Nước Trời và Sự Sống (23.9.2015 – Thứ tư, sau Chúa Nhật XXV Thường Niên)

Nước Trời và Sự Sống
(Lc 6, 1-9)

 

1 Đức Giê-su tập họp Nhóm Mười Hai lại, ban cho các ông năng lực và quyền phép để trừ mọi thứ quỷ và chữa các bệnh tật.

2 Người sai các ông đi rao giảng Nước Thiên Chúa và chữa lành bệnh nhân.3 Người nói: “Anh em đừng mang gì đi đường, đừng mang gậy, bao bị, lương thực, tiền bạc, cũng đừng có hai áo.4 Khi anh em vào bất cứ nhà nào, thì ở lại đó và cũng từ đó mà ra đi.5 Hễ người ta không đón tiếp anh em, thì khi ra khỏi thành, anh em hãy giũ bụi chân để tỏ ý phản đối họ.”

6 Các ông ra đi, rảo qua các làng mạc loan báo Tin Mừng và chữa bệnh khắp nơi.

(Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch CGKPV)

Đức Giê-su tập họp Nhóm Mười Hai lại để sai các ông đi rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa và việc rao giảng này luôn đi đôi với việc phục vụ cho sự sống: “Người sai các ông đi rao giảng Nước Thiên Chúa và chữa lành bệnh nhân”; và “các ông ra đi, rảo qua các làng mạc loan báo Tin Mừng và chữa bệnh khắp nơi”.

 

  1. Ơn huệ sự sống

Các môn đệ được mời gọi phục vụ cho sự sống, theo lời kể của thánh Mát-thêu, trong tâm tình nhưng không : « Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy » (Mt 10, 8). Và không ở đâu sự nhưng không được thể hiện cách tuyệt đối, như ở ơn huệ sự sống. Như thế, Nước Trời gắn liền với sứ mạng phục vụ cho sự sống cách nhưng không. Bởi vì Nước Trời là Nước của Sự Sống, của Thiên Chúa Hằng Sống, và Thiên Chúa là nhưng không.

Thiên Chúa là nhưng không, bởi vì Ngài tạo dựng nên muôn loài muôn vật và tạo dựng nên chính loài người chúng ta, khi chúng ta chưa làm được gì, chưa lập công được gì. Giống như cha mẹ trước khi sinh con, cha mẹ đã cho rất nhiều và còn muốn cho hơn cả cái mình có, hơn nữa, còn tha thứ và bao dung trước, nếu chẳng may đứa con có ra nông nỗi gì. Trong đời dâng hiến, Chúa gọi chúng ta đi theo Ngài trong một Hội Dòng, khi chúng ta chưa làm được gì cho Chúa và cho Hội Dòng. Trong đời hôn nhân, Chúa ban tặng cuộc đời người này cho người kia, khi mà cả hai chưa làm được gì cho nhau. Lãng quên điều này, chúng ta không thể sống hạnh phúc và không có động lực để sống đến cùng ơn gọi của mình ; và nhất là không để cho Nước Trời trị đến trong ngay tâm hồn chúng ta và ở giữa gia đình, giữa cộng đoàn của chúng ta.

Vì thế, khi đọc lại đời mình, chúng ta được mời gọi nhận ra tình yêu nhưng không của Thiên Chúa ban cho chúng ta, nhưng không trong ơn huệ sự sống và cũng nhưng không trong ơn tha thứ. Và ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm này : sự sống đích thật, chỉ có thể sinh ra và lớn lên được trong sự nhưng không mà thôi. Cuộc sống của chúng ta, nhất là trong cộng đoàn ở mọi cấp độ, trong Giáo Hội và ngay cả trong một xã hội, nếu không có sự nhưng không, sẽ bị bóp nghẹt. « Nhưng không » thì ngược với « sòng phẳng ». Nếu Thiên Chúa là « sòng phẳng », thì không có sự sống, và nếu có, sự sống cũng không thể được duy trì ; giữa chúng ta cũng vậy, nếu chỉ là sòng phẳng, sẽ không có chúng ta trên đời, và nếu có, con người sẽ loại trừ nhau và cuộc sống sẽ trở nên gánh nặng không thể chịu nổi ; và nếu chúng ta sống sòng phẳng với nhau, chúng ta sẽ không có ngày hôm nay ở gia đình này hay ở cộng đoàn này.

 

  1. Sứ mạng phục vụ cho cho sự sống

Chúng ta đón nhận sự sống, sự sống trên đời và sự sống trong ơn gọi (tu trì, gia đình) nhưng không chúng ta được mời gọi cũng trao ban nhưng không, bằng cách phục vụ nhưng không cho sự sống : sự sống thể lí, bằng cách quan tâm đến những người nghèo hèn, những người bệnh tật, và sự sống nhân linh, vì con người sống không nguyên bởi không khí (nghĩa là nhu cầu), nhưng còn bầu khí (nghĩa là tương quan). Ma quỉ thường tấn công vào mối tương quan giữa chúng ta với nhau, để làm ô nhiễm bầu khí cộng đồng, cộng đoàn và gia đình, bằng cách gieo rắc thái độ vô ơn, nghi ngờ, ghen tị, ham muốn, bạo lực dưới nhiều hình thức khiến chúng ta hiểu lệch lạc, mù lòa, câm điếc, tê liệt đối với nhau và đối với Chúa. Đó thật sự những bệnh tật, gây hậu quả nghiêm trọng hơn là những căn bệnh thể lí, và chỉ có thể được chữa lành bởi chính Chúa và những năng lực đến từ chính Chúa.

Để phục vụ cho sự sống của người khác, Đức Giê-su đã ban cho các tông đồ « năng lực và quyền phép » đặc biệt nhằm trừ quỉ và chữa bệnh. Thế hệ dầu tiên đã được ơn đặc biệt như thế, để khai sinh ra Giáo Hội. Ngày hôm nay, Đức Giê-su vẫn mời gọi chúng ta thi hành cùng một sứ mạng phục vụ cho sự sống, nhưng dưới những hình thức khác, tuy không ngoạn mục, nhưng sâu xa và bền vững hơn, bởi vì đó là « năng lực và quyền phép » của tình yêu và lòng thương xót Chúa, dành cho mỗi mỗi người chúng ta.

  • Đó là ơn nhận định thần loại, nghĩa là phân biệt và nhận ra cách hành động của Chúa và các hành động của Sự Dữ, dưới ánh sáng của Lời Chúa, và nhất là ngôi vị của Đức Ki-tô trong mầu nhiệm Vượt Qua.
  • Đó là sứ mạng thông truyền đức tin và kinh nghiệm sống đức tin, cho dù có rất nhiều khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa… (kinh nghiệm của các nhà truyền giáo)
  • Đó là chiến thắng sự dữ và bạo lực không phải bằng những phương tiện của sự dữ và bạo lực, nhưng bằng sự hiền lành, bằng tâm tình tạ ơn và ca tụng, theo khuôn mẫu của mầu nhiệm Thập Giá Đức Ki-tô ; như lời Tv 8 loan báo : « Chúa cho miệng con thơ trẻ nhỏ, cất tiếng ngợi khen đối lại địch thù, khiến kẻ thù quân nghịch phải tiêu tan ».
  • Đó là sự hiện diện, quan tâm chăm sóc bệnh nhân, là điều không thể thiếu bên cạnh các biện pháp chữa trị y khoa, và sẽ là điều còn lại sau cùng giúp người bệnh tín thác vào tình yêu Thiên Chúa ngay trong thử thách bệnh tật và sự chết.

Nhưng trên hết là, chúng ta được mời gọi thi hành sứ mạng « nhân danh Đức Ki-tô », chúng ta chỉ là tôi tớ, là nữ tì ; và vì thế, phải để cho Chúa hành động.

  1. “Anh em đừng mang gì đi đường”!

Chính vì thế, khi sai các môn đệ đi rao giảng, Đức Giê-su căn dặn rất chi tiết và triệt để, chi tiết và triệt để đến độ không thể thực hiện được: “Anh em đừng mang gì đi đường, đừng mang gậy, bao bị, lương thực, tiền bạc, cũng đừng có hai áo”. Bởi vì, nếu chúng ta làm theo y như lời dặn này của Đức Giê-su, chúng ta không thể rao giảng được mấy ngày, thậm chí đi tĩnh tâm cũng không được ! Tuy nhiên, nếu chúng ta không sống theo lời của Đức Giê-su, thì chúng ta sẽ giống như người xây nhà trên cát (Mt 7, 24-27), sẽ chẳng sinh hoa kết quả để tôn vinh Thiên Chúa (x. Ga 15, 5; 21, 3-6).

Đức Giê-su cố ý nói thật triệt để như thế, để một đàng chúng ta không thể biến lời của Ngài thành lề luật, hiểu theo chữ viết, đàng khác mặc khải cho chúng ta một năng động được thúc đẩy và lôi cuốn bởi Thần Khí. Bỡi lẽ, Lời Chúa là thần khí (x. 2Cr 3, 17). Những lời của Đức Giêsu không mô tả cho chúng ta những hành vi phải thực hiện, nhưng buộc phải tiến tới, nếu cần thiết, thật xa theo năng động mà lời của Ngài gợi ra. Lời dặn của Đức Giê-su muốn nhắc nhở chúng ta rằng, sứ vụ của chúng ta phải được thi hành dựa trên ơn ban nhưng không của Chúa, chứ không phải là dựa trên các phương tiện và tài năng của chúng ta ; và nếu có phần đóng góp của các phương tiện và tài năng, thì tất cả đều là ơn huệ Chúa ban cách nhưng không.

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc