Anh Abanoub Guirguis vừa tốt nghiệp ngành dược và nha khoa, hiện theo chuyên ngành của mình tại đại học Nahda University, ở Beni Suef, vùng Thượng Ai Cập. Chẳng bao lâu nữa, anh sẽ là sinh viên Kitô giáo đầu tiên đến thực tập tại đại học Al-Azhar, là trường Hồi giáo hệ Sunni danh tiếng nhất tại thủ đô Cairo. Sau chuyến viếng thăm của ĐTC Phanxicô tại Ai Cập, và sau loạt tấn công và bạo lực mà các tín hữu Chính Thống giáo Copt đã gánh chịu trong các tháng qua, trường này muốn cho thế giới thấy các dấu chỉ của sự “cởi mở và đối thoại”.
Giáo hội Công giáo hân hoan tiếp nhận tin vui, và đánh giá chưa hề có trước đây, như là “một khởi điểm quan trọng”. Tuy nhiên cần có thêm những chứng cứ, trước khi kết luận đây đúng là bước ngoặt để sang trang sử mới. Cha Rafic Greiche đánh giá với Asianews: “Điều quan trọng là phải chú tâm theo dõi việc ấy và xem nó tiến triển thế nào vào những tuần tới, trong tương lai gần đây”.
“KHỞI ĐIỂM TỐT”
Hơn một ngàn năm nay, đại học Al-Azhar đã đào tạo không những bác sĩ, kỹ sư, nhà khoa học, mà còn các chuyên gia về luật và các giáo chủ Hồi giáo. Sau đó, họ sẽ được phái đi rao giảng trong các giáo đường Hồi giáo trên khắp thế giới. Cho đến bây giờ, trường chỉ cho những sinh viên Hồi giáo thực tập được tiếp cận các cơ sở của mình. Mới đây, các dân biểu Quốc hội Ai Cập đã yêu cầu đại học nên “cởi mở hơn” để tuyển thêm các sinh viên Kitô giáo. Phát ngôn viên trường Al-Azhar Abbas Shoman nhận định: “Không có khoản lề luật Hồi giáo nào ngăn cản công dân Ai Cập thuộc tôn giáo khác theo học ở đây”. Tuy nhiên, “việc bắt buộc học thuộc lòng kinh Coran” tại Al-Azhar có thể gây khó đối với các sinh viên Kitô hữu, do đó, chúng tôi khuyên họ “không nên” ghi danh vào trường này.
Trường đại học uy tín này “khẳng định không có sự phân biệt trong việc ghi danh”. Nhưng trên thực tế, điều ấy không bao giờ được thực thi, theo cha Rafic Greiche. Cha giải thích: “Giờ đây chúng ta đã có sinh viên Kitô giáo đầu tiên tại trường Al-Azhar, đây là một sự kiện tích cực, một điều mới mẻ chúng ta cần chú tâm theo dõi”. Đối với cha, “đây là một khởi điểm tốt”. Tuy thế, vẫn cần tìm hiểu xem “việc này có được tồn tại theo năm tháng và thể hiện ra sao”. Ngài tóm kết trường Al-Azhar luôn muốn cho thế giới thấy “một khuôn mặt hòa giải, cởi mở, chống khủng bố, và quyết định này được áp dụng vào một thời khắc đặc biệt. Trước khi đánh giá dứt khoát, chúng ta hãy xem việc theo học của sinh viên nêu trên sẽ diễn ra như thế nào”.
LOẠI BỎ NHỮNG NHẬP NHẰNG
Tin tưởng vào thế hệ trẻ để xây dựng hòa bình, đó là điều Đức Phanxicô đã khuyến khích các tham dự viên Đại hội quốc tế vì hòa bình, được đại giáo chủ đại học Al-Azhar, Đức Ahmed al-Tayeb tổ chức nhân chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha đến Cairo tháng Tư vừa rồi. Hai “chìa khóa” để thực hiện điều Đức Phanxicô giải thích: đó là giáo dục, đối thoại giữa các tôn giáo và các nền văn hóa, dựa trên cơ sở ba nguyên tắc thiết yếu, gồm “nhiệm vụ bảo vệ căn tính, lòng can đảm tôn trọng tha tính và ý hướng chân thành”, ĐTC đã nhấn mạnh như thế qua diễn từ của ngài tại giáo đường Hồi giáo. Đó là giải pháp duy nhất thay thế cho “sự đối kháng đầy man rợ”, và “lôgíc đầy kích động của điều ác” trên thế giới, hay tại một khu vực, nơi đó trào lưu tôn giáo cực đoan đang trỗi dậy rất nguy hiểm.
Khi gợi đến “nạn bạo lực đầy mù quáng và bất nhân”, gây nên bởi “lòng ham muốn quá hạn hẹp về quyền lực, lòng tham lam buôn bán vũ khí, hay bởi các vấn đề xã hội đầy nghiêm trọng và chủ trương tôn giáo cực đoan”, ĐTC đã nhấn mạnh đến trách nhiệm của mỗi nhà lãnh đạo chính trị và tôn giáo tại Ai Cập phải “lột mặt nạ” các tên buôn bán các ảo tưởng về thế giới phù phiếm, đồng thời “tháo gỡ các ý tưởng sát nhân và các hệ ý thức cực đoan”, đồng thời công khai khẳng định “tính không tương thích giữa đức tin chân thật và bạo lực, giữa Thiên Chúa và các hành vi của sự chết”.
Sau 5 năm đóng băng quan hệ, cuộc gặp gỡ lịch sử giữa Đức Thánh Cha và Đại giáo chủ Al-Azhar tại Vatican năm ngoái đã triển nở các hoa quả ban đầu cho việc tái lập cuộc đối thoại chính thức giữa Tòa Thánh và trường đại học lớn nhất của Hồi giáo dòng Sunni. Tại Ai Cập, báo chí đã dành rất nhiều trang bàn về cuộc gặp gỡ này, do đó cho thấy “sự quan tâm và trông chờ” do biến cố to lớn như thế khơi lên giữa lòng xã hội.
Ông Samir Khalil, nhà Hồi giáo học nổi tiếng Ai Cập nhận định: “Tôi tin cuộc gặp gỡ ấy là một sự chúc lành của Đấng Tối Cao”. Từ đó, ông tiếp nối những nỗ lực “đầy hứa hẹn” của đại học Al-Azhar. Theo ông, dù có thừa nhận những “bước tiến nhỏ bé” và cụ thể, nhưng chúng vẫn chưa đủ. Sau cuộc tấn công vào nhóm hành hương Chính Thống giáo Copt ở thành phố Minya (vùng Hạ Ai Cập), nhà Hồi giáo học nêu trên tái khẳng định tầm quan trọng của việc suy xét về từng chi tiết của bộ luật đạo Hồi (charia) vì “các giáo chủ thường ít có thói quen này” và vì nếu hiểu sai, sẽ dễ dẫn đến những hành động cực đoan.
VIẾT HIỆP (Theo Aleteia)
Nguồn tin: Báo Công Giáo & Dân Tộc