Những Thừa sai của người nghèo

Hơn 40 năm hiện diện tại Việt Nam, dòng Thừa Sai Bác Ái Chúa Kitô như cánh tay nối dài của Mẹ Têrêsa Calcutta, tiếp tục sứ mạng phục vụ những người nghèo nhất trong số người nghèo.

THEO BƯỚC CHÂN MẸ TÊRÊSA

Bề trên hội dòng, nữ tu Maria Phanxicô Xaviê Hà Thị Thanh Tịnh chia sẻ, người nghèo luôn là một phần của thế giới nhưng thường bị quên lãng. Hơn 40 năm tiếp nối sứ mạng của Mẹ Têrêsa phục vụ những anh chị em khốn khó, với các nữ tu Thừa Sai Bác Ái Chúa Kitô, tình yêu thương luôn là phương thuốc hữu hiệu nhất để xoa dịu nỗi thống khổ của người bất hạnh.

Năm 1973, vì yêu mến linh đạo dòng Thừa Sai Bác Ái của Mẹ Têrêsa, Ðức cố Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình đã viết thư xin Mẹ gởi các tu sĩ sang phục vụ người nghèo khổ tại Sài Gòn. Ðáp lại, Mẹ gởi 7 tu sĩ thuộc ngành nam Thừa Sai Bác Ái đến Việt Nam thi hành sứ vụ. Ðến năm 1979, Ðức Tổng Phaolô đã giới thiệu và cho phép nhóm nữ tu do chị Maria Phanxicô Xaviê Hà Thị Thanh Tịnh phụ trách được hình thành với tên Thừa Sai Bác Ái và sống theo linh đạo dòng của Mẹ Têrêsa Calcutta.

Sau khi thành lập, các chị tham gia hoạt động bác ái từ thiện tại trạm y tế như châm cứu, khám chữa bệnh, phát thuốc miễn phí cho bệnh nhân nghèo, lo cơm cháo và an ủi động viên tinh thần của họ, dạy giáo lý, đem Mình Thánh Chúa cho những bệnh nhân ốm đau bệnh tật. Ban ngày các nữ tu lo công tác bác ái, tối lại nhận đồ về may, dệt chiếu để kiếm thêm tiền lo cho những mảnh đời kém may mắn.

Vui mừng đón Mẹ Têrêsa sang thăm cộng đoàn – ảnh tư liệuNăm lần sang thăm Việt Nam (từ năm 1991 – 1993), Mẹ Têrêsa đã ân cần hỏi thăm và chia sẻ cho các chị em về linh đạo, hiến luật của hội dòng. Tại đây, cùng với các nữ tu của mình, Mẹ bắt tay vào công việc phục vụ người nghèo và hướng dẫn cho các chị em cùng hoạt động. Năm 1996, Ðức cha Nicôla Huỳnh Văn Nghi – Giám quản Tông tòa TGP.TPHCM đã phê chuẩn công nhận hội dòng của các chị là dòng thuộc giáo phận với tên gọi mới là Dòng Thừa Sai Bác Ái Chúa Kitô, sống theo linh đạo của hội dòng Thừa Sai Bác Ái do Mẹ Têrêsa Calcutta sáng lập.

PHỤC VỤ CỘNG ÐỒNG “3 KHÔNG”

Luôn theo sát linh đạo của Mẹ Têrêsa trong việc phục vụ người nghèo nhất trong những người nghèo, đối tượng mà các nữ tu Thừa Sai Bác Ái Chúa Kitô cưu mang là người già neo đơn bị bỏ rơi, các em cô nhi, những cô gái lỡ lầm, người nhiễm H.

Tiếp quản nhà tình thương từ cha Phaolô Nguyễn Văn Khi – người thành lập nhà dưỡng lão Tân Thông, huyện Củ Chi – TPHCM, các chị đã hết lòng chăm sóc, phụng dưỡng cho khoảng 65 cụ già nơi đây. Mỗi người có một hoàn cảnh, một xuất thân khác nhau nhưng đều có chung 3 không : “không nhà cửa, không con cái, không tài sản”. Những công việc tuy nhỏ bé nhưng đòi hỏi phải làm với sự hy sinh và tình yêu to lớn, như một nữ tu phục vụ tại đây chia sẻ: “Trước những mảnh đời già cả bị bỏ rơi, quên lãng ngoài phố, ai cũng dễ mủi lòng xót thương, nhưng để nuôi nấng phục vụ họ không phải đơn giản. Cái ăn cái mặc bù đắp thì dễ nhưng để bù đắp tình yêu thương, tôn vinh nhân phẩm của họ mới khó”.

Dòng Thừa Sai Bác Ái Chúa Kitô khởi đầu là một cộng đoàn nhỏ tại số 428 Huỳnh Văn Bánh (Phú Nhuận -TP.HCM). Từ đó đến nay, hội dòng phát triển nhanh chóng với 117 nữ tu và mở rộng hoạt động tại các giáo phận Bà Rịa, Mỹ Tho, Phú Cường, Phan Thiết, Xuân Lộc, Buôn Ma Thuột, Long Xuyên, TGP.TPHCM; ngoài ra còn có các cộng đoàn ở nước ngoài tại Pháp và Mỹ.

Bản tính con người hay gom và tích lũy cho mình. Cả một đời họ không có gì, kể cả tình cảm và lòng yêu thương, thì họ sẽ không dễ san sẻ. Vô mái ấm, sống trong một tập thể, những ngày đầu chưa quen, họ dễ co cụm lại, mỗi người giống như một ốc đảo, khó mà mở lòng ra với nhau cũng như khó đón nhận sự quan tâm của các nữ tu, chưa kể các cụ già lại hay trái tính trái nết, bệnh tật cần có sự quan tâm đặc biệt. Trong quá trình chăm sóc, đôi khi tâm trạng của các dì cũng thay đổi theo các cụ, cũng thường xuyên bị áp lực nhưng phải nhún nhường. Bằng sự kiên nhẫn và niềm xác tín vào Chúa, “Ngài đã ban cho mình một cách nhưng không thì mình cũng phải cho đi nhưng không”, các nữ tu tự nhủ với mình như thế và cố gắng phục vụ.

Các nữ tu chăm sóc trẻ sơ sinhChẳng ai có thể cứng lòng mãi với tình yêu thương vô vị lợi của các chị, dần dần các cụ chịu mở lòng ra với mọi người, lắng nghe và tham gia vào những hoạt động thường nhật ở mái ấm, rồi xem đây như chính gia đình của mình. Cụ Ðỗ Thị Kỳ, 86 tuổi tâm tình: “Tôi vô đây đã được 6 năm rồi, chồng mất trong chiến tranh, chẳng có con cái, người thân cũng không còn ai. Ngày mới đến ở thì còn khỏe, còn phụ giúp các dì được ít việc lặt vặt. Giờ chân bị đau, không đi được, mỗi lần đi phải bám vào ghế, được các dì chăm sóc tận tình, thuốc men đầy đủ, tôi vô cùng biết ơn”.Mái ấm được chia theo lô ABC tùy theo tình trạng sức khỏe của các cụ. Nhưng cũng có trường hợp đặc biệt, một chị khá trẻ bị bại liệt từ khi sinh ra vẫn được các dì nhận vào nuôi ba năm qua. Ðó là chị Trần Thị Ngọc Vang quê ở Bình Ðịnh. Tuy không nói được, tay chân bị teo và co quắp nhưng đầu chị rất sáng. Các sơ nói gì hoặc hướng dẫn gì, chị đều hiểu và làm theo, tắm xong biết lấy quần áo mặc, biết lấy khăn lau giường cho khô. Khi tôi đến hỏi thăm, rất tự nhiên, chị dụi đầu vào người tôi rồi lấy tấm hình của mẹ giấu trong gối ra khoe. Có lẽ tài sản duy nhất trong chiếc ví nhỏ giấu trong gối chính là tấm hình người mẹ đã mất của chị.

TÌNH MẸ CHO NGƯỜI LẦM LỠ

Không có giới hạn nào cho tình yêu thương, ngoài nâng đỡ người già, neo đơn, hơn 20 năm qua, các nữ tu bền bỉ cưu mang những cô gái lỡ lầm: Mái ấm Tình Mẹ (Gò Vấp) của dòng Thừa Sai Bác Ái Chúa Kitô đã được mở từ năm 1996 đến nay. Với phương châm : “Phò sự sống, chống phá thai”, họ đã tiếp nhận và bảo vệ sự sống cho hàng ngàn sinh mệnh. Các chị ra đường, tìm đến những ngõ ngách trên đường phố, bệnh viện với hy vọng tìm các bà mẹ trẻ và trao cho họ cơ hội làm lại cuộc đời. Luôn rộng cửa chào đón những phận đời cơ nhỡ, không phân biệt tuổi tác, tôn giáo, khi đến với Mái ấm Tình Mẹ, các cô gái được những nữ tu ở đây chăm sóc cả bốn phương diện: thể lý, tâm lý, tinh thần và hướng nghiệp.

Nuôi dưỡng trẻ cô nhi – ảnh: mcchrist.orgTrong hai thập niên qua, mái ấm đã là nơi trú ngụ của khoảng 3.000 cô gái lỡ lầm, đồng thời giành lấy sự sống cho hơn 3.000 thai nhi. Lẩn khuất trong một xã hội vội vã hôm nay là rất nhiều mảnh đời bị va vấp và thương tổn. Những tâm hồn đó vẫn rất cần được hàn gắn bằng tình yêu thương. Năm 2006, Mái ấm Tình Mẹ thứ 2 được ra đời ở Bình Dương. Hiện có hơn 10 nữ tu đang đồng hành và phục vụ cho gần 20 bà mẹ trẻ, cùng 20 cô nhi và 40 em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn.

Không giống như những cảnh nghèo khác, các em nhỏ côi cút còn quá bé để có thể tự mình tìm đến sự giúp đỡ từ người khác. Vì thế mà năm 1997, Mái ấm Hướng Dương (Gò Vấp) cũng đã được thành lập để đón nhận và nuôi dưỡng các cháu. Ở đây, các em được giáo dục về nhân bản, được cho đi học đầy đủ, tạo mọi điều kiện để phát triển toàn diện, trở thành người có ích sau này.

Ðược hỏi qua chặng đường gần nửa thế kỷ, bằng cách nào các nữ tu đã “phải lòng” người nghèo, nữ tu Maria Phanxicô Xaviê bình thản: “Ðơn giản chỉ bằng việc hiện diện, chăm sóc, cùng ăn, cùng sống và cầu nguyện với họ”. Ðây cũng chính là hình ảnh Mẹ Têrêsa Calcutta khi còn tại thế.

NGỌC LAN

Nguồn tin: Báo Công Giáo & Dân Tộc