lịch sử các vĩ nhân trên thế giới, tôi thấy có một người đã được cả thế giới biết đến và kính phục vì người ấy đã biết trung thành với những lề luật. Đó là thánh Gandhi.

Lịch sử thuật lại rằng: Hồi còn nhỏ khi ở trường về, vì sợ mẹ quở mắng cho nên ông đã nói dối mẹ một việc nhỏ thôi. Bà mẹ biết chuyện nên ngày hôm đó bà nhất định bỏ không ăn cơm. Gandhi hết lời van xin mẹ nhưng bà cũng nhất định không chịu. Ông van xin mãi thì được bà giải thích:

– Mẹ thà thấy con chết hơn là thấy con nói dối. Vì con nói dối là con tỏ ra con có một tâm hồn khiếp nhược. Có đứa con như thế là nỗi nhục cho mẹ, Mẹ không muốn sống nữa.

Thấy lòng mẹ cương quyết như thế, cậu bé Gandhi đứng lên đi thẳng xuống bếp, lấy một cục than hồng đặt vào lòng bàn tay của mình rồi trước mặt mẹ cậu hứa với mẹ như sau:

– Con thề với mẹ, suốt đời con sẽ không bao giờ nói dối nữa.

Mừng quá bà mẹ ôm chặt con vào lòng, vừa khóc vừa nói:

– Có thế mới là con của mẹ và mẹ mới có đủ can đảm mà sống với con.

Kể từ đó cho dến chết. Gandhi đã giữ lời…không bao giờ ông nói dối. Ông thường kể lại:

“Vết sẹo trên tay tôi là hình ảnh của mẹ tôi. Người không bao giờ rời khỏi tôi. Đó là vị thần phù hộ và nâng đỡ tôi để tôi luôn biết sống ngay thẳng và trọng danh dự”.

Đó là cách sống của một người công chính.

b- Thêm vào đó cũng theo Kinh Thánh thì người công chính còn là người đạo hạnh, là tôi tớ hoàn thiện và nhất nữa còn là bạn của Thiên Chúa. Đó là hình ảnh về một người công chính mà chúng ta có thể tìm thấy ở trong sách Stk 7,1;18,23, sách Châm Ngôn 12,10, sách Ez 18,5-26.

Chúng ta hãy nhớ lại một chút câu chuyện của Ađam và bà Evà. Lúc đầu mối liên hệ giữa Thiên Chúa và hai ông bà thật tốt đẹp. Nó chỉ xấu đi sau khi hai ông bà đã phạm tội. Kinh Thánh ghi lại: Cứ chiều chiều Thiên Chúa xuống bách bộ và đàm đạo với hai ông bà. Hỏi còn cảnh nào đẹp hơn thế, thân tình hơn thế. Chỉ tiếc rằng, những cảnh như thế không kéo dài mãi mãi.

Rồi sau đó đến tổ phụ Abraham, đến Moisen, đến các ngôn sứ.

Và sau cùng không một ai ngoại trừ Đức Mẹ Maria được gần gũi với Chúa…được Chúa đối xử thân tình như thánh Giuse. Giuse không chỉ là bạn mà Chúa còn chọn làm cha nuôi của Chúa Cứu Thế.

2- Bên cạnh hình ảnh một Giuse là người công chính tôi còn thấy ở nơi thánh Giuse một nhân đức rất đặc biệt này: Đó là lòng kính sợ Thiên Chúa cao độ.

Có thể nói tất cả các thánh đều là những người biết kính sợ Thiên Chúa. Sách Châm Ngôn gọi lòng kính sợ Thiên Chúa là cội nguồn mọi sự khôn ngoan.

Và tôi cũng có thể quả quyết với anh chị em là: mọi tội ác, thảm họa ở trên cõi đời này đều do sự thiếu lòng kính sợ Thiên Chúa mà ra.

Trở lại với đề tài của chúng ta… Chúng ta mở Kinh Thánh:

Abraham sẵn sàng tế lễ Isaac.

Moisen chấp nhận trách nhiệm giải phóng dân Do Thái ra khỏi Ai Cập.

Các ngôn sứ sẵn sàng chấp nhận sứ mệnh mà Thiên Chúa muốn ủy thác.

Đặc biệt là Giuse. Đọc lại những đoạn Tin Mừng có liên hệ đến Ngài, tôi có cảm giác như Ngài không còn là Ngài tí nào nữa mà đã hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa. Giữa lúc còn băn khoăn chưa hiểu được những gì xẩy đến cho Maria, Chúa bảo Giuse nhận Maria về nhà làm vợ. Giuse nhận.

Lúc Chúa Giêsu giáng sinh ở Bêlem… đang đêm, Chúa bảo đem Hài nhi và Mẹ người đi. Giuse đi.

Đang ở bên Ai Cập, Chúa bảo về… Giuse về. Hoàn toàn thuộc về Chúa.

Phải có một tâm hồn mến Chúa cao độ lắm mới có thể sống được như thế.

Lạy Chúa xin dạy chúng con biết sống công chính như Thánh Giuse. Amen.


NGÀY 19 THÁNG 12
Lc 1,5-25

Bà tự nhủ: “Chúa đã làm cho tôi như thế đó,
khi Người thương cất nỗi hổ nhục tôi phải chịu trước mặt người đời.”
(Lc 1,25)

1. Theo cái nhìn đức tin, và trong chương trình cứu độ của Chúa, thì mỗi người sinh ra đều có một ơn gọi, một sứ mệnh. – Không phải chỉ có các tổ phụ hay các đấng bậc có chức có vị trong Giáo Hội mới là những người có sứ mệnh nhưng là tất cả mọi người.

Tháng 7-1972 sau những tháng dài bị tra tấn trong trại lính, nơi ngài thi hành nghĩa vụ linh mục, cha Vania đã ngã gục dưới làn mưa đạn. Trong lá thư cuối cùng, ngài viết cho cha mẹ già có những dòng như sau:

“Cha mẹ yêu dấu! Thiên Chúa đã chỉ cho con một con đường phải theo. Con không chắc có thể còn sống để trở về với cha mẹ nữa không, bởi vì những cuộc tra tấn lúc này dã man hơn trước rất nhiều. Thế nhưng, con cũng không sợ, vì có Chúa ở cùng con. Xin cha mẹ cứ an tâm, đừng lo lắng, cũng đừng buồn sầu vì con. Rồi đây, cha mẹ cũng không còn nhận được thư của con nữa. Lúc này con yếu và kiệt sức lắm rồi. Con xin chào thăm cha mẹ trong tình yêu Chúa Kitô và trong sự bình an của Thiên Chúa Cha. Người ta cấm cản con không được rao giảng về Chúa Kitô nữa, và con phải trải qua nhiều khó khăn thử thách. Thế nhưng, con tuyên bố với họ là con sẽ tiếp tục rao giảng Tin Mừng và tình yêu Chúa Kitô. Đây là một sứ mệnh cao cả mà con hãnh diện được tiến bước theo mệnh lệnh của Chúa. Con không xấu hổ rao giảng về Chúa. Các phép lạ Chúa Giêsu làm đều được minh chứng rằng, có Thiên Chúa, do đó con vẫn tiếp tục gieo vãi hạt giống Tin Mừng, vì đó là điều Thánh Thần Chúa phán bảo con. Mười tháng sau, khi nghe con rao giảng về Chúa Kitô, một binh sĩ đã được ơn tin nhận Chúa và xin rửa tội. Điều đó giúp con rất nhiều và giúp con thêm bền lòng vững chí.

Thân ái chào cha mẹ yêu dấu, và có lẽ đây là lời chào cuối cùng, của con gửi đến cha mẹ trên trần gian này”.

2. “Sứ thần hiện ra với Giacaria và bảo: “Bà Êlisabeth vợ ông sẽ sinh cho ông một đứa con trai và ông phải đặt tên cho con là Gioan”. Giacaria thưa rằng: “Dựa vào đâu mà tôi biết được điều ấy? Vì tôi đã già mà nhà tôi cũng đã lớn tuổi” (Lc 1,13.18).

Giacaria muốn xin một dấu lạ. Việc xin một dấu lạ thực ra không có gì đáng trách cả. Moisen xưa kia đã từng xin Giavê một dấu lạ. (Xh 15,28). Tướng Gêđêon cũng thế, ông cũng muốn xin một dấu lạ khi thiên thần báo cho ông hay là Chúa đã chọn ông làm tướng cứu dân Israel. Ở đây, Giacaria cũng xin một dấu lạ nhưng ông đã bị phạt vì ông không đủ lòng tin.

Giacaria bị câm nín một thời gian nhưng sau đó hát lên bài ca nổi tiếng“Benedictus”. Đời sống đạo của mỗi người chúng ta cũng có thể có nét gì tương tự như vậy. Chính vì thế mà chúng ta phải biết luôn kiên trì trên con đường theo Chúa.

Sau những tháng năm làm đầy tớ cho một gia đình quí tộc, Sophie Beranska phải thất nghiệp.

Ngày kia, gia đình Hersten, một gia đình Do Thái thuê nàng về chăm sóc cho mấy đứa trẻ trong nhà họ. Ngay hôm đầu tiên khi biết được Sophie là người Công giáo, ông chủ đặt điều kiện là nàng không được “giảng đạo” cho con cái ông. Sophie nhận lời. Và chiều hôm ấy, lúc còn lại một mình trong phòng, nàng lấy một mảnh giấy nhỏ, viết một dòng chữ xếp lại và bỏ vào chiếc huy chương cha nàng để lại, rồi mang vào cổ. Lũ trẻ trong nhà nhiều lần đòi Sophie cho coi chiếc huy chương ấy nhưng nàng nhất định không cho: bí mật của đời cô mà!

Dưới sự chăm sóc chỉ bảo của Sophie, lũ trẻ trong gia đình của Hersten càng ngày càng trở nên nhu mì ngoan ngoãn. Cuộc sống đang lặng lẽ trôi qua thì một hôm, tai họa dồn dập xảy đến: Bé Naim đau nặng. Cả nhà cuống quít đưa đi bệnh viện. Sophie tình nguyện túc trực ngày đêm ở đó. Rồi thêm hai đứa nữa cũng ngã bệnh. Gánh đã nặng thì càng nặng thêm trên đôi vai Sophie. Tuy nhiên nàng vẫn tận tình phục vụ cách vui vẻ cho đến khi 3 đứa nhỏ trở lại bình thường. Rồi một hôm, kết quả của những ngày lao nhọc thức khuya dậy sớm, Sophie ngã bệnh và từ trần.

Hai năm trôi qua. Hôm nay là ngày giỗ của Sophie Beranska. Người ta thấy cả gia đình Hersten dậy sớm và cùng nhau đến một nhà thờ Công giáo dự thánh lễ. Phải chăng là phép lạ?

Không! Sau khi Sophie đã mất được ít lâu, tình cờ khi mở chiếc huy chương của nàng mà tụi trẻ đã vất lăn lóc từ lâu trong một hộc tủ, ông Hersten rút ra được một mảnh giấy trên có ghi dòng chữ: “Khi người ta cấm tôi nói về đạo của tôi, tôi quyết sống đạo của tôi trước mặt họ như một chứng tích hùng hồn”.

Ông hết sức bàng hoàng cảm phục. Rồi gia đình ông cũng thế. Và sau đó tất cả mọi người đều đến nhà thờ xin được học đạo và lãnh nhận bí tích Rửa tội.

Lm. Giuse Đinh Tất Quý