Hỏi (chi tiết):
Lập trường Giáo hội ra sao trong việc sử dụng nữ giới giúp bàn thờ? Tất cả người giúp lễ có thể là người nữ không, hay tối thiểu phải có một người nam? Cha có cảm giác rằng việc dùng nữ giới giúp bàn thờ làm xao lãng việc xây dựng những ơn gọi giữa những người trẻ nam không?
… M.C.S.N., Catonsville, Maryland.
LM. Edward McNamara, giáo sư Phụng vụ tại Đại học Giáo hoàng Regina Apostolorum trả lời:
Ngoại trừ hai giáo phận, nữ giới giúp lễ được phép trong tất cả các Giáo phận Hoa Kỳ. Nữ giới cũng thường thấy giúp lễ trong các quốc gia nói tiếng Anh, và tại Tây Âu. Các phần còn lại của thế giới thì bất thường, từ chỗ hoàn toàn vắng bóng người nữ giúp lễ cho tới các giáo phận thỉnh thoảng cho phép.
Đứng trên quan điểm của luật phụng vụ, một sự giải thích chính thức ở điều 230, số 2 Bộ Giáo luật về khả năng uỷ quyền thi hành một số nhiệm vụ phụng vụ, là nguyên nhân đưa tới bức thư vào năm 1994 do Bộ Bí tích và Phụng tự nói rõ rằng các em gái có thể giúp bàn thờ. Nhưng các giám mục không bắt buộc cho phép họ làm như vậy, Hội đồng Giám mục cũng không được phép hạn chế quyền quyết định của giám mục.
Một thư khác làm sáng tỏ được phổ biến vào năm 2001 nói rằng các linh mục không bị bắt buộc để các em gái giúp bàn thờ, dầu khi các giám mục cho phép.
Thư 1994 tuyên bố: “Luôn luôn rất thích hợp là theo truyền thống cao thượng dùng con trai giúp bàn thờ. Như được biết rõ, điều này dẫn tới việc bảo đảm phát triển các ơn gọi linh mục. Như vậy sự bắt buộc ủng hộ những nhóm trẻ nam giúp bàn thờ, luôn luôn tiếp tục”.
Thư cũng nhắn nhủ các giám mục cân nhắc “cùng với những sự khác, những tính nhạy cảm của tín hữu, những lý do thúc đẩy sự ban phép như thế và những khung cảnh phụng vụ khác nhau và những cộng đồng tập họp tham dự Thánh lễ”.
Do đó Toà thánh khuyên giữ lại bao lâu có thể được, để tập quán chỉ dùng con trai giúp lễ. Nhưng Toà thánh để cho giám mục sự lựa chọn ban phép những người nữ và các em gái vì một lý do chính đáng, và để cho vị mục tử mỗi giáo xứ quyết định có nên hành động theo phép giám mục hay không.
Điều quan trọng là đừng tập trung sự tranh cãi này bằng cách sử dụng những phạm trù chính trị như những quyền, sự bình đẳng, sự kỳ thị, v.v…, chỉ giúp làm rối thêm vấn đề. Chúng ta đang nói về đặc ân sử dụng trong một hành vi thờ phượng mà không ai có quyền hành gì.
Vấn đề phải được qui chiếu về điều gì tốt nhất cho lợi ích các linh hồn trong mỗi giáo phận và giáo xứ. Như vậy đó là một quyết định mục vụ nổi bật chớ không phải hành chánh, và đó là lý do tại sao nó phải được minh định trên cấp bậc địa phương.
Giữa những yếu tố mục vụ phải cân nhắc, có sự kiện rõ ràng mà thường bị quên là con trai con gái khác biệt nhau và cần những phương thức động lực và đào tạo khác nhau.
Sự khác biệt có nghĩa là cả con trai lẫn con gái thường qua một giai đoạn khi chúng có khuynh hướng tránh những sinh hoạt chung.
Những bé trai đặc biệt rất thích những sinh hoạt nào phục vụ mình cách riêng, và chúng có xu hướng tẩy chay sự chia sẻ các sinh hoạt với con gái.
Chúng cũng hay có một nhu cầu nhiều hơn đối với những sinh hoạt cơ cấu hơn con gái, thường trưởng thành hơn và trách nhiệm hơn trong giai đoạn sống này.
Kết quả là tại một số giáo xứ, nhận thấy rằng đưa những con gái vào giúp lễ, sẽ mau làm cho các con trai giúp lễ giảm túc số. Một khi con trai thôi giúp lễ và tới tuổi dậy thì khó mà lôi kéo chúng trở lại.
Một số cha xứ nói hiện tượng này ít thấy xảy ra khi việc giúp lễ nằm trong phạm vi của cấu trúc Công giáo rộng lớn hơn, như trường học, hay là khi các anh chị em ruột cùng chung giúp lễ.
Các nhóm giúp lễ con trai đã nuôi những ơn gọi làm linh mục cũng được coi là đúng. Nhưng thật sự công tâm mà nói, đối với một ơn gọi điều này thường xảy ra bên trong một văn hóa cởi mở rộng lớn hơn, trong đó có nhiều yếu tố khác nhau nhập cuộc như gương sáng và sự hướng dẫn thiêng liêng nhờ các linh mục tốt lành, và sự ủng hộ của gia đình.
Ví dụ nếu một chương trình dài hạn cho các em trai giúp lễ đã được chứng minh có hiệu quả trong việc cổ động các ơn gọi, và hữu ích trong việc giúp các em trai xa lánh bạn bè xấu và giữ được tình trạng ân sủng, bấy giờ vì lợi ích các linh hồn, bắt buộc các mục tử phải thận trọng cân nhắc những nguy cơ về thiêng liêng nếu bỏ chương trình đó.
Nếu chỉ để tránh gây ấn tượng cho cộng đồng là đạo Công giáo là một sinh hoạt cho nữ giới, thì khi các em gái muốn giúp lễ, có lẽ tốt nhất là sắp xếp chung giữa trai và gái. Dầu sao trong một số trường hợp chia con trai con gái ra những toán khác nhau có thể coi là tốt nhất.
Rất khó mà đặt ra những luật chính xác trong một vấn đề như trên, bởi vì hoàn cảnh có thể thay đổi rất nhiều tùy theo các giáo xứ. Và ai cũng biết có những khác biệt riêng biệt giữa các tín hữu tham dự những Thánh lễ khác nhau trong cùng một giáo xứ.