Suy niệm Lời Chúa hằng ngày: Tuần II Mùa Vọng

 

TUẦN II MÙA VỌNG

CHÚA NHẬT II VỌNG – NĂM C
Lc 3,1-6

Anh chị em thân mến.

Vào đời Chiến Quốc bên Trung Hoa, nhà du thuyết Tô Tần sang Nước Sở, phải đợi suốt ba ngày mới được vào ra mắt vua Sở.

Nói xong câu chuyện, Tô Tần xin cáo biệt đi ngay.

Vua Sở bảo:

– Quả nhân nghe tiếng tiên sinh quý như nghe tiếng một bậc danh nhân xưa. Nay tiên sinh đã không quản xa xôi, đến chơi với quả nhân, lại không chịu ở lại là cớ làm sao ?

Tô Tần thưa:

– Tôi xem ra thấy nước Sở này có đồ ăn đắt hơn ngọc, củi đắt hơn quế, quan khó được trông thấy như ma, vua khó được yết kiến như trời. Nay nhà vua muốn bắt tôi ở lại để ăn ngọc thổi quế, nhờ ma thấy trời hay sao?

Vua Sở khẩn khoản nói:

– Xin mời tiên sinh cứ ở lại, giờ thì quả nhân đã hiểu ra rồi.

Một đất nước mà vật giá đắt đỏ: “Củi quế gạo châu”, vua quan xa cách dân chúng, thì nhân dân trong nước khổ sở biết bao. Cái đáng khen của vua Sở là sau khi nghe Tô Tần bình phẩm về tình hình kinh tế chính trị của đất nước mình, thì ông liền nhận ra sai lầm và quyết tâm sửa chữa.

Mỗi lần Mùa Vọng đến, chúng ta lại có một “Tô Tần” xuất hiện để vạch ra những lỗi lầm của chúng ta và nhắc chúng ta sám hối canh tân. Đó chính là Gioan Tẩy Giả: “Có tiếng kêu trong hoang địa. Hãy dọn đường cho Chúa sửa lối cho thẳng để Người đi” (Lc 3,4).

Nếu Tô Tần là nhà du thuyết cho nước Sở, thì Gioan chính là ngôn sứ của dân tộc Do Thái. Ông đã thấy các nhân vật đạo đời: Từ hoàng đế Tibêriô đến quan tổng trấn Philatô, từ vua Hêrôđê, Philip, Lyxaria cho đến các vị thượng tế Hanna và Cai pha; lòng người đầy những khúc quanh lồi lõm, thung lũng hố sâu, núi đồi hiểm trở. Ông đã được Chúa sai đến để điều chỉnh lại.

Chính vì thế mà Ông đã mở đầu hoạt động ngôn sứ của ông bằng cách kêu gọi người ta mau mở đường đón Chúa: “Hãy sửa đường của Chúa cho ngay thẳng. Hãy lấp mọi hố sâu. Hãy bạt mọi núi đồi. Và mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa?”. Lời đó Gioan đã nói cách nay cả gần 2000 năm, thế nhưng nó vẫn còn thích hợp với người Kitô hũu hôm nay: Hãy mở cho Thiên Chúa một con đường vào chính lòng mình.

THẾ NÀO LÀ MỞ ĐƯỜNG CHO CHÚA?

Các nhà kinh tế và chỉnh trang lãnh thổ đều đồng ý rằng: Muốn phát triển những miền rừng rậm, hoang dã thì việc đầu tiên phải làm là mở đường. Đường mở tới đâu thì cảnh âm u, tiêu điều sẽ bị đẩy lùi dần tới đó. Dân chúng kéo đến lập nghiệp, sự sống bừng lên, văn minh lan tới. Nhờ giao lưu với những vùng đông dân cư, chấm dứt được tình trạng cô lập.

Người Kitô hữu cũng phải làm một việc tương tự: mở đường cho Chúa đến với chính mình để thoát khỏi tình trạng bị cô lập.

CHẤM DỨT TÌNH TRẠNG CÔ LẬP

Vâng! quả thực là đang có rất nhiều người trong chúng ta sống cô lập. Chúng ta là Kitô hữu mà nhiều lúc chúng ta sống như thể không có Chúa, hoặc không cần đến Chúa. Mình tự cô lập mình. Nhiều người sống trong tâm trạng: có Chúa cũng chẳng thêm gì, mà không có Chúa cũng chẳng thiếu gì. Vẫn sống được. Cuộc đời mình cứ việc diễn ra bên ngoài Chúa. Mà như vậy lại càng hay, bởi vì mình có thể sắp đặt cuộc đời mình theo ý mình muốn, sống như ý mình thích. Có Chúa nhúng tay vào thêm rắc rối, mình sẽ bị trói tay. Sống như vậy sẽ thật buồn thảm.

Thật ra thái độ cô lập đó là một sự tự sát. Con người không thể sống thiếu dưỡng khí. Thiên Chúa chính là dưỡng khí của con người. Thiếu dưỡng khí thì chết ngạt. Thiên Chúa chính là sự sống và là nguồn cứu độ của ta. Không có Chúa, sự sống của ta chỉ là sự chết trá hình và cuộc đời của ta chỉ là một cơn hấp hối kéo dài.

Để cho ánh sáng và sự sống của Chúa tràn tới. Chúa đến để giải thoát chứ không phải để trói buộc. Có Chúa thì mình mới sống thật tự do, thật viên mãn, vì chúng ta đã được Kitô hóa.

CHUYỂN HƯỚNG ĐỜI MÌNH

Vậy, nếu chưa có đường thì phải mở đường cho Chúa. Nếu đã có đường nhưng đường còn quanh co, gồ ghề thì cần sửa lại. Cuộc chuyển hướng này có thể diễn tiến theo từng giai đoạn.

Trước hết hãy can đảm thoát ra khỏi tình trạng tội lỗi. Có lẽ chúng ta chưa đến nỗi lâm vào tình trạng bế quan tỏa cảng nói trên, nhưng có thể lại mắc kẹt nhiều cách khác. Mình muốn đón Chúa, thấy cần đón Chúa, nhưng lại chưa sẵn sàng đoạn tuyệt với tội lỗi. Biết rõ tình trạng bắt cá hai tay đó không ổn, nhưng còn luyến tiếc lối sống cũ, chưa quyết tâm dứt bỏ. Còn bị giằng co, do dự giữa hai tiếng gọi trái nghịch. Sống như vậy là sống đã có sẵn một con đường, nhưng con đường đó chỉ là một con đường mòn chật hẹp, quanh co, lầy lội, đầy trở ngại. Đối với tình trạng giằng co này, lời Gioan Tẩy giả trong đoạn tin Mừng thật rất thích hợp: Hãy uốn nắn đường cho ngay thẳng, bạt chỗ cao, lấp chỗ trũng… để Chúa có thể đến được.

Đây là một thí dụ: Khi nhà danh họa Leonardo da Vinci vẽ bức tranh “Bữa Tiệc ly” của Chúa Giêsu, thì xẩy ra có chuyện bất bình với một người ông không ưa. Ông đã cãi vã với người đó và đã đi đến chỗ xô xát nhau. Sau cơn giông tố đó, ông vào phòng trong phòng làm việc của mình, cầm cọ lên định vẽ gương mặt của Chúa Giêsu, nhưng nghĩ tới nghĩ lui mà không thể phác họa nên được một nét nào. Ngồi mãi không vẽ được, buộc lòng ông phải quyết định làm một việc mà ông tin chắc nó sẽ giúp ông vẽ được gương mặt Chúa… Ông đặt cọ xuống, đi thẳng đến nhà người ông vừa ẩu đả và làm hòa với người đó. Sau đó, ông trở lại phòng làm việc, và vẽ được gương mặt Chúa dễ dàng.

Uốn nắn đường cho ngay thẳng, bạt chỗ cao, lấp chỗ trũng… để Chúa có thể đến được. Đó là những gì Gioan đề nghị với chúng ta.

Bước tiếp theo là cần khơi lửa mến lên trong lòng mình. Sạch tội đã là một bước tiến đáng kể, nhưng cũng vẫn chưa đủ. Có biết bao người sạch tội nặng, nhưng lòng vẫn nguội lạnh, hững hờ. Không xa Chúa hẳn, nhưng cũng chẳng gần Ngài bao nhiêu. Còn thiếu một nỗ lực tích cực hướng tới sự thánh thiện, còn sống theo thời vụ, mưa nắng đan xen, chưa thấy Thiên Chúa là niềm khao khát lớn nhất của đời mình, đồng thời cũng chưa thấy Chúa là nguồn cảm hứng vô tận của mình.

Trong những điều kiện như vậy chúng ta vẫn còn phải mở rộng đường cho Chúa đến, càng ngày càng rộng. Càng ngày càng khao khát Thiên Chúa nhiều hơn. Được tràn đầy Thiên Chúa bao nhiêu càng thêm khao khát bấy nhiêu. Như vậy cuộc đời mới được biến đổi thành một Mùa Vọng trường kỳ và liên tục.

Gioan đã nhắc lại lời ngôn sứ Isaia: “Mọi thung lũng, phải lấp cho đầy, khúc quanh co, phải uốn cho ngay, đường lồi lõm, phải san cho phẳng (Lc 3,5). Ông kêu gọi mọi người sửa sang đường sá, không phải chỉ là những con đường bằng sỏi bằng đất, nhưng chính là đường vào cõi lịng:

Phải lấp cho đầy những hố sâu tham lam ích kỷ hẹp hòi.

Phải uốn cho ngay những lối nghĩ quanh co, tính toán lệch lạc.

Phải san cho phẳng những núi đồi ngạo nghễ của tự mãn tự kiêu.

Phải bạt cho thấp những gồ ghề lồi lõm của bất công, bất chính.

Nếu sám hối là dọn đường của lòng mình, thì chúng ta hãy dẹp bỏ những chướng ngại của tâm hồn, để Chúa có thể đến và ngự lại trong đó.

Thiên Chúa chỉ có thể đến gặp con người trên những con đường ngay thẳng, phẳng phiu. Và ơn Cứu Độ của Người cũng chỉ ban cho những ai rộng tay đón nhận.

Lạy Chúa, thật là khó khi nhận mình lầm lỗi, và cũng không dễ dàng khi phải sửa chữa lỗi lầm.

Xin ban cho chúng con ơn sám hối, dám đi đến những hành động cụ thể, và can đảm chấp nhận cắt tỉa dù có phải đớn đau, để chúng con xứng đáng đĩn rước Chúa đến mang nguồn vui ơn Cứu Độ. Amen. (TP)


THỨ HAI TUẦN 2 MÙA VỌNG
Lc 5,17-26

“Mọi người đều sửng sốt và tôn vinh Thiên Chúa.” (Lc 5,26)

1. Chúa Giêsu tha tội trước khi chữa cho người bại liệt được khỏi vì theo Chúa tội lỗi cũng là một thứ bệnh. Hơn nữa, nó còn là một thứ bệnh nguy hiểm, nhiều khi còn nguy hiểm hơn cả bệnh phần xác. Lý do vì tội làm cho con người phải xa lìa Thiên Chúa nên không thể có hạnh phúc.

Tờ New York Times ngày 17.3.1994 có đăng câu chuyện có thật của một phạm nhân tên là Ricardo Caputo như sau:

Ông ta là một tội phạm nghiêm trọng của tòa án liên bang. Ông đã cưới và ăn ở với 4 người vợ trong suốt 20 năm trời và đặc biệt là ông đã giết chết cả bốn người vợ đó. Rồi bằng nhiều thủ đoạn khéo léo, ông đã trốn thoát khỏi tất cả những mạng lưới bao vây lùng bắt của pháp luật. Tuy nhiên sau 20 năm, ông ta đã tự ra đầu thú tại sở cảnh sát Mineola, New York. Bởi vì lương tâm ông cắn rứt làm ông không thể chịu nổi. Khi đầu thú, ông cho biết, ông thà bị giam cầm trong ngục còn sướng hơn bị lương tâm cắn rứt và tội lỗi dày vò.

Những câu chuyện như thế này không thiếu. Có thể nói là có rất nhiều.

2. Tin Mừng thuật lại: khi Chúa Giêsu thấy lòng tin của họ (nghĩa là lòng tin của những người đưa người bất toại đến với Chúa), Người đã làm phép lạ. Không có chi tiết cụ thể nào đề cập đến lòng tin của người bại liệt mà chỉ thấy nói đến lòng tin của những người bạn của anh ta. Họ đã khắc phục những trở ngại tưởng chừng như không thể vượt qua. Họ đã gan lì, đã thắng vượt mọi trở ngại bằng sự quyết tâm. Điều quan trọng là làm sao cho người bạn của họ được gặp Đức Giêsu. Họ đã sử dụng mọi phương tiện có trong tầm tay để cuộc gặp gỡ ấy được diễn ra.

Vâng, đó là lòng bác ái hết sức đặc biệt, một tình thương rất sáng ngời, những việc làm có sức lay động được cả trái tim của Chúa. Và kết quả tốt đẹp như thế nào thì Tin Mừng đã cho chúng ta hay.

Chúng ta hãy xin Chúa cho chúng ta cũng có được tấm lòng biết quan tâm đến những người khác chung quanh chúng ta, nhất là những người cần đến sự giúp đỡ của chúng ta như những người tốt bụng trong Tin Mừng hôm nay.

Xin được trích ra đây một câu chuyện có thực lấy từ Internet để mọi người chúng ta cùng suy nghĩ.

Tại một phòng cấp cứu khoa tim mạch, người ta mới chuyển đến một gã đàn ông tóc dài, râu tua tủa, vừa dơ bẩn vừa béo ị một cách bệnh tật. Ông khoác hờ hững một chiếc áo jacket bằng da đã cáu bẩn và rách tươm. Toàn thân ông toát ra mùi nồng nặc của rượu và mồ hôi, và nhất là cái mùi của những bãi rác mà ông thường lê la ở đó.

Thoạt nhìn thấy ông được đẩy vào phòng, những nữ y tá đã giật mình và bối rối nhìn nhau. Và dường như những y tá đang muốn nói với nhau qua ánh mắt của mỗi người:

– Không, tôi không muốn chăm sóc người này.

 Họ lấm la lấm lét nhìn Bonnie, người y tá trưởng vốn nổi tiếng nghiêm khắc và nguyên tắc. Ai cũng sợ bị phân công tắm rửa cho người đàn ông mới được chuyển vào. Bonnie nhìn quanh một lượt rồi quyết định một điều mà không ai có thể nghĩ đến:

– Đây sẽ là bệnh nhân của tôi.

Bonnie nhanh nhẹn mang găng tay cao su và một mình chuẩn bị xà phòng, thuốc sát trùng, dao cạo…

Dịu dàng và dè dặt, Bonnie vừa tẩy rửa, vừa giúp người đàn ông đáng thương này. Cô nhẹ nhàng nói:

– Vào những ngày lễ, chúng tôi rất bận. Nhiều khi việc vệ sinh cho các bệnh nhân cũng được làm qua loa. Ông hãy thư giãn cơ thể và cảm nhận làn nước mát này. Nó sẽ làm ông cảm thấy dễ chịu vì bệnh viện là nơi làm cho người ta thấy yêu cuộc sống hơn.

Thân thể người đàn ông đầy những vết sẹo nham nhở. Có thể ông đã nghiện rượu, nghiện ma tuý, đã từng tham gia trong các băng đảng… Bonnie vừa chùi rửa vừa cầu nguyện cho một linh hồn bị vùi dập trong cuộc đời khắc nghiệt.

Công đoạn cuối cùng của Bonnie là xoa sữa làm ấm cơ thể và thoa phấn trẻ em lên người bệnh nhân. Ngược với vóc dáng dữ tợn, khi úp mặt vào gối để được xoa bóp ở lưng, người đàn ông không giấu được sự cảm động. Ông tấm tức khóc. Khi quay lại, đột nhiên ông ta nhìn Bonnie với một ánh mắt xanh lơ đẹp kỳ dị:

– Cám ơn cô. Đã lâu lắm rồi, không có ai chạm vào người tôi một cách dịu dàng thế này! Dường như trái tim tôi cũng đang liền sẹo!

Mẹ Têrêsa đã có lần nói: “Nghèo khó, không chỉ là đói ăn thiếu mặc, mà còn là sự cô độc và thiếu tình thương.”

Lạy Chúa, xin thêm đức tin cho con, để chúng con có thể đến với những anh em của chúng con vì biết rằng, làm như thế là chúng con làm vui lòng Chúa, là chúng con góp phần làm nên những phép lạ cho cuộc sống này và làm như thế là làm cho trái tim của chúng con được trở nên giống trái tim Chúa hơn. Amen.


Ngày 08/12: ĐỨC MẸ VÔ NHIỄM

Hôm nay chúng ta cử hành đại lễ kính Đức Maria Vô nhiễm nguyên tội. Mầu nhiệm này đã được Đức Pio IX định tín ngày 8/12/1854 tức trước khi Đức Maria hiện ra tại Lộ Đức 4 năm.

Ngay từ thời nguyên thủy, Kitô giáo đã tin Đức Maria được ơn Vô nhiễm nguyên tội nghĩa là Đức Maria không bị vướng mắc vào một tội lỗi nào cả từ khi thụ thai trong lòng mẹ. Nói một cách khác, Đức Maria được sinh ra trong tình trạng không mắc tội tổ tông truyền và giữ được tình trạng vô tội đó suốt cả cuộc đời của mình.

Giáo huấn của Giáo hội về mầu nhiệm Vô nhiễm nguyên tội của Đức Mẹ rất phù hợp với giáo huấn của Thánh Kinh. Chẳng hạn trong bài đọc I hôm nay, Thiên Chúa nói với Satan: “Ta sẽ đặt một mối hiềm thù giữa mi và người phụ nữ, giữa giòng dõi mi và dòng dõi ng nữ.”

Người công giáo luôn coi người nữ đây là hình ảnh của Đức Maria và dóng dõi người phụ nữ chính là Đức Giêsu. Đức Maria và Chúa Giêsu đứng trên cùng một chiến tuyến đối nghịch với chiến tuyến bên kia là Satan và những đồ đệ của nó.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, thiên sứ nói với Đức Maria: “Hãy vui mừng vì cô được Chúa trời chúc phúc. Thiên Chúa ở cùng cô và cô có phúc hơn mọi người phụ nữ”

Câu này nói về chính mầu nhiệm ấy. Đức Maria phải được coi là người khác biệt với hết mọi người phụ nữ khác. Đức Maria cao trọng hơn hết mọi người phụ nữ.

Như vậy sự việc Thiên Chúa gìn giữ Đức Maria không mắc tôi lỗi nào, không có gì đáng ngạc nhiên vì Ngài đã được Thiên Chúa chọn làm mẹ của Con Thiên Chúa. Con của Thiên Chúa phải được sinh ra từ một người mẹ hoàn toàn vô tội chẳng phải là một việc xứng hợp sao?

Người công giáo của chúng ta luôn luôn có lòng sùng kính đặc biệt với Đức Maria dưới danh hiệu Vô nhiễm nguyên tội. Và vì thế mà ngày hôm nay chúng ta mừng trọng thể lễ Đức Maria Vô Nhiễm nguyên tội với một niềm vui đặc biệt và với một lòng biết ơn sâu xa.

Trong cuốn “Tiểu Sử Ðời Sống Của Thánh Don Boscô” có thuật lại một sự việc sau đây:

Hôm ấy là ngày 8 tháng 12 năm 1841, ngày lễ Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, Cha Don Boscô vị tân Linh Mục đang mặc áo sửa soạn dâng Thánh Lễ, bỗng từ trong phòng áo Cha nghe tiếng ồn ào từ phía ngoài cửa. Cha bước ra và gặp thấy Ông Từ coi phòng áo nhà thờ đang cầm chổi lông gà đánh đuổi một cậu bé nghèo ăn mặc rách rưới, chỉ vì cậu dám bén mảng đến phòng áo và lại không biết giúp lễ. Cha Don Boscô tỏ vẻ không bằng lòng và bảo ông Từ phải đi tìm cậu bé đem trở lại phòng áo cho Cha. Cha lại còn quả quyết rằng đó là bạn thân của Cha.

Một lúc sau, ông Từ trở lại phòng áo, dẫn theo cậu bé bị đánh đuổi. Cha bảo cậu ngồi đợi một chút, sau lễ ngài sẽ nói với cậu về một điều mà cậu sẽ rất vui thích. Có lẽ đó chỉ là cách Cha muốn bù đắp lại sự tàn nhẫn của ông Từ hoặc xóa bỏ đi những mặc cảm và ấn tượng xấu đã gây nên trong tâm hồn cậu.

Nhưng đường lối của Chúa còn đi xa hơn nữa, vì chính trong ngày lễ Kính Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội đó, Thiên Chúa muốn ngài khởi công một sứ mệnh Tông Ðồ cao cả vẫn còn hiện hữu cho tới ngày nay. Ðiều gì đã xảy ra trong cuộc gặp gỡ đó? Như lời đã hứa, sau lễ Cha bắt đầu cuộc đối thoại thân mật với cậu bé, đó là cậu Bartolômêo Galendy. Don Boscô bắt đầu bằng những câu hỏi thân mật từ gia đình cậu, cha mẹ cậu.

Cậu đáp lại là cả hai đều đã qua đời.

Cha hỏi tiếp về tuổi của cậu, về công ăn việc làm và nơi ăn chốn ở của cậu.

Với những câu hỏi đó, cậu chỉ đáp lại bằng tiếng “không” hơi cọc cằn.

Tuy nhiên, Cha vẫn không nản lòng. Sau cùng Cha hỏi:

– Con có biết huýt sáo không?

Mắt cậu sáng lên và cậu bắt đầu mỉm cười gật đầu. Ðó là điều duy nhất Cha mong ước. Cậu đã bị chinh phục và đã trở nên bạn thân của Cha. Từ đó, cha bắt đầu đối thoại bằng những câu hỏi về đời sống người công giáo của cậu. Ðáng thương thay, mặc dù cậu đã lên 16 tuổi nhưng mới chỉ được xưng tội lần đầu mà thôi. Còn về giáo lý thật không biết gì hết, vì không được ai chỉ bảo cho. Ngay cả đến việc làm dấu Thánh Giá và đọc một kinh Kính Mừng cậu cũng không biết. Và cha Don Boscô quì gối đọc kinh Kính Mừng phó thác cho Mẹ Maria và nhân danh Mẹ bắt đầu sứ mệnh Tông Ðồ của Cha, cầu xin Mẹ giúp Cha cứu rỗi linh hồn cậu bé này.

Trước khi cho cậu ra về, Cha tặng cậu một mẩu ảnh Ðức Mẹ và cậu hứa sẽ trở lại tuần tới đem theo chúng bạn của cậu để cùng được học giáo lý nữa.

Thời gian trôi qua, nhân dịp toàn thể Dòng Con Cái Don Boscô mừng kỷ niệm một trăm năm mươi năm cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa Don Boscô và cậu bé Bartolômêo Galendy, ngày khởi đầu sinh hoạt “Khánh Lễ Viện” mà Don Boscô là Vị Sáng Lập và cậu bé Bartolômêo là viên đá đầu tiên. Nơi cậu Bartolômêo, Don Boscô đã nhìn thấy trước hàng ngàn thanh thiếu niên bị bỏ rơi cần được nhận biết tình thương của Chúa và ngài đã hiến trọn đời mình để giáo dục niềm tin trong tâm hồn các em. Hơn nữa, ngài còn đào luyện các em trở thành tông đồ giữa chúng bạn, dẫn đưa chúng bạn về với Chúa qua đời sống bí tích và việc học hỏi giáo lý. Một trăm năm mươi năm đã qua và sứ mệnh tông đồ của Don Boscô đã được các con thiêng liêng của ngài tiếp tục tới ngày nay trên khắp Năm Châu. Hàng ngàn hàng triệu thanh thiếu niên qua nhiều năm đã nhận biết, yêu mến Chúa và dấn thân để Chúa cũng được nhận biết, yêu mến và tôn thờ.

Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa đã ban cho chúng con Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội, một tấm gương tinh tuyền và tràn đầy ơn thánh Chúa. Cám ơn Chúa đã làm phong phú Giáo Hội Chúa với ơn đặc sủng của Tu Hội Salésien. Xin Chúa chúc lành cho sứ mệnh tông đồ mà ngài đã hiến thân phục vụ đến hơi thở cuối cùng, để giới trẻ qua mọi thời đại và trong mọi môi trường văn hóa tìm được thầy chỉ dẫn, nhận được sự hiểu biết tình thương của Chúa và trở nên vị tông đồ khác giữa giới trẻ, dẫn đưa chúng bạn gặp gỡ Chúa, xa tránh tội lỗi và gìn giữ luôn mãi vẻ đẹp trong sáng của tâm hồn là bí quyết niềm an vui và hạnh phúc thật. Amen.


THỨ BA TUẦN 2 MÙA VỌNG
Mt 18,12-14

“Cha của anh em, Đấng ngự trên trời,
không muốn cho một ai phải hư mất.” (Mt 18,14)

Đây là câu chuyện về tình yêu của Thiên Chúa. Qua câu chuyện này chúng ta thấy được một ít nét về tình yêu của Ngài.

1. Tình yêu của Thiên Chúa là một tình yêu hết sức quảng đại.

Truyền thống Do Thái kể rằng: Để dạy cho Môisen bài học về sự yêu thương mà ông sẽ phải đem ra áp dụng với đoàn dân Chúa trao sau này, thì một hôm lúc ông còn đang lẩn trốn trong sa mạc, Chúa đã cho ông gặp một người chăn chiên. Ông đã sống trọn ngày với người chăn chiên này và giúp anh ta vắt sữa. Chiều đến, ông thấy anh ta đổ thứ sữa tốt ấy vào trong một cái bát lớn, đặt nó trên một hòn đá cách đó không xa. Môisen hỏi thì anh trả lời:

– Đó là sữa dành cho Thiên Chúa. Người chăn chiên trả lời.

Môisen tự cho mình có bổn phận phải giải thích cho thanh niên biết rằng, Thiên Chúa là Thần Linh. Người không uống sữa. Người thanh niên không muốn tin điều này cho nên sau một hồi tranh luận, Môisen gợi ý để cho anh đến núp sau bụi cây và rình xem Thiên Chúa có đến uống sữa của anh ta không… Đêm đó, người chăn chiên núp sau một bụi cây, dưới ánh trăng, anh nhìn thấy một chú chồn tơ đến liếm một cách thèm thuồng bát sữa của anh. Xong chú chồn chạy biến vào sa mạc.

Sáng hôm sau, Môisen gặp lại người chăn chiên trong trạng thái sa sút tinh thần. Môisen hỏi anh:

– Hình như anh có điều gì không ổn?

Người chăn chiên chậm rãi trả lời:

– Ông quả có lý! Thiên Chúa là Thần Linh, Người không thèm sữa của tôi.

Ngạc nhiên, Môisen nói lớn:

– Bây giờ anh đã biết Thiên Chúa hơn rồi! Đáng lý ra anh phải hài lòng và vui lên mới phải chứ!

– Vâng, anh ta đáp -Tuy nhiên, cách tốt nhất để cho tôi biểu lộ tình yêu đối với Ngài đã bị mất.

Lúc đó, được Chúa soi sáng, Môisen đã chợt hiểu.Ông rút lui vào nơi thanh vắng. Ông cầu nguyện thâu đêm. Đêm đó, Thiên Chúa hiện ra với ông và nói:

– Môisen, ngươi đã lầm! Ta là Thần Linh. Điều này rất đúng nhưng không phải vì thế mà Ta đã không ưa thích đón nhận bát sữa của người chăn chiên dâng lên cho Ta để tỏ lòng thương mến Ta. Tuy nhiên, bởi vì Ta không cần dùng sữa, Ta đã chia sẻ bát sữa ấy với chú chồn tham ăn kia!

Vâng! Tình yêu của Chúa là thế.

2. Tình yêu của Thiên Chúa là một tình yêu ch đợi và tha thứ:

Trong một nhà thờ ở Tây Ban Nha, người ta tôn kính một cây Thánh Giá cổ xưa mà cánh tay phải của Chúa tách rời khỏi đinh. Cây Thánh Giá này có lịch sử như sau:

Ngày nọ, một tội nhân “gạo cội” đến xưng thú tội mình dưới cây Thánh Giá này với tất cả dấu hiệu của một sự thống hối chân thật . Cha giải tội do dự ban phép tha tội cho ông ta vì các tội của ông ta nhiều và nặng. Tội nhân nài xin sự tha thứ .

 – Tôi ban phép giải tội cho ông, vị linh mục nói, tuy nhiên ông không được tái phạm nữa nhé!

 Tội nhân xin hứa và giữ được một thời gian. Nhưng rồi, vì yếu đuối ông lại sã ngã lại. Lòng thống hối thúc đẩy ông đến toà giải tội. Vị linh mục bảo ông:

– Lần này thì tôi không ban phép giải tội cho ông đâu!

– Con thống hối, – tội nhân đáp lời vị linh mục – con rất chân thành khi đoan hứa với cha, nhưng con yếu đuối! Xin hãy tha thứ cho con!

Cha giải tôi tha thứ và nói thêm:

– Đây là lần cuối cùng đó nhé!

 Một thời gian khá lâu sau đó, một phần theo thói quen, một phần vì yếu đuối, ông lại rơi vào vòng tội lỗi.

– Bây giờ thì dứt khoát! – vị linh mục bảo –  ông luôn rơi lại trong cùng một tội lỗi. Sự thống hối của ông không chân thành.

– Thưa Cha, con rất chân thành thống hối. Con sa ngã vì con yếu đuối. Con thẳng thắn, chân thực, nhưng con bệnh hoạn.

– Không, không còn sự tha thứ cho ông nữa.

Vào chính lúc đó người ta nghe có tiếng người khóc và có tiếng động phát xuất từ cây Thánh Giá: một cánh tay rời khỏi đinh, giơ lên và vạch trên đầu tội nhân dấu hiệu sự tha thứ, đồng thời có một tiếng nói: “ Ngươi, ngươi có đổ máu ngươi ra cho người này đâu!”

Lạy Chúa Giêsu,
sau hơn 30 năm sống dưới mái nhà ở Nazareth,
Chúa đã thành một người chín chắn và trưởng thành, sẵn sàng lãnh nhận sứ mạng Cha giao.

Bầu khí yêu thương đã góp phần không nhỏ
trong việc hình thành nhân cách của Chúa.
Chúa đã học nơi thánh Giuse sự lao động miệt mài, sự mau mắn thi hành Thánh ý Thiên Chúa, sự âm thầm chu toàn trách nhiệm đối với gia đình.
Chúa đã học nơi mẹ Maria sự tế nhị và phục vụ, sự buông mình sống trong lòng tin phó thác và nhất là một đời sống cầu nguyện thâm trầm.

Xin nhìn đến gia đình chúng con. Xin biến nó thành nơi sản sinh những con người tốt, biết yêu thương và tha thứ, biết cầu nguyện và phục vụ. Amen.


THỨ TƯ TUẦN 2 MÙA VỌNG
Mt 11,28-30

“Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề,
hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng”
(Mt 11,28).

1. Chúa phán: “Hãy đến cùng Tôi hỡi tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề” (Mt 11,28).

Vào thời Chúa Giêsu, đời sống của những người Do Thái rất nặng nề. Họ bị đặt dưới ách thống trị của những tập tục của tiền nhân và một hệ thống luật pháp đã bị làm biến chất không còn sức sống. Chúng ta hãy nghe một câu chuyện được ghi lại trong sách Korah:

Người láng giềng tôi là một bà góa. Bà có hai cô con gái và một mảnh ruộng. Khi bà bắt đầu cày thì Môisen (ý nói luật pháp Môisen) bảo bà: “Ngươi không được cày bò và lừa chung với nhau.

Khi bà bắt đầu gieo thì ông phán: “Ngươi không được gieo trong ruộng ngươi hai thứ giống.”

Khi bà bắt đầu thu hoạch ông bảo: “Ngươi không được mót lúa sót hay lấy lại những gì ngươi bảo quản.”

Bà bắt đầu đập lúa thì ông bảo: “Hãy giao cho ta của lễ phần mười lần thứ nhì”. Bà thuận và dâng hết cho ông.

Sau đó người đàn bà đáng thương kia làm gì? Bà bán đám ruộng, mua hai con chiên để hớt lông may áo với hy vọng nó đẻ con để kiếm lợi. Khi chiên sanh sản thì Aaron (đòi hỏi của thầy tế lễ) nói: “Hãy dâng cho ta con chiên đầu lòng của ngươi.” Bà chấp nhận đòi hỏi đó và trao nó cho ông.

Đến kỳ cắt lông chiên, bà hớt lông và Aaron lại đến: “Hãy trao cho ta lông chiên hớt đầu tiên của ngươi.” (Đnl 18,4).

Người đàn bà thầm nghĩ rằng: “Ta không thể chịu nổi ông này. Ta sẽ làm thịt chiên mà ăn.” Aaron lại đến và bảo: “Hãy trao cho ta cái bả vai, cái hàm và cái bụng.” (Đnl 18,3). Người đàn bà nói: “Ngay đến lúc tôi làm thịt nó, ông cũng không để tôi yên, thôi tôi sẽ dâng nó luôn.” Aaron bèn nói: “Trong trường hợp đó nó sẽ hoàn toàn thuộc về ta.” (Ds 18,4). Ông liền mang nó đi bỏ lại bà góa đang khóc với hai đứa con gái.

Câu chuyện kể trên là một thí dụ về những đòi hỏi triền miên của luật pháp đặt trên vai con người trong mỗi sinh hoạt và hành động của đời sống. Những đòi hỏi của luật pháp quả thật là một gánh nặng, nặng kinh khủng làm cho người ta không thể chịu nổi.

2. Còn khi Chúa Giêsu nói đến ách và gánh của Ngài thì Ngài có ý muốn nói đến việc sống theo giáo huấn Ngài ban.

Giáo huấn của Chúa là Giáo huấn được đặt trên nền tảng của hai chữ yêu thương (Ga 13,34). Bởi đó ai học với Ngài và sống theo luật yêu thương của Ngài thì sẽ cảm thấy êm ái, nhẹ nhàng (câu 30).

Thật vậy, tình yêu sẽ nhân lên gấp nhiều lần sức mạnh của nó. Khi còn yêu, thì gánh nặng cuộc đời có nặng mấy cũng chẳng đáng là chi. Ngược lại, khi đã hết yêu thì dù nhẹ mấy cũng trở thành nặng nề.

Có một ông chồng kia nhà nghèo, chỉ có chiếc xe đạp chở vợ đi chợ. Khi lên dốc cầu, người chồng gắt gỏng bảo vợ:

– Xuống dùm đi, lên dốc mà cứ ngồi ỳ ra đó sao!

Người vợ vui vẻ nói: “Ngày xưa mới quen em, mỗi lần lên dốc cầu này, em đòi xuống thì anh không chịu, cứ đạp boong boong, sao bây giờ lại ỳ ạch thế?”

Người chồng trả lời:

– Xưa khác, bây giờ… khác!

– Chắc anh mệt lắm nhỉ?

Chồng trả lời:

– Có phải trâu đâu mà không mệt!

Đúng là xưa khác và bây giờ khác. Xưa còn trẻ tình yêu còn mặn mà… Còn bây giờ thì!

Vậy khi Chúa Giêsu nói đến “Ách êm ái, gánh nhẹ nhàng thì điều đó không có nghĩa là gánh nặng dễ mang nhưng phải hiểu như thế này: khi gánh nặng được đặt trên vai chúng ta trong tình yêu, được mang trong tình yêu, và vì tình yêu thì gánh nặng sẽ trở nên nhẹ nhàng, rất nhẹ nhàng. Chính vì vậy mà một Rabbi kia đã nói: “Gánh của tôi đã trở thành một bài ca”.

Giêrêmia yêu một phụ nữ cao hơn anh rất nhiều. Tối nào anh cũng đưa người yêu mình từ sở về nhà và tối nào anh cũng rạo rực muốn hôn người yêu, nhưng lại rụt rè không dám xin.

Một lần, anh vận dụng hết can đảm, nói:

– Em cho phép anh hôn em nhé!

Cô gái không phản đối. Nhưng vì Giêrêmia quá thấp bé, nên hai người nhìn quanh tìm một cái gì đó kê cho anh đứng đủ cao. Họ phát hiện gần đó có một xưởng thợ rèn, có một chiếc đe vừa vặn cho Giêrêmia đứng lên. Thế là Giêrêmia được thỏa mãn lòng mong ước. Sau đó anh vác luôn chiếc đe theo mình. Anh vác rất hiên ngang dường như chiếc đe chẳng thấm thía gì với sức mạnh của anh.

Sau khi đi được thêm khoảng hơn nửa dặm, Giêrêmia lại nói:

– Cho anh hôn một cái nữa đi, em yêu!

– Không được” – cô gái trả lời – Em đã cho anh hôn khi nãy rồi. Tối nay như vậy là quá đủ.

Giêrêmia nói:

– Thế tại sao anh vác theo chiếc đe nặng trịch này mà em vẫn im lặng không nói gì?

Vâng khi yêu thì nặng mấy cũng thành nhẹ. Còn khi đã không yêu thì nhẹ mấy cũng thành nặng.

Lạy Chúa mỗi người trong gia đình chúng con biết yêu Chúa và yêu thương nhau!


THỨ NĂM TUẦN 2 MÙA VỌNG
Mt 11,11-15

“Tôi nói thật với anh em: trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ,
chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gioan Tẩy Giả.” (Mt 11,11)

1. Vâng! Quả là bài Tin Mừng hôm nay nói đến một con người đặc biệt, có sứ mệnh cũng đặc biệt. Con người đó là Gioan Tẩy Giả. Chúa Giêsu ca tụng ông vì ông có một số đức tính cao cả mà ít ai có được như ông.

Trước hết, ông là một người quả cảm không bao giờ chịu lùi bước và chịu thua sự dữ: “Các người đi ra sa mạc để coi cái gì? Cây sậy rung trước gió ư?”(Mt 11,7)Gioan không phải là cây sậy. Gioan đã dám đương đầu với sự xấu. Gioan không nể vua Hêrôđê khi khuyến cáo vua không được lấy vợ của người anh cùng cha khác mẹ với mình..

Thứ đến là ông dám hy sinh vì sứ mạng.

Một nông dân đi xe ngựa ra phố. Đến một cửa tiệm, ông dừng xe vào mua đồ. Ông vừa tới cửa thì con ngựa hí lên và bỏ chạy. Ông vội vàng chạy ra xiết chặt dây cương.

Con ngựa càng hoảng sợ hơn và chạy tứ tung trên đường, kéo theo người nông dân tội nghiệp. Dân chúng đổ xô ra xem, đến khi ghìm được ngựa thì người nông dân bê bết máu và thoi thóp thở. Một người nói:

– Sao mà ông dại dột hy sinh đời mình vì con ngựa và chiếc xe như thế?

Ông thều thào:

– Cứ nhìn vào trong xe thì biết!

Họ nhìn vào và thấy đứa con nhỏ của ông còn đang ngủ.

Người nông dân hy sinh vì đứa con. Gioan Tẩy Giả hy sinh vì sứ mạng. Vì sứ mạng, Gioan từ bỏ mọi sự để sống cuộc sống nghèo khó. Cuộc sống của ông rất đơn giản và đạm bạc: thức ăn là những thứ tìm được ở rừng, đồ mặc thì làm bằng những tấm da thú; dép ông mang ở dưới chân cũng như vậy.

Và sau cùng, ông dám lãnh nhận một sứ mệnh mà ông biết là rất khó khăn: “Các ngươi lên rừng xem gì? Xem một tiên tri ư? Ta bảo các ngươi: còn hơn cả một tiên tri nữa.”(Mt 11,9) Về ông đã có lời chép: “Này Ta sai sứ thần đi trước mặt ngươi để dọn đường cho ngươi”.

Vâng! Gioan quả xứng đáng với lời ca tụng của Chúa..

2. Thế nhưng Chúa lại nói thêm: “Kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn ông” (Mt 11,11).

Gioan cao trọng nhưng chỉ cao trọng hơn những người ở trần gian. Còn một thực tại khác cao trọng hơn. Đó là Nước Trời và những người được ở trong Nước đó. Sở dĩ Nước Trời có giá trị lớn lao như vậy vì có sự hiện diện của Chúa. Cho nên những người ở trong Nước đó dù có nhỏ cũng còn cao trọng hơn Gioan.

Nhưng ai là người xứng đáng được ở trong Nước đó? Chúa Giêsu đã chẳng dấu diếm gì những điều Ngài đòi hỏi: “Nước Trời phải dùng sức mạnh mới chiếm được”(Mt 11,12).

Trong một cuốn sách nổi tiếng viết cho giới trẻ, Đức Cha Tiamer Toth đã để lại những lời như thế này: “Nam tướng J. Eotvos, một nhà tư tưởng có tiếng của Hungary đã nói:

“Giá trị chân chính của con người không phải bởi trí năng, nhưng là bởi sức mạnh của chí khí”

Một mùa xuân, anh nông dân đứng bên cạnh thửa ruộng, đưa mắt nhìn những luống cày thân yêu đang phơi mình dưới ánh sáng và tự hỏi:

– Năm nay, hỡi mảnh ruộng của ta, mi có đem lại cho ta cái gì chăng?

Những mảnh ruộng kia lại trả lời bằng một câu hỏi khác:

– Nhưng thưa ông, trước hết ông hãy cho tôi biết ông định cho tôi cái gì đã?

Người bạn trẻ cũng dừng bước trước cánh cửa nhiệm mầu của đời sống và cũng hỏi một lời tương tự:

– Hỡi đời sống, mi có dành cho ta cái gì không? Cái gì sẽ chờ đợi ta từ năm này sang năm khác?

Nhưng đời sống sẽ đáp lại chàng trẻ tuổi:

– Hỡi anh, điều đó còn tùy ở những gì anh cho tôi, phần của anh sẽ được xứng với công việc của anh. Anh sẽ hái quả của hạt giống anh gieo.

Vào thời kỳ cấm đạo đẫm máu trong thế kỷ thứ nhất của đạo Thiên Chúa, một người dân quê tên là Barlaam bị bắt và bị dẫn ra trước tượng thần Jupiter.

Người ta giục anh: “Hãy bỏ hương vào lửa rồi dâng cúng cho Thần Linh chúng ta đi!”

– “Không”! Anh trả lời.

Người ta bắt đầu hành hạ anh, nhưng anh vẫn đứng im. Người ta nâng tay anh lên trên ngọn lửa, người ta nhét hương vào bàn tay anh và bảo anh chỉ có việc bỏ rơi hương xuống lửa:

– Hãy bỏ hương xuống, mày sẽ được tự do!

– Không.

Barlaam, người dân quê đó vẫn trả lời như thế. Anh vẫn đứng im, tay giơ lên… ngọn lửa bốc mạnh liếm hẳn vào bàn tay anh, hương bắt đầu bén khói, nhưng anh vẫn không động đậy… Bàn tay anh bị cháy xém với hương, nhưng Barlaam thà chịu chết vì Đạo còn hơn chối Chúa.

Vâng một quả tim quả cảm, biết chịu đựng! Đó chính là sức mạnh để chiếm Nước Trời.

Lạy Chúa, chúng con là những kẻ yếu đuối. Xin nâng đỡ gia đình chúng con bằng cánh tay mạnh mẽ của Người. Xin cho chúng con biết vươn mình lên, mặc cho những sóng gió tung hoành, để đáng được ở bên Người và được Người chia sẻ vinh quang. (Epphata)


THỨ SÁU TUẦN 2 MÙA VỌNG
Mt 11,16-19

“Tụi tôi thổi sáo cho các anh,
mà các anh không nhảy múa. (Mt 11,17)

1. Phải nói rằng, thời đại nào cũng có những người như Chúa nói đến trong bài Tin Mừng hôm nay. Nhiều người có lối sống đạo ngược đời: chỉ muốn Chúa theo ý mình chứ không để ý đến việc tìm theo ý Chúa.

Nếu quả thực chúng ta cũng sống như thế thì đâu còn là theo đạo hay đi đạo của Chúa nữa. Hãy coi chừng kẻo chúng ta sẽ bị xếp vào loại Đức Phaolô VI gọi là những người Công giáo không có Thiên Chúa.

2. Ngày xưa người ta gọi những người đi theo Chúa là Kitô-hữu. Kitô-hữu là người có Chúa Kitô trong mình. Có Chúa Kitô cũng có nghĩa là luôn biết sống theo Ngài. Nhưng việc sống cho Chúa và sống như Chúa quả không phải là việc dễ dàng.

Đại văn hào Rabbindranath Tagore mặc dù không phải là người Công giáo nhưng ông rất yêu mến Chúa Giêsu. Đây là câu chuyện ông viết ra để cho người ta biết khi theo Chúa thì người ta phải sống như thế nào.

“Sáng hôm nay, con được làm bạn đường cùng đi với Chúa về làng. Con cứ thắc mắc mãi: ở nhà quê thì có cái gì vui đâu mà lại đi tổ chức… du lịch?

Vậy mà ngang qua một bờ đê, Chúa đã dừng lại để lội xuống ruộng, đón lấy tay cầy đằng sau con trâu gầy còm của một bác nông dân. Rồi Chúa lại còn cùng tát nước với họ vào một mảnh ruộng khác đang khô nước. Chúa làm một cách say mê vui vẻ trong khi nắng đã lên cao, trời nóng dần đến mức như đổ lửa… Con cũng đành phải làm theo Chúa mà miệng thì cứ lẩm bẩm: đúng là đang đâu lại đi chuốc vào thân những vất vả cực nhọc! Rõ khổ!

Đến quá trưa, Chúa chia tay với những người dân cầy chất phác và vui tính sau khi uống một bát nước vối họ mời. Chúa quay lại bảo con: “Nào, chúng mình về một khu ngoại thành đi!” Con cứ ngỡ Chúa sẽ vào một quán nước có máy lạnh dành cho khách du lịch để nghỉ ngơi…

Vậy mà, vừa gặp một tốp thợ đang thi công một đoạn quốc lộ, Chúa lại ghé vào, xắn tay áo xin cùng làm với họ. Chúa cũng xúc đá, cũng gánh sọt cát trên vai hoặc lăn một thùng hắc ín đến lò nấu dã chiến bên vệ đường với họ… Cứ thế, Chúa vừa làm vừa trò chuyện thân tình với họ, mặc cho mồ hôi muối túa ra ướt đẫm cả lưng áo. Con lại cũng đành phải làm theo Chúa, cố tình chọn một việc nhẹ nhất cho đỡ mệt. Hơi sức đâu mà đánh liều với thứ công việc khổ sai như thế.

Sập tối, Chúa chia tay với cánh thợ bộc trực và gân guốc, sau khi rít một điếu thuốc rê với họ. Chúa lại bảo con đi tiếp đến một thị trấn nhỏ gần đó. Con cứ ngỡ phen này Chúa sẽ tìm một khách sạn để nghỉ ngơi và dùng cơm tối… Đói bụng lắm rồi còn gì.

Thế mà khi ngang qua một vùng ven thị trấn, Chúa lại bảo con ghé vào thăm một làng phong. Ở đây, Chúa đã ngồi xuống bên những bệnh nhân tật nguyền, xúc cơm, đổ thuốc, lau mặt, thay áo cho họ, mặc cho những vết thương lở loét của họ bốc lên mùi hôi tanh ghê sợ. Chúa còn đến tận giường để an ủi nâng đỡ một cụ già đang hấp hối sau cả một đời gánh chịu căn bệnh đau đớn cùng với những nỗi tủi nhục vì bị con cháu và xã hội xua đuổi. Con cũng đành phải làm theo Chúa, nhưng chỉ là phụ giúp giặt khăn, rót nước hoặc lấy bông băng đưa cho Chúa mà thôi.

Mãi đến khuya, Chúa mới chịu chia tay với những người phong cùi sau khi vuốt mắt cho cụ già vừa qua đời.

Về lại thành phố, con đang thầm lo: không biết Chúa còn định đi những đâu nữa đây, khổ quá đi mất! Du lịch mà cứ như là một chuyến công tác xã hội từ thiện. Biết vậy, hôm nay con đã chẳng nhận lời theo Chúa đi lang thang vật vã như thế này.

Thế rồi, ngang qua một nguyện đường nhỏ bé của một dòng tu, Chúa bảo con: “Mình cùng vào cầu nguyện một chút nhé” Con thở phào yên tâm. Nhưng tối khuya thế này, ai mà mở cửa cho vào? Không ngờ Chúa dừng lại trước cánh cửa lớn nhà thờ, quỳ xuống thềm và bắt đầu cầu nguyện với Thiên Chúa là Cha của Ngài: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha giấu không cho các người khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha…” (Lc 10,21)

Đến lúc này thì con mới chợt hiểu tất cả… để lặng lẽ quỳ xuống bên Chúa, lòng bật lên lời tâm nguyện:

“Con cố gắng cúi mình khiêm nhu,
xuống dấu chân nơi Ngài dừng lại
nhưng sâu hút vô ngần Ngài ơi,
vẫn không sao chạm được…”(Thơ R. Tagore)

Vâng! Chúa Giêsu đã có lần tuyên bố: Ta là đường, là sự thật và là sự sống. Con đường Giêsu là con đường không dễ đi, nhưng ai dám đi vào con đường đó thì sẽ gặp được sự thật có sức mạnh giải phóng khỏi những mê muội lầm lạc và nhất là sẽ có được sự sống sung mãn ở đời này và sự sống vĩnh cửu mai sau. Amen.


THỨ BẢY TUẦN 2 MÙA VỌNG
Mt 17,10-13

“Nhưng Thầy nói cho anh em biết:
ông Êlia đã đến rồi mà họ không nhận ra,
lại còn xử với ông theo ý họ muốn.” (Mt 17,12)

1. Lời Chúa chúng ta vừa nghe, mở ra cho chúng ta một cách nhìn và đánh giá mới về các biến cố. Hãy biết nhìn các biến cố theo tinh thần của Chúa muốn.

Gioan Tiền Hô tuy không mang tên là Êlia, nhưng ông lại là hiện thân của Êlia. Ông xuất hiện trong vai trò của Êlia. Ông đã sống và đã nói lên tinh thần của Êlia.

Như vậy có thể nói: Gioan Tiền Hô là Êlia mới. Và nếu Êlia xuất hiện, thì Đấng Thiên Sai và “Ngày của Giavê” mà dân Chúa hằng mong đợi cũng đã bắt đầu. Chính bản thân của Gioan Tiền Hô đã là một dấu chỉ, là một thời điểm.

Vâng! Đấng mà Gioan loan báo: Ngài đã đến rồi. Đó là Đức Giêsu Kitô Chúa của chúng ta.

Chúng ta đã biết rõ nơi Ngài đã sinh, những nơi Ngài đã sống.

Chúng ta đã biết những lời Ngài đã dạy dỗ chúng ta.

Chúng ta đã biết những việc Ngài đã làm, những đau khổ Ngài đã chịu.

Chúng ta đã biết cái chết đau thương của Ngài ở trên cây Thánh Giá.

Chúng ta đã biết sự Phục Sinh vinh hiển của Ngài.

Trước khi về trời Ngài còn tuyên bố một lời mà tất cả chúng ta vẫn còn nhớ: “Thầy sẽ ở với chúng con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20)

Đức Giám mục Curtis giáo phận Wilington và Đức Hồng Y Newman là hai người bạn thân thiết. Cả hai trước kia là Anh giáo, nhưng đã trở lại công giáo. Một bữa nọ, Đức Curtis đến thăm Đức Hồng Y. Trong câu chuyện, Đức Hồng Y cho biết Ngài đã được đặc ân của Tòa Thánh giữ Mình Thánh Chúa trong nhà ngài ở. Ý nghĩ Thiên Chúa ở với các ngài trong cùng một nhà đã gây xúc động nhiều cho Đức Curtis, nhưng khi Đức Hồng Y mời ngài ở lại đêm với mình, ngài từ chối và nói: “Con sẽ không chợp mắt được tí nào trong đêm, nếu con nghĩ và biết rằng Chúa đang ở cùng một nhà với con”.

2. Chúa đã đến, nhưng chúng ta đã gặp được Chúa chưa? Muốn gặp được Chúa tôi phải làm gì?

Trong kho tàng truyện ngụ ngôn của người Tây Phương có câu chuyện này:

Vào buổi sáng nọ, bác thợ giầy thức dậy thật sớm. Bác quyết định sửa soạn chiếc xưởng nhỏ của bác cho tươm tất rồi vào phòng chờ cho được vị khách quí. Và người khách đó không ai khác là Chúa, bởi vì tối qua trong giấc mơ, Ngài đã hiện ra và báo cho bác biết Ngài sẽ đến thăm bác trong ngày hôm sau.

Người thợ giầy ngồi đợi, tâm hồn tràn ngập hân hoan. Khi những tia nắng vừa rọi qua khung cửa, bác đã nghe được tiếng gõ cửa. Lòng bác hồi hộp, sung sướng, hẳn là Chúa đã đến. Bác ra mở cửa. Thế nhưng người đang đứng trước mặt bác không phải là Chúa mà là người phát thư.

Sáng hôm đó là ngày cuối đông. Cái lạnh đã khiến mặt mũi, tay chân người phát thư đỏ như gấc. Người thợ giầy không nỡ để ông run lẩy bẩy ngoài cửa. Bác mời ông ta vào nhà và pha trà mời khách. Sau khi đã được sưởi ấm, người phát thư đứng dậy cám ơn và tiếp tục công việc.

Người thợ giầy trở vào phòng khách chờ Chúa. Nhìn ra cửa sổ bác thấy có một em bé đang khóc sướt mướt trước cửa nhà. Bác gọi em bé đó lại để hỏi cho biết lý do. Nó mếu máo cho biết đã lạc mất mẹ và không biết đường về nhà. Người thợ giầy lấy tờ giấy viết vài chữ để trên bàn, báo cho người khách quí biết là mình phải đi ra ngoài.

Nhưng tìm đường dẫn đứa bé về nhà. Mãi đến chiều tối bác ta mới tìm thấy nhà đứa bé, và khi bác về lại nhà thì phố xá đã lên đèn.

Vừa bước vào nhà bác thấy có người đang đợi, nhưng không phải là Chúa mà là một người đàn bà với dáng vẻ tiều tụy. Suốt mấy ngày nay, bà đã không có gì bỏ bụng. Vì bị đói như thế cho nên bà cũng không còn sữa cho con bú. Bác thợ giầy tận tụy lo lắng cho cả hai mẹ con.

Công việc xong xuôi thì đã quá nửa đêm. Mệt quá bác để nguyên quần áo và lên giường ngủ.

Thế là một ngày đã qua mà chưa thấy Chúa đến, nhưng đột nhiên trong giấc ngủ người thợ giày nghe thấy tiếng Chúa nói với bác:

– Cám ơn con đã dọn trà nóng cho Ta uống.

– Cám ơn con đã dẫn đường cho Ta về nhà.

– Cám ơn con đã săn sóc ủi an Ta.

– Cám ơn con đã tiếp đón Ta trong ngày hôm nay.

Giáng Sinh lại sắp về với chúng ta. Chúa đã đến và Ngài đang đến với mỗi người, đến qua Lời của Ngài, qua những biến cố và qua những con người. Ai là người sẽ gặp được Chúa? Đó là những con người có một trái tim quảng đại, đôi bàn tay giang ra, với cặp mắt cảm thông. Ngài cần một tách trà, một chén cơm, một ly nước, một lời khích lệ, một sự đồng cảm, tha thứ.

Lạy Chúa xin cho mỗi người trong gia đình chúng con mở đôi mắt con thật to để con có thể nhìn thấy Chúa. Xin mở tâm hồn con thật rộng để con có thể đón Chúa vào lòng. Amen.