Tạp chí uy tín National Geographic vào năm 2010 lần đầu tiên công bố dự án có thể đã phát hiện di hài của Gioan Tẩy giả, và 5 năm sau đó, đến lượt đài CNN đăng báo cáo của chuyên gia Đại học Oxford (Anh) công nhận danh tính của vị được xem là tiền hô của Chúa Giêsu.
Nhiều chứng cứ trùng hợp
Cách đây 6 năm, nhà khảo cổ học Kazimir Popkonstantinov đã dẫn đầu đội ngũ chuyên gia triển khai dự án khai quật tàn tích là một Vương Cung Thánh Đường có niên đại từ thế kỷ thứ 5 trên đảo Sveti Ivan, một hòn đảo thuộc Hắc Hải nằm ngoài khơi Sozopol, trên bờ nam của Bulgaria. Sveti Ivan theo tiếng bản địa là Thánh Gioan. Họ tìm được một quan tài bằng đá kích thước nhỏ, bề dài chỉ khoảng 15cm bên dưới bệ thờ, bên trong là 6 mẩu xương người và 3 mẩu xương động vật. Ngày kế, các chuyên gia phát hiện tiếp một chiếc hộp nhỏ làm bằng đá núi lửa ở cách đó 50cm. Trên hộp khắc dòng chữ Hy Lạp có nghĩa là “Chúa trời, hãy cứu rỗi kẻ tôi tớ của Người. Toma. Dành cho thánh Gioan. Ngày 24.6”. Theo diễn giải của các nhà nghiên cứu, một người nào đó tên Toma đã được giao nhiệm vụ mang thánh tích của Thánh Gioan Tẩy giả đến hòn đảo để hiến cho nhà thờ mới xây tại đây.
Trong số các mẩu xương người gồm có một đốt xương của bàn tay phải, một chiếc răng, phần còn lại của xương sọ, một chiếc xương sườn, một xương khuỷu tay. Kết quả giám định ADN và đồng vị carbon đối với xương đốt tay cho thấy nhiều khả năng thuộc về một người đàn ông gốc Trung Đông, sống vào thế kỷ thứ nhất, cùng thời với Chúa Giêsu. Sau đó, chuyên gia đồng vị carbon Tom Higham của Đại học Oxford được mời vào cuộc, và ông quyết định tiến hành giám định toàn bộ các mẩu xương còn lại, và phát hiện chúng đều thuộc về một người. “Chúng tôi cũng có niên đại thích hợp cho đối tượng, vào giữa thế kỷ thứ nhất”, theo đài CNN dẫn lời ông Higham, phó trưởng khoa Gia tốc đồng vị carbon. Trong khi đó, các đồng nghiệp thuộc Đại học Cophengaen (Đan Mạch) cho rằng người mang xương này nhiều khả năng xuất xứ từ Trung Đông, dựa trên thông tin về di truyền của xương.
Một điểm đáng lưu ý là ngày ghi trên hộp chứng tích trùng với ngày lễ kính Thánh Gioan theo lịch Công giáo, được cho là ngày sinh của vị này. Theo Kinh Thánh, Gioan là anh em họ của Chúa Giêsu, nên nếu đây thực sự là di hài của Gioan Tẩy giả, nhiều khả năng giới học giả đương đại có thể nắm trong tay ADN của một người thuộc họ hàng trần thế của Đức Giêsu, theo tạp chí National Geographic.
Sự phát hiện bất ngờ
Vận mệnh của Gioan Tẩy giả luôn là đề tài gây tranh cãi trong giới học giả chuyên nghiên cứu Kinh Thánh, nhưng thông tin chung là vào thế kỷ thứ 3 và thứ 4, nhiều người bắt đầu biết đến về sự hiện diện các thánh tích của ngài, được lưu trữ tại nhiều nhà thờ để người hành hương kính viếng. Cách làm này không khác mấy so với thông tin về thánh tích của các nhân vật khác trong Kinh Thánh. “Chúng tôi nghĩ rằng do nhà thờ này được xây vào thế kỷ thứ 5, nên mặc nhiên cho rằng niên đại tối thiểu của các mẩu xương cũng thuộc về người cùng thời”, chuyên gia Higham kể lại. Cũng có người không loại trừ khả năng niên đại của xương có thể vào thế kỷ thứ 4, nên tất cả mọi người đều ngạc nhiên khi kết quả giám định đồng vị carbon đưa ra thông số hoàn toàn khác.
Sự tồn tại trong lịch sử của Gioan Tẩy giả là điều không thể chối cãi, do cả bốn Phúc Âm đều đề cập đến số phận của vị thánh này là bị chặt đầu theo lệnh của nhà cầm quyền Herod Antipas, theo đài CNN dẫn lời giảng viên Paul Middleton của Đại học Chester (Anh). Ngoài tàn tích Vương Cung Thánh Đường trên đảo Sveti Ivan, hiện có 4 địa điểm khác cũng tuyên bố đang bảo quản thánh tích của Gioan Tẩy giả, trong đó bao gồm một đền thờ ở Damascus (Syria), một bảo tàng ở Munich (Đức) thì tuyên bố giữ đầu của vị thánh, trong khi bảo tàng Topkapi ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) cho rằng đang giữ xương tay phải của ngài, một tu viện ở Montenegro cũng cam đoan đang thờ phụng thánh tích là bàn tay phải của Gioan Tẩy giả. Do vậy, các chuyên gia như ông Higham cho rằng có thể sẽ đưa ra được kết luận cuối cùng nếu có cơ hội giám định tất cả các thánh tích trên. “Chúng tôi đã có bản đồ gien di truyền hoàn chỉnh. Và mọi chuyện sẽ tiến thêm một bước nữa nếu giám định được toàn bộ những thánh tích trên”, chuyên gia Đại học Oxford nói.
Hiện số xương trên đảo Sveti Ivan thuộc quyền bảo quản của Giáo hội Chính Thống giáo Bulgaria. Không may là tin tức về việc phát hiện thánh tích của Gioan Tẩy giả đã khiến kẻ có lòng tham trộm đi mẩu xương sườn. Hiện vẫn chưa rõ về số phận của thánh tích bị biến mất.
LINH LANG
Nguồn tin: Báo Công Giáo & Dân Tộc