cath.ch, fr.zenit.org, 2018-10-21
Trong cuộc hội kiến dài hai mươi phút, Đức Thánh Cha chào mừng chuyến thăm của phó Thủ tướng Việt Nam, ngài xem đây là “một giai đoạn quan trọng mới” trong sự phát triển quan hệ song phương. Theo hãng tin Vietnam Plus thì Đức Thánh Cha cũng cho biết, cuộc gặp gỡ này góp phần củng cố sự thông hiểu hỗ tương và cũng củng cố cho các quan hệ giữa Việt Nam và Vatican trong tương lai.
Vẫn chưa có quan hệ ngoại giao
Cũng theo hãng tin Vietnam Plus, trong dịp này Đức Phanxicô cám ơn chính quyền và các nhà lãnh đạo đã “làm dễ dàng các sinh hoạt của Giáo hội công giáo ở Việt Nam”. Về phần mình, phó Thủ tướng cũng xác nhận, Việt Nam “cố gắng không ngừng để cải thiện” chính sách của mình trong việc tôn trọng tự do tôn giáo và xác tín của mọi người dân, kể cả người công giáo.
Hai quốc gia chưa có quan hệ ngoại giao chính thức
Năm 2011, Việt Nam có đại diện không thường trú tại Việt Nam kể từ sau khi ngưng các quan hệ song phương từ năm 1975. Tổng Giám mục Leopoldo Girelli là đại diện không thường trú tại Việt Nam, nhưng năm 2017, ngài được Đức Phanxicô bổ nhiệm làm sứ thần Tòa Thánh tại Israel và Palestina. Từ tháng 5 vừa qua, Đức Tổng giám mục Marek Zalewski, người Ba Lan, 55 tuổi được Đức Phanxicô đề cử làm đại diện không thường trú ở Việt Nam. Tòa sứ thần đặt tại Singapour, các chuyến thăm Việt Nam không được kéo dài quá hơn một tháng và phải được sự chấp thuận của chính quyền. Tuy nhiên phó Thủ tướng khẳng định, Việt Nam cam kết cải thiện tự do tôn giáo và phát triển các quan hệ để có được “đại diện thường trú”.
Sau đó phó Thủ tướng đã gặp hồng y Quốc Vụ Khanh Pietro Parolin và đã mời hồng y đến Việt Nam, lời mời đã được chấp nhận, hãng tin Vietnam Plus cho biết tin trên.
Năm 2009, một nhóm làm việc giữa Việt Nam và Vatican đã được thành lập để “đào sâu và phát triển các quan hệ song phương giữa hai quốc gia”.
Sống “tinh thần Phúc Âm giữa lòng dân tộc”
Trong buổi tiếp kiến, Đức Phanxicô nhấn mạnh đến việc Giáo hội công giáo phải sống “tinh thần Phúc Âm giữa lòng dân tộc” như hội đồng giám mục Việt Nam đã ấn định. Ngài cũng khuyến khích giáo dân công giáo Việt Nam “tích cực đóng góp vào việc phát triển Quốc gia và Giáo hội”.
Sau buổi tiếp kiến, phó Thủ tướng đã tặng Đức Giáo hoàng bức tượng con rồng vàng “tượng trưng cho dân tộc Việt Nam”. Về phần mình, Đức Phanxicô tặng một phiên bản sứ điệp về Ngày Thế Giới Hòa bình năm 2018 do ngài ký, Thông điệp Chúc tụng Chúa Laudato si’ (2015), Tông huấn Niềm vui Tin Mừng (2014), Tông huấn Niềm vui Yêu thương (2016) và Tông huấn Vui mừng và Hân hoan (2018). Ngoài ra ngài còn tặng một mề-đai có khắc cảnh nông nghiệp.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Nguồn tin: Phanxico