Đây là một cuộc chiến giành thắng lợi của các nhóm tôn giáo thiểu số ở Pakistan nhờ kiên quyết đấu tranh. Hôm thứ Năm 24-11 vừa qua, tỉnh Sindh ở Đông Nam Pakistan đã bỏ phiếu chấp thuận một đạo luật quy định hành vi cưỡng bức cải đạo sẽ bị phạt tù chung thân.
Văn bản này đã được cơ quan lập pháp của Tỉnh đồng thuận thông qua, cấm các trẻ vị thành niên cải đạo, và quy định phải có thời gian 21 ngày trước khi ghi danh cải đạo, để người muốn cải đạo có thời gian suy nghĩ.
Hành vi cưỡng bức cải đạo là tội hình sự
Luật này nói rằng “cần phải coi hành vi cưỡng bức cải đạo là một tội hình sự và phải bảo vệ những người là nạn nhân của thực hành đê hèn này”. Vấn đề này ảnh hưởng đến các cộng đồng tôn giáo thiểu số vốn thường bị ngược đãi ở Pakistan là một quốc gia Cộng hòa Hồi giáo bảo thủ.
Tại tỉnh Sindh, các cô gái trẻ theo Ấn giáo bị tách khỏi gia đình của họ, một số trước khi được 18 tuổi, để cải đạo và kết hôn với người Hồi giáo. Theo Phong trào Đoàn kết và Hoà bình, điều này ảnh hưởng đến hàng trăm người mỗi năm.
Tác giả của đạo luật, đại biểu Quốc hội Nand Kumar Goklani, một tín đồ Ấn giáo, bày tỏ nỗi vui mừng: “Đây là một đạo luật lịch sử. Đạo luật này chấm dứt một vấn đề đối với nhóm thiểu số Ấn giáo, nay sẽ thấy mình được bảo vệ hơn”.
Thiểu số bị đàn áp
Là quốc gia có đa số người theo Hồi giáo Sunni, Pakistan cũng có nhiều tôn giáo thiểu số khác. Trong số 200 triệu dân, có khoảng 75% người Hồi giáo Sunni, 20% người Hồi giáo Shia, 5% dân số còn lại bao gồm các tín đồ Ấn giáo, Kitô giáo, Sikh, Ismaili, và Ahmadi, một nhánh của Hồi giáo không được chính quyền ở Islamabad công nhận.
Người Hồi giáo Shia, các Kitô hữu và tín đồ Ahmadis là những nạn nhân đầu tiên của các cuộc tấn công của các nhóm Hồi giáo cực đoan có mặt khắp nơi ở Pakistan, các nhóm thiểu số khác cũng không thoát khỏi nạn kỳ thị và hôn nhân ép buộc.
Minh Đức
(La Croix)