THỨ SÁU SAU LỂ HIỂN LINH
Lc 5,12-16
Người giơ tay đụng vào anh ta và bảo:
“Tôi muốn, anh sạch đi.”
(Lc 5,13)
1. Bài Tin Mừng, tiếp tục khai triển đề tài Chúa tỏ mình ra. Qua đoạn Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã cho chúng ta thấy, Ngài là một Thiên Chúa quyền năng.
Thánh Luca đã ghi lại việc Chúa tỏ mình ra ở đây qua câu chuyện Chúa chữa một người phong cùi.
Thánh sử ghi: “Người giơ tay chạm đến người ấy và nói: Ta muốn – hãy nên sạch. Lập tức người ấy khỏi phong cùi.” (Lc 5,12)
Rõ ràng là ở đây, Chúa Giêsu đã tỏ ra cho con người thấy quyền năng của Chúa. Bởi chỉ bằng một ý muốn, một lời nói, Ngài đã chữa lành người phong cùi.
2. Chúa Giêsu của chúng ta ngoài việc tỏ mình ra là một Thiên Chúa quyền năng, Chúa còn tỏ ra cho ta thấy, Ngài là một Thiên Chúa giàu lòng thương xót. Lòng thương xót này còn được chứng tỏ qua việc Ngài lấy máu của mình để chuộc tội cho những ai biết tin vào Ngài.
Hơn nữa, Đấng quyền năng ấy, còn là một Thiên Chúa luôn biết cảm thông. Bản chất yêu thương của Chúa đã khiến Ngài muốn cảm thông với thân phận con người.
Họa sĩ tài ba Vincent Van Gogh không phải lúc nào cũng cầm cọ. Ông đã từng đến làm việc tại một mỏ than ở Borinage, Bỉ. Ở đó mọi người rất quý trọng ông. Những khi rảnh rỗi, ông thường được mọi người mời nói chuyện về cuộc sống. Ông nhận ra có một số người thường phản ứng khi nghe ông nói chuyện. Ông hiểu vì cuộc sống họ quá khổ sở, đến nỗi họ thấy khó mà tin được vào lời nói của người khác. Hằng ngày nhìn những người thợ mỏ phải làm việc trong các điều kiện khó khăn triền miên mà chỉ nhận được đồng lương chết đói. Gia đình họ luôn phải chạy ăn từng bữa, ông chợt thấy xót xa khi so sánh với cuộc sống tương đối sung túc của mình.
Vào một buổi tối cuối năm lạnh lẽo, trong đoàn người thợ mỏ mệt mỏi lê từng bước chân về nhà, ông thấy một ông lão chân bước xiêu vẹo băng ngang qua cánh đồng, giấu chặt người sau miếng vải bố để tìm chút hơi ấm. Van Gogh đã lấy quần áo của mình đem cho ông lão và chỉ giữ lại một bộ duy nhất. Ông quyết định sống với khẩu phần lương thực ít ỏi và phân phát tiền lương của mình cho những thợ mỏ khốn khổ ấy.
Có lần, mấy đứa trẻ của một gia đình nọ bị sốt thương hàn, tuy bản thân cũng đang sốt, Van Gogh vẫn nhường giường của mình để bọn trẻ có chỗ nằm.
Một gia đình giàu có trong vùng gợi ý dành riêng cho ông một căn phòng trống để trọ, nhưng Van Gogh từ chối lời để nghị này. Ông nói nếu có thiện chí, gia đình đó nên giúp những người có hoàn cảnh khó khăn hơn.
Những người trước đây thường phản ứng với ông giờ đã hiểu và rất kính trọng ông.
Ông ý thức rất rõ rằng giữa lời nói và hành động có một sự cách biệt khá lớn. Chính cuộc sống và hành động mới là tiếng nói ấn tượng nhất, hơn tất cả mọi lời hoa mỹ. Ông nhận ra dù ở bất cứ nơi đâu, chỉ nên dùng lời nói khi thật cần thiết.
3. Phần chúng ta, là những người được hưởng lòng thương xót một cách nhưng không của Chúa, chúng ta cũng phải biết đem tình thương của mình mà ban phát cho những anh chị em chung quanh chúng ta, bằng cách chia sẻ và gánh lấy những gánh nặng cho nhau.
Ngày kia tại Trung Quốc, một em bé đói rách tiều tụy vì phong cùi, bị dân chúng dùng gậy gộc xua đuổi ra khỏi nơi chôn nhau cắt rốn của em. Trước cảnh tượng đau lòng ấy, một nhà truyền giáo phương Tây đã ẵm em lên để che chở cho em khỏi những gậy gộc vút lên thân mình em và những viên đá phũ phàng ném vào em để xua đuổi em đi. Thấy có người chịu mang em bé đi, dân làng mới thôi, nhưng miệng họ vẫn không ngớt lời kêu la: “Phong hủi, phong hủi, phong hủi, cút đi!”.
Những giọt nước mắt lăn trên gò má em bé, nhưng lần này không phải là những giọt nước mắt đau buồn mà là những giọt nước mắt mừng vui, vì đã có người che chở. Em bé hỏi nhà truyền giáo:
– Tại sao ông lo lắng cho cháu như thế?
Nhà truyền giáo trả lời:
– Vì ông trời đã tạo nên cả hai chúng ta. Em sẽ là em gái của ta và ta sẽ là người anh của em. Từ nay, em sẽ không phải đói khổ và không còn lo không có nơi nương tựa nữa.
Suy nghĩ hồi lâu, em lại hỏi:
– Em phải làm gì?
– Em hãy trao tặng lại cho người khác tình yêu càng nhiều càng tốt -Nhà truyền giáo trả lời:
Kể từ đó đến 03 năm sau, khi em bé tắt hơi thở cuối cùng, em luôn chăm sóc, giúp đỡ, băng bó các vết thương, đút cơm cho các bệnh nhân trong trại cùi mà nhà truyền giáo đã đưa em về đó ở. Khi lìa đời, em mới lên 12 tuổi, và mọi bệnh nhân khác đã kháo láo với nhau:
– Bầu trời bé nhỏ của chúng ta đã về trời!
Vâng! Bầu trời bé nhỏ của chúng ta đã về trời! Ôi đẹp biết chừng nào tình yêu biết chia sẻ cho nhau.
Lm. Giuse Đinh Tất Quý