Trong suốt ba năm đời sống công khai, Chúa Giêsu nuôi sống các Tông đồ và dân chúng bằng Lời của Ngài. Trước khi về trời, Ngài còn thiết lập Bí tích Thánh Thể để làm của ăn nuôi sống các Tông đồ và Giáo hội mãi cho tới tận thế. Không những thế, Ngài còn làm phép lạ hoá bánh ra nhiều để cứu đói dân chúng về phần xác và mời gọi các Tông đồ: “Các con hãy cho họ ăn” (Lc 9,13).
Đó là ba của ăn liên kết chặt chẽ với nhau và liên quan đến đời sống con người. Đó cũng là ba điểm tôi muốn gợi ý cùng anh chị em suy niệm trong ngày lễ kính Mình và Máu Thánh Chúa Giêsu Kitô hôm nay.
- Chúa Giêsu nuôi sống các Tông đồ và dân chúng bằng Lời của Ngài.
Chúa Giêsu dùng Lời của Ngài để giảng dạy và nuôi dưỡng các môn đệ và những người đi theo Ngài. Bắt đầu là lời mời gọi “Hãy theo Ta!” (x. Mt 4,19). Tiếp đến là những lời giáo huấn để đào tạo các ông trở thành những môn đệ chân chính. Bài Tin mừng hôm nay cũng diễn ra trong bối cảnh dân chúng đi theo để lắng nghe Lời Ngài. Họ lắng nghe một cách say mê đến nỗi quên cả thời gian, quên cả ăn uống. Lời của Chúa là Sự Thật và là Sự Sống. Đúng như Ngài đã từng nói: “Lời Thầy nói với anh em là thần khí và là sự sống” (x. Ga 6,63); “Nếu các ông ở lại trong lời của tôi, thì các ông thật là môn đệ tôi, các ông sẽ biết sự thật, và sự thật sẽ giải phóng các ông” (Ga 8,31-32). Lời của Chúa có sức biến đổi: người tội lỗi trở thành Thánh nhân; người bệnh tật được chữa lành. Lời của Chúa xua trừ ma quỷ, làm cho kẻ chết sống lại…Con người sống nhờ Lời Chúa: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra” (Mt 4,4).
Các Tông đồ và Giáo hội cũng dùng Lời Chúa để sống, dạy dỗ và khuyên nhủ. Thánh Phaolô nói:“Có đức tin, là nhờ nghe giảng, mà nghe giảng là nghe công bố lời Đức Kitô” (Rm 10,17). Nơi khác, Ngài nói: “Mọi lời xưa đã chép trong Kinh Thánh, đều được phép để dạy dỗ chúng ta. Những lời ấy làm cho chúng ta nên kiên nhẫn, và an ủi chúng ta, để nhờ đó, chúng ta vững lòng trông cậy”(Rm 15,4). Thánh Phanxicô Xaviê nên thánh nhờ suy niệm và sống câu Lời Chúa: “Được lời lãi cả thế gian mà thiệt mất linh hồn nào ích lợi gì” (x. Mt 14,26). Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu nên thánh nhờ suy niệm và sống câu Lời Chúa: “Ai trở nên như trẻ nhỏ thì mới được vào Nước trời” (Mt 8,4).
Giáo hội luôn mong muốn mọi người kitô hữu đọc, suy gẫm và đem Lời Chúa thực hành trong đời sống, làm lương thực nuôi sống linh hồn. Bởi vì: “Ai nghe và thực hành Lời Chúa thì giống như người khôn ngoan xây nhà mình trên đá” (x. Mt 7,24).
- Chúa Giêsu nuôi sống các Tông đồ và dân chúng bằng Mình và Máu Thánh Ngài.
Chúa Giêsu không chỉ nuôi dân chúng bằng Lời của Người, mà còn nuôi dân chúng bằng chính Thịt Máu Người. Để ăn uống Mình và Máu Thánh Người, cần phải hội đủ hai điều kiện chính: sạch tội trọng và có ý ngay lành. Điều kiện để rước lễ đơn giản như vậy nhưng hiệu quả thì vô cùng to lớn. Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo cho biết: “Khi rước Mình Máu Thánh Chúa, chúng ta được gắn bó chặt chẽ hơn với Đức Kitô, được tha thứ các tội nhẹ và bảo vệ khỏi các tội trọng. Nhờ rước lễ, tình yêu của chúng ta với Đức Kitô được mật thiết hơn, nên sự hiệp nhất trong Hội Thánh là Nhiệm Thể Người, được củng cố” (Số 1416). Chính Chúa Giêsu cũng đã khẳng định: “Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì có sự sống đời đời” (x. Ga 6,54). Vì hiệu quả lớn lao như vậy, nên Giáo hội buộc nhặt mỗi người kitô hữu ít nhất mỗi năm rước lễ một lần. Giáo hội khuyến khích mỗi người kitô hữu siêng năng rước lễ và cho phép rước lễ mỗi ngày hai lần, nhưng lần thứ hai phải tham dự thánh lễ đầy đủ. Cho nên, mỗi người kitô hữu chúng ta hãy dọn mình và siêng năng rước lễ, vì “Nếu không ăn thịt và uống máu Người thì không có sự sống nơi mình” (x. Ga 6, 53). Trong bài đọc II, Thánh Phaolô trích dẫn bản văn phụng vụ về việc Chúa Giêsu lập Bí tích Thánh Thể. Qua đó, thánh nhân không những mời gọi chúng ta ăn uống Mình Máu Thánh Người mà còn phải có tâm tình chia sẻ với anh chị em xung quanh (x. 1Cr 11, 23-26).
- “Các con hãy cho họ ăn” (Lc 9,13).
Ăn uống là một trong những nhu cầu thiết yếu của con người. Con người cần ăn uống để tiếp tục sống. Nhưng cũng có người vì ăn uống mà phải chết, đó là ăn uống phải những thực phẩm bẩn, độc hại. Thật vậy, con người trong xã hội ngày nay thay vì cho nhau ăn uống những thực phẩm sạch, họ đang cho nhau ăn uống những thực phẩm bẩn.
Hằng ngày chúng ta đối diện với biết bao nhiêu thực phẩm bẩn: gạo bẩn, cá bẩn, rau bẩn, hoa quả bẩn, kẹo bánh bẩn, thức uống bẩn…Có người nói rằng, chúng ta toàn ăn phải“Thịt lừa”: thịt lợn người ta lừa là thịt trâu, thịt bò; cá bẩn người ta lừa là cá sạch; rau bẩn người ta lừa là rau sạch… Vì ăn uống phải thực phẩm bẩn nên số lượng người bị ngộ độc ngày càng nhiều. Có người vì ăn uống phải thực phẩm bẩn nên lăn ra chết tức thì. Có người ăn phải thực phẩm bẩn nên phải mang bệnh tật, để rồi phải chết dần chết mòn. Tai hại hơn, khi con người bị nhiễm độc tố kim loại nặng thì hậu quả lại vô cùng nguy hiểm, không phải bản thân mình chết mà ảnh hưởng cả những thế hệ tương lai. Thư chung Đức Giám Mục Giáo Phận Vinh năm 2016 về thảm hoạ môi trưởng biển Miền Trung khẳng định: “Hậu quả của nhiễm độc kim loại nặng đối với sức khỏe con người còn khủng khiếp hơn. Các độc tố này sẽ tồn tại lâu dài trong lòng biển. Nước biển và hải lưu sẽ làm loãng nồng độ chất độc để không gây chết tức thì cho sinh vật biển, nhưng các sinh vật này sẽ bị tác hại lâu dài qua việc hấp thụ độc tố từ chuỗi thức ăn. Khi con người tiêu thụ thủy sản, nước mắm, muối có nhiễm độc, các độc tố này sẽ xâm nhập và tích lũy ngày càng nhiều trong cơ thể. Đến một lúc nào đó hàm lượng độc tố này vượt ngưỡng cho phép, chúng sẽ gây bệnh tật như ung thư, tổn thương não… Và có thể gây dị dạng, quái thai cho các thế hệ sau.”
Chúng ta không chỉ đối diện với các thực phẩm bẩn, chúng ta còn phải đối diện với các phương tiện truyền thông bẩn. Sự bùng nổ các kỷ thuật thông tin, sự ra đời của các phương tiện truyền thông đang làm thay đổi xã hội và các gia đình, vì lợi ích lớn nhưng tác hại cũng không hề nhỏ. Đó là những loại hình văn hoá phi đạo đức, những văn hoá phẩm đồi truỵ, những trang giả danh Công giáo, các thông tin bịa đặt vu cáo, kết tội vô căn cứ những người dám nói lên sự thật, bênh vực cho công lý. Đài truyền hình Việt Nam đã vu khống cho Đức Tổng Giáo Mục Giuse Ngô Quang Kiệt năm 2008 vì sự góp ý chân thành của Ngài trong việc xây dựng một đất nước Việt Nam giàu mạnh, và ngày 15 tháng 05 vừa qua lại một lần nữa Đài truyền hình Việt Nam tiếp tục vu khống Đức Giám Mục Giáo Phận Vinh, vì Ngài đã nói lên sự thật về nạn ô nhiễm môi trường biển Miền Trung.
Đứng trước những thách đố như vậy, là người kitô hữu chúng ta phải làm gì? Cho nhau ăn gì?
Con người là một bản thể có hai phần hồn xác. Về phần hồn, chúng ta hãy giúp nhau sống Lời Chúa và rước Mình Máu Thánh Người. Về phần xác, chúng ta hãy cho nhau ăn những thức ăn sạch.
Khi biết sống theo Lời Chúa và dọn mình để rước Mình Máu Thánh Người thì chắc chắn chúng ta: không phổ biến, không dùng những phương tiện truyền thông bẩn; “Cương quyết không sản xuất, chế biến ‘thực phẩm bẩn’ gây huỷ hoại sức khoẻ, tổn thương đến tính mạng đồng bào mình; từ bỏ lối phát triển kinh tế không những không bền vững mà còn huỷ hoại đến môi sinh” (Thư chung ĐGM Gp. Vinh 2016); biết ngăn chặn những người sản xuất hay buôn bán những thực phẩm bẩn; biết sản xuất, buôn bán và cho nhau ăn những thực phẩm sạch, không phải chỉ để bảo vệ mạng sống của mình mà còn cần bảo đảm sự sống cho những người xung quanh.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho mọi người chúng con biết loại ra khỏi cuộc sống những thực phẩm bẩn, đồng thời biết sống Lời Chúa và dọn tâm hồn trong sạch để rước Thánh Thể Chúa mỗi ngày. Amen
Lm. Anthony Trung Thành