Thánh địa Đức Mẹ Madhu tượng trưng cho sự hòa giải sau nội chiến
Người Công giáo Sri Lanka tập trung tại nhà thờ Đức Mẹ
Madhu hôm 15-8. Thánh địa là biểu tượng đoàn kết giữa
người Tamil và Sinhala trên quốc đảo này. Ảnh được cung cấp.
Jesica Rodrigo thích tham dự ngày lễ này tại thánh địa ‘Đức Mẹ Madhu’ được thành lập cách đây 400 năm thuộc miền bắc Sri Lanka mỗi tháng 8.
Bà và các thành viên trong gia đình, cùng với hàng ngàn người sùng mộ khác dựng trại gần đó trong 7 ngày, tham dự các Thánh lễ bằng tiếng Tamil, Sinhala, và tiếng Anh.
Người Công giáo dân tộc Sinhala và Tamil, giàu cũng như nghèo, trò chuyện với nhau một cách thoải mái vào ngày lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời.
Gia đình Rodrigo đến từ Negombo, thành phố cảng đa văn hóa ở phía tây của quốc gia đa số Phật giáo này.
Họ và những người khác viếng thánh địa Đức Mẹ Madhu, lắng nghe các bài thánh ca và kinh nguyện qua loa phát thanh tại khu trại trong rừng từ sáng đến tối.
Lời kinh cầu xin sự hòa giải và thịnh vượng.
Lực lượng ly khai Hổ Tamil Eelam (LTTE) trong cuộc nội chiến từ năm 1983-2009 cài mìn trong vùng, mặc cho đại diện bên Công giáo tìm cách làm cho nơi đây tránh bị quân sự hóa.
Nhà thờ, cách thủ đô Colombo 220 km về phía bắc, bị hư hại do trận pháo kích vào ngày 20-11-1999, và khoảng 40 người Tamil bao gồm trẻ em bị thiệt mạng.
Đây là nơi trú ẩn của hàng ngàn người tản cư khi cuộc xung đột xảy ra.
Năm 2008, một quả mìn claymore phát nổ gần nhà thờ, làm 20 người thiệt mạng trong đó có 11 học sinh.
Gia đình Rodrigo và nhiều người khác từng không thể đến được thánh địa do chiến sự và đường xá bị phong tỏa.
Do đó họ tổ chức lễ hàng năm mừng ngày lễ Đức Mẹ Mân Côi tại các nhà thờ giáo xứ.
Người Công giáo hoan nghênh Tổng thống Maithripala Sirisena thông qua quyết định công bố thánh địa, vốn đã trở thành biểu tượng hòa giải sau nội chiến, là nơi thiêng liêng.
Cha Victor Soosay, tổng đại diện của giáo phận Mannar, lưu ý người Phật giáo và Ấn giáo cũng như Kitô giáo và Hồi giáo đã đến bày tỏ lòng tôn kính đối với nhà thờ và thánh địa.
“Chính phủ đã tuyên bố nhiều nơi thờ tự của Phật giáo và Ấn giáo là các nơi thiêng liêng và chúng tôi hoan nghênh động thái của chính phủ dành cho nhà thờ Madhu”, cha Soosay nói.
Ngài cho biết thêm các bộ đặc trách các vấn đề tôn giáo và du lịch với sự trợ giúp của chính phủ Ấn Độ dự kiến xây 300 ngôi nhà phục vụ những người sùng mộ.
Đây là thánh địa thiêng liêng nhất của Công giáo trong quốc gia và được cung hiến trong thời Chiến tranh Thế giới thứ 2.
Mariya Jeyaratnam, bà mẹ người Tamil bị thương do trúng pháo kích trong cuộc nội chiến, chạy nạn đến nhà thờ cùng với hơn 3.000 thường dân khác.
“Mỗi lần khi còn tị nạn cùng với các con, tất cả chúng tôi chạy đến với Mẹ Maria, tâm sự với Mẹ về những nỗi khó khăn và gian khổ của chúng tôi”, bà Jeyaratnam, 62 tuổi kể lại.
“Tất cả chúng tôi kéo đến tượng Đức Mẹ làm phép lạ và cầu nguyện cho đến nửa đêm”.
Đến giờ, những người bị nạn vẫn còn đang tìm kiếm công lý, bà cho biết thêm.
Bà Jeyaratnam nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tất cả các tôn giáo cần được đối xử công bằng.
Trong khi đó Jesica Rodrigo hài lòng vì thánh địa và nhà thờ Đức Mẹ Madhu giờ đây đã có cùng địa vị như các nơi thờ tự của Phật giáo và Ấn giáo.
Trước đây Đức Thánh cha Phanxicô đã viếng nhà thờ và thúc giục tất cả người Tamil và Sinhala tha thứ cho nhau, bà kể.
(UCAN 31.08.2018)