1. Ngay từ lúc con cái còn nhỏ, các bậc cha mẹ đã dùng nhiều phương cách nhẹ nhàng và giản dị trong việc giáo dục đức tin như đưa trẻ đến nhà thờ chơi, cùng đi lễ, kể chuyện Kinh Thánh hoặc dạy con đọc kinh hằng ngày… Anh Hà Văn Nam (giáo xứ Thị Nghè, TGP TP.HCM) kể lại: “Khi con mình còn nhỏ, mỗi chiều tôi vẫn thường ẵm cháu sang nhà thờ chơi. Đứng dưới tượng Đức Mẹ, tôi dạy con gọi Mẹ và đọc những lời nguyện cầu vừa đủ để cháu có thể nghe. Dù lúc ấy thằng bé chưa biết gì, chỉ bập bẹ theo ba từng tiếng nhưng tôi luôn hy vọng những bài học sơ khởi này có thể theo con mãi về sau”. Chính những câu kinh, lời nguyện đơn sơ ấy đã tạo nên ấn tượng đầu đời khó phai, để khi lớn lên, mỗi người trẻ từ nền tảng ban đầu, hình thành lòng yêu Thiên Chúa và sự hăng say tham dự vào các sinh hoạt của nhà thờ. Còn chị Nguyễn Thị Thu An (giáo xứ Thánh Gia, TGP.TPHCM) lại cho biết, lúc con mình mới biết đọc, chị mua một quyển Kinh Thánh cho trẻ em rồi tối nào hai mẹ con cũng đánh vần cùng nhau để bé hiểu biết thêm về đạo. “Khi con vào cấp hai, tôi vẫn duy trì cho cháu thói quen đọc sách Công giáo”, chị nói thêm. Anh Nguyễn Quỳnh (giáo xứ Bình Thuận, TGP.TPHCM) vẫn nhớ như in những ngày còn bé ở quê, tối tối, gia đình anh cùng tụ họp đọc kinh và bố anh chính là người đầu tiên đã dạy con làm dấu trước khi đi ngủ. Khi trưởng thành, đi xa lập nghiệp, anh vẫn giữ vững đức tin đã được gầy dựng từ gia đình ngày nào, dẫu cuộc sống lắm lúc phải đối diện với những khó khăn.
2. Thế nhưng, bên cạnh những người vẫn giữ được lòng mộ đạo do cha mẹ truyền cho từ thuở bé, vẫn có không ít người khi đã trưởng thành thì mất dần sự gần gũi với đức tin do tác động của môi trường sống hiện đại. Trước sức hút của công nghệ, một bộ phận người trẻ ngày nay dường như không có nhiều thời gian cho những sinh hoạt nhà đạo, việc đọc kinh, đi lễ đôi khi cũng chẳng mặn mà. Họ kết nối với thế giới bên ngoài qua màn hình phẳng và phụ thuộc quá nhiều vào nó. Thậm chí có không ít trường hợp còn sử dụng điện thoại ngay trong khoảng thời gian ít ỏi dành cho Chúa tại các thánh lễ ở giáo xứ hoặc thay vì đến sinh hoạt ở nhà thờ, họ lại thích ở nhà “lên mạng” hơn. Trước tình hình ấy, nhiều phụ huynh đã vào cuộc. Những người cha, người mẹ tìm tòi, lập những trang cá nhân trên các mạng xã hội để kết nối với con như một người bạn. Ông Trương Tấn Phúc (giáo xứ Lái Thiêu, GP Phú Cường) chia sẻ: “Tôi nhờ đứa cháu chỉ mình cách lập tài khoản trên facebook để kết bạn với con, rồi đăng lên đó những thông tin về đạo để con có thể theo dõi. Vào các ngày lễ, tôi cũng dùng chiêu ‘nhắc khéo’ này, nhờ vậy con mình lên mạng nhưng vẫn gần gũi với những sinh hoạt đạo đức của Công giáo”. Một số bậc cha mẹ lại hướng con cái về với nhà Chúa bằng chính cung cách sống và phục vụ của mình. “Trong thời đại có quá nhiều cám dỗ, thông tin xấu hỗn độn trên mạng xã hội thì tấm gương sống tốt từ cha mẹ, ông bà sẽ đem con cháu mình về gần hơn với giáo lý Công giáo”, chị Nguyễn Nhung (giáo xứ Chợ Lách, GP Vĩnh Long) khẳng định.
3. Khi con trẻ đến tuổi đi học, một số phụ huynh đã chọn gởi ở trường mẫu giáo do nữ tu phụ trách. Các em ngoài học văn hóa còn được các nữ tu, cô giáo hướng dẫn về những sinh hoạt đạo đức. Trong môi trường giáo dục này, trẻ sẽ đến gần hơn với Chúa. Bên cạnh sự hỗ trợ từ phía trường học thì tại giáo xứ, giáo dục đức tin cũng là một nhiệm vụ được đặt lên hàng đầu. Các lớp giáo lý vẫn luôn rộng mở và để không nhàm chán, nhiều giáo lý viên đã không ngừng đổi mới hình thức giảng dạy. Họ tận dụng các máy móc, thiết bị hiện đại để sáng tạo nên những bài học sinh động, vừa cung cấp được kiến thức vừa giúp thiếu nhi có được niềm vui trong giờ học. Ngoài ra, trong những lần sinh hoạt giới trẻ, cắm trại… giáo xứ cũng tổ chức thi giáo lý, đố vui Kinh Thánh… để thanh thiếu niên được dịp củng cố lại kiến thức của mình. Các huynh trưởng cộng tác một phần trong việc nhắc nhở trẻ đi lễ, tham gia những việc đạo đức, bác ái của “con nhà đạo”, qua đó cũng phần nào giúp tăng trưởng đức tin. Nhiều linh mục phụ trách trông coi thiếu nhi ở xứ đã trở thành những người bạn với giới trẻ trên mạng xã hội để rút ngắn khoảng cách, dễ dàng hơn trong việc hướng dẫn các em trên con đường đến gần hơn với Chúa. Các cha cũng có sự phối hợp với phụ huynh để cùng giáo dục con trẻ, như lời cha Antôn Võ Ngọc Thâu, chánh xứ Chợ Mới (GP Long Xuyên): “Từ khi các tiệm game, internet mọc lên thì việc hướng dẫn thiếu nhi càng thêm khó khăn. Mấy em còn nhỏ ham chơi nên nhiều khi đến thánh lễ hoặc giờ học giáo lý lại ‘cúp cua’. Những trường hợp ấy tôi đều ghi nhớ để nói lại với phụ huynh, cùng họ nghĩ ra cách để khuyên nhủ các em”.
Tuy vẫn còn nhiều khó khăn trong quá trình giáo dục đức tin cho lớp trẻ nhưng với nền tảng vững chắc từ gia đình, cũng như sự chung tay dìu dắt của các linh mục, nữ tu cùng nhiều thành viên đắc lực trong giáo xứ, tin rằng những bài học sẽ ghi dấu lâu dài và nuôi dưỡng niềm tin trong mỗi người trẻ.
THIÊN LÝ
Nguồn tin: Báo Công giáo và Dân tộc