Paraguay – kỷ niệm khó quên trong chuyến viếng thăm Paraguay của Đức Thánh Cha Phan-Xi-Cô

Từ ngày Chúa Nhật 5 tháng 7 đến Chúa Nhật ngày 12 tháng 7 năm 2015, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã thực hiện chuyến Tông Du 3 quốc gia Nam Mỹ là Ecuador, Bolivia và Paraguay mà theo giới quan sát cho rằng đây là chuyến Tông Du về quê hương của Ngài dù Ngài là người Argentina. Cũng có thể cho là như thế dù năm 2013 khi vừa đắc cử Ngai Tòa Phê-rô, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã chủ sự cho kỳ Đại Hội Giới trẻ thế giới tại Brazil, quốc gia nói tiếng Bồ Đào Nha và có dân số cũng như diện tích lớn nhất Nam Mỹ, đây cũng chỉ là chuyến Tông Du không do Ngài hoạch định mà chỉ theo lịch trình của vị tiền nhiệm là Đức Thánh Cha Biển Đức XVI vừa từ nhiệm. Bởi thế, chuyến Tông Du lịch sử này ngài đã về gần sát với quê nhà và nói tiếng mẹ đẻ là Tây Ban Nha của mình

 

Có những chuyện bi hài thường xảy ra trong các chuyến Tông Du của các vị Giáo Hoàng vì từng cử chỉ, lời nói và bước đi của các Vị đều được các nhiếp ảnh gia hay các đài truyền hình ghi lại. Lần này cũng vậy, trong chuyến Tông Du những ngày đầu đến Ecuador, trong bài chúc mừng khi Đức Thánh Cha vừa đến, vị Tổng thống Ecuador đã hài hước nói với Đức Phan-xi-cô rằng: “Thiên Chúa là người Brazil, Giáo Hoàng là người Argentina và Ecuador là Thiên Đàng” ( “Dios es Brasileño” y en vistas de que el papa es Argentino, entonces “Ecuador es el paraíso”).

 

Tuy nhiên, trong chuyến thăm 2 ngày ngắn ngủi ở Bolivia đã xảy ra “sự cố” khi truyền thông đưa tin, ảnh về món quà mà ông Tổng Thống Evo Morales của Bolivia tặng cho Đức Thánh Cha là cây Thánh Giá có hình búa liềm. Truyền thông Nam mỹ thì cho rằng ông Tổng Thống người thổ dân này chơi xỏ có vẻ thiếu kính trọng Đức Thánh Cha khiến Đức Cha phải thốt lên rằng “Eso es imposible” (Điều này là không thể!).

 

Lịch trình của Đức Thánh Cha trong những ngày viếng thăm 3 nước Nam Mỹ dày đặc và phải công nhận Cụ Già 78 tuổi như Ngài có sức khỏe thật dẻo dai phi thường và có một bộ óc thật minh mẫn để ứng xử mọi tình huống bất ngờ xảy ra trong chuyến Tông Du này.

 

Từ Bolivia với lịch trình bận rộn trong hai ngay ngắn ngủi từ trưa thứ Tư ngày 8/7 đến trưa thứ Sáu ngày 10/7 vì Đức Thánh Cha phải viếng thăm hai nơi quan trọng là La Paz và Santa Cruz có độ cao gần 4.000 so với mặt nước biển nên những ai không quen sống ở độ cao như thế dễ bị lên máu và khó thở, nhưng Đức Thánh Cha là người Nam Mỹ nên cũng quen nhưng do tuổi cao nên cũng dễ bị mệt. Sauk khi kết thúc ở Bolivia vào trưa thứ Sáu, Ngài đã đến phi trường Paraguay lúc 14h49 sớm hơn dự kiến hơn 10 phút để kết thúc chuyến thăm cuối cùng của Ngài trong vòng 8 ngày.

 

Trong bài phát biểu tại Phi trường Paraguay khi được đón tiếp cách thân tình và kính trọng của người dân chất phát ở đây với gần 90 % Công Giáo, chính ở Paraguay, Đức Thánh Cha đã diễn tả tâm tình như là đang ở chính ngôi nhà của Ngài dù Ngài là người Argentina.

 

Đây là lần đầu tiên chúng tôi chứng kiến từng đoàn người hàng hàng, lớp lớp chờ sự xuất hiện của vị Đại Diện Chúa Ki-tô nơi trần gian để được chiêm ngắm, hô vang và nếu được có thể chạm vào tua áo choàng hay được Ngài chúc lành là được diễm phúc lắm rồi. Hãy tưởng tượng xem từ Phi trường đến Toàn Khâm Sứ gần 15 cây số mà người ta chen chút nhau hai bên đường cách trật tự để đón chào Đức Thánh Cha với khẩu hiệu. Chúng tôi tự hỏi Đức Thánh Cha là ai mà được ngưỡng mộ như thế vì cách đây hơn nửa thế kỷ một lãnh tụ cộng sản Liên Xô là Joseph Stalin đã nhìn về Tòa Thánh Vatican với một câu nói xách mé, pha lẫn thách đố và đe dọa: “Giáo Hoàng có mấy sư đoàn?”.

 

Quả thực Đức Giáo Hoàng trên danh nghĩa là quốc trưởng của quốc gia Tòa Thánh Vatican nằm gọn trong Roma của nước Ý với diện tích vỏn vẹn khoảng 0.44 cây số cuông, và dân số khoảng 840 người nhưng phần lớn là các linh mục, giám mục, Hồng Y làm việc trong Giáo triều và điều đó khiến Vatican được quốc tế công nhận là thành phố, quốc gia độc lập nhỏ nhất thế giới về góc độ diện tích và dân số. Quân đội hiện nay vào khoảng trên 100 người là lính tình nguyện người Thụy Sỹ đồng thời kiêm luôn công tác cận vệ Đức Giáo Hoàng. Tuy nhiên, Đức Giáo Hoàng của nước Vatican nhỏ bé lại có một ảnh hưởng vô cùng lớn và một chuyến viếng thăm hay một bài phát biểu của Ngài có sức lay động hàng tỉ người trên thế giới vì Ngài là vị Đại Diện của Chúa Ki-tô, Đấng là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống.

 

Theo dõi từng hoạt động, từng bài phát biểu hay bài giảng của Ngài trong những ngày Ngài hiện diện ở Paraguay đã để lại cho chúng tôi những kỷ niệm không bao giờ quên trong đời. Một anh em linh mục cùng Dòng người Tây Ban Nha đang làm việc truyền giáo tại Ecuador trên 40 năm đã chia sẻ với chúng tôi rằng chuyến viếng thăm mục vụ của Ngài tại Ecuador trong những ngày 5-8 tháng 7 là một sự hiện diện đích thực của Chúa Ki-tô đã đem lại nguồn gió mới cho người dân và cả chính quyền nữa. Có thể nói hơi quá lời nhưng chính Đức Giáo Hoàng người từng được xem là đến từ thế giới thứ Ba khi được bầu lên vào tháng 3/2013 đã thực sự sống chứng nhân Tin Mừng của Chúa Ki-tô và giúp mọi người cùng sống chứng nhân như Chúa Ki-tô đã sống.

 

Hai buổi tiếp kiến chính thức với Ngài cùng với các linh mục, tu sĩ và giáo dân tại Nhà Thờ Chính Tòa của Thủ Đô Asunción trong giờ Kinh Chiều Thức Bảy ngày 11 tháng 7 và Thánh Lễ Đại Trào với gần 1,5 triệu người tham dự ở doanh trại quân đội Ñu Guasu (Cánh Đồng Vĩ Đại) đã để lại trong tôi những kỷ niệm tuyệt vời. Buổi Kinh Chiều Thứ Bảy trong Nhà Thờ Chính Tòa, chúng tôi được ngồi những hàng ghế đầu gần Cung Thánh nên khi Đức Thánh Cha vừa bước vào với đoàn Vệ Sĩ, một số anh em linh mục chúng tôi đã xáp lại choàng vai Ngài và Ngài tươi cười chúc lành cho chúng tôi. Dù rất mệt mỏi vì một ngày làm việc dày đặc nhưng Ngài vẫn luôn tươi cười và khích lệ những người dấn thân theo Chúa trong Năm Thánh là hãy biết rời khỏi văn phòng khép kín của mình để đến với người nghèo và người cùng khổ.

 

Còn nhớ chỉ sau hai tháng khi lên ngôi Giáo Hoàng, vị Mục Tử dám nói, dám làm này trong một thánh lễ thứ Bảy ở Nhà Nguyện Thánh Mát-ta đã mời gọi Giáo Hội và những người làm mục vụ cần phải “mở cửa” cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng để đón nhận mọi thành phần dân Chúa. Ngài đã bông đùa khi kể chuyện rằng có một người mẹ đơn thân đến xin rửa tội cho con mình thì bị nhân viên giáo xứ nói rằng không thể được vì bà mẹ này chưa kết hôn. Đức Thánh Cha nói rằng cứ theo cái đà này thì chúng ta không thể phát triển Giáo Hội được vì Chúa Giê-su chỉ lập 7 Bí tích nhưng chúng ta, những người quản lý các bí tích lại lập thêm bí tích thứ 8 là Bí tích “Hải quan mục vụ hay bí tích công an” là muốn kiểm tra và ra hình phạt. (Xc. http://www.elpais.com.uy/mundo/francisco-critico-a-curas-que.html).

 

Chính những ngày ở Paraguay Đức Thánh Cha một lần nữa đã không ngần ngại lên tiếng với những nhà cầm quyền cũng như những vị mục tử trong Giáo Hội phải đến với người nghèo, với những người bị áp bức, phải giải quyết những bất công xã hội, phải thực thi công bằng, bác ái và phải noi gương Chúa Ki-tô vị Mục Tử Nhân Lành.

 

Trong Thánh lễ lúc 10h sáng Chúa Nhật ngày 12 tháng 7 năm 2015 tại Ñu Guasu (Cánh Đồng Vĩ Đại), Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh việc Chúa Giê-su sai các Tông đồ đi rao giảng Tin Mừng với một thái độ khiêm hạ và lòng hiếu khách (Hospitalidad), Ngài nói rằng Chúa Giêsu chỉ cho các môn đệ thấy con đường của Người là biến đổi con tim. Học cách sống một cách khác, với một luật khác, theo một qui tắc khác. Đó là cách biến đổi từ sự ích kỷ, khép kín, đụng độ, chia rẽ, tự tôn, bước sang con đường bênh vực sự sống và yêu thương. Từ thái độ thống trị, đè nén, lèo lái, bước đến thái độ đón tiếp, chấp nhận, chăm sóc. Đó là hai thái độ, hai cách thức đối đầu với cuộc sống, sứ vụ.

 

Đức Thánh Cha Phan-xi-cô còn nhấn mạnh rằng: “Giáo Hội là người mẹ có tấm lòng cởi mở tiếp đón, nhất là những người đang rất cần được chăm sóc, những người ở trong tình trạng khó khăn nhất. Giáo Hội là ngôi nhà tiếp đón. Chúng ta có thể làm việc tốt nếu chúng ta khích lệ nhau học ngôn ngữ hiếu khách, đón tiếp! Bao nhiêu vết thương, bao nhiêu tuyệt vọng có thể chữa trị tại nơi mà người ta cảm thấy mình được đón nhận.

 

Hiếu khách đối với người đói khát, người ngoại quốc, kẻ trần trụi, người đau yếu và tù đày, với người phong cùi, bất toại. Hiếu khách đối với những người không cùng chính kiến như chúng ta, những người vô thần. Hiếu khách với người bị bắt bớ, những người thất nghiệp. Hiếu khách với những nền văn hóa khác.. và hiếu khách ngay với người tội lỗi”.

 

Nhìn thấy bộ dạng của Ngài khá mệt mỏi trong thánh lễ vì những ngày qua lịch trình viếng thăm dày đặt vì tổ chức, phong trào nào cũng muốn Ngài viếng thăm để khích lệ tinh thần nhưng Ngài vẫn luôn giữ nét mặt bình thản, nhân từ của một người Cha trong mọi cử chỉ và hành động.

 

Từ trên khán đài đồng tế nhìn xuống, chúng tôi thấy một rừng người tham dự trong trật tự và thỉnh thoảng những tràng pháo tay thật lớn vang lên khi những lời của Đức Thánh Cha chạm đến tấm lòng của họ. Báo chí nói rằng thánh lễ hôm ấy có trên 1,5 triệu người tham dự.

 

Có thể nói rằng sức hút của Đức Thánh Cha thật là lớn vì từ già đến giới trẻ ở khắp mọi miền trong đất nước và các quốc gia lân cận như Argentina (quê hương của Đức Thánh Cha) và Brazil đã lội gió, lội mưa đến được diện kiến Ngài dù chỉ thoáng qua. Các bạn trẻ trong nhóm phục vụ đã ngày đêm tập luyện để chuẩn bị cho việc tiếp đón Ngài cách long trọng. Bàn thờ lộ thiên nơi Ngài cử hành Thánh Lễ Chúa Nhật do nghệ nhân Koki (là cựu học sinh của trường Dòng Ngôi Lời chúng tôi ở Itapua) là một hiện thực hóa Thông Điệp mới nhất của Đức Thánh Cha về môi sinh thật hòa điệu với chuyến thăm lịch sử này. Bao nhiêu mong đợi, hi sinh, chuẩn bị cho chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha đã được đền đáp thật cân xứng trước khi Ngài rời Paraguay hôm tối Chúa Nhật, Ngài đã bỏ tất cả các tiền lệ để nhập cuộc hoàn toàn với giới trẻ Paraguay tại Costanera bên Dòng sông Paraguay để nghe tâm tư các giới trẻ mà Ngài luôn yêu mến và quan tâm và lời cuối cùng của Ngài luôn là: “Các con hãy luôn nhớ cầu nguyện cho Cha và Cha sẽ luôn nhớ cầu nguyện cho các con”.

 

Tạm biệt Đức Thánh Cha Phan-xi-cô. Ba ngày viếng thăm ngắn ngủi của Ngài thật ngắn ngủi và theo dự báo thời tiết ở đây thì trời sẽ bão suốt tuần nhưng đã không xảy ra vì Chúa đã làm phép lạ nên trời khô ráo, đẹp đẽ để con cái Ngài tụ họp quanh người mà Chúa đã tuyển chọn để hướng dẫn dân Người. Đức Thánh Cha đã để lại cho chúng con, nhất là bản thân con những kỷ niệm khó quên lần này mặc dù Paraguay không phải là nơi chôn nhau, cắt rốn của con nhưng là quê hương thứ hai của con vì con đã tự gắn bó với quốc gia này từ ngày con đặt chân truyền giáo nơi đây. Ước mơ duy nhất của con là một ngày nào đó Ngài cũng đặt chân trên Đất Mẹ Việt Nam của chúng con để Ngài tận mắt chứng kiến đức tin của người dân Việt và cũng để người Công Giáo Việt Nam chúng con tỏ lòng hiếu thảo với Ngài như vị Sứ Giả của Chúa. Con cảm thấy vinh dự được một lần đồng tế với Ngài và hiểu được trọn vẹn những gì Ngài chia sẻ và được nhận phép lành trực tiếp từ Ngài. Xin chúc Ngài nghỉ ngơi để lấy lại sức lực thể lý cũng như tinh thần trong những ngày Tông Du khá mệt với nhiều hoạt động dày đặc. Con sẽ cầu nguyện cho Ngài và xin Ngài tiếp tục cầu nguyện cho chúng con.

 

LM. Trần Xuân Sang ,SVD

Paraguay, ngày 13 tháng 7 năm 2015