Lịch Sử Giáo Hội Công Giáo – Chương 15: Phúc Âm Hóa Toàn Thế Giới
CUỘC LỮ HÀNH ÐỨC TIN
LỊCH SỬ GIÁO HỘI CÔNG GIÁO
Chương 15: PHÚC ÂM HÓA TOÀN THẾ GIỚI
(Thế kỷ XV – XVIII)
|
I. BỐI CẢNH TỔNG QUÁT
1,1. Bước khởi đầu và những động lực
a/ Tình hình cụ thể
Gắn liền với công cuộc thám hiểm, việc phúc âm hóa thế giới lệ thuộc vào những điều kiện vật chất, thương mại lẫn chính trị của các đoàn viễn du. Trái đất hình cầu của Ptolémée được dư luận chung công nhận. Tiến bộ hàng hải ở bán đảo Ibérique, việc dùng la bàn, việc gia tăng cột buồm… đã giúp các đoàn tàu Caravelle đủ sức đương đầu với biển cả.
Thế nhưng, việc đi biển còn rất chậm và đầy nguy hiểm đã ảnh hưởng không nhỏ đến công cuộc truyền giáo. Từ Lisbonne đến Goa rồi về, mất những khoảng 18 tháng; từ Sevilla đến Manila rồi về, mất những 5 năm mà một nửa thủy thủ đoàn bỏ xác dọc đường. Có thế ta mới hiểu những hy sinh lớn lao của các thừa sai, lý do các Tòa Giám mục trống ngôi (vì chậm liên lạc) và việc kéo dài triền miên khi có tranh chấp như cuộc tranh chấp về lễ nghi Trung Hoa.
b/ Vàng, hạt tiêu và các linh hồn
Công cuộc tìm đất mới khởi từ vùng đất trước đây thuộc Nước Kitô (Chrétienté). Các nhà thám hiểm lên đường với nhiều động lực khác nhau nhưng gắn chặt vào nhau đến độ khó mà tách rời ra nổi.
Trước tiên là lý do Kinh tế : dân cư Địa Trung Hải muốn tìm ra nguồn vàng bạc để buôn bán với phương đông. Họ đi để mua hương liệu rẻ, tìm đất trồng trọt và nhân công nô lệ.
Ngoài lòng ham thích khám phá tìm tòi do những cuốn tự thuật hành trình của Marco Polo, S. Breden khơi lên ý niệm thánh chiến vẫn còn sống động. Bồ Đào Nha chiếm Ceuta (1415), còn Tây Ban Nha tái chiếm Grenada (1492) khỏi tay người Hồi giáo. Tại sao người ta không thể đánh tập hậu Hồi quân với linh mục Gioan (!) mà họ nghĩ rằng đang ở Ethiopie? Phải chăng đã đến thời vương quyền đức Kitô hiển ngự khắp địa cầu với Giêru-salem làm thủ đô như Joachim de Flore đã loan báo ?
Một số người thì nghĩ đến hàng triệu linh hồn sẽ chịu luật phạt vì không biết đức tin. Cuối thế kỷ XVI trong giới Công giáo còn có ý tưởng tìm người thế chỗ những anh em đã theo Tin Lành. Sang thế kỷ XVII xuất hiện những Tổ chức chuyên lo việc truyền giáo.
Tất cả những động lực ấy đan kết vào nhau không thể nào tách ra được : “Vàng, hạt tiêu, linh hồn”. Nhiều nhà khai phá, kẻ chinh phục và đôi khi cả những thừa sai đã có những thái độ mà ngày nay chúng ta không chịu nổi. Có nơi người ta trồng Thánh Giá rồi bắt bớ thổ dân. Ở Mehicô, Cortès bắt Marina, một thổ dân phải rửa tội trước khi cưới làm vợ bé. Ở Peru, Pizzaro đòi một khoản tiền chuộc khổng lổ đối với Inca Atahualpa, đoạn rửa tội và ra lệnh treo cổ ông (1533).
1,2. Tổ chức việc Truyền giáo
a/ Từ Quyền Bảo Trợ : 1493
Trong thế kỷ XV, qua các tông chiếu về thánh chiến (1430-1452), Tòa thánh đã nhượng cho vua Bồ Đào Nha quyền phán quyết đời cũng như đạo tại những vùng họ chiếm của Hồi giáo hay khám phá được. Năm 1492, Christophe Colomb khám phá ra miền Tây Ấn (Mỹ Châu) tạo nên sự căng thẳng giữa hai nước tại bán đảo Ibérique. Đức Alexandro VI đứng ra làm trọng tài. Năm 1493, ngài chia những phần lãnh thổ khám phá được về phía Tây cho Tây Ban Nha và phía Đông cho người Bồ Đào Nha. Ngài ủy thác cho hai vị vua trách nhiệm Tổ chức Giáo hội tại các miền liên hệ như chia địa phận, cắt cử giám mục … Cách nào đó, các ông trở thành thủ lãnh của những Giáo hội mới lập. Giáo hội dễ dàng phê chuẩn việc bổ nhiệm các vua, không can thiệp trực tiếp. Toàn bộ sự ủy nhiệm này tạo nên quyền bảo trợ (Padroado – Patronato).
Thế nhưng quyền bảo trợ lại sinh ra nhiều điều bất tiện. Việc truyền giáo bị lệ thuộc vào tình hình chính trị và việc chiếm thuộc địa. Cả hai quốc gia ghen tị với nhau về quyền lợi dù họ chưa chu toàn bổn phận mình. Bồ Đào Nha khi đó chỉ có một triệu rưỡi dân, không thể đáp ứng nhu cầu Giáo Hội trên nửa thế giới, thế mà họ vẫn buộc các thừa sai nước ngoài phải qua cửa Lisbonne và tuyên thệ trung thành với vua Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha có một số vua ý thức hơn. Thế nhưng còn các nước khác, họ cũng đang muốn nhảy vào cuộc chinh phục thế giới. Vua Pháp Francois I đã mỉa mai : “Ta muốn đọc xem đoạn Kinh Thánh nào đã loại ta khỏi việc chia phân thế giới này”.
b/ Đến thánh bộ truyền bá đức tin : 1622
Do những khó khăn trên, Tòa thánh đã lấy lại quyền điều hành việc truyền giáo, và thiết lập Thánh bộ Truyền bá Đức Tin năm 1622. Thánh bộ này cũng có trách nhiệm kêu mời những anh em lạc giáo và ly giáo Âu Châu hay Đông Phương trở về. Quyền bảo trợ từ nay chấm dứt, tuy còn xảy ra một số xung đột về quyền tài phán. Từ nay Thánh bộ trực tiếp điều khiển việc truyền giáo.
Dưới sự thúc đẩy của hồng y Ingoli, Thánh bộ đã thực hiện cuộc kiểm tra toàn bộ sinh hoạt truyền giáo trên toàn thế giới và cung cấp nhiều phương tiện truyền giáo như mở nhà in đa ngữ, hỗ trợ tài chính, gởi sách Phụng vụ và Giáo lý, đào tạo chủng sinh, linh mục cho từng khu vực, lập chủng viện Urbano 1627 để đào tạo chủng sinh ở các vùng truyền giáo gửi về.
Thánh bộ lập ra chức Đại diện Tông tòa, cho các giám mục truyền giáo trực thuộc Đức Giáo hoàng : ở Nhật và Ấn từ năm 1637, ở Việt Nam từ năm 1658.
Năm 1659, thánh bộ phổ biến bản Huấn thị (Instructions) đưa ra những chỉ thị tích cực : “Các thừa sai phải được huấn luyện theo luật Bác Ái Tin Mừng, biết thích nghi với phong tục và tính tình người khác…Công việc trước mặt của chư huynh là đưa ra những người địa phương xứng đáng lên chức linh mục và cả Giám mục nữa… Hãy rao giảng cho tín hữu bổn phận trung thành với chính quyền…Đừng đưa vào nước họ đất nước mình mà là đức tin, đức tin này không hề khai trừ hay làm Tổn thương những nghi lễ tập tục của bất cứ dân tộc nào…”
c/ Nhân sự truyền giáo
Cũng có một số linh mục triều đi truyền giáo. Nhưng những thừa sai số một của Tân Thế giới thường là thành viên các dòng tu sĩ lâu đời : như Biển Đức, Augustino, Carmelo, Mercédaire và nhất là hai dòng Phanxicô và Đa Minh. Họ nhanh chóng lập tỉnh dòng tại miền truyền giáo và lập kế hoạch để hoạt động lâu dài. Dòng Tên thì khởi từ thánh Phanxicô Xavie (từ 1540) mới tham gia việc truyền giáo. Sang thế kỷ XVII các hiệp hội linh mục như Lagiarist, Xuân Bích…cũng phái nhiều thành viên vượt đại dương. Riêng hội Thừa sai Paris M.E.P : Mission Etrangère de Paris, 1663 ngay từ khi thành lập đã chọn phục vụ các sứ mạng do Thánh bộ truyền giáo ủy thác.
1,3. Lương tâm Kitô giáo và việc chiếm thuộc địa
Tuy liên đới với những người đi chiếm đất và thương nhân, nhưng các thừa sai mau chóng phản đối thái độ xâm lăng và thực dân.
a/ Những lạm dụng khai thác thuộc địa
Rời bỏ Âu-châu vượt Đại Tây Dương, các nhà chinh phục chỉ nghĩ đến làm giàu : khai thác vàng, hương liệu và sau này thêm đường, cà phê. Cuộc chinh phục châu Mỹ đã khiến bao thổ dân phải chết trong trận chiến, lại còn du nhập nhiều chứng bệnh Âu-châu (như bệnh sởi, bệnh đậu mùa…) rồi việc cưỡng ép lao động nặng nhọc đã khiến cho nhiều chủng tộc thổ dân bị giảm thiểu nhanh chóng hoặc bị tiêu diệt. Giữa thế kỷ XVI dân cũ của đảo Antilles biến mất chẳng còn ai. Người Tây Ban Nha tự tiện chia nhau đất đai và dân cư (hệ thống Encomienda) biến thổ dân thành những người nô lệ trá hình.
Ngay từ năm 1511, linh mục Montesinos dòng Đaminh trong một bài giảng đã mạnh mẽ tố cáo những bóc lột trên, khiến các nhà thực dân nổi giận, đem nội vụ về triều đình Tây Ban Nha. Đạo luật Burgos năm 1512, tuy vẫn duy trì hệ thống Encomienda, nhưng buộc phải đối xử với thổ dân như những người tự do và phải quan tâm giúp họ sống niềm tin Kitô.
b/ Bartolomeo de LAS CASAS
Tình hình như thế chưa thay đổi bao nhiêu. Nhưng cuộc đấu tranh cho công lý ủng hộ thổ dân được một linh mục tiếp nối, đó là Bartolomeo de Las Casas (1474-1566). Từng là thực dân, Las Casas hoán cải năm 1514, cổ võ việc khai thác hòa bình nhưng thất bại. Ngài xin vào tu dòng Đaminh và dấn thân suốt đời để yêu cầu nhà vua bãi bỏ hệ thống Encomienda, và chủ trương loan báo Tin mừng Bình an (Vera Paz). Dường như nhờ ngài can thiệp, đức Phaolô III ra tông chiếu “Sublimis Deus” (1537) khẳng định thổ dân là những con người tự do, cần giúp họ theo đạo bằng đường lối dịu dàng.
Năm 1540, Las Casas mô tả những cảnh đáng sợ của thực dân trong bản “Tường trình tóm lược về sự tàn phá thổ dân”. Cách gián tiếp, ngài gợi ý cho bộ Tân Luật 1542 của vua Carlos V hủy bỏ Tổ chức Encomienda. Được chọn làm giám mục Chiapa (1545) ở Guatemala, ngài đụng độ với sự thù hằn của thực dân, nên năm 1550 ngài vượt đại dương lần thứ tám về Tây Ban Nha biện hộ cho thổ dân.
Cũng giai đoạn này, tại đại học Salamanca (TBN), thần học gia Francesco Victoria OP đã phê phán quyền chiếm thuộc địa của Tây Ban Nha khi phổ biến “Những bài học về thổ dân và quyền chiến tranh” (1539). Ông cực lực phản đối cách xử sự của những kẻ đi chiếm đất. Dựa vào đó Las Casas nghĩ rằng phải chấm dứt cuộc chinh phục. Hai phe bênh và chống đụng độ nhau gay gắt nhưng không có kết quả rõ rệt.
Cuộc đấu tranh của Las Casas và bạn bè làm sáng tỏ lương tâm Kitô giáo với ý thức về nhân quyền. Tuy nhiên ngoài một vài cải tiến, việc bóc lột vẫn tiếp tục vì người ta vẫn sống trong bối cảnh đầy nghịch lý. Nhà vua tuy ký những khoản luật nhân đạo hơn, nhưng vẫn chờ lợi tức của việc chiếm đất. Còn các nhà thực dân, lẽ nào họ chịu sống khỗ cực như tại quê nhà sau bao vất vả sóng gió biển cả. Thế nên thổ dân lại tiếp tục bị áp bức trong lao động, tại các hầm mỏ để cung cấp vàng. Họ tiếp tục bị chết dần chết mòn.
c/ Chế độ nô lệ
Để thế chân cho những người thổ dân đã chết, việc buôn nô lệ đã biến mất từ lâu tại Kitô giáo Tây phương nay bỗng dưng phát triển. Nhằm cung cấp số nhân công to lớn cho Mỹ châu, người ta mua bán dân da đen Phi Châu. Việc mua bán này kéo dài đến thế kỷ XIX. Có khoảng 14 đến 20 triệu người da đen bị xuất khẩu.
Để biện minh cho chế độ nô lệ, người ta nại đến lý luận của Aristote rằng có những người tự bản chất là nô lệ. Người ta áp dụng lời chúc dữ con cháu họ Cam (St 9,5) cho người Phi-Châu… Tóm lại người ta phơi bày ra đủ loại đạo đức giả. Họ nói chế độ nô lệ là điều ác cần thiết vì nhu cầu kinh tế. Kẻ khác quả quyết nhờ chế độ này, dân da đen được Đức Kitô (!). Một vài thừa sai cũng có nhúng tay vào việc buôn nô lệ và cũng có nô lệ riêng. Không có Las Casas bênh vực, những người da đen chỉ có những tâm hồn bác ái như P. Claver SJ xoa dịu nổi cay đắng của số phận họ tại Colombia, và chaLabat OP ở Haiti.
d/ Cuộc hội ngộ của các nền văn hóa
Nói chung các nhà chinh phục và một số thừa sai đã cư xử thô bạo với những nền văn hóa mà họ chưa hề có chút ý niệm nào. Sau những tiếp xúc ban đầu tương đối tốt đẹp, họ bị choáng váng trước một số tập tục như việc sát tế người sống ở Aztèques. Đàng khác, các thừa sai tự hào về thành quả 15 thế kỷ văn hóa Âu châu. Họ không phân biệt nổi sứ điệp và vỏ bọc văn hóa. Điều đó đưa đến hai thái độ :
trước tiên là phương án xóa sạch (table rase), phá đổ những tôn giáo truyền thống, và những biểu hiện thần bí. Việc phá đổ tôn giáo cổ xưa này cũng đồng thời làm hủy diệt văn hóa lẫn xã hội họ. Đàng khác, các người theo đạo phải thích nghi ít nhiều với văn hóa Âu châu như trang phục và quyền tư hữu.
Tuy nhiên, vẫn có một số nỗ lực tìm hiểu những nền văn hóa khá xa lạ này. Las Casas đòi hỏi phải tôn trọng văn hóa thổ dân mà ngài sớm hiểu được giá trị. Một số thừa sai như Sahagun (+1590) tại Mehico đã hoàn thành một công trình đáng giá về nhân chủng học. Tại Ấn Độ và Trung Hoa, các tu sĩ dòng Tên đã nhận ra tầm vĩ đại của những nền văn minh hằng nghìn năm này để áp dụng chính sách thích nghi của Kitô giáo Âu châu. Cũng dựa vào kinh nghiệm đó, Thánh bộ truyền giáo đưa ra những chỉ thị cụ thể năm 1659 về việc tôn trọng văn hóa địa phương.
II. TIN MỪNG ĐẾN CÁC LỤC ĐỊA
2,1. Phi Châu
Sau cuộc thánh chiến, Bồ Đào Nha bành trướng dọc theo duyên hải Phi châu từ Ceuta (1415) qua mũi Hảo Vọng (1486), và tới Mozambique (1498). Đó là khởi điểm công cuộc rao giảng Tin Mừng cho châu Phi. Trong vòng vài năm, vương quốc Congo (phía nam hạ lưu sông Zaire) đã mang lại những triển vọng lớn lao nhất. Các thừa sai đã rửa tội cho vua Congo năm 1491. Sau đó Giáo hội Congo phát triển mạnh dưới thời vua Anfonso I (1506-45) một vị vua rất sùng đạo. Ông Tổ chức vương quốc theo mẫu Bồ Đào Nha và một hoàng tử đã được chọn làm giám mục da đen đầu tiên vào năm 1521. Đến năm 1596, thủ đô Salvador được chọn làm Tòa giám mục. Thế nhưng các vị vua Congo vẫn muốn giữ chủ quyền về kinh tế chính trị. Vua phản đối việc buôn bán nô lệ và gửi sứ giả đến Bồ Đào Nha và Roma (1612) để tranh đấu.
Cuộc xung đột bùng nổ khi vua Antonio I không cho phép người Bồ Đào Nha khai thác khoáng sản. Vua bị đánh bại và bị xử chém (1665). Người Bồ Đào Nha không còn quan tâm đến xứ này nữa mà quay qua Angola. Từ đây việc truyền giáo được tiếp nối từng giai đoạn. Thánh bộ truyền giáo gởi tới nhiều tu sĩ Capucino, các vị còn để lại nhiều bản tường trình. Nhờ cảm hứng của Beatrice một phụ nữ Congo, thuyết Antonionisme Tồng hợp Phi châu Kitô giáo chào đời, nhưng sớm bị đàn áp thẳng tay. Beatrice, bị thiêu sinh năm 1706.
Sang thế kỷ XVII đến lượt các thừa sai Pháp. Hoàng tử con vua Assinie (Cote – d’Ivoie) được rửa tội tại Paris năm 1691. Các cha Lagiarist hoạt động ở Madagascar, nhưng không được lâu dài (1648-74). Dòng Chúa Thánh Thần khởi sự truyền giáo tại Sénegal (1776). Một số linh mục khác lo việc mục vụ cho dân tản cư, thực dân và nô lệ đảo Bourbon (Réunion) và đảo Pháp (Maurice).
2,2. Mỹ Châu
a/ Châu Mỹ La Tinh
Chính quyền Tây Ban Nha nghiêm túc hơn trong trách nhiệm Tổ chức Giáo hội. Từ 1511 đến 1620, họ thành lập được 34 Toà giám mục. Các giám mục này thường là tu sĩ ở chính quốc và có ý thức trách nhiệm cao. Một số vị nổi tiếng như Zumarraga giám mục tại Mexico (Ofm, +1548) hay Giám mục Turibio thành Lima (+1606). Những Giám mục này đã mở nhiều công đồng miền và hội nghị địa phận nhằm Tổ chức Giáo hội, chủ yếu tại Mexico và Lima. Nhưng chính quyền dân sự thường không ủng hộ họ. Những vị thánh đầu tiên của Lima là thánh Martino Porres OP (+1639) và thánh nữ Rosa Lima (+1617).
b/ Phương pháp truyền giáo
Việc loan báo Tin Mừng ở Châu Mỹ La Tinh thường được khởi sự bằng một cuộc biểu dương niềm tin và sức mạnh : dựng thánh giá, những lễ nghi long trọng và phá hủy tượng thần. Để hủy diệt truyền thống bộ tộc Inca, phó vương Francisco de Toledo đã giết chết thế tử Tupac Amaru năm 1572.
Vào thế kỷ XVII còn có thêm việc kiểm tra thần tượng giáo nhằm mục đích truy tìm có hệ thống những tàn dư của tôn giáo cũ. Quả đúng với kế hoạch xóa sạch. Tuy nhiên các thừa sai cũng nỗ lực nhiều để học biết ngôn ngữ địa phương (như tiếng Nahuatl tại Mexico, Quéchua tại Péru). Các ngài dùng thổ ngữ để soạn giáo lý, giảng giải và viết kịch. Nhiều vị trở thành sử gia của những nền văn minh cổ này.
Tiếc rằng vua Tây Ban Nha đã ra lệnh thiêu hủy mất một phần công trình nhân chủng học của các vị.
Nếu các thừa sai vội vã đổ nước rửa tội, thì các vị lại dè dặt với việc cho rước lễ. Nói chung chức linh mục không được trao cho thổ dân. Cũng có một số đại học nổi tiếng tại các thành phố như đại học Mexico, Santa Fé, Bogota, San Marco La Paz, Charcas vừa nâng cao kiến thức vừa nhằm âu hóa thổ dân. Ngôn ngữ Tây Ban Nha thay thế dần thổ ngữ (riêng Brasil dùng tiếng Bồ Đào Nha). Sách giáo lý thì rập khuôn theo mẫu Tây Ban Nha kể từ tranh ảnh, thánh ca đến các động tác biểu tượng … Một số bài giảng bằng thổ ngữ cho ta thấy các thừa sai hiểu rõ và thông cảm với dân chúng, thế nhưng các vị lại dựa vào “Chúa Quan Phòng” để biện hộ cho người Tây Ban Nha, để kêu gọi thổ dân chấp nhận nhịn nhục và gây ra sợ sệt.
c/ Chính sách chiêu dân Guaranis
Trong khu vực bao bọc bởi ba con sông Parama, Paragoay, và Urugoay, các tu sĩ Dòng Tên đảm nhiệm việc rao giảng Tin Mừng và an sinh các chủng tộc du mục. Các ngài định cư họ trong các Chiêu Thôn (Reductions). Đó là những làng Công giáo không có thực dân bóc lột. Chiêu thôn đầu tiên ra đời năm : 1610. Dần dần có đến 30 thôn qui tụ khoảng 150.000 dân cư.
Tại đây, sinh hoạt cộng đoàn được Tổ chức hoàn toàn dựa trên nền tảng Kitô giáo. Vài ba tu sĩ dòng Tên phụ trách một thôn, dưới quyền một bề trên chung miền Paragoay. Tài sản cá nhân không được tự ý hoán chuyển. Mọi sự là của chung (Communisme). “Lý tưởng quốc” của Thomas More đã được thực hiện tại Paragoay. Đến năm 1750, hiệp ước các biên giới (Des Limites) đã chuyển những thôn thuộc Tây Ban Nha này sang tay người Bồ Đào Nha. Dân Guaranis chống cự được một thời gian cho đến năm 1768. Việc bãi bỏ Dòng Tên (1773) là phát súng ân huệ cho chính sách chiêu dân. Chẳng còn gì đáng kể nữa, vì các vị dòng Tên theo chủ trương hiền phụ (bao cấp), không đào tạo được những người lãnh trách nhiệm thực sự kế thừa.
d/ Vùng Mỹ châu thuộc Pháp
Cuộc Phúc Âm hóa xứ Canada khởi sự với việc thành lập Québec (1608) do Champlain. Ông mời các tu sĩ Récollets (Dòng Phanxico cải tổ) đến đây năm 1615. Việc truyền giáo bị đình chỉ khi nước Anh chiếm Québec (1629). Từ 1632, công việc được trao cho các cha Dòng Tên. Các vị đi theo các bộ tộc du mục lang thang đây đó và cố gắng định cư họ. Các ngài thu lượm được một vài thành quả nơi dân Hurons nhưng lại gặp sự cản trở và chống đối của dân Iroquois được người Anh yểm trợ. Năm 1639, Québec đón nhận những nữ tu đầu tiên gồm ba chị dòng Bệnh viện và ba chị dòng Ursulines, trong đó nổi tiếng nhất là Sr. Marie de L’Incarnation một tác giả thần bí tầm cỡ. Các cha Xuân Bích, thì định cư tại Montréal năm 1642.
Nhiều thừa sai đã đổ máu để làm chứng cho Đức tin như Isaac Jogues và Gioan Brébeuf (1646,1549). Hằng năm tại Pháp, các tu sĩ dòng Tên phát hành các tập “Tường trình” (relations) về sứ vụ dòng tại Canada, đã gây được tiếng vang lớn. Dọc theo thung lũng sông Mississipi, Canada là điểm phát xuất truyền giáo cho vùng Louisiana. Mặc dầu có những nhân vật nổi tiếng như giám mục tiên khởi ở Québec : Montmorency Laval (từ 1659-1708). Giáo hội ở đây đa số là người Pháp, cuối thế kỷ XVIII chỉ có độ 2000 thổ dân theo đạo.
2,3. Ấn Độ và Nhật Bản
a/ Hai phương thức nơi Thánh Phanxicô Xavie
Thánh Phanxico Xavie (1506-52) sinh tại Navarre, ngài gặp thánh Ignatio tại Paris và là một trong bảy anh em tuyên khấn tại Montmartre năm 1534. Được chỉ định truyền giáo cho Ấn Độ, ngài đến Goa, thủ phủ Ấn Độ thuộc Bồ Đào Nha vào năm 1542. Dù chưa có thời gian học hiểu ngôn ngữ và văn minh địa phương ngài rửa tội cho nhiều ngàn người tại các miền ngư dân Đông Nam Ấn Độ, sau khi cho họ học giáo lý hết sức Tồng quát.
Từ năm 1545, ngài rời Goa đến Mã Lai thuộc quần đảo Sonde. Một nhà quí tộc Nhật là Hashiro xin theo đạo và mời ngài về quê hương ông.
Tháng 8-1549, cùng hai linh mục bạn, Phanxicô đến Nhật Bản miền Kyushu. Tính thực tế của dân Nhật làm ngài bối rối và duyệt lại phương pháp truyền giáo. Ngài nhận ra nhu cầu học hỏi kỹ lưỡng ngôn ngữ, hiểu biết về triết lý Nhật Bản và thích ứng theo phong tục xứ này, chẳng hạn ngài sử dụng áo thụng bằng tơ lụa. Đó chính là phương pháp thứ hai của Phanxico Xavie.
Năm 1551, ngài được gọi về Ấn giữ chức Giám tỉnh. Nhưng năm 1552, ngài quyết định đến Trung Hoa để học tận nguồn minh triết của dân Nhật và qua đời tại đảo Tam châu (thuộc Quảng châu).
Các bức thư đầy nhiệt huyết của Thánh Phanxicô Xavie viết về Âu châu đã được mau chóng xuất bản, đôi khi còn được thêm thắt đã xây dựng Ngài thành “mẫu” thừa sai thời tân tiến. Truyền thuyết gán cho Ngài hàng triệu tân tòng cùng vô vàn phép lạ.
b/ Thế kỷ Kitô giáo Nhật Bản
Nhiều người Nhật xin trở lại vì sự hấp dẫn của văn minh tiến bộ Âu Châu, trong bối cảnh phong kiến chia rẽ. Các lãnh chúa địa phương (Daimos) tỏ ra khá độc lập khi chọn lựa Kitô giáo. Số tín hữu gia tăng lên đến 300.000. Đa số tập trung ở phía Nam, đảo Kyushu, miền Kyoto và Edo (Tokyo). Vị có công lớn trong việc Tổ chức Giáo hội tiên khởi này là cha Valignano, giữ chức vụ thanh tra (SJ, 1579-1606).
Ngài chọn lựa hướng thích nghi, đưa ra những chỉ dẫn tỉ mỉ về nghi thức, tiếp xúc, quà cáp, về tôn giáo Nhật, về kiểu nhà thờ. Cuộc bách hại tại Nhật bùng nổ vì nhiều lý do : người Âu Châu gồm các thủy thủ và thừa sai chia rẽ nhau (Tin Lành – Công giáo) ; Các Đại-tướng-quân (Shogun) dòng họ Tokugawa, muốn thống nhất nước Nhật, đã đàn áp các lãnh chúa địa phương ; thêm vào đó là sự chống đối của các Phật tử và tín đổ Thần đạo. Năm 1597, 26 thừa sai và tín hữu bị hành quyết tại Nagasaki. Năm 1614, chiếu chỉ Daifusanna cấm đạo trên toàn quốc. Những cuộc hành hình ngày càng nhiều với những khỗ hình ghê rợn nhất. Sau cuộc nổi dậy thất bại của tướng Shimabara (1635), 35.000 kitô hữu bị tàn sát. Cho đến giữa thế kỷ XIX (1865), Nhật đóng cửa cấm tuyệt đối các thừa sai.
Số thừa sai đến Nhật Bản không đông (dưới 100), nhưng đã có nhiều nỗ lực để hiểu ngôn ngữ văn minh Nhật Bản, để phiên dịch và ấn loát. Tuy nhiên các vị quá dè dặt trong việc đào tạo linh mục người Nhật (đến 1614 chỉ có 14 vị). Một Giám mục coi sóc Nagasaki từ 1598-1614. Tổ chức các cộng đoàn còn có các Dojukus (tu sĩ không linh mục), các giáo lý viên, các hương chức và hội đoàn giúp họ tồn tại khi thiếu vắng linh mục. Việc truyền giáo được duy trì tùy vào số tặng phẩm từ Âu châu và mức độ thương mại của Âu châu với Nhật Bản. Điều này đôi khi trở thành trở ngại cho việc rao giảng Tin Mừng.
c/ Tại Ấn Độ
Nếu việc thánh Tôma tông đồ giảng Tin Mừng ở Ấn Độ chỉ là giả thuyết, thì sự hiện diện của Kitô giáo tại miền nam nước này có thể xác định vào thế kỷ V. Đó là những kitô hữu theo phụng vụ Syriaque thuộc phái Nestorio miền Mésopotamia. Người Bồ Đào Nha đến lập cư tại Goa đã ép buộc họ phải theo Giáo hội La Tinh, gây nên xung đột và ly giáo. Goa có Tòa giám mục từ 1533, sau trở thành tòa Trưởng giáo cho cả vùng Á Châu. Từ Goa qua Cap đến Trung Hoa, người Bồ Đào Nha thử nghiệm việc rao giảng theo phương pháp xóa sạch một thời gian. Rất nhiều người theo đạo nhưng chưa thiết lập được một Giáo hội thực sự nào.
Linh mục Robert de Nobili (SJ, 1577-1656) đến Ấn Độ năm 1605 và Manduré (miền Nam) suốt nửa thế kỷ. Ngài học tiếng Tamul và tiếng Phạn. Ngài ăn mặc như một sa-môn kitô giáo (đeo dây Samyasi), theo mẫu các nhà tu hành Ấn giáo. Ngài hòa mình vào lối sống Bà-la-môn để giảng đạo cho họ. Phân biệt được những tập tục xã hội và tôn giáo, ngài cho các tân tòng được giữ thói tục xã hội và của giai cấp như búi tóc (kudumi), giây quàng… Trong nghi thức rửa tội, ngài bỏ bớt những gì người Ấn Độ khó chịu như thổi hơi, chấm nước miếng.
Nhiều thừa sai phản đối Nobili và tố cáo về Roma, nhưng đức Urbano VIII chấp nhận những thích nghi của Ngài. Nhiều thừa sai khác hòa mình với lối sống hạ lưu để phục vụ những người cùng khỗ nhất. Khó khăn lớn của Giáo hội ở đây là vấn đề giai cấp. Mỗi giai cấp có nhà nguyện và chén lễ riêng. Điều này xa lạ với tình huynh đệ kitô giáo.
2,4. Trung Hoa, Triều Tiên
a/ Từ Macao đến Bắc Kinh
Người Bồ Đào Nha đến lập cư tại Macao năm 1557. Năm 1565, Dòng Tên lập cơ sở truyền giáo, ba năm sau, Macao có giám mục Melchior Carneiro, SJ. Theo lời mời của Lê Thế Tông, Công chúa Chiêm và Mạc Mậu Hợp, đức cha gửi một tu sĩ Phanxicô đến Việt Nam hoạt động nhưng không kết quả. Các thừa sai Đaminh, Augustin cũng đến Macao để vào Trung Hoa hoặc Việt Nam. Người Trung Hoa theo đạo, bị buộc cắt tóc ngắn và sống theo kiểu Âu châu cho đến thời cha Lý Mã Thi (Mateo Ricci +1610).
Mới đầu cha Ricci hòa đồng với các nhà sư Phật Giáo. Nhưng sau khi học hỏi về ngôn ngữ văn minh Trung Hoa, ngài chọn sống như một nho sĩ, vì thấy học thuyết đức Khổng gần gũi với đạo Kitô hơn. Ngài xúc tiến việc tông đổ cho giới trí thức, truyền bá khoa học phương tây như thiên văn và toán học. Ngài soạn giáo lý bằng chữ Hán : “Chân luận về Thiên đạo”. Năm 1615, đức Phaolô V cho phép dịch Kinh Thánh và phụng vụ qua tiếng Trung Hoa, nhưng bản dịch trong thực tế không có. Khả năng của một số tu sĩ thông thái như Shall, Verbist… được triều đình ngưỡng mộ, và nhờ các vị giúp soạn lịch, chế tạo đại bác …
Thời các vua đầu nhà Mãn Thanh : Sùng Trinh (1644-61) rồi Khang Hy (+1722), Giáo hội Trung Hoa tràn trề hy vọng, với gần 300.000 tín hữu và 120 thừa sai. Các dòng Tên, Đaminh, Phanxico, Augustin đều có tu sĩ địa phương. Năm 1683, tu sĩ Gregori Lô (+1691) dòng Đaminh người Trung Hoa được phong giám mục, Đại diện Tông tòa Nam Kinh. Thế nhưng cuộc tranh luận về lễ nghi và những xung đột giữa Bồ Đào Nha bảo trợ với Thánh bộ Truyền giáo làm các hoàng đế bực bội và gây nên nhiều cuộc bách hại. Chỉ các nhà bác học dòng Tên tạm được phép ở lại Bắc Kinh. Tình hình thêm suy sụp khi dòng Tên bị đóng cửa và hoàn toàn bi đát sau cuộc cách mạng Pháp.
b/ Giáo hội Philippines
Magellan người Bồ Đào Nha, nhưng phục vụ vua Tây Ban Nha, đã đến quần đảo này từ năm 1521. Năm 1564, người Tây ban Nha bắt đầu đến đây định cư. Liền đó các dòng Augustin, Dòng Tên, Dòng Phanxico và Dòng Đa Minh đã đến và lập tỉnh dòng để truyền giáo cho Á châu. Hầu hết các tu sĩ này là Tây Ban Nha, đi vòng qua Mỹ châu, nhất là Mexico. Tuy cũng áp dụng phương pháp Châu Mỹ La Tinh, nhưng vì quần đảo này không giàu có để làm hư hỏng các thực dân. Năm 1579 vùng này có giám mục tiên khởi Domingo de Salazar OP. Số tín hữu năm 1585 là 400.000 đã tăng lên đến hai triệu năm 1620. Đại học Santo Tomas do dòng Đaminh lập năm 1614 đã góp phần lớn lao nâng cao đời sống dân tộc này.
c/ Giáo hội Triều Tiên
Cuối thế kỷ XVIII, Giáo hội Triều Tiên được giáo hữu Triều Tiên thiết lập. Các học sĩ ở đây khám phá kitô giáo qua các sách đến từ Trung Hoa. Năm 1784, một học sĩ trẻ tên Yi Seung Houn, nhân dịp đi Bắc Kinh, đã nhận bí tích rửa tội. Trở về ông hợp tác với một học sĩ khác là Yi Piek, biên soạn Thần học theo truyền thống Khổng tử và Tổ chức giáo đoàn có Thánh lễ, rửa tội và giáo cải. Không an tâm, ông xin Bắc Kinh gửi linh mục đến. Thế nhưng bách hại đã tiêu diệt toàn bộ giáo đoàn tiên khởi này.
d/ Tại Á châu thuộc Nga
Nhờ việc bành trướng về phía Đông và cuộc chinh phục Siberi của nước Nga, Giáo hội ở đây cũng Tổ chức truyền giáo trong thế kỷ XVII, các giám mục ở Kazan đã đưa dân Tartare ở ngoại thành theo đạo. Giáo chủ Philarète thành Tobolsk gởi nhiều thừa sai đến Kamtchatka (1705), Lakoutsk (1724) và mở rộng công cuộc truyền giáo xuống Trung Hoa (1714). Một số tù nhân Nga đã hợp thành một cộng đoàn Chính Thống ở Bắc Kinh từ 1689.
III. TRUYỀN GIÁO THEO NHÃN QUAN ÂU CHÂU VÀ TRONG THẾ KỶ XVIII
3,1. Truyền giáo theo dư luận Âu châu
a/ Nền văn học truyền giáo :
Song song với dòng văn học về các cuộc thám hiểm, nền văn học truyền giáo phát triển nhanh chóng từ thế kỷ XVI. Từ 1549-1619, có đến 98 cuốn sách tiếng Pháp nói về nước Nhật, còn sách về Trung Hoa thì nhiều vô kể. Hai bộ sách ấn bản định kỳ của dòng Tên phổ biến rộng rãi trong quần chúng. Đó là bộ “Ký thuật về Tân pháp quốc” (Relations de la nouvelle France) xuất bản mỗi năm một tập từ 1632-73 và bộ “Những bức thư xây dựng và lý thú” gồm 34 tập, từ 1702-76, đã được tái bản nhiều lần. Nhiều bài viết đặc biệt của các tu sĩ dòng Tên ở Trung Hoa, có giá trị lớn lao về khoa học và góp phần mở mang kiến thức địa dư cho dân Âu châu. Họ khám phá thấy có những nền văn minh cổ kính và tinh tế, khác biệt nhiều với văn minh Âu châu. Triết gia Leibniz đã hứng khởi khi thấy Âu Châu và Trung Hoa bắt tay nhau.
b/ Hình ảnh mới về người ngoài kitô giáo
Một cách dè dặt, kiến thức truyền giáo đã giúp tín hữu Âu châu có một cách hiểu mới về dân ngoại. Có người thấy nơi Trung Hoa những yếu tố mạc khải sơ khởi. Một số tôn giáo lớn chẳng lẽ không thể là một chuẩn bị, một “hình bóng của Kitô giáo ?”. Quan điểm lạc quan này làm các nhà thần học như Bossuet và phái Jansenisme lo ngại.
Một số triết gia như Bayle, Voltaire, Diderot … đã lợi dụng văn học truyền giáo để chống Kitô giáo. Người Trung Hoa khoan dung trái với Louis XIV cố chấp. Luân lý Trung Hoa chứng tỏ mạc khải không cần thiết. Lịch sử Trung Hoa còn lâu đời hơn niên đại Thánh Kinh…
3,2. Cuộc khủng hoảng về truyền giáo
a/ Tranh luận về lễ nghi.
Tại Ấn Độ và Trung Hoa, các thừa sai bị chia rẽ vì nhiều vấn đề : gọi Chúa thế nào theo tiếng địa phương ? Có cần thích ứng lễ nghi Kitô giáo không ? Được tôn kính người chết và gìn giữ chế độ đẳng cấp không ? Các tu sĩ dòng Tên đã áp dụng rộng rãi những thích nghi này. Nhưng các dòng khác lại coi đây là nhượng bộ việc thờ ngẫu thần.
Thực ra đàng sau những xung đột là sự đối kháng của quyền bảo trợ và Thánh bộ truyền giáo. Ngoài ra, việc thẩm định ở Âu châu lại nằm trong bối cảnh tranh luận của dòng Tên với Jansenisme, của phái rộng với phái ngặt. Các cha dòng Tên ở gần giới trí thức nên thấy chỉ có những vấn đề lễ nghi, còn các vị Thừa sai Paris, Đaminh và Phanxico đi sát với quần chúng hơn, thì thấy đó là việc “thờ cúng” Tổ tiên.
b/ Việc kết án lễ nghi
Năm 1645, Đức Innocente X cấm thờ cúng Tổ tiên. Năm 1656, Đức Alexandro VII cho phép “nếu cha Martinez (SJ) trình bày đúng sự thật”. Thế nhưng vấn đề bùng nổ năm 1693, khi giám mục Maigrot (MEP) cấm địa phận Phúc Kiến thờ kính Tổ tiên. Đáp lại, vua Khang Hy trục xuất những thừa sai nào vâng lời vị giám mục …
Dầu các cha dòng Tên theo ý Khang Hy, đã giải thích các lễ nghi chỉ là hành vi dân sự, Tòa thánh năm 1704 đưa ra bốn quyết nghị : cấm dùng chữ Thiên, cấm treo bảng Kính Thiên, cấm cúng tế Khổng tử và ông bà, cấm đặt bài vị Tổ tiên trong nhà. Khâm sai Tòa thánh ở Đông Phương, giám mục De Tournon (Tòa Antiokia) được cử đi. Vị này cấm Ấn Độ không được dùng nghi lễ Malabars, tháo bảng Kính Thiên tại nhà thờ Bắc Kinh do vua Khang Hy chấp bút, công bố văn thư bác bỏ lễ nghi Trung Hoa. Kết quả nhiều thừa sai bị trục xuất, còn giám mục De Tournon bị người Bồ Đào Nha giam tại Tòa Công sứ Macao và qua đời tại đó.
Năm 1715, tông chiếu “Ex illa die” long trọng kết án kèm theo vạ tuyệt thông về nghi lễ Malabars và Trung Hoa. Vua Khang Hy coi đây là hành vi nhục mạ quốc thể nên ra lệnh cấm đạo, ông triệt hạ các nhà thờ, bắt bớ tín hữu. Việc bách hại gắt gao hơn dưới thời vua Ung Chính (1732-36). Số tín hữu Trung Hoa 300.000 nay chỉ còn 30.000 giữ đạo. Trước tình hình căng thẳng, khâm sứ Mezzabarba (cũng tòa Antiokia) năm 1721 đề ra cách áp dụng tông chiếu với tám điểm nới rộng . Đại khái Ngài cho phép thực hành nghi lễ với lời phân trần. Nhưng Tông Chiếu “Ex Quo” (năm 1742) loại bỏ tám điểm nới rộng trên và kết án các nghi lễ một lần nữa. Các nghi lễ dân tộc nay đã được phép tại Nhật (1936), Trung Hoa (1939) và Việt Nam năm 1964.
3.3/ Nạn nhân của tình hình chính trị
Việc giảm quyền mở rộng thuộc địa của Tây Ban Nha và Pháp qua hiệp ước Utrecht (1713) đã dẫn đến việc suy yếu trong hoạt động truyền giáo. 50 năm sau, hiệp ước Paris 1763, xác định quyền tối cao của Anh quốc tại Canada và Ấn Độ. Dòng Tên bị cấm hoạt động trong nhiều nước Công giáo rồi bị bãi bỏ (1773) đã chấm dứt hoạt động 3.000 thừa sai trên thế giới. Nhân sự các dòng khác không thể bù lại kịp. Nhiều cộng đoàn tín hữu bị bỏ rơi. Cuối cùng cuộc cách mạng Pháp (1789) đã khiến cho nhân sự và tài chánh càng kiệt quệ. Ưu thế về đại dương của nước Anh khiến các thừa sai Công giáo khó đến nơi mình muốn, ngược lại nhiều hệ phái Tin Lành tìm được đất trống để phát triển. Bảng thống kê cuối thế kỷ XVIII làm nhiều người vỡ mộng, gây nên cảm tưởng bất lực trước toan tính “đưa Đông Phương theo đạo”. Tuy nhiên phải ghi nhận rằng, từ nay Giáo hội đã phổ quát, dầu vấn đề chưa giải quyết tốt đẹp. Cuộc hội ngộ giữa Kitô giáo và các nền văn minh khác trên thế giới sẽ được đặt ra cách đúng đắn hơn vào thế kỷ XIX.
TOÁT YẾU
Song song với công cuộc thám hiểm thế giới, Tin Mừng đã vượt đại dương đến với Mỹ châu và Á châu. Năm 1493, đức Alexandro VI chia các vùng đất mới về phía đông cho người Bồ Đào Nha, phía tây cho người Tây Ban Nha. Theo quyền bảo trợ, các vua này được ủy thác việc lập Giáo hội, kiểm soát và Tổ chức các thừa sai hoạt động trong khu vực của mình. Thế nhưng vì các vua không tròn bổn phận, lại quá quan tâm đến chính trị nên Tòa thánh lập ra Thánh bộ Truyền giáo năm 1622 để trực tiếp điều hành việc truyền giáo (hỗ trợ tài chính, mở rộng chủng viện, đặt chức Đại diện Tông tòa) và đưa ra bản huấn thị 1659, yêu cầu các thừa sai thích nghi với văn hóa địa phương.
Tuy có một số liên đới với thực dân, nhưng cũng có nhiều giáo sĩ đã mạnh dạn đấu tranh cho nhân quyền : chống việc đàn áp thổ dân Châu Mỹ La Tinh có Montesinos và Gm B.de Las Casas OP, chia sẻ những cay cực của nô lệ đen Phi châu có Labat OP và cha Claver SJ. Do mặc cảm tự tôn về văn hóa, việc truyền giáo lúc đầu nói chung, theo phương án xóa sạch các văn hóa địa phương. Thế nhưng, khi đi sâu hơn vào các nền văn minh lâu đời của Á châu, các thừa sai thay đổi dần dần lối nhìn và chuyển sang phương pháp thích nghi : các cha Valignano ở Nhật, De Nobili ở Ấn và Mateo Ricci ở Trung Hoa. Thánh Phanxico Xavie cũng theo phương pháp sau, khi ngài đến Nhật Bản.
Một vài trường hợp đáng lưu ý : Giáo hội Congo phát triển nhanh nhưng cương quyết chống lại việc buôn bán nô lệ; Vùng Paragoay có chính sách chiêu thôn của các cha dòng Tên; Canada thực sự chỉ có Giáo hội của di dân Pháp (thổ dân rất ít) và Giáo hội Triều Tiên do một tín hữu Yi Seung Houn lập năm 1784.
Nhờ thông tin của các thừa sai, tại Âu châu xuất hiện nền văn hóa truyền giáo, giúp người Tây phương hiểu hơn về các nền văn hóa và tôn giáo Á châu. Thế nhưng, sự hiểu biết ấy vẫn hạn chế, đưa đến việc tranh luận, kết án lễ nghi Malabars ở Ấn và việc thờ cúng Tổ tiên ở Á Đông (năm 1645, 1715, 1742)…..Cuối thế kỷ XVIII, quyền thống trị trên biển thuộc về Anh quốc, việc bãi bỏ dòng Tên và nhất là cuộc cách mạng Pháp 1789, đã khiến công trình truyền giáo bị sa sút trầm trọng. Dầu sao, từ nay Giáo hội đã phổ quát trên địa cầu.
BÀI ĐỌC THÊM
VÀNG, HẠT TIÊU, CÁC LINH HỒN
Các bản văn của Christophe Colomb cho thấy đủ các động lực nơi các nhà thám hiểm Mỹ Châu, đó là: thánh chiến, giấc mộng triệu phú, chống Do thái, là tìm vàng, hương liệu, nô lệ, và đưa các dân tộc đó về niềm tin Kitô.
Vào năm 1492 này, Quý Hoàng Thượng (Tây Ban Nha, Isabella-Fernando) đã kết thúc trận chiến với người Mauro, bá chủ Âu Châu và đã chiến thắng oanh liệt tại thủ phủ Grenade.
Quý Hoàng thượng, ông hoàng công giáo, gắn bó với đức tin thánh thiện Kitô giáo, kẻ truyền bá niềm tin ấy, là địch thủ của giáo phái Mahomet, ngẫu tượng giáo và lạc giáo, đã quyết định phái tôi,
Christophe Colomb đến vùng đất nước Ấn Độ để gặp các ông hoàng và dân chúng, để xem đất đai và những thứ khác và tìm cách đưa các dân tộc này cải đạo theo niềm tin chúng ta. Vậy các ngài đã lệnh cho tôi, không phải theo hướng Đông bằng đường bộ như vẫn quen, mà là về phía Tây, con đường mà cho tới nay chúng ta chẳng biết đã có ai đi qua chưa. Vì thế, sau khi đã đuổi hết người Do thái khỏi các vương quốc của mình, Hoàng thượng của quí ngài đã sai tôi đến đây với một đoàn tàu đầy đủ.
Nguyện xin Thiên Chúa chúng ta, vì lòng nhân lành Người, khứng ban cho tôi tìm thấy mỏ vàng (…) Tôi hy vọng khi trở về, thân hữu tôi sẽ mang theo một thùng đầy vàng, hi vọng mỏ vàng được khám phá. Hẳn rằng ở đây cũng có nhiều hương liệu. Như thế chưa đầy ba năm, Hoàng thượng quí ngài có thể khởi sự chiếm lại Giêrusalem (…)
Nhân danh Chúa Ba Ngôi, từ chỗ này người ta có thể gởi biết bao nô lệ có thể bán được, cũng như biết bao brésil (gỗ thuốc nhuộm) […] Người ta cần nhiều nô lệ tại Castille, Portugal, Aragon (…). Tôi tin rằng người ta không cần nhập cảng nô lệ từ Guinée nữa ; mà dù có như thế, thì một nô lệ ở đây cũng bằng ba tên ở đó (…). Vì ở đây có nô lệ và brésil … Có cả vàng nếu Đấng chỉ đường cho chúng ta cho phép và nếu Ngài khấng ban cho ta vào lúc thuận tiện.
Vàng, sản phẩm tuyệt vời biết bao ; chính vàng đem lại giàu có. Ai có vàng có thể làm mọi điều mình thích trên thế gian này. Với vàng, người ta có thể đưa các linh hồn vào Thiên Đàng.
(Mahn Lot, Les plus belles lettres de Christophe Colomb, Paris 1961)
ĐẤU TRANH CHO NHÂN QUYỀN TẠI VÙNG THUỘC ĐỊA TÂY BAN NHA
* Bài giảng của Montesinos op
Các ngài tất cả đều phạm tội trọng, các ngài sống và sẽ chết trong tình trạng đó, vì sự độc ác mà các ngài dành cho những dân tộc vô tội này. Hãy nói đi ! Các ngài dùng quyền và công lý nào để bắt Thổ dân phải làm tôi mọi dữ dằn và khủng khiếp đến thế ? Ai cho phép các ngài gây ra cuộc chiến đáng ghét đối với dân chúng đang sống thảnh thơi an bình trên quê hương họ, lại còn tiêu diệt vô số trong họ bằng những cuộc tàn sát và giết chóc chưa từng có ?
Làm sao các ngài có thể đàn áp và bóc lột họ cùng kiệt đến thế mà không cho họ ăn, không chăm sóc bệnh nhân đang đối chọi với tử thần vì những lao dịch quá mức các ngài đòi hỏi họ ? Và phải chăng đúng hơn phải nói : các ngài đang giết họ để bòn rút và góp nhặt tiền vàng mỗi ngày ? Các ngài quan tâm thế nào để đưa họ trở lại đạo đâu ? (…) Những người đó không phải là người sao, không có linh hồn lý trí sao ? Các ngài không bó buộc phải yêu thương họ như chính mình sao ?
(M. Bataillon và Saint Lu, Las Casas –
et la défense des Indiens, Julliard 1971,p 67-68)
BARTOLOMEO DE LAS CASAS
Dựng lên những Thánh Giá và kêu mời Thổ Dân tỏ dấu kính trọng là điều tốt, với điều kiện người ta có thể làm cho họ hiểu ý nghĩa của cử chỉ này. Nhưng nếu không đủ thời gian cần thiết, nếu không thể dùng ngôn ngữ của họ, thì đó là việc vô ích và thừa thãi, bởi vì Thổ dân có thể tưởng tượng người ta cho họ một tượng thần mới, biểu trưng cho thần của Kitô hữu. Và như thế người ta cổ động việc tôn thờ một mẩu gỗ như Thiên Chúa, đó là ngẫu tượng giáo.
Cách sống chắc chắn nhất, qui luật duy nhất để tín hữu giữ, khi họ sống trên miền đất dân ngoại, đó là nêu gương bằng những việc lành nhân đức, để theo như lời Đấng Cứu Thế đã nói : “Trông thấy việc các con làm, họ ngợi khen và tôn vinh Cha các con”, và họ đánh giá rằng một vị Chúa có những môn đồ như thế hẳn phải là Đấng tốt lành và chân thật.
(Las Casas, Histoire des Indes trích MAHN LOT,
L’évangile et la force, lerf 1964).
CHẾ ĐỘ NÔ LỆ, THƯƠNG MẠI VÀ VIỆC RAO GIẢNG TIN MỪNG Ở PHI CHÂU
Việc thương mại, nhất là việc mua bán nô lệ đen được nhiều thừa sai công nhận, đã làm sai lạc hoàn toàn bản chất việc loan báo Tin Mừng tại Phi Châu. Vua Congô ý thức điều đó, còn vị thừa sai Capucino thì không.
* Anfonso I, vua Congô than phiền với vua Bồ Đào Nha
Thần xin đa tạ Hoàng Thượng đã không tin điều nói xấu về thần do những kẻ chỉ bận tâm đến thương mại, đến việc bán những thứ họ chiếm đoạt cách bất công. Qua việc mua bán nô lệ, chúng hủy hoại vương quốc thần lẫn đạo Kitô đã được thiết lập tại đây từ bao năm tháng, nhờ bao hy sinh của tiền bối ngài. Điều thiện hảo lớn lao do đức tin này (…) thần vẫn cố gìn giữ cho những ai đã đón nhận.
Thế nhưng điều đó lại trở nên khó khăn tại đây. Các hàng hóa Âu Châu đã quyến rũ những kẻ đơn sơ dốt nát đến độ dám bỏ Chúa để chiếm được chúng. Phương dược chữa trị hiện nay là phải hủy các hàng hóa ấy. Chúng là bẫy ma quỷ giăng bắt kẻ bán lẫn người mua. Miếng mồi lợi nhuận và lòng tham lam đã thúc đẩy dân xứ này lường gạt đồng bào, thân quyến mình lẫn thân quyến của thần, bất kể là Kitô hữu hay không. Chúng bắt cóc họ đem bán và trao đổi. Tệ nạn này quá lớn lao đến độ thần không thể sửa chữa được nếu không trừng phạt nặng và rất nặng.
(Trong G.BALANDIER, La vie quotidienne
Au Royaume de Kongo, Paris 1965 p 72-73).
* NHẬT KÝ TRUYỀN GIÁO TẠI CONGÔ
… Ngày 14.7.1695, thi hành sứ vụ tại Damma. Một thương gia xin mua một nữ nô lệ và đứa trai nhỏ bà bồng trên tay. Bà này thấy chủ nhân thương lượng giá với gã lái buôn, đoán ra mình sắp bị bán. Bà ôm chặt đứa con, giận dữ ném bé vào một tảng đá. Rồi bà dành lấy những mũi tên trong tay một ông nọ và điên cuồng đâm chúng vào ngực mình. Thế là trong lúc tuyệt vọng, bà chết không được rửa tội. Trong cuộc truyền giáo này, tôi có nhiều việc phải làm và nói để chống lại các đạo sĩ thờ vật tổ (1696) Tôi phá đổ một bàn thờ do các đạo sĩ dân ngoại Nzonzo dựng lên. Bàn thờ này là một nơi chung quanh đóng cọc, phía trên đặt sọ thú vật : một cái lớn bốn cái nhỏ. Vài phụ nữ than khóc khi tôi phá đổ những vật này. Họ nói với tôi : “Ông cố không có những thực hành của ông khi làm lễ sao ? Về phần chúng tôi, chúng tôi cũng muốn có những thực hành riêng”…
(1697) Suốt thời gian bảy năm đầu của tôi, tôi đã chủ sự tổng số 20.981 phép rửa và chúc lành 110 đôi hôn phối.
Luca Da Caltanisetta Diaire Congolais (1690-1701) – Louvain-Paris 1970.
VỊ MỤC TỬ TỐT LÀNH
BÀI GIẢNG TIẾNG QUÉCHUA CHO DÂN PÉROU (1646)
Linh mục Francisco Davila (1573-1647) TBN, sinh ra và qua đời tại Pérou. Trong bài giảng bằng Thổ ngữ Quéchua này, ngài tỏ ra thông hiểu về đàn chiên của mình nhưng lại dùng việc quan phòng để biện minh cho nỗi bất hạnh của họ, điều khó chịu đối với độc giả ngày nay.
Tôi là mục tử tốt lành chăn lạc đà, người mục tử có trái tim rộng lớn. Vì lạc đà, mục tử không sợ chết. Còn kẻ chăn nhận lương, vì lạc đà và đàn vật đâu phải của hắn, nên khi thấy sư tử xuất hiện, hắn sẽ tháo chạy bán sống bán chết. Bởi vì với kẻ chăn ăn lương đoàn vật không thuộc về hắn. Tôi, tôi là mục tử tốt lành, tôi biết các đoàn vật của tôi và chúng cũng biết tôi.
Nhưng nếu Người là mục tử, xin hỏi, ai là lạc đà là súc vật của Người ? Thưa đó là chính chúng ta và chỉ chúng ta thôi. Tất cả mọi người, đàn ông, đàn bà, đều là lạc đà của Đức Giêsu Kitô (…)
Có thể một ai đó trong các con tự nhủ thầm : “Thưa cha, từ thời tiên tổ, chúng tôi đã có huacca, có tượng thần, có umu, có các đạo sĩ. Hơn nữa, trước khi người da trắng tới đây, những runas (Thổ dân) sinh sôi cách kỳ diệu trên triền núi hoang dã, trong buôn làng… Còn bắp, khoai, quinua, cacao, lạc đà, các loại thú cho len và thực phẩm không bao giờ cạn. Hổi đó không có trộm cướp (…) Nhưng từ khi người da trắng đến đây, mọi runas đều trở thành trộm cướp. Như vậy Thổ dân chúng tôi với người da trắng đâu cùng một thứ. Và vì thế, chúng tôi đâu phải là lạc đà, là đoàn vật của Đức Giêsu Kitô (…)
Này con ta ơi, cha hài lòng biết bao khi nghe con nói lên điều đó, hài lòng vì được nghe điều đó. Hài lòng vì đó là một phần suy nghĩ của cha, còn phần kia, điều đó làm cha đau khổ, buồn phiền. Nhưng tại sao cha hài lòng (…) Bởi vì cha biết lòng con, biết điều con nghĩ và vì cha có thể săn sóc con như một bệnh nhân. Và tại sao điều đó làm cha buồn ? Bởi vì cho đến nay, người Indiens chưa tin, chưa chấp nhận lời của Chúa sau khi nghe biết bao bài giảng, bao nhiêu lời giáo huấn (…)
Vậy con hãy nghe cha và nhìn xem. Mọi điều xảy ra, sự sống, sự chết, sinh sản, hủy diệt, sức khỏe, bệnh tật, tất cả trên trần gian này hay nơi đâu khác tất cả đều sẽ tuân theo ý Chúa muốn. Do đó, nếu Chúa muốn, dân nước này sẽ thắng nước kia và cai trị nó; rồi ngày nào đó kẻ chiến thắng lại thành chiến bại (…) Nhưng có biết bao lần Chúa triệt hạ một tỉnh, một thành cùng với cư dân, ta thấy rõ vì họ đã phạm tội (…)
Chính vì thế, Chúa trừng phạt dân Incas vì những lỗi lầm trước đây, bắt họ chết cùng với các runas. Và Chúa không làm điều đó cách ngẫu nhiên. Ngài thực hiện với sự thông biết khôn dò của Ngài. Người da trắng là cảnh sát của Chúa. Họ đến đây để làm điều đó (…). Đàng khác, vì đã không thờ phượng Thiên Chúa thật, cũng vì nhiều lỗi lầm khác, linh hồn tất cả Indiens đều xuống hỏa ngục (…)
Tất cả chúng ta đều được Chúa tạo dựng. Chúng ta là đoàn vật của Chúa Giêsu Kitô. Ngài là mục tử đích thực, Ngài nuôi ta bằng lời Ngài để ta được cứu nhờ lời đó, và để dẫn ta lên cao, đến mảnh đất vàng, xứ sở người ta không phải chết nữa. Còn trong cuộc sống này, chính quỷ dữ gạt gẫm chăn nuôi các con bằng những lời phỉnh phờ, đưa chúng con đến khổ hình địa ngục (…) Hãy nhổ vào mặt quỷ dữ, vào phù thủy nam nữ và hãy theo mình Chúa thôi, Đức Giêsu Kitô.
(Bản dịch do G.Dumézil, trong Diogène, N 20, 1597).
ƠN GỌI TRUYỀN GIÁO
CỦA SR. MARIE DE L’INCARNATION
Linh mục Claude Martin, con trai duy nhất tu dòng Biển Đức Saint Maur, xuất bản các tác phẩm thần bí của mẹ.
Thân xác tôi hiện đang sống trong đan viện, nhưng thần trí tôi được liên kết với Thần Trí Đức Giêsu không thể nào chịu giam cầm được. Chính Thần Trí này đã đưa tôi đến Ấn Độ, Nhật Bản, Mỹ Châu, Đông Phương, Tây Phương, đến những miền thuộc Canada và của những người Hurons cũng như mọi miền trên trái đất có người sinh sống, nơi có những linh hồn có lý trí mà tôi thấy tất cả đều thuộc về Chúa Giêsu Kitô.
Tôi thấy nhờ vào xác tín nội tâm rằng quỷ dữ quyến rũ và chiến thắng các linh hồn tội nghiệp này thay vì là Chúa Giêsu Kitô, vị Tôn Sư Thần Linh và là Đức Chúa tối cao của chúng ta. Qua những thị kiến và xác tín này, tôi đâm ghen tức đến độ không chịu nổi nữa, tôi muốn ôm choàng lấy những linh hồn khốn khổ này và giữ chặt trong lòng tôi. Tôi dâng họ lên Chúa Cha hằng hữu, thưa với Ngài rằng đã đến lúc Ngài phải ra tay bênh vực cho vị Hôn Phu của tôi, Ngài biết quá rõ chính Ngài đã hứa cho Hôn Phu của tôi mọi quốc gia làm sản nghiệp.
(Marie de l’Incarnation, Tự thuật 1654 – Ed. Janiet. Paris Québec 1930, II p309).
THÁNH PHANXICÔ XAVIE TẠI ẤN ĐỘ
Đây là lá thư tháng giêng 1545, thánh Phanxicô trình bày cách ngài truyền giáo tại các làng miền Travancore (Nam Ấn). Nó có vẻ sơ lược và thiếu quan tâm hiểu biết văn hóa dân địa phuơng. Sau này tại Nhật, ngài sẽ bớt vội vã hơn, sẽ đòi hỏi các thừa sai phải được huấn luyện kỹ càng về trí thức để đương đầu với giới học thức Nhật Bản.
… Trong một tháng tôi đã rửa tội được hơn 10.000 người. Dây là phương pháp của tôi : khi tôi đến những làng ngoại giáo gọi tôi để giúp họ trở lại đạo, tôi quy tụ các ông và trẻ nhỏ trong làng tại một nơi và bắt đầu bằng công bố Danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, tôi yêu cầu họ làm dấu Thánh Giá ba lần và kêu cầu Ba Ngôi cùng tuyên xưng một Thiên Chúa. Tiếp theo tôi đọc kinh : tôi cáo mình cùng Thiên Chúa, rồi kinh Tin Kính, kinh 10 điều răn, kinh Lạy Cha, kinh Kính mừng, kinh Lạy Nữ Vương. Cách đây hai năm tôi đã dịch những kinh này ra tiếng của họ và tôi đã học thuộc lòng (…). Lần hổi mọi người lớn nhỏ đều lặp lại các kinh đó (…)
Đọc kinh xong, tôi cắt nghĩa các khoản phải tin và giới răn lề luật bằng tiếng của họ. Rồi tôi long trọng mời gọi họ xin Chúa tha thứ cho cuộc đời quá khứ…Giảng xong, tôi hỏi tất cả mọi người, đàn ông và trẻ em xem họ có tin thật từng khoản phải tin chăng. Tất cả đáp có. Và thế là tôi lớn tiếng đọc lại từng khoản. Sau mỗi khoản tôi lại hỏi xem họ có tin không, và họ khoanh tay hình thánh giá trên ngực, trả lời với tôi rằng có. Sau đó tôi rửa tội cho họ, ghi danh tánh từng người. Rồi các ông trở về nhà và gửi đến vợ cũng như gia đình của họ mà tôi cũng sẽ rửa tội cùng một cách mà tôi rửa tội các ông. Sau khi hoàn tất việc rửa tội, tôi phái họ đi phá các đền miếu họ để tượng thần, và khi họ đã là Kitô hữu, tôi bảo họ đập vỡ thàng từng mảnh các tượng ngẫu thần.
(Trích H.Bernard Maitre, St Francois Xavier
et la recontre des Religions, Bloud et Gay 1960).
VIỆC TRUYỀN GIÁO TẠI TRUNG HOA
* Mateo Ricci, mẫu thừa sai mới
Cha Mateo đã dùng y phục của bậc sĩ phu, nhưng chủ yếu theo các quan thượng thư. Y phục này thực khiêm tốn với chiếc nón hơi khác với bên ta, có dạng giống hình thánh giá. Không phải chỉ bằng y phục. ngài dùng nhiều bài diễn thuyết để tỏ ra mình là người phổ biến luật thần linh. Vì tuy ngài hết mình bài bác các hệ phái ngẫu thần (Phật Giáo, Lão Giáo).
Nhưng với các nho sĩ, không những ngài không chê trách gì, lại còn ca ngợi đạo của họ không hết lời, và nhắc đến Đức Khổng Tử, Bậc Thánh Hiền ở chỗ người thà nín lặng về điều người không biết về thế giới bên kia, còn hơn là tạo ra những chuyện hoang đường, cũng như người đã đưa ra những đạo lý để mỗi người tu thân tề gia và trị quốc theo luật lệ và công bằng. Lối phục sức và đi đứng của cha nơi công cộng xem ra hoàn toàn mới mẻ, nhưng được giới nho sĩ nhiệt liệt hưởng ừng (…) Cha Mateo đã soạn một tập giản yếu giáo lý đạo Kitô bằng tiếng Hoa với những thích nghi chủ yếu dành cho lương dân.
(Nicolas TRIGAULT L’Histoire de l’Éxpédition
Chrétienne au Royaume de la Chine, 1617, q IV, ch 7 éd.DDB 1978).
* Rửa tội trẻ em hấp hối tại Trung Hoa
Nhiều thừa sai rất nỗ lực rửa tội trẻ em sắp chết, bất kể gia đình và cộng đoàn. Một linh mục, sinh tại Bắc Kinh đã lên một dự án gửi một nữ ân nhân ở Âu Châu.
Không có năm nào, các nhà thờ Bắc Kinh của chúng tôi thôi, không đếm được 5 hay 6.000 trẻ em được thanh tẩy nhờ nước rửa tội ; mùa thu hoạch này nhiều hay ít tùy theo giáo lý viên chúng tôi có thể cấp dưỡng. Nếu có đủ số cần thiết, chúng tôi không chỉ chăm sóc các trẻ người ta đem tới ; họ còn có nhiều cơ hội thể hiện nhiệt tâm của mình, nhất là hằng năm vào kỳ bệnh đậu mùa hay các chứng bệnh dân gian sẽ cướp đi số trẻ em nhiều cách bất ngờ…
Người ta có thể xin các bà đỡ, cho các thiếu nữ công giáo theo họ. Vì thường dân Trung Hoa thấy không thể nuôi nổi gia đình đông đúc, họ yêu cầu các bà đỡ dìm các bé gái mới sinh chết ngạt trong chậu nước đầy. Như thế các nạn nhân khốn khổ do sự bần cùng của cha mẹ, ngay trong nước giết chúng mau lẹ và khủng khiếp, sẽ đạt được sự sống đời đời.
(Thư của cha ENTRECOLLES, Bắc Kinh 19.10.1720
Lettres édifiantes et curieuses, Garnier 1979 p216).
HUẤN DỤ THÁNH BỘ TRUYỀN GIÁO
GỬI CÁC ĐẠI DIỆN TÔNG TÒA (1659)
Khi thiết lập chức đại diện tông tòa, Thánh Bộ đưa ra những chỉ thị sáng suốt, dù thực tế các chỉ thị được áp dụng không trọn vẹn lắm
Không nên cố gắng, cũng đừng viện các lý lẽ để thuyết phục các dân tộc này thay đổi lễ nghi, tập quán và phong tục của họ, trừ khi chúng trái ngược rõ rệt với tôn giáo và đạo đức. Còn gì phi lý hơn là đưa vào Trung Hoa một nước Pháp, Tây Ban Nha hay nước Ý hoặc một nước Âu Châu nào khác ? Đừng đưa vào nước họ đất nước chúng ta, mà là đức tin, đức tin này không hề khai trừ cũng như làm tổn thương đến những nghi lễ tập tục của bất cứ dân tộc nào, miễn là chúng không xấu xa đáng ghét, nhưng trái lại, đức tin đó muốn người ta gìn giữ bảo vệ chúng.
Điều đó nói lên rằng mọi người theo bản tính, đều quý trọng yêu mến và đề cao truyền thống cũng như quê hương họ lên trên tất cả. Đó là lý do mạnh nhất đòi phải xa lánh việc thay đổi phong tục riêng của mỗi quốc gia, nhất là những phong tục đã lưu hành lâu dài gợi nhớ đến tổ tiên.
(Trích Le Siège apostolique et les missions, Paris-Lyon, 1959, p16)
KHỞI ĐẦU KITÔ GIÁO TRIỀU TIÊN
Khi được rửa tội (do các cha tại Bắc Kinh) tôi chỉ hiểu biết rất sơ lược những gì phải biết (…) Trở về quê hương, tôi cấp bách tranh thủ nghiên cứu tôn giáo của mình qua những sách tôi mang về và rao giảng cho thân quyến bè bạn. Trong khóa học tôi gặp một nhà thông thái, ông đã có một cuốn sách nói về đạo chúng ta và đã thực thi nó trong nhiều năm. Chính ông dạy dỗ tôi, chúng tôi hỗ trợ nhau phục vụ Thiên Chúa và giúp người khác biết phụng sự Ngài, con số lên đến 1.000 người chấp nhận đức tin và sốt sắng xin rửa tội.
Theo lời khẩn khoản của mọi người, tôi rửa tội cho nhiều người theo nghi thức phép rửa tôi đã nhận tại Bắc Kinh. Vì những chuyện này mà bách hại bùng nổ , gia đình tôi chịu khốn đốn hơn hết : khiến tôi phải rời bỏ anh em của tôi trong Đức Giêsu Kitô. Nhưng để việc rửa tội không bị gián đoạn, tôi đặt hai người khác thế tôi. Một là vị thông thái đã nói trên, một là người đã chịu nhiều đau khổ vì bách hại, bị giam một năm và chết vào mùa thu 1785.
Đến mùa xuân 1786, các Kitô hữu hội lại để thảo luận cách thức xưng tội với nhau. Đã quyết định rằng Kia xưng tội với Y và Pin, chứ Kia và Y hay Y và Pin không thể xưng tội với nhau. Vào mùa thu năm đó, các Kitô hữu lại họp nhau và quyết định tôi sẽ dâng thánh lễ và ban phép thêm sức. Không những tôi làm theo yêu cầu của họ, tôi còn ban quyền dâng lễ cho 10 người khác nữa. Phần nghi lễ tôi giữ như các sách đã chỉ, còn các giờ kinh tôi bớt một ít và thêm vào một số khác.
André CHOI “Les origines du Catholicisme en Corée”
ĐỨC CLEMENT XI KẾT ÁN LỄ NGHI TRUNG HOA (1704)
3. Không được cho phép, bất cứ cách nào hay vì lý do gì, các tín hữu được chủ sự, tham gia nghi thức, kể cả tham dự, những buổi lễ quan trọng hay những buổi cúng tế quen cử hành theo định kỳ hằng năm đối với Khổng Tử và tiên nhân đã khuất, được xem như những nghi lễ đầy dị đoan.
7. Không thể cho phép tín hữu giữ bàn thờ tổ tiên theo phong tục Trung Hoa tại nhà riêng, bài vị có ghi : tọa vị của thần minh, hoặc âm hồn, mà người ta thường dùng để chỉ nơi hồn hay sinh linh người đã chết thỉnh thoảng đến an vị.
Etiemble, les Jésuites en Chine, La querelle des rites (1552-1773).
TÁM ĐIỂM NỚI RỘNG (1721)
Với điều kiện tránh dị đoan, với lời phân trần không mê tín :
1/ Đặt bài vị mặt sau có lời phân trần.
2/ Thi hành lễ nghi với người quá cố theo phong tục.
3/ Cúng tế Đức Khổng.
4/ Phúng điếu hương nến cho nhà hiếu.
5/ Lạy trước bài vị có lời phân trần và linh cữu.
6/ Đặt cỗ bàn hoa trái trước bài vị đã sửa và linh cữu.
7/ Khấn lạy bài vị đã sửa lại dịp đầu năm.
8/ Đốt hương nến trước bài vị đã sửa lại.
Theo Bùi Đức Sinh LSGH II, p 135.
VIỆC CHO PHÉP THỜ CÚNG TỔ TIÊN
1. Nhật : Năm 1936, chính phủ Nhật muốn gây tinh thần quốc gia, bắt mọi người phải xá đầu dâng hương trước bàn thờ anh hùng quốc gia và các vị vua quá cố. Rôma liền hỏi đó là nghi lễ tôn giáo hay xã hội, chính phủ đáp : chỉ để tỏ lòng hiếu thảo với tiền nhân. Rôma liền cho phép.
2. Trung Hoa : Năm 1939 cũng có lệnh buộc mọi sinh viên học sinh phải dự lễ kính Đức Khổng. Roma cũng hỏi chính phủ Trung Hoa, đức Pio XII ra sắc dụ Summi Pontificus cho phép.
3. Việt Nam : Các giám mục xin đức Phaolô VI ngày 29.9.1964 và được phép áp dụng huấn dụ đã ra năm 1939 (Planne compertum est).
Sau lời mở, huấn dụ giải thích : “Các nghi lễ xưa bị cấm vì có liên hệ với nghi lễ tôn giáo, hiện nay vì tập quán và tâm lý thay đổi, chỉ còn ý nghĩa tỏ lòng hiếu thảo với tiền nhân, lòng ái quốc hay sự lịch thiệp với tha nhân…”
Thông cáo HĐGMVN, Linh mục Nguyệt San 1965 số 43.
THÔNG CÁO HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM
VỀ VIỆC TÔN KÍNH TỔ TIÊN
…. Nhiều hành vi cử chỉ xưa, tại Việt Nam, có tính cách tôn giáo, nhưng nay vì sự tiếp xúc với bên ngoài và vì tâm tình tập quán đã thay đổi nhiều, nên chỉ còn là những phương cách biểu lộ lòng hiếu thảo tôn kính với Tổ tiên và các anh hùng liệt sĩ.
Những cử chỉ, thái độ nghi lễ có tính cách thế tục, lịch sự và xã giao đó, Giáo hội Công giáo chẳng những không ngăn cấm mà còn mong muốn và khuyến khích cho nó được diễn tả bằng các cử chỉ riêng biệt cho mỗi nước, mỗi xứ và tùy theo từng trường hợp… (như treo ảnh, dựng hình, nghiêng mình bái kính, trưng hoa đèn, Tổ chức giỗ, kỵ …) thì được thi hành và tham gia cách chủ động…
(Đà lạt 14-6-1965).
Lm Phanxicô Xaviê Ðào Trung Hiệu OP
Hiệu đính tháng 9/2006