TUẦN II MÙA THƯỜNG NIÊN
CHÚA NHẬT II THƯỜNG NIÊN – NĂM C
Ga 2,1-11
“Trong tiệc cưới có thân mẫu Ðức Giêsu.” (Ga 2,1)
Kính thưa anh chị em
Trong suốt mấy Chúa nhật liên tiếp vừa qua tôi đã nói với anh chị em rất nhiều về Chúa Giêsu. Hôm nay tôi muốn anh chị em nhìn vào Đức Giêsu như một Đấng có uy quyền.
A. TRÌNH BÀY SỰ KIỆN
Khung cảnh Chúa chọn để biểu lộ uy quyền của Người ra hôm nay là một khung cảnh có tính cách xã hội loài người: Một bữa tiệc cưới. Đám cưới mà Tin Mừng ghi lại hôm nay xẩy ra tại Cana, cách quê hương Nagiareth của Chúa khoảng 14 cây số.
Chúa Giêsu và Đức Mẹ đều có mặt trong tiệc cưới này.
Đám cưới của người Do Thái thường kéo dài 3-4 ngày. Có khi kéo dài cả một tuần.
Vì là một xứ trồng nho nên người Do thái có nhiều rượu nho. Trong các bữa tiệc và đặc biệt là trong những bữa tiệc có tính cách quan trọng như tiệc cưới thì rượu là một thứ bắt buộc phải có và có một cách dồi dào.
Chúng ta không biết đám cưới bài Tin Mừng hôm nay kể lại đã chuẩn bị như thế nào nhưng chỉ biết là bữa tiệc vui đang nửa chừng thì hết rượu. Mà hết rượu giữa một bữa tiệc vui như thế đối với người Do thái là một điều ô nhục không thể tha thứ được.
Tin Mừng không cho chúng ta biết cô dâu và chú dể có biết sự việc này hay không nhưng Tin Mừng cho chúng ta biết thật rõ sự can thiệp của Đức Mẹ.
Khi khám phá ra sự việc có thể gây nên sự ô nhục cho đôi tân hôn giữa ngày vui của họ như thế, Đức Mẹ đã đến ngay với Chúa Giêsu. Chỉ bằng một vài lời Đức Mẹ đã cho Chúa biết sự việc đang diễn ra rất xấu cho đôi tân hôn.
Thoạt đầu thái độ của Chúa xem ra có vẻ thật lạnh nhạt. Thế nhưng hình như Đức Mẹ không để ý đến điều đó.
Thời giờ không cho phép trần chừ. Đức Mẹ ra lệnh cho những người giúp việc: “Người bảo gì thỉ phải làm theo”
Và quả thực Chúa đã ra lệnh. Nước được đổ đầy các chum – và khi múc nước đưa cho người quản tiệc – nước đã hóa thành rượu. Thật là tuyệt vời.
Và thánh Gioan tác giả của bài Tin mừng hôm nay không quên ghi chú cho chúng ta biết một chi tiết rất nhỏ nhưng cũng rất đặc biệt này: Đây là Pháp lạ đầu tiên Chúa Giêsu đã làm tại Cana xứ Galilêa và các môn đệ Người đã tin Người. Đây không phải là một ghi chú có tính cách ngẫu nhiên nhưng là một ghi chú có dụng ý như tôi sẽ trình bày cùng anh chị em sau đây.
B- BÀI HỌC
Bài học có nhiều nhưng tôi chỉ xin được chia sẻ với anh chị em hai bài học này:
1. Các nhà chú giải Kinh Thánh cho rằng với Phép lạ Chúa thực hiện vào lúc khởi đầu cuộc đời công khai của Người hôm nay Chúa có ý muốn chuẩn bị xa cho một Phép lạ còn vĩ đại hơn mà Chúa sẽ làm sau này vào cuối cuộc đời công khai của Ngài. Chắc anh chị em đã biết đó là Phép lạ nào. Đó là Bí tích Thánh thể.
Hôm nay trong bữa tiệc Chúa làm cho nước trở thành rượu.
Vào ngày thứ năm tuần thánh cũng trong một bữa tiệc Chúa làm cho bánh trở thành mình và rượu trở thành máu Ngài
Việc làm cho nước trở thành rượu trong bài Tin Mừng hôm nay quả là một bước nhảy vọt. Chỉ cần bằng một lệnh truyền Chúa làm cho nước lập tức trở thành rượu không cần phải qua bất cứ một trung gian hay một chất xúc tác nào. Hôm nay thì như vậy, mai sau cũng như thế. Cũng bằng một lệnh truyền Chúa làm cho bánh rượu trở thành Mình và Máu thánh Chúa cũng không qua bất cứ một trong gian và không cần qua một chất xúc tác nào. Đây quả là một bước nhảy vọt phải được hiểu bằng niềm tin chứ không thể hiểu được bằng lý trí thông thường của con người.
Chúng ta hãy cám ơn Chúa. Nhưng việc Chúa làm thật lạ lùng, …thật khó hiểu nhưng nhưng lại rất thật cho những ai biết tin tưởng vào Người. Hôm nay trong thánh lễ: cũng lại là một bữa tiệc. Bữa tiệc nước trời. Đi dự tiệc mà không ăn không uống thì có lẽ việc đó không bình thường. Chúng ta hãy đến với Chúa. Chúa chính là lương thực cho chúng ta.
2. Bài học thứ hai: Vai trò và địa vị của Đức Mẹ trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa.
Ở dầu Lịch sử của loài người trong STK chúng ta đã thấy hình ảnh của một người phụ nữ xuất hiện và rồi trong Khải Huyền cuốn sách cuối cùng trong bộ Kinh Thánh chúng ta lại thấy Mẹ có mặt nhưng không phải trong dáng vẻ khổ đau mà như một hoàng hậu mặc áo mặt trời chân đạp vầng trăng đầu đội triều thiên 12 ngôi sao. Từ sự việc dó chúng ta có thể đi đến một hệ luận: Đức Mẹ luôn có mặt trong toàn bộ lịch sử của loài người và uy quyền của Đức Mẹ thật lớn lao: Đạp dập đầu con rắn tức là Satan để cùng với con của Mẹ đưa Lịch sử ơn cứu độ đến chỗ toàn thắng vinh quang.
Cha J.B Bonsoli người Italia sang Ấn độ để truyền giáo. Suốt 20 năm Ngài đã rửa tội cho 20.000 người. Trong một chứng từ viết năm 1975 Ngài có kể lại một sự kiện như sau: Hôm đó tôi rời cứ điểm truyền giáo Đam-ma để đi một vòng bằng xe đạp. Khi đi được khoảng 30Km thì tôi bị lạc vào một khu rừng. Càng đi vô thì cây cối càng rậm rạp.Tôi vừa đi vừa sợ nhất là khi nghe thấy những tiếng hú của những con báo.
Trời đã gần tối tôi thầm cần nguyện xin Đức Mẹ giúp tôi. Đi thêm khoảng 5Km nữa thì tôi thấy có một con đường nhỏ, tôi liền rẽ vào con đường này. Đi được khoảng vài trăm mét thì tôi thấy có một ngôi nhà lụp xụp, tồi tàn.
Tôi cho xe dừng xe lại, dựng xe bên cạnh một gốc cây rồi lên tiếng hỏi: “Có ai trong nhà không? “
Có tiếng nói từ trong nhà nói vọng ra: “Có nhưng xin ông đừng bước vào vì tôi bị bệnh hủi”
Mặc dầu biết như vậy nhưng tôi vẫn bước vào. Trước mặt tôi là một người đàn ông đang nằm co quắp lại vì đau đớn. Hỏi ra mới biết trước kia người này là một ông thầy cúng. Rồi trong sự thân tình hiếm có người này nói với tôi về phép Rửa tội. Ông còn quả quyết: “Con biết là con phải lãnh Bí tích Rửa tội.”
– Làm sao mà ông biết được điều đó? Ai đã nói với ông như vậy? Có phải là một giáo lý viên không?” Tôi hỏi lại.
Ông đáp :”Cách đây hai tháng có một bà mặc áo đẹp lắm vào căn nhà này và nói với con: Con chịu đau khổ nhiều nhưng con đừng nản. Ta sẽ sai một người đến thăm con và đổ nước rửa tâm hồn con và ta sẽ đem con về trời”
Tôi đưa tay vào túi áo rút mẫu ảnh Đức Mẹ phù hộ ra đưa cho ông ấy xem. Vừa nhìn thấy ông đã kêu lên: “Đúng rồi. Đúng là bà này. Chính bà đã đến thăm con hai tháng trước đây”
Chắc chúng ta đã biết được câu truyện kết thúc đẹp như thế nào.
3. Khi nói về người mẹ thi hào Tagore đã viết: con là vầng trăng mẹ là mây. Mây ôm lấy cả vầng trăng. Con như bờ cát, mẹ là sóng nước. Sóng nước trào lên làm mát bãi cát trong nắng khô.
Chúng ta hãy dành cho Đức Mẹ một chỗ trong cuộc đời của ta. Có Đức Mẹ thì sẽ có Phép lạ.
Cuộc đời sẽ có lúc vui như ngày cưới: Hãy dành cho Đức Mẹ một chỗ ở đó.
Cuộc đời có những lúc thảm bại như ở đỉnh đồi Golgotha. Cũng hãy dành cho Đức Mẹ một chỗ ở đó.
Có Đức Mẹ ở cùng thì niềm vui sẽ trọn vẹn.
Có Đức Mẹ bên cạnh thì cô đơn sẽ lùi xa.
Có Đức Mẹ chỉ đường thì sẽ không sợ lạc lối.
Có Đức Mẹ ở bên thì chắc sẽ thành công.
Lạy Mẹ Maria,
khi đọc Phúc Âm,
Lúc nào chúng con cũng thấy Mẹ lên đường.
Mẹ lên đường đi giúp bà Isave, rồi đi Bêlem sinh Ðức Giêsu.
Mẹ đưa con đi trốn, rồi dâng Con trong đền thờ.
Mẹ tìm Con bị lạc và đi dự tiệc cưới ở Cana.
Mẹ đi thăm Ðức Giêsu khi Ngài đang rao giảng.
Cuối cùng Mẹ đã theo Ngài đến tận Núi Sọ.
Mẹ lên đường để đáp lại một tiếng gọi
âm thầm hay rõ ràng, từ ngoài hay từ trong,
từ con người hay từ Thiên Chúa.
Chúng con thấy Mẹ luôn đi với Ðức Giêsu
trong mọi bước đường của cuộc sống.
Chẳng phải con đường nào cũng là thảm hoa.
Có những con đường đầy máu và nước mắt.
Xin Mẹ dạy chúng con
đừng sợ lên đường mỗi ngày,
đừng sợ đáp lại những tiếng gọi mới của Chúa
dù phải chấp nhận đoạn tuyệt chia ly.
Xin giữ chúng con luôn đi trên Ðường-Giêsu
để chúng con trở thành nẻo đường khiêm hạ
đưa con người hôm nay đến gặp gỡ Thiên Chúa.
THỨ HAI TUẦN II THƯỜNG NIÊN
Mc 2,18-22
“Cũng không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ,
Nhưng rượu mới, bầu cũng phải mới!” (Mc 2,22)
Ăn chay cầu nguyện
1. Vâng! Đọc lại Kinh Thánh, chúng ta thấy ăn chay có một tầm quan trọng đối với người xưa. Ăn chay sám hối có thể làm xiêu lòng Thiên Chúa. Trường hợp của vua Đavid là một ví dụ: Sau khi phạm tội, nhờ ông biết hối lỗi, ăn chay sám hối mà Chúa đã tha cho ông; nhờ ăn chay đền tội mà Ninivê được Chúa tha thứ.
Trong Kinh Thánh Do Thái, chúng ta thấy người xứ Palestine ngày xưa ăn chay bằng cách nhịn ăn từ sáng cho đến chiều (Ge 3,7-8;1Sm 14,24 ).
Trong cộng đồng Hồi Giáo, ngày nay người ta vẫn giữ chay bằng cách nhịn ăn, nhịn uống suốt từ rạng đông cho đến khi mặt trời lặn, cứ như thế trong suốt tháng Ramadan.
Còn người Phật Giáo thì ăn chay vào các ngày mùng một và rằm, bằng cách vẫn ăn no như thường, nhưng tuyệt đối không ăn thịt bất cứ con vật nào, chỉ ăn rau cỏ trái cây.
Với người Công giáo, trước thập niên 50, chúng ta vẫn còn giữ chay bằng cách không ăn gì từ nửa đêm hôm trước cho tới khi rước lễ. Hiện nay, chúng ta chỉ còn buộc ăn chay cùng với việc kiêng thịt mỗi năm có 2 lần theo quy định chung: thứ tư Lễ Tro và thứ sáu Tuần Thánh. Còn các ngày Thứ Sáu luật vẫn buộc kiêng thịt, nhưng nếu có nhu cầu chính đáng thì không buộc nhưng phải làm một việc đạo đức nào đó để thay thế. Như vậy, mỗi tôn giáo đều có một cách thức để ăn chay riêng.
Ngày nay, các nhà khoa học cũng kêu gọi ăn chay! Thật thế, mỗi khi bác sĩ muốn xét nghiệm máu để kiểm tra sức khỏe, họ buộc bệnh nhân phải nhịn ăn kiêng uống ít nhất là 4 giờ đồng hồ trước khi lấy một ít máu đem thử. Và người bệnh thì chấp nhận ngay, không một chút cật vấn phàn nàn.
“Ăn chay nhà đạo” của chúng ta cũng thế, cũng có mục đích chữa trị và chăm lo sức khỏe phần hồn của mỗi Kitô hữu, nhưng nhất là để kéo chúng ta ra khỏi bản thân chúng ta, mà sẵn sàng chia sẻ cuộc sống của mình với người khác.
2. Nhưng vấn đề ở đây là ăn chay lúc nào, với tinh thần nào? Rượu mới phải đổ vào bầu da mới. Trong bữa tiệc cưới, chẳng ai lại bắt người dự tiệc ăn chay.
Kinh sĩ Feuillet, nhà giảng thuyết thời vua Louis XIV nổi tiếng là người khá cộc cằn và không để ý lắm đến sự tế nhị.
Ngày kia, ngài nhìn hoàng thân, anh của vua ăn lót dạ. Vị hoàng thân này cảm thấy chột dạ, mới hỏi ngài:
– Thưa Cha, ăn một miếng bánh qui bơ (biscuit) có phá chay không?
– Ngài cứ ăn hết một con bò, nếu ngài muốn, và hãy là một Kitô hữu tốt.
Một hôm có 4 anh em đến thăm cha Pambô, họ khen nhau, ca tụng nhân đức của nhau:
– Thưa cha, anh này ăn chay dữ lắm, anh kia không dính bén của cải, người này có lòng bác ái, săn sóc giúp đỡ mọi người; còn người thứ 4 này trong 22 năm trời, lúc nào cũng sốt sắng vâng lời.
Cha Pambô bảo:
– Cha thực tình nói với các con: nhân đức của người thứ 4 trọn lành hơn, quí báu hơn, vì chúng con đều đã làm những việc đáng khen và nhân đức, nhưng vẫn còn đôi chút ý riêng trong đó; còn anh thứ tư đã hoàn toàn sống cho Chúa, không sống gì cho mình nữa, cũng vì thế mà sự nghịêp của anh lớn lao hơn.
Khi nằm trên giường chết, thánh Phanxicô nói câu này: sau khi người ta đã qua đời được 15 phút, tính theo ý riêng mới mất.
Ta nghiệm xét thì cũng thấy rằng: trong một gia đình, cũng như trong một xứ, địa phận, một nước; nếu có sự gì đáng tiếc xảy ra, phần nhiều là do thiếu vâng lời, tùng phục.
Đang hoạt động truyền giáo rất kết quả ở Á châu, từng tỉnh, từng nước trở lại và tương lai rất hứa hẹn; nhưng thánh Phanxicô đã nói câu này: nếu thánh Ignatiô, bề trên cha dạy phải bỏ tất cả để trở về Âu châu, thì cha sẽ xuống tàu về ngay.
Hai người biệt phái và thu thuế lên Đền thờ cầu nguyện. Người biệt phái “khoe” với Chúa là ông ăn chay mỗi tuần tới hai lần. Còn người thu thuế chỉ cúi đầu xuống thành khẩn xin Chúa tha thứ. Chúa khen ai thì hẳn mỗi người chúng ta đều nhớ.
Như vậy, ăn chay đâu phải chỉ là mặc áo nhặm, đánh tội, đeo xiềng xích, ăn cơm với tro, nằm đất, nhịn ăn nhịn uống mà còn phải là biết dấn thân chia sẻ với người nghèo, biết sống tha thứ nhịn nhục, sống khoan dung với những người không làm vừa ý mình, sống can đảm, sống xứng đáng với ơn gọi của một người theo Chúa dù có phải trải qua những thử thách hay gian nan khốn khó.
Hơn nữa sống tha thứ, sống từ bỏ ý riêng, sống khoan dung, cách sống như trên nhiều khi còn khó hơn là nhịn ăn một vài bữa; thông cảm và chia sẻ với người nghèo, người yếu đuối nhiều khi còn khó hơn cả đánh tội. Chúa Giêsu cũng như Hội Thánh mời gọi chúng ta đi vào con đường ăn chay đó.
Lạy Chúa, xin tha thứ tội lỗi cho chúng con. Amen.
THỨ BA TUẦN II THƯỜNG NIÊN
Mc 2,23-28
Người nói tiếp: “Ngày Sabat được tạo nên cho con người,
chứ không phải con người cho ngày Sabát.” (Mc 2,27)
1. Cuộc sống con người ở trên đời, muốn tốt đẹp thì phải có luật pháp.
Chuyện cổ Đông Phương kể rằng: ngày xưa, có vị đạo sĩ dâng cho vua một chiếc nhẫn kỳ diệu và vô giá. Nó vô giá vì được làm bằng thứ kim loại quí hiếm và gắn nhiều kim cương lóng lánh. Nó kỳ diệu ở chỗ: Nếu người đeo nó làm điều lành, thì nó vừa vặn và chiếu sáng. Nhưng nếu người đó làm điều ác, thì nó sẽ biến thành một cái máy xiết rất mạnh, và ngón tay sẽ vô cùng đau đớn.
Tự nó, luật pháp khi phục vụ ích chung thì tốt đẹp. Nhưng trong thực tế luật đã bị lạm dụng vì nhiều mục đích, nhiều khi rất tầm thường.
Chính vì thế mà chúng ta thấy có một sự khác biệt rất lớn giữa cái nhìn của Chúa Giêsu và cái nhìn của những người luật sĩ và Pharisêu về vấn đề này.Cái nhìn của Chúa Giêsu thì khoan dung quảng đại, còn cái nhìn của những người luật sĩ và Pharisêu thì hẹp hòi và nhiều lúc nhỏ nhen đến ti tiện.
Xã hội nào mà chẳng phải có luật pháp.
Khi muốn thành lập dân Israel dưới chân núi Sinai, lúc đầu Chúa đã ban cho họ một bộ luật gồm 10 điều răn, được khắc trên hai bia đá và rồi với thời gian, cùng với sự tiếp xúc với các nền văn hóa chung quanh, người Do Thái đã từ từ hình thành một bộ luật rất chi tiết, chi phối cả cuộc sống và mọi hành động của người dân. Bộ sách luật ấy người Do Thái gọi là Torah. Sách gồm 5 quyển, dầy 250 trang, chứa 613 khoản luật chia ra 365 khoản cấm (tương đương số ngày trong một năm) và 248 khoản buộc (tương đương số lượng các khúc xương trong cơ thể con người).
Ngoài bộ luật chính ra, còn rất nhiều khoản khác được thêm vào. Đây không phải là luật, mà là những tập tục được lưu truyền từ đời này sang đời kia. Các tập tục này được truyền lại cho những thế hệ mai sau. Và sau cùng thì người ta đã chép lại và đóng lại thành tập gọi là Talmud. Talmud là bộ sách giải thích Luật của Do Thái giáo. Bộ sách này được chia thành 2 loại; Một là Mishna và hai là Gemara. Bộ sách này có tới 523 quyển (Wim Barclay).
Việc các môn đệ của Chúa bị người ta bắt bẻ trong bài Tin Mừng hôm nay dựa theo những qui định trong tập Talmud này. Luật qui định rằng, nếu nhằm vào ngày thường thì có làm việc đó cũng không sao. (Đnl 23,24). Thậm chí khách đi đường còn có thể tự do bứt lúa mì, miễn là đừng đem lưỡi hái vào đồng ruộng của người ta mà gặt. Phiền một nỗi là các môn đệ của Chúa lại làm việc này trong ngày Sabat, là ngày vốn được bảo vệ bằng bao nhiêu qui tắc luật lệ nhỏ nhặt. Mọi công việc đều bị cấm đoán.
2. Chúa đã phản ứng lại như thế nào?
Rõ ràng là Chúa không thể chịu được cách cắt nghĩa luật như thế. Điều luật mà Chúa nhấn mạnh, đó là điều răn mới, đó là tình yêu thương. Khi tuyên bố mình là chủ ngày sabbat, Chúa muốn xác định với mọi người rằng:“Hình thức mục vụ duy nhất có giá trị trước mặt Chúa là biết cảm thông với con người. Chỉ những ai biết tôn trọng con người, người đó mới là người tôn trọng Luật của Thiên Chúa”.
Susan là một em bé gái rất đáng yêu. Nhưng thật không may, vừa mới tập tễnh bước chân vào cấp một thì bác sĩ đã phát hiện ra một khối u quái ác trong đầu của em. Em cần phải nhập viện để chữa trị bằng phương pháp xạ trị trong vòng ba tháng. Sau khi xuất viện, em bé vốn dĩ đã ốm yếu, bây giờ trông còn thảm hại hơn. Trước đây, em có một mái tóc vàng rất đẹp, giờ thì đã bị rụng sạch. Dầu vậy, với sự động viên của mọi người, em đã cố gắng vươn lên. Em đã trở lại trường để học phụ đạo, bù cho những bài đã mất. Mỗi ngày em đều đến trường với bộ não vừa bị phẫu thuật. Em phải đội một chiếc mũ để che cái đầu trọc của mình. Đối với một em bé sáu tuổi mà phải chịu như vậy thì thật tội nghiệp.
Cô giáo hiểu rất rõ nỗi đau của em. Trước khi Susan chính thức quay trở lại trường, cô giáo nhiệt tình và trịnh trọng tuyên bố với toàn thể các em học sinh của mình rằng: “Kể từ học kỳ sau, chúng ta sẽ học nhận biết về các loại mũ. Cho nên các em học sinh đều phải đội chiếc mũ yêu thích của mình đến trường, càng mới lạ càng tốt”.
Sau ba tháng vắng mặt, đây là lần đầu tiên Susan quay trở lại nơi quen thuộc này. Em đứng trước cửa lớp, từ từ đi vào, trong lòng đầy lo lắng, lưỡng lự vì chiếc mũ mình đang đội.
Thế nhưng, điều khiến em không thể ngờ được là trong lớp tất cả các bạn đều đội mũ, đủ kiểu đủ loại, đầy màu sắc. Susan cảm thấy mình và các bạn khác đều như nhau. Lòng em thấy nhẹ nhõm. Một nụ cười rất xinh đẹp đã nở trên môi em.
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết sống với mọi người bằng tình yêu thương. Amen.
THỨ TƯ TUẦN II THƯỜNG NIÊN
Mc 3,1-6
Người bảo anh bại tay:
“Anh giơ tay ra!” Người ấy giơ ra,
và tay liền trở lại bình thường.” (Mc 3,5)
1. Đứng trước cùng một sự kiện mà cái nhìn của Chúa Giêsu và cái nhìn của những người Pharisêu khác nhau.
Những người Pharisêu thì chỉ thấy những khoản luật về ngày Sabat. Còn Chúa Giêsu thì khác, Ngài thấy rõ trong hội đường ngày hôm ấy có một người bị khô bại một tay. Ngài thấy những đau khổ của anh. Ngài rất thương anh nên muốn cứu anh.
Hai lối nhìn đưa đến hai cách hành động khác nhau.
Có một chàng thanh niên kia lên đường đi tìm kho tàng quý được cất giấu trong một lâu đài.
Sau những ngày đi đường xa mệt mỏi, anh nhận thấy mình như lạc lối và đang đứng trước một đoạn dốc gồ ghề, bên cạnh những hố sâu thăm thẳm như muốn nuốt chửng thân xác đã hao mòn sinh lực của anh. Trong lúc chiến đấu để lấy lại sự bình tĩnh của tâm hồn, ngước mắt lên, anh thấy một lâu đài tráng lệ hiện ra trước mắt. Trước cổng toà lâu đài tráng lệ có hàng chữ lớn: “Xin mời vào”.
Biết mình bị lạc đường nhưng lại gặp may, anh sung sướng tiến lại gần cổng lâu đài. Đứng trước cổng lâu đài anh ngạc nhiên khi thấy có những người lữ hành, tuy đã hết sức mỏi mệt nhưng vẫn cứ tiếp tục lê bước đi ngang qua tòa lâu đài mà không chịu dừng lại. Hình như họ không thấy có lâu đài ở trước mắt họ. Thấy vậy, người lữ hành bèn tiến lại gần người gác cổng lâu đài và hỏi:
– Tại sao những người lữ hành kia không dừng lại để bước vào lâu đài mà cứ tiếp tục đi qua như vậy?
Người gác cổng trả lời:
– Đây là một toà lâu đài màu nhiệm, chỉ có những ai nhận biết mình đã lạc đường mới có thể trông thấy nó. Trái lại, những người tưởng mình biết đường và chỉ cắm đầu chạy theo con đường riêng của họ, thì họ sẽ bị mờ mắt và sẽ không bao giờ nhận thấy lâu đài. Ông quả là người ngay thẳng, nhiệt thành tìm kiếm chân lý, yêu chuộng sự thật. Chính sự khiêm tốn ngay thật đã mở mắt tâm trí ông và dẫn đưa ông tới đây. Xin mời ông bước vào, giờ đây tất cả kho tàng quý giá trong lâu đài này sẽ thuộc về ông.
2. “Ngày Sabat, được phép làm điều lành hay điều dữ” (Mc 3,4).
Đây là câu chuyện từ Internet: Hôm đó là một buổi tối lạnh lẽo, rét buốt ở miền bắc Virginia cách đây đã nhiều năm. Bộ râu của ông lão cứng ngắc trong cái lạnh của mùa đông khi ông đợi có ai đó giúp ông sang sông. Sự chờ đợi dường như vô tận. Ông có cảm giác tê cóng và cứng đờ cả người ra vì những cơn gió bấc lạnh giá.
Bỗng ông nghe thấy tiếng ngựa phi nhịp nhàng đang đến gần. Ông chăm chú nhìn những chàng trai phi ngựa rẽ qua khúc quanh. Người đầu tiên chạy qua mà ông đã chẳng hề gọi. Sau đó, một người khác đi qua, rồi một người nữa. Lúc này, tuyết đã rơi, trông ông lão giống như một bức tượng bằng tuyết. Sau đó là người kỵ sĩ cuối cùng. Khi người này đến gần, ông già ra dấu xin người này dừng lại rồi nhẹ nhàng nói:
– Chào cậu, phiền cậu đưa lão già này sang bên kia sông được không? Chẳng có lối nào để đi bộ được cả.
Người kỵ sĩ ngồi trên ngựa đáp:
– Được chứ, thưa bác. Bác nhảy lên đây nào.
Thấy ông lão không thể nhấc nổi cơ thể đã gần như đông cứng khỏi mặt đất, chàng trai nhảy xuống và giúp ông leo lên lưng ngựa. Chàng kỵ sĩ không chỉ đưa ông già qua sông mà còn mang ông đến nơi ông định đến cách đó vài dặm nữa.
Khi đến gần một mái nhà tranh nhỏ xíu ấm cúng, chàng kỵ sĩ tò mò hỏi:
– Thưa bác, cháu thấy bác đã để nhiều người cưỡi ngựa khác chạy qua mà không nhờ một ai để giúp bác qua sông. Vậy mà khi cháu đến thì bác lại nhờ cháu ngay lập tức. Cháu thắc mắc không hiểu tại sao, vào một buổi tối mùa đông lạnh giá như thế này, bác lại đợi và nhờ người cuối cùng. Nếu cháu từ chối không giúp bác thì sao?
Ông lão từ từ leo xuống ngựa, nhìn thẳng vào mắt chàng trai, đáp:
– Bác đã ngồi đấy một lúc rồi. Bác nghĩ bác biết cách nhìn người, ông tiếp tục. Bác nhìn vào mắt những chàng trai kia và ngay lập tức bác thấy họ chẳng quan tâm gì đến tình cảnh của bác cả. Nhờ họ giúp cũng chẳng ích gì. Nhưng khi nhìn vào mắt cháu, lòng tốt và sự thương người hiện lên rất rõ. Bác biết rằng, thái độ dịu dàng của cháu sẽ mở ra cho bác cơ hội được giúp đỡ lúc bác cần.
Những lời ấm lòng đó của ông lão làm người kỵ sĩ hết sức cảm động.
– Cháu hết sức cám ơn những gì bác vừa nói – anh nói với ông lão – Có lẽ sẽ chẳng bao giờ cháu quá bận rộn với chuyện riêng của mình, mà không đáp lại những gì người khác cần bằng lòng nhiệt thành cả.
Lạy Chúa Giêsu,
Xin biến đổi cái nhìn của chúng con
nên giống như cái nhìn của Chúa.
Xin biến đổi trái tim chúng con
thành trái tim biết yêu thương như Chúa. Amen.
THỨ NĂM TUẦN II THƯỜNG NIÊN
Mc 3,7-12
“Quả thế, Người đã chữa lành nhiều bệnh nhân,
khiến ai ai có bệnh cũng đổ xô đến để sờ vào Người.”
(Mc 3,10)
1. Đoạn Tin Mừng chúng ta vừa nghe cho thấy ảnh hưởng của Chúa Giêsu lúc bấy giờ rất lớn: Từ miền Giuđê, từ Jêrusalem, từ xứ Iđumê, từ vùng bên kia sông Giođan và vùng phụ cận hai thành Tia và Siđôn, người ta lũ lượt đến với Người.
Người ta đến từ mọi miền, các thành Do Thái cũng như các thành ngoại giáo, không biết bao nhiêu ngàn người mà kể.
Thế nhưng, vấn đề đặt ra ở đây là động cơ nào đã khiến người ta đến với Chúa đông như thế. Có nhiều động cơ nhưng theo như cách Chúa hành xử trong bài Tin Mừng hôm nay, thì có lẽ đa số người ta đến với Chúa vì động cơ vụ lợi và vật chất. Chính vì thế, nên khi ma quỷ muốn làm cho người ta hiểu Chúa Giêsu là một nguồn lợi vật chất, thì chính Chúa Giêsu đã phải tìm cách lánh xa và ngăn cấm.
Kinh nghiệm dạy cho chúng ta biết rằng, khi chúng ta đến với Chúa mà lòng còn đầy dẫy những toan tính vụ lợi thì chắc là Chúa sẽ không vui, nhưng khi chúng ta thực tâm đến với Chúa với lòng tin tưởng và yêu mến, thì chẳng bao giờ Chúa để cho chúng ta phải ra về với hai bàn tay trắng.(Phophecy Monthly). Thế nhưng, thử hỏi có được mấy khi chúng ta đến với Chúa chỉ vì lòng tin tưởng và yêu mến Ngài như thế.
Trong một buổi thuyết trình về Thánh Kinh, Mục sư H.A. Ironside kể lại một câu chuyện có thật như thế này: Có một nhóm Kitô hữu tụ họp lại trong một ngôi nhà. Trước mặt tiền ngôi nhà đó, họ treo một biểu ngữ với hàng chữ “Jesus only” (Chỉ vì Chúa Giêsu mà thôi).
Nhưng rồi một cơn gió mạnh thổi đến làm bay mất 3 mẫu tự đầu. Hàng chữ “Jesus only” chỉ còn lại “us only” (Chỉ vì chúng ta mà thôi).
Mục sư kết luận: “Đối với một số Kitô hữu, họ tưởng hàng chữ đầu tiên diễn tả đúng ý hướng của họ, nhưng thực ra ý hướng của họ là hàng chữ thứ hai.”(Sunday school Times).
Phải nhận rằng, trong cuộc sống, việc con người đến với Chúa thường bị chi phối bởi rất nhiều động lực có tính cách trần thế. Tại sao như vậy? Thưa, vì bản tính con người chúng ta vốn ích kỷ. Lòng ích kỷ đã biến chúng ta thành những con người chỉ biết nghĩ đến mình mà không cần biết đến những người khác. Tệ hơn nữa là nhiều khi chúng ta còn coi Thiên Chúa thành một nguồn lợi – các đức giám mục hai Giáo phận Lyon và Saint Étienne bảo: nhiều khi các tín hữu còn biến Thiên Chúa thành một cái kho – để cho chúng ta đến mà khai thác và thủ lợi, hơn là đến để tỏ lòng tôn kính và biết ơn.
2. Chúng ta hãy xin Chúa cho chúng ta được hiểu Chúa rõ hơn, để từ đó chúng ta biết đến với Chúa và sẵn sàng theo Chúa bằng tất cả tấm lòng thành của chúng ta.
Ferdowsi (925–1020) thi sĩ người Ba tư sống vào thế kỷ 11, kể câu chuyện: Một quốc vương nọ phải đi qua sa mạc để đến một ốc đảo. Cùng đi với ông là cả triều đình. Họ mang theo vô số bạc vàng của cải. Dọc đường, một con lạc đà bỗng ngã quị. Từ trên lưng nó, một dòng thác vàng bạc châu báu chảy xuống cát. Người ta thấy được tức khắc sự tham muốn bừng lên trong mắt những người theo hộ giá nhà vua. Bằng một cử chỉ vương giả, quốc vương nói với những người tùy tùng:
– Các khanh hãy tự do nhặt lấy những thứ đó. Trẫm tặng cho các khanh tất cả. Các khanh cũng được tự do đi tiếp với trẫm hoặc lựa chọn con đường khác quay về.
Nói xong, ông tiếp tục lên đường không một chút do dự. Ông nghĩ, tất cả sẽ dừng lại để nhặt cho đến viên kim cương cuối cùng.
Đang đi ông bỗng nghe có tiếng chân theo sau mình. Ông quay lại và nhận ra đó làngười hầu cận được tiếng là trung thành nhất của ông. Ông âu yếm nhìn anh và hỏi:
– Sao nhà ngươi không ở lại nhặt vàng bạc trẫm đã ban tặng? Ngươi không biết rằng, với số vàng bạc ấy ngươi sẽ trở nên giàu sang không?
Người hầu cận trung thành trả lời:
– Tâu bệ hạ, ngài là vua. Đối với hạ thần, bệ hạ là kho tàng quí giá nhất. Bệ hạ là tất cả của thần.
Vâng! Giêsu cũng phải là Đấng quí giá nhất cho mỗi người chúng ta. Chúa phải là tất cả cho mỗi người chúng ta.
Hiểu được như thế, chúng ta sẽ đến với Chúa bằng những động lực khác. Sẽ không còn những tính toán ích kỷ và những lý do hoàn toàn trần thế, nhưng sẽ là với lòng tin kính, mến yêu và tha thiết gắn bó với Chúa để rồi sau đó chúng ta sẽ thấy: Cuộc đời tất cả là hồng ân Chúa ban và chúng ta sẽ dùng những hồng ân đó để cảm tạ và làm vinh danh Chúa.
Lạy Chúa, khi đến với Chúa,
chúng con thường mang mặt nạ
để che giấu cái trống rỗng bên trong.
Xin Chúa giúp chúng con
biết nhìn vào cuộc sống của Chúa
để xây dựng cuộc đời của chúng con
để mỗi ngày được trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa. Amen.
THỨ SÁU TUẦN II THƯỜNG NIÊN
Mc 3,13-19
“Người lập Nhóm Mười Hai,
để các ông ở với Người
và để Người sai các ông đi rao giảng.”
(Mc 3,14)
1. Chúa không muốn một mình đích thân đi rao giảng Tin Mừng mãi mãi, mặc dù cách này hữu hiệu hơn, nhưng Ngài đã chọn một số người để làm việc ấy.
Thế chiến thứ II kết thúc nhưng Hoa Kỳ còn để lại một số binh sĩ tại một số miền được giải phóng ở Đức. Họ giúp dân chúng thu dọn và sửa chữa những ngôi nhà đổ nát, nhất là những nhà thờ bị hư hại vì bom đạn… Tại một ngôi nhà thờ bị đổ nát kia, sau khi thu dọn, sửa chữa, sắp đặt, các binh sĩ đã phải khựng lại trước một bức tượng Đức Kitô bị bể nát trên bàn thờ. Họ cố gắng hết sức để tân trang lại bức tượng. Với tất cả cố gắng, họ đã tân trang lại gần như cũ chỉ trừ đôi tay của Chúa. Lý do là vì họ có cố gắng mấy cũng không làm sao thu nhặt được những mảnh vụn bể nát từ đôi tay ấy. Bất lực đứng nhìn pho tượng của Đức Kitô không có đôi cánh tay, các binh sĩ Hoa Kỳ đành phải lấy sơn viết vào tấm bảng và đặt dưới chân Ngài hàng chữ: “Ta không có đôi tay nào khác hơn là đôi tay của các ngươi.” (Trích “Mỗi ngày một tin vui”).
Vâng! Rõ ràng là qua Tin Mừng chúng ta thấy, Chúa muốn con người chia sẻ sứ mạng của Ngài. Sách Giáo Lý mới đã giải thích việc làm đó của Chúa như sau: “Để cho tiếng gọi ấy vang lên trong toàn cõi địa cầu, Đức Kitô đã sai phái các tông đồ do Người tuyển chọn, trao cho các ông nhiệm vụ loan báo Tin Mừng: “Hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ những điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.” (Mt 28,19-20)
Cám ơn Chúa đã cho con người được tham dự vào công việc mà Chúa Cha đã trao ban cho Người
2. Nhưng, để cho công việc tham dự vào sứ mạng của Chúa có kết quả tốt đẹp, những người được Chúa tuyển chọn phải làm gì? Thưa, trước tiên là phải “ở với”Ngài. Việc ở với Chúa là một việc rất quan trọng.
Chúng ta vẫn thường nói: “Gần mực thì đen gần đèn thì sáng”. Hai môn đệ của Gioan mới ở với Chúa có một buổi chiều và một đêm, hôm sau khi gặp lại những người quen họ đã tuyên bố: “Chúng tôi đã gặp thấy Đấng Messia.” (Ga 1,41)
Sử sách ghi lại rằng: Dù có phải mải mê rao giảng Tin Mừng cho lương dân như thế nào đi nữa, nhưng mỗi khi đêm về, thánh Phanxicô Xavie luôn giữ thói quen quỳ gối trước chúa Giêsu Thánh Thể để cầu nguyện. Có lần vì quá mệt, Ngài đã ngủ gục trước bàn thờ. Nhiều lần Ngài đã phải cầu nguyện: “Lạy Chúa, nếu linh hồn con không tỉnh thức được với Chúa, thì ít nữa thân xác con đây cũng muốn được ở gần Ngài”
Một nhà truyền giáo tại Ấn Độ, ông Gordon Marsuel đã xin một tín đồ Ấn Độ giáo, đến sống bên cạnh để dạy ông học tiếng bản xứ. Nhưng tín đồ Ấn này từ chối, anh ta nói:
– Thưa ngài, tôi không thể đến dạy tiếng bản xứ cho ngài, vì lẽ tôi không muốn trở thành Kitô hữu.
Nhà truyền giáo trả lời:
-Tôi chỉ muốn học tiếng bản xứ để có thể giao tiếp với những người chung quanh để hiểu biết họ hơn, chứ không nhằm bắt họ trở lại với đạo Chúa.
Nhưng người tín đồ Ấn giáo đáp lại:
-Thưa ngài, tôi biết vậy. Nhưng đối với tôi, tôi nhận thấy rằng: không một ai có thể sống bên cạnh ngài mà không bị ngài cảm hóa để tin vào Chúa. Tôi không thể dạy ngài vì tôi đã nghĩ, không thể nào sống bên cạnh ngài mà không trở thành Kitô hữu.
Ở với ai thì sẽ thấm nhuần nếp sống của người đó. Kẻ được sai phải “ở với” Đấng sai phái mình để thấm nhuần tinh thần của Ngài, và có như thế họ mới có thể trở thành những sứ giả đích thực và làm việc đúng như ý Chúa muốn.
Các tông đồ đã đóng xong vai trò của mình. Thế còn mỗi người chúng ta thì sao? Thưa, mỗi người cũng phải là một tông đồ cho Chúa.
Lạy Chúa, xin cứ dùng con theo ý Chúa,
Làm chân tay cho người què cụt,
Làm lỗ tai cho người bị điếc,
Làm miệng lưỡi cho người không nói được,
Làm tiếng kêu cho người chịu bất công.
Lạy Chúa, xin cứ gửi con ra đồng lúa,
Để đưa cơm cho người đói đang chờ,
Đem thuốc thang cho người đang đau ốm,
Đem áo quần cho người đang trần trụi,
Đem mền đắp cho người rét đang run.
Lạy Chúa, xin cứ gửi con vào thôn xóm,
Đem an hòa cho những ai bất thuận,
Đem yên bình cho kẻ sống âu lo,
Đem ủi an cho người đang sầu khổ,
Đem niềm vui cho những ai bất hạnh,
Lạy Chúa, xin cứ dùng con làm tất cả,
Cho mọi người được hạnh phúc an vui.
Còn phần con, xin gửi hết nơi Ngài,
Là Thiên Chúa, là tình yêu, là lẽ sống
Ngài cho con tất cả niềm hy vọng,
Để tin yêu mà vui sống trọn đời.(Một linh mục DÒNG TÊN)
THỨ BẢY TUẦN II THƯỜNG NIÊN
Mc 3,20-21
“Thân nhân của Người hay tin ấy,
liền đi bắt Người, vì họ nói rằng
Người đã mất trí.” (Mc 3,21)
1. Bài Tin Mừng hôm nay thật ngắn gọn. Chỉ có hai câu nhưng qua hai câu này chúng ta cũng có rất nhiều điều để nói về Chúa Giêsu.
Tin Mừng kể lại lúc Chúa Giêsu đang giảng thì thân nhân của Ngài tìm đến, đến để bắt Ngài, không cho Ngài giảng nữa vì nghe người ta nói là Ngài đã mất trí.
Đây không phải là lần duy nhất mà người ta cho là như thế. Chúng ta còn nhớ có lần người ta đã cho Ngài là người bỉ quỉ ám, là khùng điên, là một người nổi loạn.
Thực ra, Chúa cũng chẳng phải là một nhân vật dễ hiểu. Các tông đồ của Chúa ngày xưa dù đã được sống với Chúa cả mấy năm trời, vậy mà các ông ấy cũng chẳng hiểu được Chúa là ai.
Người ta kể rằng, ngày nay ở bên nước Mỹ tại tòa nhà Quốc hội Hoa Kỳ có một thư viện lớn vào loại bậc nhất thế giới. Hằng năm có cả hàng ngàn người viết thư đến để hỏi viên quản thủ thư viện này nhiều vấn đề khác nhau. Trong số những câu hỏi người ta gửi đến, có một câu hỏi được nhiều người hỏi nhất đó là câu: “Ai là người được nhiều tác giả viết nhất?”
Sau khi cho kiểm kê, viên quản thủ thư viện đã tổng kết được kết quả như sau:
Có 1735 cuốn viết về ông Napoléon,
Có 1755 cuốn viết về ông George Washington,
Có 2319 cuốn viết về ông Abraham Lincohn,
Có 3175 cuốn viết về ông Wiliam Shakespeare,
Và có tới 5151 cuốn viết về Đức Giêsu Kitô.
5151 cuốn tức là 5151 loại sách. Thông thường mỗi loại sách người ta chỉ ấn hành vài ngàn cuốn. Nếu bán chạy người ta sẽ tái bản, và tái bản cùng lắm chừng 10 lần, mỗi lần vài ba ngàn cuốn. Riêng cuốn Kinh Thánh, đặc biệt là cuốn Tân Ước nói về Đức Giêsu, đã được ấn hành nhiều nhất bằng đủ thứ tiếng và được phổ biến trên khắp thế giới.
Từ khi ông Gutenberg in cuốn Thánh Kinh thứ nhất năm 1465 cho tới nay, người ta không thể biết được đã có bao nhiêu triệu Sách Thánh được ấn hành và được phổ biến. Chỉ nguyên năm 1989 đã có đến gần 350.000 cuốn Sách Thánh toàn bộ và hơn nửa triệu cuốn Tân Ước đã được gởi tặng các tín đồ Kitô ở Liên xô, vì từ năm 1988, nhà nước Liên Xô đã cho tự do nhập khẩu sách Thánh Kinh.
Sách nói về Chúa Giêsu nhiều như thế, vậy mà thử hỏi ngày hôm nay, đã có được bao nhiêu người thực sự hiểu một cách sâu xa về Chúa? Chắc là không nhiều lắm.
2. Vậy thì vấn đề còn lại hôm nay là chúng ta hãy xem xem, trong những trường hợp Chúa bị người ta hiểu lầm hay bị người ta nghĩ xấu về mình như thế, Chúa đã có thái độ như thế nào?
Phải nói rằng, Chúa đã có một thái độ rất cao thượng. Không những Ngài không buồn, không trách móc mà còn coi những chuyện đó chẳng đáng để Ngài phải bận tâm. Đàng khác như chúng ta thấy, ngay cả như việc Chúa bị người ta vu oan cáo vạ rồi đưa Ngài lên đồi Golgotha để đóng đinh, lúc sắp chết Ngài cũng còn ngửa mặt lên trời cầu xin Thiên Chúa Cha tha cho những kẻ đã hành hạ và giết Ngài một cách dã man như vậy. Lý do Chúa đưa ra là vì họ không biết Ngài.
Cuộc đời của Chúa là như thế. Cuộc đời của mỗi người chúng ta chắc nhiều khi cũng như vậy.
Trong cuộc sống, chẳng thiếu gì những lúc chúng ta bị hiểu lầm. Cũng chẳng thiếu gì những lúc chúng ta bị người ta ghét bỏ.
Những lúc như thế, chúng ta phản ứng lại thế nào? Cách tốt nhất tôi tưởng chúng ta hãy nhớ lại cuộc đời của Chúa Giêsu và bắt chước cách hành xử của Ngài.
Một ngày kia có một người hàng xóm đến gặp Socrates. Chúng ta biết Socrates là triết gia Hy Lạp nổi tiếng ngày xưa. Ông ta nói:
– Này ông Socrates, ông đã nghe chuyện này chưa?
Socrates vội ngắt lời:
– Khoan đã! Anh có chắc rằng, tất cả những gì anh sắp kể cho tôi đều đúng sự thật không?
Ông hàng xóm ấp úng:
– À, cũng không chắc lắm. Tôi chỉ nghe người ta kể lại thôi.
Socrates mỉm cười bảo:
– Thế vậy chúng ta không cần quan tâm đến nó trừ phi nó là một chuyện tốt. Vậy chuyện ông sắp kể cho tôi có phải là một chuyện tốt không?
Ông hàng xóm thật sự lúng túng:
– Không, chuyện này không tốt lắm. Phải nói đây là một chuyện xấu.
Socrates vỗ vai ông ta hỏi thêm:
– Chà, anh có nghĩ rằng, tôi cần phải biết chuyện ấy để giúp ngăn ngừa những điều không hay không tốt cho người khác chăng.
Lần này thì ông hàng xóm tiu nghỉu cúi gầm mặt:
– Ờ… Ờ, kể ra thì cũng chẳng giúp được gì cho ai!
Socrates kết luận:
– Thế này nhé, chúng ta sẽ quên ngay chuyện ấy đi. Còn vô số chuyện đáng giá hơn trong đời sống, chúng ta không nên mất công bận tâm vào những chuyện tầm phào, vừa không đúng sự thật, vừa không tốt, lại vừa không cần thiết cho ai.
Lạy Chúa,
Xin ban cho chúng con một trái tim quảng đại
để chúng con biết sống yêu thương như Chúa. Amen.