Radio Vatican ngừng tồn tại như một thực thể độc lập từ sau ngày 31 tháng 12, 2016

Đức Jorge Mario Bergoglio là giáo sĩ dòng Tên đầu tiên trong lịch sử được ngồi trên ngai tòa Thánh Phêrô. Nhưng điều khôi hài là chính trong triều đại của ngài, Dòng Tên đang có nguy cơ bị biến mất khỏi Vatican!
Radio Vatican ngừng tồn tại như một thực thể độc lập từ sau ngày 31 tháng 12, 2016

Cố nhiên, may ra dòng này vẫn còn giữ được đài quan sát thiên văn ở tuốt Castel Gandolfo. Nhưng dòng này đã lần lượt mất đi quyền chỉ huy phòng báo chí Tòa Thánh, các mạng lưới phát thanh, và đài truyền hình, là ba cơ quan hình thành nên đầu não của hệ thống truyền thông Vatican.Trong nhiều năm, Cha Federico Lombardi đã là nhà lãnh đạo của cả ba cơ quan trên. Nhưng ngài mất dần quyền lãnh đạo các cơ quan này và không có một vị dòng Tên nào đã được bổ nhiệm thay thế cho ngài.

Nhà lãnh đạo mới của các phương tiện truyền thông Vatican, được chỉ định bởi Đức Giáo Hoàng Phanxicô, với trọng trách là thành lập một cơ cấu truyền thông mới, là Đức Ông Dario Edoardo Viganò (một chuyên gia về điện ảnh, dưới cái nhìn của cha Lombardi.)

Radio Vatican là trung tâm của biến động này. Được ủy thác cho Dòng Tên từ khi được chào đời vào năm 1931, Radio Vatican đã mang các sứ điệp của Giáo Hội đến các góc trời xa nhất của thế giới.

Phát trên sóng ngắn (short wave), Radio Vatican có thể nghe được ngay cả ở những nơi bị cấm triệt để như ở Siberia trong những năm dưới chế độ tàn bạo của Stalin, hay như ngày hôm nay đây ở Bắc Triều Tiên hay Ả Rập Saudi.

Radio Vatican phát thanh bằng 40 thứ tiếng, và nếu muốn, Cha Lombardi có thể tăng thêm một vài ngôn ngữ khác nữa. Ngài thậm chí có lần đã phát các chương trình bằng tiếng Hausa, cho khu vực phía Bắc Nigeria, nơi bọn Boko Haram đang hoành hành, với một chi phí bổ sung chỉ khoảng 10,000 € mỗi năm. 

Tuy nhiên, những người giữ hầu bao tại Vatican đã buộc ngài phải đóng cửa các chương trình này vì lý do ngân sách eo hẹp.

Trong thực tế, Tòa Thánh phải chi tiêu rất nhiều cho Radio Vatican. Không có quảng cáo, không một doanh thu đáng kể nào, và vì phát trên nhiều ngôn ngữ khác nhau, ít nhất Tòa Thánh phải trả lương cho hơn 200 người trong đó có 35 nhà báo làm việc toàn thời. Tổng chi ngân sách cho Radio Vatican dao động từ hai mươi đến ba mươi triệu euro mỗi năm.

Vì thế, Đức Ông Viganò không muốn nghe đến hai từ sóng ngắn nữa. Ngài xem nó là lỗi thời và phải được tháo dỡ, bởi vì nó đã và đang bị thay thế bởi các trang web. 

Trong khi đó thì cha Lombardi lại thấy sóng ngắn tiếp tục giữ một vai trò thiết yếu như một dịch vụ “cho người nghèo, những người bị áp bức, những dân tộc thiểu số” thay vì phải bị loại bỏ trong một cố gắng tối đa hóa số khán thính giả với một ngân sách eo hẹp.

Đó là hai viễn kiến đối chọi nhau. Tuy nhiên, con đường xem ra đã được vạch ra. Tại châu Phi, nơi thực là khó khăn để truy cập internet, Đức Ông Viganò đã có một thỏa thuận với Facebook theo đó các thông điệp của Đức Giáo Hoàng sẽ được mang đến 44 quốc gia trong vùng, qua một ứng dụng trên điện thoại di động.

Ngày 31 tháng 12, 2016 là ngày cuối cùng Radio Vatican tồn tại như một thực thể độc lập. Sau ngày đó, nó sẽ được hội nhập vào một “trung tâm nội dung” duy nhất hay theo cách nói của Đức Ông Viganò, là vào “một trung tâm sản xuất đa phương tiện duy nhất bao gồm các văn bản, hình ảnh, phim ảnh và podcast được phát bằng nhiều ngôn ngữ,” dưới sự lãnh đạo về biên tập do chính Đức Ông Viganò đảm nhiệm và sẽ sớm được bàn giao cho một “lực lượng đặc nhiệm các ký giả”, nhiều người trong số đó sẽ được mời từ Radio Vatican và được khích lệ tự thích nghi bản thân với vai trò mới.

Đức Thánh Cha Phanxicô dường như đã quyết định đi theo hướng này khi ngài lần lượt tiếp các ngôi sao trong các hệ thống hiện đại nhất của ngành truyền thông. Trong năm nay thôi, ngài đã lần lượt tiếp các “ông trùm” của Apple, Google, Instagram, Facebook, Vodafone. Không ai trong số họ ra về trắng tay. Và vào đầu tháng Mười Hai, ngài đã tiếp các nhà lãnh đạo trong ban biên tập của Giants Fortune và Time Warner, là những người hứa hẹn sẽ cộng tác với Vatican trong việc hỗ trợ những người tị nạn, và những người nghèo trên toàn thế giới, với sự tham gia của các công ty như IBM, McKinsey, Siemens WPP, và vân vân.

Đặng Tự Do