Như thế, ngày lễ Chúa Giêsu giáng sinh năm nay ở Pakistan đã thực sự nhuốm màu tang tóc bi thương. Chỉ có đức Tin mới có thể giúp người tín hữu tránh khỏi tuyệt vọng và nhận ra bàn tay của Thiên Chúa Quan Phòng trên cuộc đời mình. Một cuộc đánh bom tự sát, do tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng nhận trách nhiệm, đã nhắm vào một nhà thờ của Hội thánh Tin Lành Methodist ở thành phố Quetta, tỉnh Beluchistan, Pakistan, làm 13 người thiệt mạng và 60 người khác bị thương. Bốn kẻ tấn công đã đột nhập vào nhà thờ, khi ấy có hơn 400 tín hữu đang cử hành phụng vụ Chúa nhật. Những kẻ khủng bố mang áo gài bom và trang bị vũ khí đến tận răng. Một kẻ nổ tung, một tên khác bị các nhân viên an ninh bắn hạ và hai kẻ trốn thoát.
Đức Tổng giám mục Joseph Arshad, mới được bổ nhiệm làm giám mục giáo phận Islamabad, nhận định rằng “những vụ thảm sát này đang gia tăng ở Pakistan. Chúng ta hãy cầu nguyện với Chúa Giêsu Kitô Chúa chúng ta, xin Người ban cho chúng ta sức mạnh, trí tuệ, lòng khoan dung và bình an. Xin Chúa ban sức mạnh cho gia đình của các nạn nhân đang đau khổ vì mất người thân. Cuộc tấn công này xảy ra đang khi người Công giáo sống Năm Thánh Thể, là năm giúp các tín hữu đối mặt với những thử thách khó khăn và sống đức Tin với tinh thần Thánh Thể, nghĩa là cho đi chính mình vô điều kiện, đến hy sinh cả mạng sống”.
Cha James Channan, dòng Đa Minh, giám đốc Trung tâm Hòa bình ở Lahore, một trung tâm thúc đẩy đối thoại liên tôn, nói rằng: “Đây là một cuộc tấn công đánh vào giữa cộng đồng Kitô hữu vì họ đang chuẩn bị mừng lễ Giáng sinh. Đó là một cuộc tấn công muốn phá hủy sự chung sống và nỗ lực của rất nhiều người, ở mọi cấp, đang dấn thân hằng ngày để xây dựng một đất nước tốt đẹp hơn. Tất cả những người thuộc mọi cộng đồng tôn giáo đang cổ võ hòa bình, hòa hợp xã hội và sống chung hoà bình đều mạnh mẽ đồng thanh lên án cuộc tấn công này. Chủ nghĩa khủng bố cứ tấn công, nhưng chúng tôi tin tưởng vào các lực lượng lành mạnh của đất nước: các tổ chức chính phủ, xã hội dân sự, các nhà lãnh đạo tôn giáo có thiện chí”. Và cha nói thêm rằng, “Chúng tôi sẽ nhớ đến những nạn nhân trong cuộc gặp gỡ liên tôn trước lễ Giáng sinh vào ngày 21 tháng Mười Hai sắp tới tại Trung tâm Hòa bình của chúng tôi. Chính phủ thường tổ chức các cuộc gặp gỡ để mừng lễ Giáng sinh và chúc mừng các nhà lãnh đạo Kitô giáo. Năm nay, tất cả các cử hành đều bị hoen ố bởi vụ bạo lực vô ích và phá hoại này: phải cấp bách bảo vệ các nhóm thiểu số để bảo vệ sự đa nguyên trong nước”, cha Channan nói.
Chỉ trước đó vài ngày, Bộ trưởng Bộ Nhân quyền và Dân tộc ít người của bang Punjab, ông Khalil Tahir Sandhu –người Công giáo–, đã kêu gọi các cơ quan cảnh sát cả nước “bảo đảm an ninh tại tất cả các nhà thờ trong dịp Lễ Giáng sinh” để “các cộng đồng Kitô hữu có thể hân hoan cử hành sự kiện trung tâm này của niềm tin của họ”. Bộ trưởng đã phải kêu gọi điều này, vì các Kitô hữu Pakistan (gồm khoảng 4 triệu người trong tổng số dân gần 200 triệu) vẫn chưa quên được những biến cố đau thương trong những năm trước: vụ tấn công do hai kẻ đánh bom liều chết thực hiện tại nhà thờ Anh giáo Peshawar vào tháng Chín 2013 (hơn một trăm người chết); và cuộc tấn công tự sát nhắm vào hai nhà thờ ở Lahore, một nhà thờ Công giáo và một nhà thờ Anh giáo, vào tháng Ba 2015. Họ cũng không quên “vụ thảm sát Phục Sinh” vào năm 2016, khi một quả bom phát nổ trong một công viên, nơi các Kitô hữu đang hân hoan mừng lễ Chúa Kitô phục sinh, sau Thánh lễ Chúa nhật.
“Chủ nghĩa khủng bố trở nên ác liệt hơn trong những ngày lễ tôn giáo với ý tưởng tàn sát những người vô tội. Thật là khủng khiếp và vô nhân đạo”, đó là nhận định của Shafaat Rasol, một nhà truyền giáo nổi tiếng của phái Hồi giáo Sufi, người lãnh đạo quận Hồi giáo Markiz Bilal ở Lahore, gồm có một thánh đường Hồi giáo, một madrasa và một trung tâm văn hóa. Ông nói, “đây là một hành động đáng ghê tởm, huỷ hoại sự sống con người và xúc phạm danh Thiên Chúa. Chúng tôi hết sức gần gũi với anh chị em Kitô giáo của chúng tôi hôm nay, trong lúc đau thương này. Chúng tôi sẽ hiệp nhất trong tình liên đới và lời cầu nguyện. Những sự kiện này càng cho chúng ta thêm sức mạnh và sẵn sàng thúc đẩy đối thoại liên tôn để xây dựng một não trạng và một nền văn hoá hòa bình trong xã hội, bắt đầu từ những người trẻ. Tất cả chúng tôi thấy mình càng được kêu gọi phải cổ võ các giá trị của sự tôn trọng sâu xa niềm tin của người khác, tôn trọng phẩm giá của mỗi người và đón nhận người khác. Con đường hoà bình và cùng tồn tại đầy những trở ngại và có những thế lực cản lối; nhưng chính vì thế mà người Hồi giáo và người Kitô giáo chúng ta phải luôn giữ vững tình đoàn kết, cùng với tất cả những người thiện chí”.
Lễ Giáng sinh là ngày lễ rất ấn tượng đối với các Kitô hữu Pakistan. Trong tất cả các thành phố lớn và những nơi có nhiều khu định cư với đa số người Kitô hữu, các cộng đồng tín hữu trang trí và chiếu sáng nhà thờ, nhà ở và các đường phố. Các nhà thờ Kitô giáo – ở Pakistan có 5 hệ phái Kitô giáo chính – tổ chức các tuần chín ngày, trình diễn hoạt cảnh Giáng Sinh, hát thánh ca Giáng sinh truyền thống, gặp gỡ liên tôn. Họ cũng không quên thực hiện các nghĩa cử bác ái, chẳng hạn như giúp đỡ trẻ mồ côi và các góa phụ của mọi tôn giáo.
Có một sự trùng hợp kỳ lạ: đó là ngày 25 tháng Mười Hai là ngày lễ nghỉ ở Pakistan, không phải vì là lễ của Kitô giáo (các ngày lễ Kitô giáo không phải là lễ dân sự) mà vì đó là ngày sinh của Muhammed Ali Jinnah, lãnh tụ vĩ đại, người khai sinh quốc gia Pakistan.
Vì thế, các biện pháp an ninh được tăng cường trong những dịp này, chính vì sợ các cuộc tấn công khủng bố. Từ năm 2001, chính phủ đã yêu cầu các nhà thờ ở Pakistan dùng chi phí riêng để trang bị tường rào chung quanh, camera giám sát, các trạm kiểm soát và các dịch vụ an ninh. Vào các ngày lễ đặc biệt, chẳng hạn như Lễ Giáng sinh và Lễ Phục sinh, cảnh sát cũng sẵn sàng tăng cường an ninh. Những tin tức gần đây về chiến dịch tuyên truyền và tuyển dụng do tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo phát động ở Lahore, với các tờ rơi trên đường phố, đã gây ra nhiều lo lắng, đặc biệt là trong các cộng đồng tôn giáo thiểu số.
(Nguồn: WHĐ – Theo Vatican Insider)