Năm 2012 tôi có dịp sang Hoa Kỳ du lịch. Tôi có dịp đến nhiều nhà thờ to lớn nguy nga bề thế ở Mỹ. Có những nhà thờ đã được xây dựng vài trăm năm về trước, và có sức chứa đến vài ngàn người. Nhìn những nhà thờ đồ sộ nguy ngay như vậy cho tôi cảm giác các tiền nhân ở đây đã sống đạo rất phong phú. Họ đến nhà thờ rất đông. Họ cũng quảng đại góp công góp sức để có thể làm nên những ngôi nhà thờ nguy nga tráng lệ. Tôi thực sự cảm phục về đời sống đạo của các tiền nhân Nước Mỹ.
Thế nhưng, điều tôi ngạc nhiên là nhiều ngôi nhà thờ này hôm nay đã không còn người dự lễ. Có nhà thờ phải đóng cửa. Có nhà thờ phải bán đi trả nợ. Không biết người Công Giáo Nước Mỹ có suy nghĩ gì khi cha ông họ vất vả xây dựng. Dù rằng ngày xưa còn lạc hậu và phương tiện thô sơ, họ còn làm được những công trình to lớn như thế, mà đến nay con cháu sống trong khung trời văn minh lại để hoang lạnh vì thiếu tiền, thiếu người dự lễ…? Phải chăng những gì cha ông vất vả xây dựng nay con cháu lại bất lực khi nhìn thấy cảnh nhà thờ hoang lạnh và phải bán đấu giá vì thiếu tiền duy trì…
Nhìn họ lại nhớ đến ta. Cha ông ta dù trong hoàn cảnh đạo bị bách hại, cuộc sống còn lam lũ nghèo khó, thiếu thốn tư bề, các ngài vẫn giữ đaọ, vẫn sống đạo… Giáo hội vẫn phát triển không ngừng về con người và cơ sở vật chất. Theo thống kê năm 1975 số người tín hữu đã lên tới 5 triệu người trên tổng dân số toàn quốc hơn 40 triệu dân. Tỷ lệ 1/10. Thế nhưng qua 38 năm Giáo hội Công Giáo dường như không có bước tiến về truyền giáo. Số người công giáo sau 38 năm cũng chỉ mới hơn 6 triệu tín hữu so với dân số gần 90 triệu dân. Tỷ lệ 1/15. Chúng ta vẫn tự hào về cha ông chúng ta – những anh hùng trung kiên với đức tin, đã can đảm hiên ngang đổ máu đào để minh chứng cho đức tin Công giáo.
Chúng ta vui mừng tạ ơn Thiên Chúa đã ban cho Giáo hội Việt Nam nhiều vị tử đạo. Chúng ta vui mừng và thành tâm cầu xin, cung nghinh, tôn kính các thánh tử đạo. Đó là những tình cảm và việc làm thật tốt đẹp. Thế nhưng là con cháu, chúng ta có trung kiên như các ngài hay không? Giáo hội hôm nay không còn kiểu bách hại dẫn đến đổ máu, nhưng lại đòi hỏi chúng ta phải trung kiên giữ đạo vì những quyến rũ của danh lợi thú trần gian. Cha ông ta đã đổ máu để giữ đạo còn chúng ta lại tìm hưởng thụ để bỏ đạo hay lơ là đạo, phải chăng chúng ta cũng đang làm mất đi công trình của cha ông đã xây dựng bằng xương bằng máu của mình? Nói đến các Thánh Tử đạo, không thể nào ta không nhắc đến đức tin mà các vị ấy đã tuyên xưng bằng chính máu đào và bằng chính sự sống của mình.
Một đức tin quá kiên trung. Một đức tin quá can đảm phi thường. Bất chấp mọi cực hình, các ngài vẫn một lòng sắt son với Thiên Chúa. Và dường như càng bị bách hại, giáo hội lại càng có nhiều người anh dũng chết cho đức tin bấy nhiêu. Vua quan, một mặt ra sức bắt đạo dữ dội, mặt khác ra sức ngăn chặn sự phát triển của đạo, thì lại vô tình làm cho đức tin càng được dồn nén, càng được nung nấu, càng được khẳng định, nếu có dịp sẽ cháy bùng lên, và nhanh chóng lan toả mãnh liệt hơn bất cứ lúc nào. Điều quan yếu nơi các thánh tử đạo không chỉ là việc đổ máu mà là một chuỗi ngày dài sống đức tin trung kiên. Một đức tin sắt son với Chúa. Một đức mến nồng nàn với tha nhân.
Như trường hợp y sĩ Phan Đắc Hòa, ông luôn rộng rãi giúp người nghèo khó, riêng bệnh nhân túng thiếu, không những ông chữa bệnh miễn phí, lại còn giúp tiền giúp lúa. Với ông Martinô Thọ thì “Công bằng chưa đủ phải có bác ái nữa, mà muốn thực thi bác ái phải có điều kiện, thế nên, ông đã trồng lúa, trồng rau để có tiền làm việc thiện. Với ông Cai Tả thì yêu thương để xứng với tình Chúa yêu, ông thường châm chước cho những người mắc nợ và nói: “Mình quên nợ người, Chúa quên tội mình “. Với quan Hồ Đình Hy thì: “Đừng làm việc thiện cách máy móc qua lần chiếu lệ, mà phải làm với thiện ý “. Ông từng chăm sóc nuôi nấng một người bệnh bơ vơ, suốt 15 ngày sáng tối thăm hỏi, và khi người bệnh lìa đời, đã tổ chức lễ an táng tử tế. Ông cũng nuôi hai bé gái bị bỏ rơi cho đến khi trưởng thành: một cô xin đi tu, một xin lập gia đình, ông quảng đại lo đến nơi đến chốn. Chính đời sống đức tin tỏa sáng bằng việc làm bác ái đã đi vào lòng quan quân, và dân chúng. Mặc cho triều đình nhà Nguyễn ra những chiếu chỉ bách hại, dấu hiệu tình thân giữa bà con chòm xóm đối với người Công Giáo vẫn trước sua như một. Thí dụ trong vụ án linh mục Gioan Đạt, viên cai ngục nói: “Tôi thấy cụ khôn ngoan đạo đức thì muốn kết nghĩa huynh đệ lắm, ngặt vì cụ sắp bị án tử rồi. Tôi xin hứa biếu cụ một cỗ quan tài để biểu lộ lòng tôi quý cụ “.
Thế nhưng, cha ông chúng ta đã đổ máu vì đức tin, đã hiến dâng cả mạng sống để chứng tỏ tình yêu mạnh hơn sự chết. Những con người hi sinh cao cả như thế chẳng lẽ lại chỉ mong để con cháu ca hát ngợi khen, rước sách tung hô mình? Người ta đã nhận định là tín hữu Việt Nam rất nhiệt tình trong kinh hạt, rước sách linh đình nhưng lại ngại hi sinh dấn thân trong công việc mục vụ, bác ái yêu thương. Đời sống tôn giáo của tín hữu Việt Nam xanh tốt như cây nhiều cành lá mà ít hoa quả. Những nhận định không hoàn toàn đúng nhưng cũng đáng để suy nghĩ. Từ đó, thiết nghĩ, có lẽ cha ông tử đạo của chúng ta mong nơi con cháu một điều gì đó cao hơn, khó hơn việc hát ca, rước sách.
Thực vậy, Giáo hội ngày hôm nay cần có những chứng nhân giữa dòng đời. Những chứng nhân dám sống niềm tin của mình mà không sợ thiệt thòi khi mất chức, mất địa vị trong xã hội. Những chứng nhân dám sống theo chân thiện mỹ giữa một xã hội gian dối, lừa lọc, cho dù vì thế mà nghèo hèn túng thiếu. Những chứng nhân trung kiên không vì danh lợi thú mà sao lãng bổn phận thờ phượng Chúa nhưng luôn hy sinh từ bỏ tham sân si để sống đạo yêu thương giữa cuộc đời.
Mỗi khi mừng kính các thánh tử đạo là mỗi dịp để khơi dậy tinh thần tử đạo nơi chúng ta. Tinh thần tử đạo không gì khác hơn là làm chứng cho Chúa giữa cuộc đời. Xưa các thánh tử đạo đã dám chết cho niềm tin của mình, thì nay chúng ta cũng phải dám hi sinh cho những giá trị tinh thần cao quí trong cuộc sống hàng ngày. Xin đừng để những giọt máu đào của cha ông đổ ra cách uổng phí khi con cháu hôm nay chỉ thích hưởng thụ, sống lười biếng, hèn nhát. Amen.
Lm. Giuse Tạ duy Tuyền