Bệnh viện quận Mbagathi là bệnh viện công gần Kibera, khu ổ chuột của thành phố lớn nhất của Nairobi, nơi có khoảng 800 ngàn cư dân. Cứ 2 người ở Kibera thì có 1 người bị thất nghiệp.
Chương trình chăm sóc sức khỏe miễn phí tại bệnh viện đã đáp ứng được nhu cầu rất lớn của dân chúng. Khoa sản của bệnh viện Mbagathi có khả năng phục vụ cho khoảng 300 thai phụ mỗi tháng, nhưng trong thực tế, mỗi tháng có hơn 1000 phụ nữ đến bệnh viện để được trợ giúp cho việc sinh nở. Sr. Mary Joan Njeri đã quyết định phục vụ tại bệnh viện công của chính phủ, nơi các phụ nữ của khu ổ chuột, những người không có khả năng tài chính để đi sinh con ở nơi khác. Sơ đã kể lại lý do mình quyết định trở thành bác sĩ phụ khoa và sản khoa và công việc của sơ ở bệnh viện này.
“Khi tôi là một bác sĩ đa khoa, thỉnh thoảng tôi làm việc tại khoa phụ sản. Mỗi khi tôi nhìn thấy các phụ nữ đau đớn và cần một bác sĩ chuyên khoa thì lại không có các chuyên viên. Các phụ nữ này có rất nhiều vấn đề nhưng lai không có đủ bác sĩ để chăm sóc họ. Vì vậy tôi tự hỏi mình: ‘Nếu tôi trở thành một bác sĩ phụ sản thì sao? Tôi có sẵn lòng không? Tôi sẽ chữa trị cho họ mà không đòi hỏi phí tổn cao hơn các bác sĩ khác yêu cầu? Đó là những điều thúc đẩy tôi. Ngày nay tôi cảm thấy hoàn thành được ước muốn của mình. Tôi đang làm việc trong một trong những khu ổ chuột lớn nhất và tôi có rất nhiều các phụ nữ, những phụ nữ rất nghèo. Khi họ đến với tôi, tôi không kể thời gian và tôi không tính tiền bạc. Tôi dâng tặng bản thân cách tự do và tôi có thể cho họ sự phục vụ tốt nhất mà tôi có thể.
Tại bệnh viện này, có khi có đến 3 phụ nữ chung một giường. Hai người nằm một đầu, còn người nằm giữa nằm quay đầu khác. Bởi vì họ đều sống ở khu ổ chuột nên họ không có tiền để đi đến bệnh viện tốt hơn. Khi một phụ nữ sinh con, thường chúng tôi giữ bà ấy 24 tiếng. Nhưng vì khả năng của bệnh viện, chúng tôi chỉ có thể giữ họ lại 12 tiếng. Nếu họ sinh con vào ban chiều, và ngày hôm sau sức khỏe của họ ổn định, thì chúng tôi cho họ xuất viện. Chúng tôi cũng thực hiện khoảng 100 đến 150 ca sinh mổ mỗi tháng, chiếm 18-20% các ca sinh nở. Thỉnh thoảng khi mà số ca sinh quá đông, dù sinh mổ, các sản phụ cũng phải nằm chung giường. Nó là rất khó khăn. Chúng tôi cũng có những bà mẹ bị biến chứng phụ khoa, cần được chăm sóc y tế nhiều hơn.”
Kể về một ngày hoạt động của mình, sơ Njeri chia sẻ: “Tôi thức dậy lúc 4.30 sáng và cầu nguyện. Tôi phải đón xe buýt lên thành phố để tham dự Thánh lễ lúc 6.30 sáng. Tôi vào bệnh viện lúc 7.30 và bắt đầu đi thăm khám cho các phụ nữ được nhập viện chiều tối hôm trước trong khi đợi các bác sĩ khác đến lúc 8 giờ. Đúng 8 giờ, tôi bắt đầu đi khám quanh khoa với các bác sĩ. Vì số phụ nữ quá đông nên phải đến một giờ trưa mới xong. Tôi đọc kinh trưa lúc 1.15 và ăn trưa. Tôi trở lại khoa vào lúc 2 giờ, thăm bệnh cho các phụ nữ được nhập viện lúc ban trưa. Bên cạnh công việc ở khoa phụ sản, tôi cũng tham gia vào các ca bệnh đặc biệt và huấn luyện các kỹ năng cho các thực tập sinh.
5.30 chiều tôi đón xe buýt trở về tu viện. Tôi chầu ThánhThể từ 6-7giờ chiều, rồi cầu nguyện với cộng đoàn đến 7.30 và ăn tối. Sau đó chúng tôi có nửa giờ giải lao, rồi chúng tôi cùng nhau xem tin tức cho đến 9.30. Sau đó tôi đọc sách vở một lúc và nghỉ đêm lúc 10 hay 11 giờ. Ban đêm, thỉnh thoảng tôi cũng bị thức dậy khi có điên thoại gọi đến để xin giúp ý kiến hay yêu cầu đến bệnh viện. Vào ban đêm, tôi ngủ bất cứ khi nào tôi tìm được giờ rảnh. Ngày hôm sau, tôi thức dậy lúc 4.30 và tiếp tục công việc. Đây là lịch trình từ thứ hai đến thứ sáu.
Vào thứ 7 và Chúa nhật, nếu không có điện thoại, tôi đi đến khu ổ chuột, thỉnh thoảng đến Masailanh – là những khu vực thôn quê, nghèo khổ, nơi cư ngụ của bộ tộc Masai, những người du mục hay bán du mục. Tôi siêu âm cho họ để khám ung thư tử cung và tôi khuyến khích họ sinh con tại các bệnh viện. Nếu tôi thấy trường hợp nào cần chú ý, bởi vì tôi đang làm việc tại một bệnh viện công, tôi sắp xếp với các trạm y tế địa phương đưa họ đến bệnh viện của chúng tôi, để tôi có thể có cơ hội chăm sóc cho họ. Đó là những gì tôi làm ngày này qua ngày khác. Tôi rất vui và hài lòng.
Sơ Njeri cũng chia sẻ về hoàn cảnh của một bệnh nhân rất đáng nhớ. “Có một phụ nữ đến bệnh viện khi mang thai được 6 tháng. Trước đó bà chưa bao giờ đi khám thai. Tôi đã siêu âm và nói cho bà biết bà đang mang thai đôi. Bà ta khóc và nói với tôi: ‘Sơ ơi, 2 đứa con à? Tôi sẽ đưa chúng đi đâu?’ Tôi nói với bà: ‘Chúa sẽ giúp bà. Chúa sẽ cho bà biết bà sẽ đưa 2 đứa bé đi đâu.’ Trong khi sinh, một trong những đứa trẻ đã bị vỡ nước ối, nên tôi đã mổ cho bà. Bà ấy rất nghèo, thậm chí không có thứ gì để quấn cho con của mình sau khi sinh. Tôi có tấm kitenge trong túi của tôi, là tấm vải lớn mà phụ nữ quấn quanh bụng trong khi đi lại hoặc làm việc. Nó rất lớn và ấm áp, vì vậy tôi lấy nó ra và cắt thành hai. Tôi quấn hai đứa con của bà trong tấm khăn kitenge của tôi. Mỗi ngày tôi được phát tiền để ăn trưa, nhưng thỉnh thoảng tôi chỉ ăn quả chuối và để dành số tiền còn lại. Vì vậy, vào ngày hôm sau, tôi đi chợ và mua quần áo cho hai đứa bé. Ở Kenya, chăm sóc sinh sản được miễn phí, nên bà không phải trả đồng nào. Nhưng tôi đã hỏi các bác sĩ xem chúng tôi có thể quyên góp cho bà ta ít tiền không. Ngày hôm sau, mỗi bác sĩ đã góp 100 hay 50 shillings, khoảng 1 đô la hay 50 cents, và chúng tôi đã có thể cho bà ta một chút gì đó. Trước khi bà xuất viện, tôi đã giúp bà liên lạc với nhân viên xã hội để họ có thể theo dõi chăm sóc cho bà.”
Sơ Njeri mong muốn là có thật nhiều nữ tu làm việc trong các bệnh viện để họ có thể đến với những người nghèo nhất trong những người nghèo và có thể thay đổi cuộc sống của họ, dù chỉ là một tí thôi. Sơ chia sẻ là có nhiều chuyên viên y khoa chăm sóc cho những người có điều kiện kinh tế, nhưng có rất ít chuyên viên chăm sóc cho người nghèo. Sơ khuyến khích các nữ tu đừng bỏ cuộc nhưng cần hoạt động cật lực hơn. Và nếu các nữ tu có thể tìm được những ân nhân giúp đỡ, hãy để họ xin sự giúp đỡ.
Dù cho những điều kiện khó khăn ở bệnh viện, nhưng sơ Njeri vẫn giữ vững đức tin. Sơ chia sẻ: “Niềm tin và xác tín của tôi đã cho tôi sức mạnh để tiếp tục. Tôi biết rằng tôi không chỉ làm việc cho con người, nhưng tôi đang làm việc cho một quyền lực cao hơn, đó là cho Chúa. Và chính Người là Đấng ban sinh lực cho tôi. Ngoài ra, mỗi ngày, tôi phải cầu nguyện hai lần. Tôi phải đi tham dự Thánh lễ vào sáng sớm: thức dậy, cầu nguyện, sau đó đi tham dự Thánh lễ. Vào buổi chiều, một lần nữa, tôi phải ở trước Chúa Giêsu và cầu xin Người ban cho tôi sức mạnh và năng lượng. Điều đó giúp tôi hoàn thành công việc, ngay cả khi công việc rất khó khăn.”
(Hồng Thủy, RadioVaticana 28.02.2017/
Global Sister Report 31/01/2017)