Thứ hai 16.01.2017 vừa qua, tổ chức thiện nguyện phi chính phủ OXFAM của Anh quốc đã công bố báo cáo bên lề Diễn Đàn kinh tế thế giới, khai mạc hôm sau đó 17.01 tại Davos, Thụy Sĩ. Theo báo cáo này 8 người giàu nhất thế giới nắm trong tay tài sản tương đương với sở hữu của một nửa tổng số tất cả những người nghèo nhất thế giới.
Photo: Pablo Tosco / Oxfam
Người phát ngôn của tổ chức OXFAM, bà France Manon Aubry, tuyên bố: Thật là điều không thể chấp nhận được khi sự giàu có khổng lồ tập trung trong tay một số người quá ít ỏi như thế, trong khi cứ 10 người trên toàn thế giới, có một người phải sống còn với trên dưới 2 đôla mỗi ngày.
Báo cáo nói trên mang tựa đề: Một nền kinh tế phục vụ cho 99%, tố giác hiện tượng các doanh nghiệp lớn và số rất ít những người giàu có ngày càng đào sâu những chênh lệch bất công, khai thác một hệ thống kinh tế sai lạc, tránh thuế má, giảm thiểu lương bổng và gia tăng tối đa lợi nhuận đến từ thị trường chứng khoán.
Tổ chức OXFAM tính toán rằng cứ theo đà này, người tỷ phú đứng đầu thế giới có thể thấy tài sản của mình vượt lên trên một ngàn tỷ đô la trong vòng chưa đến 25 năm tới đây. Để tiêu hết số tiền này, người ấy phải phung phí một triệu đô la mỗi ngày trong vòng 2738 năm.
Để thực hiện cuộc nghiên cứu này, OXFAM đã dựa vào danh sách những người giàu nhất hành tinh do tập san FORBES thiết lập, theo đó, Bill Gates người Mỹ, sáng lập tổ chức MICROSOFT, là người giàu nhất thế giới với tài sản 75 tỷ đô la; kế đến là ông Amancio Ortega, người Tây Ban Nha, Warren Buffet, Carlos Slim, Jeff Bezos, Mark Zuckerberg, Larry Ellison và Michael Bloomberg.
Tại diễn đàn kinh tế thế giới DAVOS, tổ chức OXFAM tố giác sự kiện sự chênh lệch bất công ngày càng gia tăng trên toàn trái đất, cũng như áp lực đè nặng trên mức lương bổng khắp thế giới, trong khi thuế má được giảm hạ cho các doanh nghiệp hay càng ngày càng xuất hiện nhiều thiên đàng miễn thuế. Các cơ xưởng kỹ nghệ tìm cách gia tăng lợi nhuận, nhất là bằng cách tránh thuế, khiến cho quốc gia thiếu những phương tiện cần thiết để tài trợ nền chính trị và những dịch vụ tối cần thiết để giảm bớt những bất công.
Tổ chức này kêu gọi các chính quyền hãy phản ứng và quay về một quan điểm kinh tế, đặt trọng tâm vào con người. Khi nào các chính trị gia không còn bị ám ảnh bởi tổng sản lượng quốc gia và biết tập trung chú ý trên phúc lợi của toàn thể công dân trong nước, chứ không nhìn vào nhóm ít người trưởng giả trí thức ưu tuyển mà thôi, thì người ta có thể đảm bảo một tương lai tươi sáng hơn cho tất cả mọi người dân.
(Mai Anh, RadioVaticana 23.01.2017/ AFP 16.01.2017)