Việc từ nhiệm đã định sẵn, “hẹn giờ” khi Đức Thánh Cha Phanxicô (Bergoglio) bước sang tuổi 80? Đó là những suy đoán của dân chúng về việc ĐTC có từ nhiệm ngôi vị Giáo Hoàng như Đức Benedictô (Ratzinger) XVI đã làm. Những lời nói của ĐTC vừa qua trong cuộc gặp gỡ với hội Scholas Occurrentes là câu trả lời cho những giả định và suy đoán mà dân chúng nêu ra trong suốt hai năm qua.
Đức Phanxicô trong buổi gặp gỡ với hội Scholas Occurrentes
Điều “bí mật” ấy đã ĐTC Phanxicô bật mí hôm Chúa Nhật ngày 29 tháng 5 vừa qua trước các bạn trẻ tại thuộc hội Scholas Occurrentes là hoàn toàn rõ ràng và minh bạch. Những lời nói này là câu trả lời cho những nghi vấn liệu ngài có bao giờ nghĩ đến việc từ nhiệm ngôi vị Giáo Hoàng do trách nhiệm nặng nề mà nó mang lại: “Cha chưa bao giờ nghĩ đến việc từ bỏ vì trách nhiệm. Nhưng cha sẽ cho các con biết một bí mật nhé. Cha chưa từng nghĩ rằng mình được chọn. Quả thật rất bất ngờ nhưng kể từ giây phút ấy, Thiên Chúa đã ban cho cha bình an vẫn còn hiện diện đến hôm nay. Đây là ân sủng mà cha đã đón nhận. Hơn nữa, tự nhiên cha thấy mình hơi liều lĩnh nên cha sẽ tiếp tục”.Những lời nói này phần nào đó đã là câu trả lời cho suy đoán về khả năng Đức Phanxicô sẽ từ nhiệm ở tuổi tám mươi, mà cụ thể trong trường hợp ĐTC Phanxicô là vào tháng 12 này.
Trong suốt cả thập kỷ qua, tất cả các vị giáo hoàng đều cân nhắc đến việc từ nhiệm
Khả năng từ nhiệm đều được tất cả các vị giáo hoàng của thế kỷ trước cân nhắc, bắt đầu từ Đức Piô XI. Cho đến thời Đức Phaolô VI, khả năng này vẫn còn tồn tại như một bí mật hoặc một tư tưởng chỉ được tiết lộ cho cha giải tội hoặc thân hữu. Với Đức Thánh Cha Montini, sau khi đề ra giới hạn độ tuổi 75 cho các Giám mục và loại bỏ khả năng tham dự mật nghị hồng y đối với những giám mục quá 80 tuổi, câu hỏi lại lần nữa xuất hiện. Chắc chắn Đức Giáo Hoàng từ Brescia đã nghĩ đến việc từ nhiệm ngôi vị Giáo hoàng ở tuổi 80, nhưng sau cùng ngài đã bị thuyết phục. Với ĐTC Gioan Phaolô II, vấn đề xảy ra do căn bệnh tê liệt kiểm soát – bệnh Parkinson- ngày càng bó buộc cha. Cho đến khi ĐTC Gioan Phaolô II gửi lời rằng ngài sẽ không từ nhiệm, rằng ngài sẽ không “từ bỏ vác thập giá” thì nghĩa là ngài đã phó thác cho Thiên Chúa cất gánh nặng đó ra khỏi vai ngài. Người kế nhiệm ĐTC Joseph Ratzinger, người cũng đã quen với tình hình của Giáo Triều Rôma trong những năm cuối cùng tại vị của Đức Wojtyla, những năm chịu đựng căn bệnh đó, có lẽ cũng đã nghĩ đến khả năng từ nhiềm kể từ khi ngài nhận chức giáo hoàng ở tuổi 78.
Lòng dũng cảm của Đức Ratzinger
Rõ ràng mọi người có thể thấy được rằng Đức Benedictô XVI không muốn lặp lại điều đã xảy ra với người tiền nhiệm khi vào tháng 11 năm 2010, với việc xuất bản cuốn sách phỏng vấn do Peter Seewald hiệu đính, “Ánh sáng thế gian”, trong đó Đức Ratzinger nói: “Khi một Giáo hoàng nói đến việc nhận thức rõ ràng rằng mình không đủ điều kiện về thể chất, tinh thần và tâm linh để thực hiện nhiệm vụ được giao phó thì ông có quyền, và trong một số trường hợp là trách nhiệm phải từ nhiệm”. Tháng 2 năm 2013, với quyết định ầm ĩ của mình, ngài đã hoàn toàn xác thực cho điều này. Chưa bao giờ, trong hai thiên niên kỷ lịch sử Giáo Hội, có một vị giáo hoàng từ nhiệm vì ngài nhận thấy không đủ điều kiện thể chất để gánh lấy sức nặng của ngôi vị giáo hoàng. Một cử chỉ dũng cảm, khiến nhiều trong số các vị hồng y chịu ảnh hưởng của “phong cách Ratzinger” cảm thấy ngạc nhiên. Ta chỉ cần nghĩ đến phản ứng của Đức Tổng Giám Mục địa phận Sydney lúc đó là Đức Hồng Y George Pell, mà trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình đã nói về tình hình bấp bênh do sự việc mới này gây ra: “Có thể có những người không chấp nhận vị Giáo hoàng tương lai sẽ có thể tạo ra một chiến dịch buộc ông phải từ nhiệm”.
Đức Phanxicô: “Đức Benedictô XVI là một tấm gương tuyệt vời”
Vài tháng sau khi đắc cử, người kế thừa Đức Benedictô XVI đã nói về cử chỉ đó. ĐTC Phanxicô, trong cuộc trò chuyện với các nhà báo trên chuyến bay trở về từ Rio de Janeiro vào tháng 7 năm 2013, đã nhắc đến người tiền nhiệm của mình: “Ngay cả khi ngài từ nhiệm, ngài đã cho cha một tấm gương tuyệt vời! Một con người vĩ đại. Một người tuyệt vời đã làm điều đó. Một người con của Thiên Chúa và một người chuyên cần cầu nguyện”. Mùa xuân năm 2014, trở về từ chuyến đi đến Đất Thánh, Đức Thánh Cha Phanxicô càng thể hiện rõ hơn về điều này, đáp lại câu hỏi của các phóng viên về giả thuyết từ nhiệm: “Cha sẽ thi hành ý muốn của Thiên Chúa vì cha muốn như thế. Đức Thánh Cha Benedictô XVI không mạnh mẽ hơn một người bình thường nhưng ngài trung thực, có đức tin và khiêm tốn, ngài đã thực hiện quyết định này. Bảy mươi năm trước các Giám mục danh dự không tồn tại. Vậy thì điều gì sẽ xảy ra với các Giáo hoàng danh dự? Chúng ta phải xem Đức Benedictô XVI là một tiền lệ, ngài đã mở ra một cánh cửa, cánh cửa cho các Giáo Hoàng danh dự. Cánh cửa đã được mở. Sẽ có những người khác như vậy không? Chỉ có Chúa mới biết. Cha tin rằng là một Giám mục của thành Rome, nếu cảm thấy sức khỏe của bản thân ngày càng yếu thì nên tự hỏi mình giống như Đức Benedictô XVI đã làm”.
Cánh cửa do Đức Ratzinger mở ra “là tiền lệ, không phải là ngoại lệ”
Vào tháng 8 cùng năm, sau chuyến đi Hàn Quốc, Đức Phanxicô đã trả lời một câu hỏi mới về cùng một chủ đề. “Cha nhắc lại ý tưởng mà có lẽ một số nhà thần học có thể không thích – Cha không phải là nhà thần học -: Cha cho rằng Đức Giáo Hoàng Danh Dự không phải là một ngoại lệ, nhưng sau nhiều thế kỷ, đây là ĐGH Danh Dự đầu tiên … Hôm nay các Giám mục danh dự đã hợp thành một tổ chức. Cha nghĩ rằng “Giáo hoàng danh dự” cũng đã là một tổ chức. Tại sao ư? Bởi vì sự sống của chúng ta được kéo dài và ở một độ tuổi nhất định không còn khả năng quản lý tốt, bởi vì cơ thể đã mệt mỏi, sức khỏe có thể tốt nhưng không có khả năng giải quyết tất cả các vấn đề của một chính phủ như của Giáo Hội … Cha nhắc lại: có lẽ một số nhà thần học sẽ nói cho cha biết điều đó là không đúng, nhưng cha đã nghĩ như vậy. Rồi chúng ta sẽ thấy các thế kỷ tới sẽ chứng minh cho ta điều này có đúng hay không. Các con có thể nói với cha: ‘Và nếu một ngày nào đó, cha không cảm thấy muốn tiếp tục? “Cha chắc chắn cũng sẽ làm như vậy! Cha sẽ cầu nguyện rất nhiều, nhưng cha cũng sẽ làm như vậy. Một cánh cửa đã được mở ra, nó là tiền lệ, không phải ngoại lệ”.
Không giới hạn tuổi
Câu nói “Cha cũng sẽ làm điều tương tự” đã làm cho thêm nhiều người giả định và suy đoán, như thể Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói đến một quyết định đã được đưa ra. Để chứng thực cho những suy đoán này, đôi khi được thúc đẩy bởi lợi ích cá nhân và xúi giục bởi những người hy vọng rằng Đức Bergoglio sẽ từ nhiệm giáo hoàng, chính ĐTC Phanxicô đã ứng khẩu trong buổi phỏng vấn với đài Televisa vào tháng 3 năm 2015. Ngài nói rằng, “Cha có cảm giác rằng thời gian tại vị của cha sẽ ngắn, bốn hoặc năm năm. Cha không biết nữa, hoặc có thể hai hoặc ba năm. Thật ra thì hai năm đã trôi qua. Cảm giác đó thật mơ hồ. Và có lẽ nó sẽ không giống vậy. Tất cả cùng có thể xảy ra với tâm lý của một người chơi một trò chơi, sau đó anh ta tự cảm thấy mình sẽ thua nên sẽ không bị vỡ mộng lúc thua. Và nếu anh ta thắng thì anh ta sẽ hân hoan. Cha không biết nó là gì, nhưng cha cảm thấy Thiên Chúa đã sắp đặt cho cha một việc gì đó ngắn ngủi… Nhưng nó chỉ là cảm giác. Đây là lý do tại sao cha luôn để ngỏ khả năng này”.
Trong một cuộc phỏng vấn tương tự với đài truyền hình Mexico, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã trả lời cho câu hỏi về khả năng “tại vị giáo hoàng đã định” sẽ kết thúc ở tuổi tám mươi. “Ngoài ra điều này cũng có khả năng. Nhưng có điều cha không thích lắm đó là ấn định một độ tuổi. Bởi vì cha tin rằng tại vị chức giáo hoàng là một phương sách cuối cùng. Nó là một ân sủng đặc biệt. Đối với một số nhà thần học, chức giáo hoàng là một bí tích, người Đức rất sáng tạo với tất cả những điều này. Cha lại không tin điều này. Nó có nghĩa là có một cái gì đó đặc biệt. Cách nói “lần từ nhiệm này là khi ĐTC 80 tuổi”, tạo ra cảm giác một cái gì đó đang kết thúc, cảm giác về một triều đại giáo hoàng không tốt, và có cảm giác như nó có thể dự đoán được”. ĐTC Phanxicô tiếp tục nói, “Cha không ủng hộ cho ý tưởng tạo ra một giới hạn về độ tuổi, nhưng cha ủng hộ cho ý tưởng của Đức Benedictô”.
Đức Bergoglio: “Cha chưa từng nghĩ đến việc từ nhiệm”
Như vậy, như ĐTC Phanxicô đã đề cập nhiều lần, “cánh cửa đã mở” từ thời Đức Ratzinger vẫn được xem làm một phương án hậu thuẫn, trong trường hợp bị bệnh tật, hoặc gặp những khó khăn về thể chất, tinh thần và tâm lý khiến các Giáo hoàng không thể tiếp tục tại vị. Nhưng không có giới hạn về độ tuổi, không được định sẵn cũng như chọn lựa. “Cha chưa từng nghĩ đến việc từ nhiệm”, và từ thời điểm được bầu lên làm Giáo hoàng “Thiên Chúa đã ban cho cha sự bình an vẫn còn hiện diện cho đến ngày hôm nay”.
Minh Trâm, GNsP 04.06.2016 (theo vaticaninsider)