Là cộng tác viên thân tín của ba đức giáo hoàng, 10 năm làm Giám đốc Văn phòng Báo chí Tòa Thánh và 26 năm điều hành đài phát thanh Vatican, cha Federico Lombardi trải lòng với chúng tôi trong cuộc phỏng vấn đặc biệt này.
Trong cuộc đối thoại, cha chia sẻ cách ngài nhận biết ơn gọi của mình và những gì ngài học được từ ba đức giáo hoàng vừa qua, vốn là những người đã thay đổi lịch sử của Giáo Hội và thế giới.
Tựa như cuộc đời của cha, đây câu chuyện thể hiện lòng khiêm tốn và thành thực của mình.
Aleteia: Năm cha bao nhiêu tuổi và điều gì khiến cha gác lại tất cả để dâng mình cho Chúa và để trở thành một linh mục Dòng Tên?
Cha Lombardi: Ơn gọi là một điều gì đó phụ thuộc nơi Thiên Chúa. Đối với tôi, ơn gọi là điều phát triển tiệm tiến; thời còn trẻ, đó không phải là điều gì kịch tính khi tôi tham gia những nhóm hoạt động trong giáo xứ. Tôi là một hướng đạo sinh vốn là một phần của Hiệp Hội Thánh Mẫu, và tôi học trường Dòng Tên, nơi đó tôi sống triển nở và đó là một trong những tác nhân chính khiến tôi vào Dòng Tên. Tôi vào Tập viện khi trưởng thành ở tuổi 18. Quyết định ấy là một điều chín chắn suốt thời trung học của tôi.
Aleteia: Sau thời gian làm Giám tỉnh ở Ý, vào năm 1990 cha bắt đầu cộng tác với ĐTC Gioan Phaolô II như là giám đốc đài phát thanh Vatican. Những bài học thực tế nào mà cha đã nhận được khi làm việc với ĐGH Wojtyla?
Cha Lombardi: Công việc ở đài phát thanh Vatican trong những năm của Đức Gioan Phaolô II cho tôi một hướng mở đích thực về tầm nhìn phổ quát của thế giới và của Giáo hội hoàn vũ.
Là một linh mục Dòng Tên, tôi có một ơn gọi tìm kiếm để nhìn ra thế giới, và là Giám tỉnh tôi có nhiều chuyến viếng thăm các nơi truyền giáo của Dòng trên thế giới. Do đó, tầm nhìn của tôi khá rộng lớn. Nhưng với công việc tại Đài Vatican và phụ tá cho ĐTC Gioan Phaolô II, đặc biệt trong chuyến tông du của ngài, tầm nhìn phổ quát và những quan tâm của Giáo Hội đối với lịch sử và tất cả những vấn đề của con người từ viễn cảnh Đức tin đã thực sự cho tôi một sự tập trung liên lỉ.
Tôi nhớ trong những ngày đầu tiên tại Đài Vatican, một tham vấn với các cơ quan báo chí quốc tế, trong đó chúng tôi có thể theo dõi từng phút các sự kiện diễn ra nhiều nơi trên thế giới; nó đã lôi quấn tôi. Nó khiến tôi mở rộng tâm hồn mình để nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa, để thấy những dấu chỉ nơi công trình của Người trong cuộc sống của mỗi người và mỗi quốc gia, vì thế nó đã trở nên cuộc sống thực tế của tôi.
Và trong ý này, đức Gioan Phaolô II quả là một vĩ nhân.
Tôi nhớ hai điều khiến tôi cảm động sâu sắc: một là uy quyền của ĐTC khi nói với con người; dường như Ngài thực sự là một chuyên viên của dân chúng. Suốt chuyến tông du của mình, đức Gioan Phaolô II có khả năng đi vào lịch sử, văn hóa và tinh thần của nhiều quốc gia khác nhau. Khi làm việc, Đài Vatican luôn nỗ lực để có được đa ngôn ngữ, đa văn hóa, mở ra với những khác biệt và phong phú của văn hóa trong sự độc đáo… nó đã thực sự thu hút tôi. Theo ý tôi, đức Gioan Phaolô II là một chuyên gia cả về các dân tộc lẫn từng cá nhân.
Và sau đó, với đức tin sâu sắc được thể hiện rất rõ trong những giây phút ĐTC cầu nguyện; nơi ấy Ngài nhận được sự tự chủ và sức mạnh ngay cả giữa những bối rối và kỳ vọng lớn lao quanh những chuyến tông du của mình. Bạn có thể nói rằng một mối tương quan cá vị với Thiên Chúa là trung tâm của đời sống, của sự tập trung và sự phục vụ nơi ĐTC; và trong ý nghĩa này Ngài được phong thánh tương ứng với những chứng từ đức tin và đời sống rất rõ ràng.
Aleteia: Ngày 11 tháng 7 năm 2006, ĐTC Bênêđictô đề cử cha làm Giám đốc Văn phòng Báo chí Tòa Thánh. Trong sứ vụ này, những khoảnh khắc khó khăn nhất đối với cha là gì? Và những gì là đẹp nhất? Cha có những kỷ niệm đáng nhớ nào với ĐTC Bênêđictô?
Cha Lombardi: Chắc chắn tôi đã tham gia sâu sát trong những sự kiện của triều đại giáo hoàng Bênêđictô, bao gồm cả những thách đố lớn nhất mà ngài phải đối diện. Tôi phải nói rằng những thời gian khó khăn là những khoảng thời gian thách đố cho Giáo hội mà ĐTC đã đối diện với lòng can đảm và nhiệt thành lớn nhất. Ví dụ, chúng ta có thể nhớ đến những cuộc tranh luận về Hồi giáo, các khủng hoảng trong Giáo hội xung quanh việc lạm dụng tình dục của giáo sĩ, hoặc các cuộc tranh luận nội bộ trong Giáo Triều Rôma, mà sau này những điều ấy bị dư luận phản ánh. Bênêđictô phải đối mặt với những tình huống ấy với lòng can đảm lớn nhất. Ngài đặt những bước đầu tiên cho Giáo hội có thể chuyển mình về phía trước, không chỉ trên những đau khổ cá nhân ngài trước những khó khăn ấy, mà còn là trên lòng can đảm và sự chân thành.
Tôi tin rằng các khó khăn đó là cơ sở cho chúng ta tiến lên phía trước; ví dụ như trong việc tiếp cận với những khách quan và chiều sâu trong tương quan của chúng ta với thế giới Hồi giáo, vấn nạn của bạo lực mà chúng ta đang chứng kiến, với tất cả chiều sâu và độ lớn của nó. Và Đức Thánh Cha đã đối diện với những vấn đề này một cách minh bạch và can đảm, chạm vào những chủ đề chưa bao giờ được chỉ tên và giải quyết; cả hai thuộc về phần của thế giới Hồi giáo và phần của chúng ta trong việc đối thoại với họ.
Về vấn đề các trường hợp lạm dụng tình dục. Từng là Tổng Trưởng Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin và sau đó là Giáo Hoàng, đức Bênêđictô đã đặt ra các nguyên tắc về lối tiếp cận căn bản và thích hợp cho những thủ tục mà Giáo Hội thực hiện liên quan đến việc ngăn ngừa và công nhận pháp lý các lỗi này. Trong đó, ngài đã đưa ra một đường hướng mà sau này được giáo hoàng Phanxicô tiếp tục kế thừa. Đó chính là Bênêđictô, người đã chỉ ra và đối diện với các vấn đề vô cùng phức tạp và nhức nhối này. Nhưng nó đã được đức Bênêđictô người đặt ra và đối đầu với cách đối mặt với vấn đề vô cùng phức tạp và đau đớn này.
Liên quan đến các cuộc bàn thảo nội bộ về những hoạt động của Giáo triều Roma, về tính minh bạch, về việc thông qua một hệ thống các quy định và quản trị nhằm đáp ứng những chuẩn mực của nền văn hóa đương đại, về việc quản trị ở tầm mức quốc tế, Đức Thánh Cha đưa vào một loạt các quy luật và điều lệ pháp lý để chúng ta tiếp tục làm việc, và chúng đã sinh nhiều hoa trái. Trong tất cả những điều này, đức Bênêđictô là người đã đối diện với những vấn đề lớn trong sự kiên nhẫn, đơn sơ và tín thành. Tôi hạnh phúc vì được làm việc cùng với ngài trong tâm thế như vậy.
Đương nhiên chúng ta không thể quên được những khoảnh khắc thật đẹp trong thời Bênêđictô, như lần đến Vương quốc Anh, đến Hoa Kỳ, và nhiều dịp gặp gỡ khác với các quốc gia mà người Công giáo không chiếm đa số. Đấy là những khoảnh khắc cực kỳ phấn khởi và dễ thương. Và một vài bài diễn văn của ngài với thế giới, với Westminster Hall Address, với Liên Hiệp Quốc và với Quốc Hội Đức. Những bài diễn văn còn đó những chủ đề quan trọng trong việc đối thoại ở chiều sâu và nghiêm túc của Giáo hội với xã hội và với thế giới. Và chúng đã được đón nhận với sự tôn trọng lớn lao vì phẩm tính thánh thiêng và văn hóa của chúng, mà trong đó đức Bênêđictô XVI quả là một bậc thầy.
Aleteia: Kể từ thời Đức Giáo Hoàng Phanxicô, cha luôn là một trong những cộng tác viên thân cận nhất của ngài. Đó quả là những năm đáng kinh ngạc đối với Giáo Hội về lãnh vực truyền thông. Bí mật Đức Giáo Hoàng Phanxicô là gì? Làm thế nào mà đức Phanxicô trở nên một trong những nhà truyền thông vĩ đại nhất hành tinh?
Cha Lombardi: Mọi người đều ấn tượng bởi lối truyền thông của ĐTC Phanxicô. Ngài rất tự nhiên và tôi có thể nói rằng đó là một khía cạnh nơi tính cách lôi quấn của ngài. Và điều ấy khởi đi từ những tương quan trực tiếp của ngài với con người mà ĐTC đã ấp ủ từ nhiều năm trước, khi ngài còn là cha sở ở một giáo phận rất lớn. Truyền thông của ngài rất chân thành, tự do và cởi mở; đó không phải là kết quả của những tính toán trên bàn giấy hay nơi nghiên cứu phức tạp của các chuyên gia. Đó là sự chân thành, tự do và cởi mở của vị mục tử gặp dân của Thiên Chúa và gặp gỡ con người, nam cũng như nữ, trong thời đại hôm nay mà không có bất cứ rào cản nào. Ngài có khả năng đụng chạm đến tâm trí mỗi người.
Tất cả những điều này nói lên lòng biết ơn sâu sắc dành cho những ai cảm thấy cần có một chứng nhân, một sứ điệp và một sự hiện diện mà nơi đó ĐTC Phanxicô biểu lộ một cách rõ ràng sự quan tâm, tình yêu, liên đới của ngài. Đặc biệt với những người nghèo, người đau khổ và người bị gặt ra bên lề xã hội, họ cảm nhận được ĐTC Phanxicô luôn đón tiếp, tìm kiếm và tôn trọng họ trong những cử chỉ và ngôn từ của ngài.
Vì thế, mối tương quan trực tiếp này, ngôn ngữ cụ thể này – không nhiều lời, ĐTC Phanxicô nói một ngôn ngữ cử chỉ và có một lối tiếp cận dễ dàng đến trái tim của nhiều dân tộc châu Á, châu Phi, châu Mỹ Latinh vốn là nhà của ngài, và cả Châu Âu.
Thái độ của ĐTC Phanxicô mà tôi nhớ nhiều nhất, điều mà tôi nghĩ là làm nên đặc tính của triều đại giáo hoàng này, đó là lòng tin vào sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần nơi Giáo hội của Thiên Chúa: Một Giáo hội chuyển động, một Giáo hội đi ra với thế giới. Một Giáo hội bắt đầu di chuyển ngay cả khi chẳng biết chính xác đi về đâu, chỉ biết rằng Giáo hội được Chúa Thánh Thần dẫn dắt, miễn là Giáo hội chăm chú lắng nghe Lời Chúa; bởi Chúa luôn đồng hành với chúng ta với Tin Mừng, và với sự kề cận sống động của Chúa Thánh Thần nơi các tín hữu vốn là những người hằng ngày tìm kiếm để biết ý Chúa và lắng nghe lời mời gọi của Người. Bản chất của Giáo hội chuyển động, can đảm và tin tưởng như thế có vẻ là một trong những tinh thần của triều đại giáo hoàng này, mà tôi liên hệ đến rất nhiều.
Một từ kinh điển và cũng là linh đạo của Dòng Tên đó là Nhận định. Chúng ta thấy ĐTC Phanxicô mời gọi Giáo Hội, linh mục, và mọi người nhận định, nghĩa là tìm kiếm để hiểu rõ ý muốn của Thiên Chúa dành cho họ, mà chúng ta phải đáp lại với lòng quảng đại.
Aleteia: Vào ngày 29 tháng 8 này, cha sẽ bước sang tuổi 74. Cả đời cha phục vụ Giáo hội, đặc biệt cho Tòa Thánh. Cha có thể đưa ra những huấn từ cho những Kitô Công giáo đang thất vọng hoặc chán nản bởi những vụ bê bối mà vài linh mục hoặc người con của Giáo hội gây ra?
Cha Lombardi: Người tín hữu là một người hành hương, một người trên hành trình nơi thế giới. Trong cuộc sống, họ có thể bước đi với sự tin tưởng, an bình, vui tươi và can đảm nếu họ biết Chúa đang ở bên họ, nếu họ tìm kiếm và hướng đời mình theo lời mời gọi, nghĩa là căn nguyên sự sống của mình, lời mời gọi để phục vụ, để liên đới với người khác, để gặp ngỡ tha thân, đặc biệt Chúa Giêsu Kitô luôn hướng dẫn chúng ta và là mẫu mực cho mọi cuộc gặp gỡ.
Cũng trong dòng tư tưởng này, một trong những Giáo phụ nói thật hay rằng: “Hơn lúc nào hết, Abraham thật can đảm vì ông ấy không biết mình đang đi về đâu.” Đó là chút nghịch lý, nhưng Abraham chắc chắn bởi ông ấy tin tưởng và cảm thấy sự hiện diện Chúa đồng hành với ông. Đó là nền tảng của sự tin tưởng. Không biết rằng mình có một mục tiêu vốn được thiết lập cho cá nhân Abraham để đạt được có thể không cho Abraham bất cứ sự tin tưởng nào. Sự tin tưởng, thư thái mà chúng ta có trong cuộc sống phụ thuộc vào việc chúng ta ý thức mình trên một hành trình luôn có Chúa ở cùng. Và điều này đúng ở mọi giai đoạn của cuộc sống.
Đây chỉ là một phần lời khuyên mà tôi có thể đưa ra, và có vẻ là nền tảng để những sợ hãi chào thua chúng ta trong mọi hoàn cảnh, trong khi chúng ta tìm được chính mình: Nếu chúng ta biết rằng Thiên Chúa ở cùng chúng ta, chúng ta đặt tin tưởng vào Ngài, và không có chỗ cho sự nhát đảm; chúng ta phải có hy vọng.
Chuyển ngữ từ Aleteia
Phạm Đình Ngọc, SJ