Cécile Séveirac
Sơ Laura là một nữ tu dòng Đaminh người Hungary. Được đặt biệt danh là “sơ Pepsi” do kinh nghiệm chuyên môn của mình ở công ty “Pepsi Cola”, sơ đã chọn dâng hiến đời mình cho Chúa sau cái chết của mẹ mình.
Ở Hungary, người ta gọi chị là “sơ Pepsi” liên quan đến sự nghiệp chuyên môn của sơ trước khi sống đời thánh hiến: trước khi heo đuổi ơn gọi tu trì trong Dòng Đaminh, sơ Laura Baritz đã làm việc với tư cách là đặc trách phát triển kinh doanh cho Pepsi-Cola Hungary. Một sự nghiệp thịnh vượng, kéo dài 6 năm, từ 1988 đến 1994.
Là một nữ doanh nhân đích thực, Laura Baritz đi đây đó nhiều và ngủ ít. Tuy nhiên, vào năm 1992, căn bệnh ập đến với mẹ của sơ khiến tham vọng của chị dừng lại: bệnh ung thư xương và còn một năm để sống. Lúc đó, sơ quyết định dành thời gian nhiều hơn hết sức có thể cho mẹ mình. Sơ kể lại với National Catholic Register: “Tôi đã đưa mẹ đến Hoa Kỳ, ở New York, khi Pepsi cử tôi đến đó để đào tạo”. “Trong thời gian này, đức tin của tôi bắt đầu sâu sắc hơn. Tôi cảm thấy ngày càng gần gũi với Chúa Giêsu hơn. Tôi cầu nguyện nhiều hơn, tôi có một đời sống đức tin tích cực hơn nhiều”.
Hoán cải sau cái chết của mẹ
Chính khi mẹ sơ qua đời mà sơ đã dứt khoát “ngã sang” đức tin. Sơ Laura nhớ lại: “Khoảnh khắc mẹ tôi qua đời đã thay đổi đời tôi. Tôi ở với mẹ, tôi ôm mẹ trong vòng tay của mình, và khi ánh sáng rời khỏi mắt mẹ, tôi đã thực sự cảm thấy rằng Chúa Giêsu đang đón nhận mẹ, mẹ đang chuyển từ vòng tay của tôi sang vòng tay của Ngài. Mẹ đã ở với Ngài”. ”Sau đó, tôi không còn như trước nữa. Tôi không còn muốn an phận với những thứ phù du của thế gian này, của chủ nghĩa duy vật này nữa. Tôi muốn bước theo Chúa Kitô”.
Lúc đó, Laura Baritz liên lạc với một trong những người bạn dòng Đaminh của mình. Sơ tìm thấy trong Dòng này vị linh hướng của mình và đến thăm một tu viện Đaminh ở Hungary. Sơ khẳng định: ”Ngay lập tức tôi cảm thấy như ở nhà mình. Đó giống như một dấu hiệu từ Chúa Giêsu rằng đây là nơi của tôi. Tôi gia nhập tu viện này chỉ một năm sau khi mẹ tôi qua đời”.
Đưa các kỹ năng của mình vào phục vụ việc giảng dạy
Sơ Pepsi tiếp tục được đào tạo: sau khi vào tu viện, sơ học thần học và triết học, cũng như luân lý. Trong một chuyến đến Rôma, sơ gặp nữ tu Helen Alford, dòng Đaminh người Anh, cũng là một nhà kinh tế học. “Tôi nói với sơ ấy rằng tôi là một nhà kinh tế học, nhưng tôi đã rời bỏ ngành này để trở thành nữ tu. Sơ ấy nói với tôi rằng điều tốt nhất phải làm, đó là kết hợp kinh tế học và thần học”. Trở về Hungary, sơ Laura bắt tay vào nghiên cứu học thuyết xã hội của Giáo hội về kinh tế.
Sau khi lấy bằng tiến sĩ, sơ thành lập KETEG, một chương trình giảng dạy thúc đẩy tư tưởng kinh tế dựa trên luân lý và tư tưởng xã hội Công giáo, theo lối tiếp cận “tập trung vào con người”. Sơ tuyên bố: “Tôi nghĩ rằng chúng ta đã đi quá xa trong cách tiếp cận của chủ thuyết duy lợi, và đã đến lúc đặt con người trở lại trung tâm của tất cả các cơ chế này”. Dựa vào thánh Tôma Aquinô, sơ Pepsi coi quyền tư hữu là một điều tuyệt vời, dù ủng hộ việc phân phối công bằng của cải theo lương bổng bổ sung mà mỗi người kiếm được.
Các khóa học của sơ luôn thu hút nhiều người hơn. Và thậm chí đôi khi là nguồn gốc của các cuộc hoán cải. Sơ tự hào kể lại: “Gần đây, một thanh niên đã được rửa tội sau khi theo khóa học của tôi. Một sinh viên khác đã rời bỏ công việc của mình vì anh ý thức rằng môi trường làm việc của mình đã biến chất, và anh đã thành lập công ty riêng của mình để đóng góp vào công ích tốt hơn”.
“Giáo hội Công giáo Hungary là vững chắc”
Trong khi Đức Thánh Cha Phanxicô ở Hungary từ ngày 28 đến 30/4/2023, sơ Laura “hy vọng rằng với chuyến viếng thăm này của Đức Thánh Cha, các phương tiện truyền thông sẽ dành thời gian để thực sự phản ánh những thực tế của đất nước chúng tôi. Đó là cơ hội cho các Kitô hữu vào thời điểm này. Đây là một giai đoạn tuyệt vời để trở thành một Kitô hữu ở đó ! Các điều kiện là “tối ưu” để cho phép loan truyền sứ điệp Tin Mừng”. Sơ nói tiếp: “Tôi nghĩ rằng Giáo hội Công giáo ở Hungary là vững chắc, nhờ các giám mục và linh mục bảo vệ sứ điệp của Giáo hội, nhưng cũng nhờ Thủ tướng khẳng định các giá trị Kitô giáo của đất nước chúng tôi. Tất cả những điều này cho thấy Kitô giáo vẫn là chiếc la bàn cho xã hội của chúng tôi”.
Tý Linh
(theo Cécile Séveirac, nhật báo Aleteia)
Nguồn: xuanbichvietnam.net (05.05.2023)