Trong các bổn phận chính mà người Kitô hữu phải làm, việc trước tiên là tin những gì Thiên Chúa truyền và Giáo Hội thay mặt Chúa dạy. Trong những điều phải tin, quan trọng hơn cả là các sự Mầu nhiệm, trong đó có Mầu nhiệm Một Thiên Chúa Ba Ngôi mà chúng ta mừng lễ hôm nay.
Trong bài suy niệm này, xin được gởi mở mấy điểm sau đây: Mầu nhiệm là gì? Nội dung Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là gì? Chính Chúa Giêsu đã mạc khải cho chúng ta biết Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi? Ta có bổn phận nào đối với Thiên Chúa Ba Ngôi?
- Mầu nhiệm là gì ?
Mầu nhiệm, là những sự thật siêu nhiên vượt quá khả năng hiểu biết của con người. Nhìn nhận có những mầu nhiệm không phải là phủ nhận trí khôn của con người, nhưng trái lại là chấp nhận trí khôn của con người thua kém sự khôn ngoan của Thiên Chúa.
Một hôm, Thánh Augustinô đi dạo trên bãi biển giữa cảnh trời đất bao la, biển rộng mênh mông suy nghĩ về Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi. Bỗng Ngài thấy một em bé trai đang loay hoay chạy đi chạy lại, tay cầm một cái vỏ sò chạy đi múc nước biển đổ vào một cái lỗ nhỏ trên cát.
Dừng lại quan sát em bé hồi lâu, Thánh nhân liền đến hỏi:
– Bé ơi ! bé đang làm gì đó ?
– Cháu muốn múc hết nước biển đổ vào cái lỗ này cho đầy.
Thánh nhân nhìn em bé mỉm cười dịu dàng nói:
– Cháu không thể làm như vậy được đâu !
– Chú bé đáp lại : Vậy mà cháu làm việc này còn dễ hơn việc ông đang nghĩ.
Nói xong, chú bé biến mất.
Lúc này thánh nhân mới bừng tỉnh và nhận ra rằng: Thiên Chúa nhắc cho biết trí khôn loài người không thể nào hiểu thấu đáo hết được Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi.
- Nội dung Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là gì?
Một là trong Thiên Chúa có ba ngôi khác biệt nhau. Hai là mỗi một ngôi cũng là Thiên Chúa. Ba là ba ngôi đều bằng nhau. Bốn là ba ngôi chỉ làm thành một Thiên Chúa.
Vì là mầu nhiệm nên chúng ta không thể hiểu. Tuy không hiểu, nhưng chúng ta tin, vì Chúa Giêsu đã mạc khải cho chúng ta.
- Chính Chúa Giêsu mạc khải cho chúng ta biết về Mầu Nhiệm Chúa Ba Ngôi?
Thời Cựu Ước, khi nhân loại chưa sẵn sàng đón nhận, nên Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi chưa được tỏ bày một cách rõ rệt, có chăng thì cũng chỉ tỏ bày một cách mờ nhạt. Chẳng hạn, tiên tri Isaia nghe được tiếng các Thiên thần ca tụng Thiên Chúa rằng: “Thánh, Thánh, Thánh…Chúa là Thiên Chúa các đạo binh” (x. Is 6,3). Trong sách Sáng Thế cũng tường thuật lại việc Thiên Chúa tạo dựng con người rằng: “Chúng ta hãy dựng nên con người giống hình ảnh chúng ta…” (St 1,26). Cụm từ “Chúng ta” ở số nhiều, có ý chỉ về Thiên Chúa Ba Ngôi.
Sang thời Tân Ước, khi nhận thấy con người đã sẵn sàng đón nhận, nên Chúa Giêsu đã mạc khải Mầu nhiệm này một cách rõ ràng, có khi mặc khải từng ngôi vị, có khi mạc khải hai ngôi vị, có khi mạc khải cả ba ngôi vị.
Mạc khải từng ngôi một:
Hai dẫn chứng tiêu biểu sau đây, Chúa Giêsu mạc khải cho chúng ta về Chúa Cha: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha” (Mt 11,25-26); “Lạy Cha, sự sống đời đời đó là họ nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật, và nhận biết Đấng Cha đã sai đến, là Giê-su Ki-tô” (x. Ga 17,1; 3).
Chúa Giêsu cũng mạc khải cho chúng ta về Chúa Con, khi Ngài xác nhận lời tuyên xưng của Phêrô: “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (x. Mt 16,13-18). Ngài còn tự nhận mình là Con Thiên Chúa và ngang bằng với Thiên Chúa (Ga 10, 22-39).
Chúa Giêsu cũng cho chúng ta biết có một Đấng Bảo Trợ khác đó là Chúa Thánh Thần (x. Ga 16,5-10), Ngài được sai đến để trợ giúp và thánh hoá chúng ta (x. Ga 16,13-15).
Mạc khải cả ba ngôi Thiên Chúa:
Khi Chúa Giêsu chịu phép rửa tại sông Giođan: “Đang khi Người cầu nguyện, thì trời mở ra, và Thánh Thần ngự xuống trên Người dưới hình dáng chim bồ câu. Lại có tiếng từ trời phán rằng: Con là Con của Cha; ngày hôm nay, Cha đã sinh ra Con” (x. Lc 3,21-22).
Ngày Chúa Giêsu lên trời, Ngài dạy các Tông đồ: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” ( Mt 28,19).
- Người Kitô hữu phải có bổn phận gì đối với Thiên Chúa Ba Ngôi?
Chúa Cha đã dựng nên chúng ta, Chúa Con đã cứu chuộc chúng ta và Chúa Thánh Thần thánh hoá chúng ta. Mỗi người Kitô hữu chúng ta đều mang ơn Thiên Chúa Ba Ngôi và luôn cần đến Ngài. Vì vậy, để tỏ lòng tôn kính, chúng ta cần phải làm những việc sau đây:
Thứ nhất, luôn giục lòng tin có Chúa Ba Ngôi ngự trong linh hồn ta, luôn cầu nguyện và kết hiệp với Ngài, sống đúng với lương tâm ngay thẳng, xa tránh các tội lỗi, làm nhiều việc lành…Để xứng đáng là đền thờ Thiên Chúa Ba Ngôi ngự trị.
Thứ hai, hãy năng làm dấu Thánh giá, làm một cách cung kính: Làm dấu Thánh giá trước khi đi ngủ, khi vừa mới thức dậy; Làm dấu Thánh giá trước và sau khi ăn cơm, trước và sau các giờ kinh nguyện; Đặc biệt khi gặp sự khốn khó, khi bị cám dỗ về đàng trái…Hãy làm dấu thánh giá để kêu cầu Thiên Chúa Ba Ngôi phù trợ và gìn giữ chúng ta. Thánh Antôn lần kia đang cầu nguyện thì bị cám dỗ về đàng trái, Ngài lấy lòng sốt sắng vạch hình thánh giá trên nền nhà thờ, lập tức hình thánh giá in đậm trên nền nhà thờ và ma quỷ bỏ chạy, còn Ngài được thoát khỏi cơn cám dỗ.
Thứ ba, hãy bắt chước Thiên Chúa Ba Ngôi sống hiệp nhất yêu thương. Tuy Chúa Cha là Đấng Tạo Dựng, Chúa Con là Đấng Cứu Chuộc, Chúa Thánh Thần là Đấng Thánh Hoá. Nhưng trong việc tạo dựng, cứu chuộc và thánh hoá đều có sự hiện diện của Ba Ngôi. Chúa Giêsu đã từng nói:“Thầy với Chúa Cha là một” (Ga 10,30) ; “Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy” (Ga 16,15) ; “Tất cả những gì của Con đều là của Cha, tất cả những gì của Cha đều là của Con” (Ga 17,10). Trước khi về trời, Ngài khẩn thiết cầu xin Chúa Cha cho các môn đệ và những người theo Ngài được hiệp nhất nên một với nhau (x. Ga 17, 21-23). Vậy, chúng ta hãy noi gương Thiên Chúa Ba Ngôi biết sống hiệp nhất yêu thương: Hiệp nhất nên một giữa vợ chồng; Hiệp nhất giữa các thành viên trong gia đình: “Chính sự hiệp thông mật thiết trong gia đình Kitô giáo là hình ảnh hiệp thông giữa Ba Ngôi Thiên Chúa” (Thư chung HĐGMVN 2002, số 6); Hiệp nhất giữa các thành viên trong cộng đoàn; Hiệp nhất giữa mọi thành phần trong Hội Thánh. Thánh Phaolô dạy: “Bất cứ ai trong anh em được thanh tẩy để thuộc về Đức Kitô, đều mặc lấy Đức Kitô. Không còn chuyện phân biệt Dothái hay Hylạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà; nhưng tất cả anh em chỉ là một trong Đức Kitô” (Gl 3, 27-28). Trong bài giảng sáng ngày 12-5 vừa qua, tại Nguyện đường Nhà trọ Thánh Marta, Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Sự hiệp nhất của cộng đoàn Kitô, của gia đình Kitô, là một lời chứng cho sự thật rằng Chúa Cha đã gởi Con mình đến thế gian”.
Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi Cực Thánh, xin cho chúng con luôn biết tin kính và yêu mến Chúa. Xin cho moi thành phần trong Hội Thánh luôn biết cộng tác với nhau, sống hiệp nhất yêu thương để càng ngày càng diễn tả rõ nét hình ảnh hiệp nhất của Thiên Chúa Ba Ngôi trong gia đình, trong cộng đoàn giáo xứ và Giáo Hội. Amen.
Lm. Anthony Trung Thành