Chân phước Carlo Gnocchi, một linh mục người Ý, sinh năm 1902 và qua đời năm 1956 vì bệnh ung thư, sau khi đã hiến tặng giác mạc cho hai thiếu niên mù. Nhờ cha, nhiều trẻ em bị thương tổn vì chiến tranh đã có thể sống một đời sống bình thường. Cha được ĐGH Biển đức XVI tuyên phong chân phước ngày 25.10.2009, tại Milan.
trẻ em tàn tật (ANSA)
Trong thời thế chiến thứ hai, cha Gnocchi là tuyên úy tình nguyện trong quân đội tại mặt trận Hy lạp – Albani, để chia sẻ số phận với những người trẻ. Những kinh nghiệm chiến tranh và giải ngũ của các binh lính Ý thúc đẩy cha suy tư về mầu nhiệm đau khổ, đặc biệt nơi những người vô tội và các trẻ em. Từ đó cha đã dấn thân vào hoạt động bác ái dành cho các trẻ em mồ côi vì chiến tranh và những người thương tật.
Cha không cảm thấy ghê tởm khi ôm lấy chúng tôi…
Ông Mario D’Alessandro, năm nay 79 tuổi, hiện đang sống tại tỉnh Chieti, miền Abruzzo, nước Ý, là một trong những người thương tật được cha Carlo Gnocchi giúp đỡ. Ông chia sẻ: “Chúng tôi là những đứa trẻ đau khổ và nhờ cha, chúng tôi lớn lên thanh thản, can đảm, tự tin trong cuộc sống. Cha không cảm thấy ghê tởm khi ôm lấy chúng tôi, những người không có chân, không có tay, với những vết thương sâu đến mức như muốn làm biến dạng cả linh hồn cũng như thể xác. Chúng tôi, những đứa trẻ tàn tật của cha.
Câu chuyện của ông Mario D’Alessandro
Ông Mario đã kể lại hoàn cảnh đưa ông đến với cha như sau: Ngày 12.10.1944, khi ấy tôi mới 5 tuổi; khi tôi đang chơi đùa với những trẻ em khác trên thảm cỏ, tôi nhìn thấy một vật thể tỏa sáng trên cỏ và bị mê hoặc. Tôi cúi xuống nhặt nó lên và vật thể đó đã bùng nổ ngay mặt tôi. Đó là một quả bom chưa nổ.” Và ông Mario nhớ lại: máu, sự đau đớn, người ta đưa cậu bé đến bệnh viện Guardiagrele gần đó. Những thuốc kháng sinh mà người Mỹ mang đến đã cứu sống cậu bé, cho đến khi người ta chẩn đoán: một nửa mặt bên trái của cậu và bỏng độ ba. Ông Mario nói: “Tôi đã bị biến dạng mãi mãi.”
Ông Mario kể tiếp: “Một ít năm sau khi tai nạn xảy ra, gia đình tôi chuyển đến San Martino. Cha xứ ở đó đã giúp chúng tôi điền các mẫu đơn xác nhận thương tật vì chiến tranh. Cha cho chúng tôi biết rằng ở miền Bắc có những trường học dành cho trẻ em gặp cùng vấn đề như tôi.” Dù khi đó nước Ý đã thống nhất, nhưng đối với một đứa trẻ ở miền Abruzzo, miền Bắc vẫn là một nơi thật xa và bí hiểm, một nơi không dễ tìm được trên bản đồ.
Ông Mario tiếp tục câu chuyện: “Tôi đã xách valy, bước lên xe lửa, cùng với sự không chắc chắn, những ước mơ của một đứa trẻ và nỗi nhớ nhà vô cùng. Tôi đến Milan sau 36 giờ hành trình trên xe lửa, người đầy khói than, tò mò và kinh ngạc trong khi “con rắn hơi” đó, với 50 toa xe, tiến vào nhà ga trung tâm, phun khói dày đặc.”
Cha thật sự là một người cha
Mario được đưa đến Erba, nơi có Villa Erma Vaccari, một cơ sở dành để bảo vệ trẻ em của Genève. Tại đây Mario đã gặp cha Carlo. Ông chia sẻ: “62 năm đã trôi qua từ khi cha qua đời, nhưng đối với tôi, lần đầu tiên gặp cha ở Erba giống như là vừa xảy ra hôm qua. Cha Carlo đi xung quanh thành phố bằng chiếc xe đạp hiệu Guzzi, phương tiện ưa thích của các linh mục và bác sĩ đồng quê. Cha đi khắp các ngôi nhà đón tiếp mà cha đã thành lập hoặc giúp đỡ để phát triển và cha cũng rong ruổi để tìm kiếm những nhà tài trợ. Bởi vì, đối với chúng tôi, cha thực sự là một người cha, một linh mục theo đúng nghĩa của từ này: quảng đại và chu đáo, ngay cả với nhu cầu vật chất của chúng tôi. Và cha không ngần ngừ hỏi xem chúng tôi có cần giày không; cha đưa tất cả chúng tôi đến Vigevano, đến các công ty, để thuyết phục những người có trách nhiệm cho chúng tôi công việc làm…. Cha cũng nghĩ đến việc cho chúng tôi giải trí: một ngày kia, cha đưa chúng tôi đến xem trận đá banh ở Torino, một ngày khác thì đến nghe một buổi hòa nhạc, một buổi khác nữa thì đến rạp chiếu phim, để thấy Bamby … tóm lại cha làm tất cả để cho chúng tôi có sự an bình tin tưởng, những con người nhỏ bé như chúng tôi khi đó và với cuộc sống đã bị tàn phá mãi mãi … “.
Quà tặng cuối cùng của cha Carlo
Khi cha Carlo ngã bệnh, Mario đang ở Roma theo học trung học. Ông Mario kể tiếp: “Chúng tôi đã cầu nguyện cả tháng, mọi buổi sáng. Và khi người ta cho chúng tôi biết cha đã qua đời, họ cũng kể cho chúng tôi rằng cha đã muốn thực hiện hành động bác ái cuối cùng. Trước đó một năm cha đã tuyên bố: ‘Nếu tôi chết, tôi muốn anh chị em tìm cách tặng đôi mắt của tôi cho 2 thiếu niên của tôi. Tôi chỉ còn đôi mắt, cả những thứ này cũng để cho các em tàn tật của tôi.’
…theo gương của cha Carlo
Ông Mario nhớ lại, ngày tuyên phong chân phước cho cha Carlo vào ngày 25.10.2009 tại Milan, đã có hơn40 ngàn người tham dự, trong số này có rất nhiều thiếu niên của cha: cùng một sự ngây thơ trong đôi mắt của họ, những vết sẹo mờ đi một chút theo thời gian, nhưng cùng một tình yêu dành cho vị linh mục, là một người cha, người bạn và người bạn đồng hành. Ông Mario kết luận: “Và nếu trong đời tôi luôn cố gắng giúp đỡ người khác là vì tôi theo gương của cha Carlo. Và tôi hy vọng, sẽ sớm thấy cha được tuyên thánh.”
Hồng Thủy
(VaticanNews 06.03.2019)