Trong khuôn khổ của Hội nghị chuyên đề Liên tôn Quốc tế về Chăm sóc giảm nhẹ lần thứ I, được tổ chức tại Toronto, Canada, từ ngày 21 đến 23.05.2024, Đức Thánh Cha đã gửi một Sứ điệp tới các tham dự viên, do Đức Tổng Giám mục Ivan Jurkovic, Sứ thần Tòa thánh tại Canada, tuyên đọc vào đêm khai mạc Hội nghị.
Với chủ đề “Hướng tới câu chuyện về niềm hy vọng”, Hội nghị có sự tham gia của Đức Tổng Giám mục Vincenzo Paglia, chủ tịch Hàn lâm viện Toà Thánh về Sự sống; Đức Giám mục William McGrattan, chủ tịch Hội đồng Giám mục Canada; và nhiều bác sĩ, y tá chuyên gia trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe đến từ khắp nơi trên thế giới và thuộc các tôn giáo khác nhau.
Sau đây là toàn văn Việt ngữ Sứ điệp của Đức Thánh Cha:
SỨ ĐIỆP ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
GỬI TỚI THAM DỰ VIÊN HỘI NGHỊ “HƯỚNG TỚI CÂU CHUYỆN VỀ NIỀM HY VỌNG:
HỘI NGHỊ CHUYÊN ĐỀ LIÊN TÔN QUỐC TẾ VỀ CHĂM SÓC GIẢM NHẸ”
Toronto, ngày 21-23 tháng 05 năm 2024
Tôi xin gửi lời chào thân ái và lời chúc tốt đẹp nhất đến tất cả tham dự viên Hội nghị chuyên đề Liên tôn Quốc tế lần thứ I về Chăm sóc giảm nhẹ (Palliative care), do Hàn lâm viện Toà Thánh về Sự sống và Hội đồng Giám mục Canada đồng tài trợ. Tôi xin cảm ơn hai vị Chủ tịch tương ứng: Đức Tổng Giám mục Vincenzo Paglia và Đức Giám mục William McGrattan. Tôi cũng xin cảm ơn các diễn giả của Hội nghị và tất cả những ai đã làm việc để biến cuộc gặp gỡ này thành hiện thực.
Chủ đề các bạn đã chọn, Hướng tới một Câu chuyện về Niềm Hy vọng, vừa mang tính thời sự vừa thiết yếu. Ngày nay, khi chứng kiến những hậu quả bi thảm của chiến tranh, bạo lực và bất công dưới nhiều hình thức, người ta rất dễ rơi vào trạng thái đau buồn, thậm chí tuyệt vọng. Tuy nhiên, là thành viên của gia đình nhân loại và đặc biệt là những người có đức tin, chúng ta được mời gọi đồng hành bằng tình yêu và lòng trắc ẩn với những người đang đấu tranh và gặp khó khăn trong việc tìm kiếm lý do để hy vọng (x. 1 Pr 3,15). Thật vậy, niềm hy vọng là điều mang lại cho chúng ta sức mạnh khi đối diện với những vấn đề do những thách đố, khó khăn và lo lắng của cuộc sống đặt ra.
Điều này càng đúng hơn khi phải đối diện với căn bệnh hiểm nghèo hoặc vào giai đoạn cuối đời. Tất cả những người trải nghiệm những bất ổn vốn thường gắn liền với bệnh tật và cái chết đều cần chứng tá của niềm hy vọng từ những người chăm sóc, và những người luôn ở bên cạnh họ. Do đó, việc chăm sóc giảm nhẹ, trong khi tìm cách giảm bớt gánh nặng đau đớn bao nhiêu có thể, thì trước hết là một dấu chỉ cụ thể của sự gần gũi và liên đới với anh chị em đang đau khổ. Đồng thời, hình thức chăm sóc này có thể giúp bệnh nhân và người thân của họ chấp nhận tính dễ bị tổn thương, sự mong manh và hữu hạn vốn chi phối cuộc sống của con người trong thế giới này.
Ở đây, tôi muốn nhấn mạnh rằng việc chăm sóc giảm nhẹ đích thực hoàn toàn khác với sự an tử (euthanasia), vốn không bao giờ là nguồn hy vọng hay mối quan tâm đích thực đối với người bệnh và sắp chết. Thực ra, an tử là một sự thất bại trong tình yêu, phản ánh một “nền văn hóa vứt bỏ”, trong đó “con người không còn được xem như có giá trị tối cao phải được tôn trọng và bảo vệ” (Thông điệp Fratelli Tutti, 18). Thật vậy, an tử thường được trình bày một cách sai lầm như một hình thức của lòng trắc ẩn. Tuy nhiên, “lòng trắc ẩn”, một từ có nghĩa là “đau khổ với”, không có nghĩa cố ý kết thúc một cuộc đời, mà là sẵn sàng chia sẻ gánh nặng của những người đang đối diện với giai đoạn cuối của cuộc hành trình trần thế của họ. Vì thế, chăm sóc giảm nhẹ là một hình thức chân thực của lòng trắc ẩn, vì nó đáp lại những đau khổ, dù là về thể lý, cảm xúc, tâm lý hay tâm linh, bằng việc khẳng định phẩm giá cơ bản và bất khả xâm phạm của mỗi người, đặc biệt là những người cận kề cái chết, đồng thời giúp họ chấp nhận giây phút tất yếu của việc chuyển từ cuộc sống này sang cuộc sống vĩnh cửu.
Từ nhãn quan này, niềm xác tín tôn giáo của chúng ta mang lại một nhận thức sâu xa hơn về bệnh tật, đau khổ và cái chết, coi những điều này như một phần của mầu nhiệm quan phòng thần linh, và đối với truyền thống Kitô giáo, như một phương tiện thánh hóa. Đồng thời, những hành động trắc ẩn và tôn trọng của các nhân viên y tế và người chăm sóc tận tâm thường giúp những người ở giai đoạn cuối đời tìm được niềm an ủi, hy vọng và sự hòa giải về mặt tâm linh với Thiên Chúa, với thân nhân, và với bạn bè của họ. Thật vậy, sự phục vụ của các bạn rất quan trọng – tôi thậm chí có thể nói là mang tính thiết yếu – khi giúp người đau bệnh và sắp chết nhận ra rằng họ không bị cô lập hay cô đơn, rằng cuộc sống của họ không phải là một gánh nặng, rằng họ luôn có giá trị nội tại trước mắt Thiên Chúa (x. Tv 116,15) và hiệp nhất với chúng ta bằng mối dây hiệp thông.
Các bạn thân mến, tôi khuyến khích tất cả các bạn hãy nỗ lực thúc đẩy việc chăm sóc giảm nhẹ cho những anh chị em dễ bị tổn thương nhất của chúng ta. Chớ gì những cuộc thảo luận và cân nhắc của các bạn trong những ngày này giúp các bạn kiên trì trong tình yêu, mang lại niềm hy vọng cho những người ở giai đoạn cuối đời, và thúc đẩy việc xây dựng một xã hội công bằng và huynh đệ hơn. Tôi cầu xin phúc lành thần linh của sự khôn ngoan, sức mạnh, và bình an xuống trên các bạn và những người thân yêu của các bạn.
Rôma, từ Đền Thánh Gioan Lateranô, ngày 26 tháng 04 năm 2024
PHANXICÔ
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: vatican.va (22. 05. 2024)