Suy gẫm về thánh lễ

 dauthanhgia.jpg

Dấu Thánh Giá 

Khi bắt đầu cử hành thánh lễ, chúng con cùng làm dấu thánh giá với chủ tế đang khi ngài cất tiếng đọc “Nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần”. Lạy Chúa Giêsu, con vẫn tự hỏi tại sao chúng con lại phối hợp dấu thánh giá với danh Ba Ngôi chí thánh. Con tin rằng chính vì mọi kinh nguyện của Kitô hữu đều gợi lại hy tế trên thập giá. Chúng con kết hợp cả hai với nhau để nhắc nhớ mình: Chúa đã quy tụ chúng con để cử hành bữa tiệc thánh trong sự tưởng niệm Chúa chịu nạn và chịu chết nhân danh Chúa Ba Ngôi.

Dấu thánh giá là một phương thế nhờ đó chúng con chân nhận sự hiện diện của thánh giá Chúa trong cuộc đời chúng con. Ngoài việc làm dấu thánh giá khi bắt đầu cử hành phụng vụ, chúng con còn làm dấu thánh giá trong những hoàn cảnh khác nhau: lúc vui cũng như khi buồn, lúc gặp hiểm nguy do bị uy hiếp và tấn công bởi con người hay do tai họa của thiên nhiên, khi khởi sự cầu nguyện hay bắt tay vào công việc gì. Lạy Chúa, thánh giá Chúa là biểu tượng của quyền năng ban phúc lành và nhắc nhớ chúng con về việc tự hiến của Chúa trên thập giá. Thật an ủi cho chúng con vì được sống dưới bóng che chở của thánh giá Chúa.

Khi làm dấu thánh giá, chúng con kêu cầu danh Chúa Ba Ngôi. Chính do ý muốn và quyền bính của Chúa Cha và với uy lực của Chúa Thánh Thần mà Chúa, lạy Chúa Giêsu, đã vác thập giá lên đồi Canvê. Khi Chúa từ bỏ mạng sống mình “bằng tiếng kêu to và giọt lệ khẩn nài”, sự xấu xa của tội lỗi nhân loại càng hiện hình vẻ ghê gớm của chúng nhưng rồi lòng trắc ẩn đầy yêu thương của Ba Ngôi đã được tỏ hiện. Lạy Chúa, chính trên thánh giá, Chúa đã quay về tấm lòng của Chúa Cha và dạy chúng con biết rằng nhờ Chúa chịu đóng đanh vào thánh giá mà chúng con được kéo lên với Chúa. Thật là một tư tưởng lạ lùng: bị đóng đinh nhưng lại được đưa lên cao! Cũng chính trên thánh giá mà Chúa đã ban Thánh Thần cho chúng con, Đấng đã đồng hành với Chúa từ khi nhập thể cho đến khi bị đóng đinh trên thánh giá. Lạy Chúa, xin cho con luôn biết bám chặt lấy Chúa Thánh Thần, không bao giờ rời khỏi Ngôi Ba Thiên Chúa khi con phải chiến đấu để vượt qua sóng gió cuộc đời này.

Chúa Thánh Thần và thập giá của Chúa: đó là một mầu nhiệm cao cả, lạy Chúa Giêsu, nhưng nhờ ân sủng, con có thể hiểu được lờ mờ mầu nhiệm ấy trong bí tích Thanh Tẩy. Trên hết, khi chịu phép Thanh Tẩy, chính với dấu thánh giá ghi trên trán chúng con và nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần, Chúa Cha đã đón nhận chúng con làm con cái của Người. Nhờ thánh giá Chúa, Chúa Thánh Thần được ban cho chúng con; bởi thánh giá Chúa mà Chúa Cha nhận chúng con làm nghĩa tử. Ước gì bí tích Rửa Tội chúng con lãnh nhận luôn giữ mãi trong lòng trí chúng con sự hiện diện của Chúa Thánh Linh và quyền năng của thánh giá.

Thánh Ambrôsiô, một vị giám mục vĩ đại đã phát biểu một điều khiến trí tưởng tượng của con bị đánh động. Ngài nói rằng, Chúa Thánh Thần và thánh giá nằm ngay trong nước Rửa Tội. Điều này làm hồn con như lâng lâng đến nỗi một bức họa về cuộc đời mình đã thành hình trong trí con, cuộc đời đã được trải qua trong dòng nước thanh tẩy, và chính nơi dòng nước này, khi bám lấy thập giá Chúa, con được hòa hợp với Ngôi Cha, Ngôi Con và Ngôi Thánh Thần. Một văn sĩ trước thánh Ambrôsiô là Tertunianô đã gọi Chúa là “cá” và so sánh các Kitô là “những con cá nhỏ.” Lạy Chúa, xin hãy để cho nước thanh tẩy thường xuyên tồn tại trong con. Xin luôn luôn nhắc nhớ con rằng bên ngoài dòng nước này, con sẽ chẳng thể nào hít thở được sự sống của Chúa Thánh Linh; không có dòng nước rửa tội này, con sẽ không thể nào thấu hiểu được thập giá. Cuộc sống sẽ là gì nếu không thông hiệp với Chúa Ba Ngôi? Đời sống chúng con sẽ bấp bênh chao đảo thế nào nếu không có đồn lũy của thập giá chở che?

 “Chúa ở cùng anh chị em”

“Chúa ở cùng anh chị em.” Ôi lạy Chúa Giêsu, đây là lời vị chủ tế chào đón chúng con, với lời này, Chúa đã ân cần quy tụ chúng con vào mầu nhiệm thánh lễ. Con cảm nhận tư tưởng thâm sâu đàng sau những lời ấy. Đây là lời chào, nhưng không giống như bất kỳ lời chào xã giao bình thường hằng ngày nào khác bởi vì lời chào này loan báo rằng Chúa đang ở giữa chúng con. Lời chào này có ăn nhập gì đến cuộc sống không nếu chúng con gặp phải một ngày tẻ nhạt trống vắng hay một ngày hân hoan phấn khởi? Lời chào này có ăn nhập gì đến cuộc sống chúng con không nếu thảm họa đến gõ cửa nhà chúng con hay chúng con đang bay bổng trong thành công mỹ mãn? Đối với một số người, lời chào này chất chứa bao hy vọng, vui tươi và an lành. Đối với những ai đang u buồn và đau khổ, lời chào này trở thành niềm an ủi và lời động viên nâng đỡ họ. Lạy Chúa, Chúa ở với chúng con và đó là quan trọng, là tất cả đối với chúng con.

Bởi vì Chúa ở với chúng con nên chúng con là Hội Thánh của Chúa: chúng con là Hội Thánh duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền được quy tụ tại nơi phụng tự này. Vì “nơi nào có hai hay ba người họp lại nhân danh Chúa” thì lạy Chúa, Chúa sẽ ở ngay đó với họ. Đây thật là một cái nhìn sáng tỏ và sâu sắc biết bao về đặc nét của một cộng đoàn phụng vụ Thánh Thể.

Sự hiện diện của Chúa đã thiết lập chúng con thành nên một cộng đoàn phụng tự mà Thiên Chúa đã “kêu gọi ra khỏi nơi tăm tối để vào nơi đầy ánh sáng diệu huyền”. Không có Chúa, chúng con sẽ đứng trước ngai Thiên Chúa mà không có danh phận gì, không dám tin chắc được lắng nghe.

Đoàn dân quy tụ trong ngôi nhà thờ chính tòa nguy nga rộng lớn là Hội Thánh hữu hình của Chúa, đặc biệt khi Đức Giám mục chủ tế tại bàn thờ cùng với linh mục đoàn của ngài và với sự tham dự tích cực của dân chúng. Đó là sự quy tụ bày tỏ sự hiển hiện cách đầy đủ hơn Hội Thánh của Chúa, một Hội Thánh rộng lan khắp thế giới.

Thế nhưng, các cộng đoàn tại những ngôi nhà nguyện nhỏ nhé ở những miền làng quê heo hút, cách xa trung tâm giáo xứ hay thành phố cũng vẫn đại diện cho Hội Thánh hoàn vũ, bởi vì trong sự hợp nhất và bằng thẩm quyền của vị giám mục, họ vẫn được quy tụ trong danh Chúa. Họ gánh vác bổn phận mà Chúa đã đặt để trên toàn thể Hội Thánh, bổn phận cầu nguyện cho toàn thế giới. Họ tuy chỉ là một nhúm nhỏ, nhưng bàn tay họ cũng tràn đầy mối bận tâm của Hội Thánh đối với nhân loại, đối với quốc gia và đối với toàn cõi địa cầu.

Lạy Chúa, khi Chúa bao bọc chúng con trong vòng tay của Chúa, thì mọi khác biệt giữa con người với nhau liền tan biến. Cộng đoàn giàu hay nghèo, ở thành thị hay thôn quê, nhỏ hay lớn: những khác biệt như thế sẽ không còn nữa. Chúng con là một, Hội Thánh duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền đang phụng thờ nhân danh Chúa và theo mệnh lệnh của Chúa.

Trí khôn hay thắc mắc của con muốn tìm biết Chúa hiện diện thế nào? Lạy Chúa, có phải chúng con đang nói về sự hiện diện đích thực của Chúa? Chúa có thực sự hiện diện trong cộng đoàn phụng vụ như Chúa hiện diện trong bánh và rượu đã được thánh hiến không? Đức Tin dạy chúng con rằng đúng vậy, mặc dầu theo cách thức và cấp độ khác nhau. Sự hiện diện của Chúa trong bí tích Thánh Thể liên quan đến thể thức biến đổi “bản thể” nơi bánh và rượu và tiếp tục hiện diện bên ngoài cử hành thánh lễ. Nhưng điều này không làm cho sự diện diện của Chúa nơi cộng đoàn phụng vụ kém đi ngay cả khi sự hiện diện ấy ngắn ngủi.

Lạy Chúa, thời gian lại trôi qua, và một lần nữa, con đã cố gắng mường tượng mầu nhiệm này trong tâm trí giới hạn của con. Nhưng con đã thất bại, bởi vì con dò dẫm trong bóng đêm theo kiểu luận lý và hiểu biết của thọ tạo. Con thất bại, bởi vì con đã gắng sức vén màn một mầu nhiệm vượt quá năng lực suy luận của con người. Vâng, thật khờ khạo biết bao! Đây là thực tại, nhưng không thể nhìn thấy bằng mắt thường mà là một trong những trường hợp đòi hỏi con phải nhắm mắt lại và bước đi trong đức tin. Lạy Chúa, con tin! Xin nâng đỡ sự kém tin và bất tín của con.

(còn nữa)

 

Lm. Giuse Phạm Đình Ái, SSS (biên dịch)
Dựa theo “MEDITATIONS ON THE MASS”

của cha ANSCAR CHUPUNGCO, OSB